Chuyên gia vạch trần Trung Quốc làm giả số liệu dân số để thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Tâm Thanh

(Ảnh: the Daleks/Wikimedia Commons)

Quốc gia đông dân nhất thế giới có phải là Trung Quốc hay không?

Tháng 1/2020, cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thông báo rằng, dân số của Trung Quốc đã vượt quá 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc làm giả dữ liệu dân số quy mô lớn, đặc biệt là hư cấu tỷ lệ nam nữ, hành động này dường như muốn che đậy một cuộc khủng hoảng dân số sắp xảy ra.

Hôm thứ Tư (9/9), nhà kinh tế học Ấn Độ Shailendra Raj Mehta đã viết một bài báo trên tờ India Express với tiêu đề “Trung Quốc đang thu hẹp” và phân tích rằng, trong những năm gần đây, quốc gia Trung Quốc ngoài việc làm giả dữ liệu dân số nghiêm trọng, báo cáo sai sự thật về dân số của nước mình để duy trì vị thế là “quốc gia đông dân nhất thế giới”, còn cố gắng che giấu tỷ lệ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng và lực lượng lao động suy giảm nhanh chóng. Ông Mehta dự đoán: Vấn đề dân số của Trung Quốc chắc chắn sẽ nổi lên trong vòng 10 năm tới. 

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối năm 2019, dân số Trung Quốc là 1,4 tỷ người với 715 triệu nam và 684 triệu nữ, tỷ lệ nam nữ là 104.5/100. Số người sinh là 14,65 triệu người, số người chết là 9,98 triệu người. Như vậy, dân số Trung Quốc đã tăng thêm 4,67 triệu người.

Ông Mehta viết: “Những con số này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế thì chúng chỉ là những con số ảo đẹp đẽ”.

Để chứng minh cho điều này, ông Mehta đã truy cứu tỷ số giới tính khi sinh (SRB) trong vòng 40 năm trở lại đây của Trung Quốc. Tỷ số giới tính khi sinh là một khái niệm quan trọng trong nhân khẩu học, được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên số trẻ em gái, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104-106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái.

Ông Mehta cho biết: “Năm 1982, SRB của Trung Quốc là 108, tức là cứ 100 bé gái sinh ra thì có 108 bé trai”. Hơn nữa, vì thực hiện chính sách một con nên việc lựa chọn giới tính càng trở nên rõ rệt. 

Ông Mehta nói rằng kể từ đó, SRB của Trung Quốc đã tăng dần và giữ ở mức cao trong nhiều năm. Riêng năm 2019, SRB đạt mức cao nhất là 121. 

Trong khoảng thời gian 35 năm, SRB của Trung Quốc dao động trong khoảng 110 đến 120, đây cũng là tỷ số giới tính khi sinh tệ nhất và chênh lệch nhất thế giới. “Trong khi tất cả các số liệu thống kê chính thức cùng thời kỳ về tỷ số giới tính khi sinh chỉ dao động ở mức sinh học bình thường là khoảng từ 104 đến 106”. Ví như năm 2019, con số này chỉ là 104.45.

Ông Mehta cho rằng có tồn tại một mâu thuẫn rõ ràng là không thể có một quốc gia nào mà tỷ lệ trẻ em trai nhiều hơn trẻ em gái từ 10% -20% trong suốt mấy chục năm, nhưng tỷ lệ chênh lệch giới tính dân số chỉ là 4,5%. Điều này cho thấy mức độ mất cân bằng tỷ lệ nam/nữ ở Trung Quốc vượt xa số liệu chính thức.

Ông Mehta cũng chỉ ra rằng, dữ liệu dân số của Trung Quốc rõ ràng là sai, điều này cho thấy ĐCSTQ cố tình làm giả số liệu về dân số để duy trì vị thế “quốc gia đông dân nhất thế giới”.

Ví dụ, trong số liệu Điều tra dân số Trung Quốc năm 2000 có 90,15 triệu người trong độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi. Nhưng 15 năm sau, độ tuổi của nhóm người này đáng lẽ phải là 20 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, trong dữ liệu năm 2015, số người trong nhóm này lại là 103.1 triệu người, theo đó dân số thuộc nhóm này không giảm do các ca tử vong thông thường mà  ngược lại tăng lên ít nhất 10 triệu người.

Ông Mehta cho biết: Theo dữ liệu mới nhất, số lượng người thuộc nhóm này đã tăng lên 113,8 triệu người. Điều này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc có thể đã khai khống số liệu bao gồm cả dân số ma (người đã chết) là 23,23 triệu người, trong đó 9,8 triệu người là nam và 13,35 triệu người nữ. 

Ông Mehta nói rằng, đây chỉ là một nhóm tuổi và ở các nhóm tuổi khác cũng xuất hiện tình trạng như vậy.

Số liệu chính thức tương tự cũng cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số.

Từ năm 2010 đến năm 2020, chính quyền ĐCSTQ đã liên tiếp thực hiện các chính sách sinh hai con (một kế hoạch trá hình cho phép người Trung Quốc sinh con thứ hai). Năm 2016 – năm đầu tiên sau khi thực hiện chính sách hai con toàn diện, trẻ em sơ sinh ở Trung Quốc đạt 17,86 triệu trẻ, đây là mức cao kỷ lục trong vòng 100 năm trở lại đây. Năm 2017, số trẻ sinh ra đạt 17,23 triệu trẻ.

Nhưng đến năm 2018, hiệu ứng này đã giảm đi đáng kể, số trẻ sinh ra chỉ còn 15,23 triệu bé. Năm 2019, dân số sinh là 14,65 triệu người, giảm 580.000 người so với năm 2018. Kể từ khi thực hiện chính sách hai con toàn diện, dân số sinh đã giảm ba năm liên tiếp. Từ góc độ tỷ lệ sinh, năm 2019 đạt 10,48  là mức thấp kỷ lục trong thế kỷ này.

Quan sát trong một giai đoạn dài hơn, trong vòng 20 năm trở lại đây đã có có tổng cộng 325,64 triệu người được sinh ra, trong khi từ năm 1980 đến năm 1999 đã có 423,9 triệu người chào đời. Tính theo cách này, số người được sinh ra trong 20 năm đầu thế kỷ này ít hơn 103,75 triệu người được sinh ra trong 20 năm cuối thế kỷ trước, tức là giảm khoảng một phần tư.

Thống kê cho thấy, vào năm 1980 có 17,76 triệu người sinh ra ở Trung Quốc, đây là năm duy nhất trong thập niên 80 có dân số sơ sinh ít hơn 20 triệu người. Đến năm 1987 thì con số này đạt mức cao nhất là 25,08 triệu người và dân số sinh vào năm 1988 đạt 24,45 triệu người. 

Sau năm 1988, có một xu hướng giảm chung. Đến năm 1998, dân số sinh giảm xuống còn 19,3335 triệu người, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1981 dân số sinh giảm xuống dưới 20 triệu người. Kể từ đó, dân số sinh hàng năm của Trung Quốc chưa bao giờ trở lại con số 20 triệu người. Vậy tại số người sinh ra trong 20 năm đầu thế kỷ này lại ít hơn so với 20 năm cuối thế kỷ trước được?

Ông Mehta bày tỏ: Tuy rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số nhưng vẫn tin rằng mình sẽ trở thành một cường quốc trên thế giới. Cùng lúc, Trung Quốc có khát vọng xâm chiếm Biển Đông và thể hiện vị thế quốc tế của mình với Hoa Kỳ và Ấn Độ. Họ cũng âm mưu xâm lược và chiếm đóng Đài Loan. Sự kết hợp giữa tính kiêu ngạo và sự hỗn loạn như vậy sẽ không kéo dài được lâu và cuối cùng sẽ phải kết thúc trong bi kịch.

Năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã công bố dữ liệu cho biết dân số Ấn Độ dự kiến ​​sẽ vượt qua Trung Quốc vào khoảng đầu năm 2027, trở thành quốc gia đông dân nhất trên thế giới và đạt tới đỉnh điểm vào năm năm 2060. Đối với Trung Quốc, ước tính đến năm 2100, dân số nước này sẽ giảm 375 triệu người.

Dân số thế giới và xếp hạng

Tháng 4 năm nay, theo một báo cáo của Netlab, Worldometer – một trang web tính toán dân số thế giới đồng quản lý bởi các học giả và tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới, ước tính dân số toàn thế giới hiện đã vượt quá 7.777.777.777 người (tính đến 3h30 sáng ngày 15/4). 

Worldometer là một máy đếm mô phỏng dân số hiện tại dựa trên ước tính từ dữ liệu chính thức của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới. Các số liệu của trang web này cũng đã được nhiều cơ quan chính phủ tin cậy và trích dẫn, trong đó bao gồm chính phủ Anh, tờ BBC của Anh và New York Times của Mỹ …

Theo báo cáo, dựa trên sự sắp xếp thứ tự của các quốc gia khác nhau về dân số thì hiện tại, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới (khoảng 1.439,32 triệu người), tiếp theo là Ấn Độ (khoảng 1,377,19 triệu người), Hoa Kỳ đứng thứ ba (khoảng 330,6 triệu người). Brazil thuộc khu vực các nước Mỹ Latinh là nước đông dân thứ sáu (khoảng 212,24 triệu người).

Nigeria thuộc khu vực các nước châu Phi là quốc gia đông dân thứ bảy (khoảng 205,06 triệu người). Nga thuộc khu vực các nước Châu Âu là quốc gia đông dân thứ 9 (khoảng 145,92 triệu người). Đức nằm trong số các nước EU đứng thứ 18 (khoảng 83,73 triệu người). Đài Loan – 1 trong 235 quốc gia và khu vực đứng thứ 57 (khoảng 23,81 triệu người).

Theo Secret ChinaNTDTV

(Nguồn thumbnail: the Daleks/Wikimedia Commons)

Related posts