Thất bại của chính sách ngoại giao Vaccine Trung Quốc

Trung Quốc chậm chân trong việc chế tạo vaccine

Các công ty dược phẩm Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để chứng minh rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 mà họ đang thử nghiệm là có tác dụng, sau khi dữ liệu sơ bộ về 3 loại vaccine do phương Tây bào chế cho thấy kết quả hứa hẹn.
Đầu tuần này, AstraZeneca và trường Đại học Oxford cho biết vaccine tiềm năng của họ có hiệu quả từ 62-90%, gia nhập hàng ngũ cùng 2 loại vaccine khác của phương Tây cũng đã cung cấp dữ liệu. Kết quả có thể cho phép Mỹ và các quốc gia khác cấp phép quản lý và lên kế hoạch phân phối tiêm chủng rộng rãi.

Trung Quốc từng dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 và đã khởi động các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hồi tháng 7/2020, gần như cùng lúc với các hãng bào chế vaccine của phương Tây là Pfizer và Moderna. Thế nhưng, dường như nỗ lực này của Bắc Kinh đang gặp phải trở ngại khi những câu hỏi về tính hiệu nghiệm và an toàn được đặt ra. Theo Nikkei Asia, 11 vaccine tiềm năng trên toàn thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, 4 trong số đó là của Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu ráo riết phát triển vắc-xin vào tháng 1/2020, chủ yếu thông qua Sinovac và tập đoàn Sinopharm khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước. Ngày 17/11, chuyên san y khoa The Lancet của Anh đăng một nghiên cứu về tính hiệu nghiệm của vaccine tiềm năng của Sinovac dựa trên các thử nghiệm lâm sàng ban đầu. Nghiên cứu nhận thấy vaccine của công ty này tạo ra mức độ kháng thể bảo vệ thấp hơn so với lượng kháng thể có ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục. Tính hiệu quả được xác định là vừa phải. Ngược lại, các vaccine tiềm năng từ các công ty Pfizer và Moderna đặt trụ sở tại Mỹ được xác định có hiệu quả hơn 90%, trong khi vắc-xin của công ty AstraZeneca ở Anh có mức độ hiệu quả tổng thể là 70%. 

Giám đốc cao cấp Meng Weining của Sinovac phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến ngày 20/11 rằng các thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac đang diễn ra suôn sẻ. Ông nói: “Có thể tháng sau chúng tôi sẽ có sẵn dữ liệu”. Nhật báo Phố Wall dẫn lời các chuyên gia y tế công cho biết lý do khiến Trung Quốc phải chờ đợi kết quả lâu hơn là vì các quốc gia, nơi các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm kiếm tình nguyện viên như Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Brazil – không chứng kiến COVID-19 lây lan nhanh như ở Mỹ, nơi thử nghiệm chủ chốt của các nhà sản xuất vaccine hàng đầu phương Tây. Các hãng phát triển vaccine của Trung Quốc phải ra nước ngoài để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vì COVID-19 hầu như đã được kiểm soát ở Trung Quốc từ hàng tháng qua. Các đối thủ phương Tây cũng đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài, dù họ đã tuyển mộ hàng chục nghìn tình nguyện viên ở Mỹ và Vương quốc Anh, nơi COVID-19 tác động nặng nề. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc không được tiếp cận những nơi như vậy trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây.
Pierre A. Morgon – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh quốc tế của CanSino Biologics, công ty đang hợp tác với quân đội Trung Quốc phát triển vaccine – cho biết các công ty như AstraZeneca và Pfizer có lợi thế hơn các công ty phát triển vaccine Trung Quốc trong việc thiết lập các thử nghiệm lâm sàng quốc tế, bởi vì họ có nhiều nhân viên giỏi chuyên môn hơn để tiến hành thử nghiệm cũng như các mối quan hệ với các cơ quan quản lý nước ngoài. Ông Morgon nói với Nhật báo Phố Wall rằng CanSino dự kiến sẽ cho kết quả tạm thời vào đầu năm sau và từ chối bình luận thêm.
Ba công ty của Trung Quốc là Sinovac, Sinopharm và CanSinoBio đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở ít nhất 13 quốc gia. Những quốc gia đó sẽ được ưu tiên hàng đầu nếu vaccine thành công. Tháng 9/2020, UAE đã tiến hành tiêm vaccine Trung Quốc cho các nhân viên y tế. Nhà chức trách Trung Quốc đã không chờ kết quả lâm sàng ở giai đoạn cuối để bắt đầu tiêm chủng ngoài các cuộc thử nghiệm. Họ tiêm vaccine của Sinopharm cho gần một triệu người Trung Quốc mà không có bằng chứng vững chắc về tính hiệu nghiệm của vaccine này, khiến các chuyên gia y tế công quốc tế lo ngại.

Các thử nghiệm giai đoạn cuối của Sinovac cũng đang được tiến hành ở Brazil. Các nhà nghiên cứu giúp tiến hành các thử nghiệm đó cho biết họ hiện có 74 trường hợp COVID-19 được xác nhận trong số những người tham gia, đủ để thực hiện một phân tích tạm thời, và rằng họ sẽ công bố kết quả sớm vào tháng 12 tới. Một phát ngôn viên của Sinovac cho biết thời gian để công bố thông tin phụ thuộc vào đội ngũ ở Brazil và “quy trình khoa học” chứ không phải “sự tự nguyện của con người”. Tuy nhiên, ít nhất một chính phủ nước ngoài đang hoãn việc phê chuẩn vaccine của Trung Quốc vì thiếu bằng chứng lâm sàng. Penny Lukito, người đứng đầu cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia, nói với các nhà lập pháp trong một phiên họp tuần trước rằng cơ quan của bà sẽ trì hoãn việc cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine của Sinovac cho đến cuối tháng 1/2021, thời điểm họ hi vọng sẽ có kết quả tạm thời từ các thử nghiệm đang diễn ra. Bà Lukito cho biết cơ quan của bà đã không thể lấy được dữ liệu lâm sàng từ Brazil. Các thử nghiệm lâm sàng của Sinovac ở Indonesia đã bắt đầu hồi tháng 8/2020, muộn hơn so với các thử nghiệm ở Brazil và kết quả tạm thời từ thử nghiệm ở Indonesia dự kiến sẽ được công bố vào khoảng tháng 1/2021.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đặt mua trước hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 của 6 hãng dược, nhưng trong số này không có tên một loại vaccine nào của Trung Quốc và Nga. Theo giải thích của Ủy ban châu Âu, Trung Quốc không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra là phải có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu. Stephan De Keersmaecker – phát ngôn viên về y tế công cộng, an toàn thực phẩm và giao thông của Ủy ban châu Âu – nhắc lại bài học khẩu trang là một ví dụ điển hình. Khi dịch bệnh bùng phát, châu Âu đã ngỡ ngàng phát hiện những vấn đề về cung ứng và cất trữ khẩu trang. Theo ông, “nếu có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu, việc phân phối sẽ được tiến hành nhanh hơn”. Hơn nữa, bào chế vaccine chưa bao giờ là một thế mạnh của Trung Quốc, dù rằng có rất nhiều loại thuốc dành cho châu Âu được sản xuất từ nước này. 
Còn về phía Nga thì sao? Sputnik-V do hãng dược Gamaleya của Nga bào chế sẽ có đợt giao hàng đầu tiên ngay từ tháng 1/2021 cho các nước Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vaccine của Nga có ưu điểm là có thể được sản xuất tại 4 nước khác và cất trữ ở nhiệt độ +2 và +8°C. Cùng với các đối tác, Nga có thể cung cấp cho thế giới trong giai đoạn đầu đến 500 triệu liều. Thế nhưng, theo báo Le Monde (Pháp), mặc dù đã có những tuyên bố trấn an của lãnh đạo các hãng dược Nga, châu Âu vẫn tỏ ra hoài nghi. Các bước bào chế không minh bạch, quy trình thử nghiệm không rõ ràng, kể cả trong khâu tuyển người tình nguyện, “nhập nhằng” tiêm ngừa cho những người có rủi ro với thử nghiệm giai đoạn 3… là những gì mà giới nghiên cứu châu Âu phê phán về vaccine Sputnik-V của Nga.
Đặc biệt, cũng giống như Trung Quốc, việc Nga chọn nuôi cấy virus Ad5 (Adeno 5) để gia tăng khả năng miễn dịch khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Phương pháp này đã từng gặp thất bại trong việc nghiên cứu vaccine ngừa SIDA năm 2007. Thay vì ngăn chặn HIV, vaccine được bào chế từ Ad5 còn tạo thuận lợi cho virus xâm nhập cơ thể.

ASEAN mua vaccine từ đâu?

Trung Quốc đã rất hy vọng trong việc trao đổi vaccine để tạo lấy những ảnh hưởng chính trị của họ, đặc biệt là với các nước ASEAN. Tuy nhiên, chúng ta có thể cùng xem xét chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc này có thể tác động tới quốc gia nào?
Thái Lan và Philippines là hai quốc gia mới nhất trong ASEAN tuần qua đã ký hợp động đặt mua vaccine do hãng dược AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford University nghiên cứu sản xuất.
Các quốc gia ASEAN khác cũng có những bước đi tương tự, bên cạnh việc hợp tác nghiên cứu để tự sản xuất vaccine.
Việt Nam đã bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 từ nhiều tháng qua. Thông tin mới nhất do báo Tuổi Trẻ dẫn lại cho hay chậm nhất là đầu tháng 12/2020, vaccine do Công ty Nanogen phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein sẽ được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1.
Học viện Quân y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên người tình nguyện.
Giới chức y tế cho hay vaccine COVID-19 “made in Việt Nam” ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, tự chủ, làm nền tảng để phát triển vaccine đối phó các chủng virus corona khác trong tương lai.
Tuy nhiên, khả năng vaccine của Việt Nam được sản xuất sớm cũng như đủ liều để tiêm phòng trên diện rộng là rất thấp. Do đó, nguồn cung từ bên ngoài vẫn là chính yếu.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra ngày 15/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng xác nhận Việt Nam đã đặt mua vaccine Sputnik V từ Nga và vaccine của Anh.

Thái Lan

Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, ngày 27/11, Thái Lan đã ký một thỏa thuận trị giá 200 triệu USD để mua 26 triệu liều vaccine của Oxford/AstraZeneca. Theo báo Bangkok Post, dự kiến, số vaccine này sẽ được giao vào giữa năm 2021. Giới chức y tế Thái Lan cho hay 26 triệu liều sẽ được tiêm cho 13 triệu người trong số 69 triệu dân.
Hồi tháng 10, Bộ Y tế Thái Lan, Công ty Siam Bioscience và tập đoàn kinh doanh SCG cũng đã ký một ý định thư với AstraZeneca. Thỏa thuận cho phép Siam Bioscience sản xuất vaccine (AZD1222) tại nhà máy của mình, dự kiến vào giữa năm sau.
Siam Bioscience cho biết nếu các kế hoạch thuận lợi, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất vaccine này.

Philippines

Tại Philippines, ngày 27/11, hơn 30 công ty tư nhân đã ký một thỏa thuận mua ít nhất 2,6 triệu liều vaccine từ AstraZeneca. Các chủ doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch hiến tặng phần lớn số vaccine cho chính phủ và sử dụng phần còn lại để tiêm cho nhân viên của họ.
Theo các quan chức Philippines, bên cạnh 2,6 triệu liều nói trên, nước này cũng đang đàm phán mua thêm 1 triệu liều nữa.


Hãng tin Bloomberg dẫn lời Joey Concepcion, cố vấn về doanh nghiệp của tổng thống Philippines, cho hay số vaccine trên dự kiến được giao vào tháng 5 hoặc tháng 6/2021 và có thể được tiêm cho 1,5 triệu người.
Hiện nay, Philippines cũng đang tìm kiếm đặt mua 20-50 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc và công ty Pfizer của Mỹ cùng các nguồn khác.
Chính phủ Philippines cho biết họ đang nhắm mục tiêu khoảng 60 triệu người Philippines được tiêm vaccine COVID-19 trong khoảng hai năm kể từ năm 2021. Kế hoạch này, với chi phí hơn 73 tỷ peso (1,4 tỷ USD), nhằm phát triển khả năng miễn dịch ở phần lớn dân số.

Malaysia

Cũng vào ngày 27/11, Malaysia đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ. Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết thỏa thuận đặt mua 12,8 triệu liều vaccine có thể cung cấp cho 6,4 triệu người.
Malaysia dự kiến sẽ nhận được 1 triệu liều đầu tiên từ Pfizer vào quý 1/2021. Các đợt giao hàng tiếp theo sẽ được thực hiện trong các quý còn lại của năm tới.
Tuy nhiên, thời gian giao hàng hiện phụ thuộc vào việc vaccine của Pfizer có được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý dược phẩm Malaysia phê duyệt hay không.
Bên cạnh đó, Malaysia sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine COVID-19 đầu tiên vào tháng 12, là một phần trong thỏa thuận giữa chính phủ nước này với Trung Quốc. Đây sẽ là thử nghiệm giai đoạn III của một loại vaccine được phát triển bởi Viện Y sinh thuộc Học viện Y khoa Trung Quốc.

Indonesia

Indonesia đã đặt hàng với ít nhất 4 nhà cung cấp vaccine, trong đó có Sinovac Biotech của Trung Quốc và AstraZeneca. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy khả năng tiếp cận này giúp Indonesia trở thành nước đứng thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc, và ngang bằng với Nhật Bản và Ấn Độ, về đảm bảo việc tiêm ngừa.
Theo The Strait Times, Indonesia đã bắt đầu đàm phán với tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 trước khi triển khai đợt tiêm chủng lớn vào năm tới ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.
Nước này cho đến nay đã ký các cam kết mua 189 triệu liều vaccine từ Sinovac của Trung Quốc, Novavax của Mỹ và Covax, một hệ thống phân phối vaccine COVID-19 do Tổ chức y tế thế giới đồng dẫn đầu.
Từ tháng 4/2020, công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma của Indonesia – nơi được coi là xưởng vaccine lớn nhất ở Đông Nam Á với công suất 2 tỷ liều mỗi năm – đã hợp tác với công ty Sinovac để phát triển vaccine COVID-19. Một khi thành công, chương trình này có thể sản xuất tới 250 triệu liều mỗi năm.
Trong ngày 27/11, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với gần 6.000 ca, số người chết trong 24 giờ cũng đáng lo ngại với 169 trường hợp.
Tính tới nay, Indonesia có tổng cộng 527.999 ca nhiễm và 16.646 ca tử vong, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Singapore

Các nhà khoa học tại Trường Y Duke-NUS của Singapore đang phối hợp với công ty Arcturus Therapeutics phát triển một loại vaccine (ARCT-021). Thông tin từ Arcturus Therapeutics cho biết các thử nghiệm ban đầu trên người cho thấy nhiều hứa hẹn và vaccine này có thể sẽ sẵn sàng cho việc tiêm ngừa vào năm tới.
Theo đài truyền hình CNBC, Cục Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) đã cam kết chi 220 triệu USD cho vaccine Arcturus, trong đó, cơ quan này đã đầu tư 45 triệu USD vào chương trình nghiên cứu phát triển vaccine. Một khi vaccine được phát triển thành công và được phê duyệt, EDB sẽ chi bổ sung thêm 175 triệu USD để mua.
Báo Strait Times cũng dẫn lời giáo sư Ooi Eng Eong từ Trường Y Duke-NUS nói rằng với nhiều chương trình nghiên cứu vaccine quốc tế đang cho thấy kết quả khả quan, Singapore không vội vã trong việc chọn mua một loại nào. Thay vào đó, chính phủ sẽ cân nhắc để chọn loại có hiệu quả cao nhất.
Như vậy, chúng ta thấy, chỉ có 3 quốc gia ASEAN đặt mua vaccine của Trung Quốc bên cạnh các nguồn cung cấp từ Nga và Phương Tây. Điều đó cho thấy, Trung Quốc mặc dù muốn nỗ lực sử dụng “chính sách ngoại giao vaccine” tuy nhiên, với năng lực của mình, Trung Quốc đang thất bại trong cuộc đua chế tạo vaccine này. Đồng nghĩa với việc chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đang thất bại.
Nguồn : RFA

Related posts