Hai giếng dầu của Iraq bị khủng bố có gây ảnh hưởng đến thị trường dầu thô?

  • Văn Long

Ngày 9/12, Bộ Quốc phòng Iraq tuyên bố rằng hai giếng dầu trong một khu mỏ dầu của Iraq đã bị “tấn công khủng bố”. Sau đó xảy ra tình trạng trong khoảng thời gian ngắn giá dầu thô quốc tế tăng cao, vấn đề có thể xem là sự kiện “ngoại lệ cực đoan” (thiên nga đen) gây biến động trên thị trường dầu thô.

Sự kiện “thiên nga đen” làm thị trường dầu thô biến động (Nguồn: Have a nice day Photo / Shutterstock).

Ngày 9/12 vừa qua, hai quả bom đã được kích nổ tại hai giếng dầu ở mỏ dầu Habaz, cách thủ đô Baghdad của Iraq hơn 200 cây số về phía bắc và gây ra hỏa hoạn tại khu vực này. Được biết, lực lượng cứu hỏa đã đến hiện trường và đang dập lửa. Theo thông tin, giới chức dầu mỏ Iraq cho biết mỏ này sản xuất khoảng 25.000 thùng dầu mỗi ngày.

Hãng thông tấn Shafazi của Iraq dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) là thủ phạm của vụ tấn công vào mỏ dầu, nguồn tin cho hay rạng sáng ngày 9/12 nhóm khủng bố đã cài hai thiết bị nổ vào giếng dầu. Vị trí cụ thể của giếng dầu là ở phía tây nam của tỉnh Kirkuk, cách Baghdad 238 cây số về phía bắc. Tỉnh Kirkuk là tỉnh giàu tài nguyên dầu khí. Có thông tin chỉ ra rằng vào năm 2016 mỏ dầu này cũng đã bị các phần tử có vũ trang tấn công.

Sau khi tin tức này được lan truyền rộng rãi thì đã xuất hiện tình trạng giá dầu quốc tế tăng trong ngắn hạn và sau đó giảm trở lại.

Gần đây hoạt động tấn công khủng bố trên khắp Iraq có chiều hướng gia tăng. Giới chuyên gia phân tích dầu thô cho rằng, về mặt thời gian thì tình trạng khó kéo dài, vì vấn đề xung đột quy mô nhỏ như hiện tại sẽ không phát triển thành chiến tranh cục bộ, không có nhiều khả năng nguồn cung sản lượng dầu thô bị cắt, nhiều nhất là thị trường leo thang trong ngắn hạn; về mặt không gian thì mối quan tâm chính là vùng ngoại vi của Vịnh Ba Tư, hiện có hai sự cố, một ở Biển Đỏ và một ở gần người Kurd, đều cách xa vùng trung tâm gây ảnh hưởng về sản lượng là quá nhỏ, thông thường phải ảnh hưởng mức 300.000 thùng/ngày mới tác động trực tiếp đến cân bằng cung và cầu.

Nhìn lại, hồi tháng 9/2019 xảy ra sự cố máy bay không người lái tấn công gây đám cháy lớn tại Công ty Dầu Saudi Arabia (Saudi Aramco) là cơ sở quan trọng đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu, vì vậy đã ảnh hưởng đến gần một nửa sản lượng dầu của Saudi Arabia. Sau đó giá dầu tăng 19%, mức kỷ lục trong 28 năm.

Tình trạng hiện nay khó xảy ra viễn cảnh “thiên nga đen” như vậy, vì các mỏ dầu của Iraq bị tấn công nhưng sản lượng hàng ngày chỉ khoảng 25.000 thùng dầu thô, chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng của Iraq và 2/10.000 sản lượng toàn cầu. Dĩ nhiên vấn đề ở một mức độ lớn còn phụ thuộc vào tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán đối với nền kinh tế, ngoài ra cũng phải kể đến “bàn cờ” của các nước OPEC +. Ví dụ đầu năm nay sau khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát khắp thế giới khiến tình trạng dư nguồn cung dầu nhanh chóng gia tăng làm giá dầu dần giảm mạnh, xuống mức thấp nhất lịch sử 20 USD/thùng. Ngày 21/4, giá dầu WTI giao tháng Năm giảm xuống mức âm, gây sốc cho các nhà đầu tư toàn cầu với mức giá thanh toán là -37,63 USD.

Ngay lập tức, tình trạng sụp đổ của giá dầu khiến các nước sản xuất dầu lần lượt cắt giảm sản lượng, hệ quả sau đó giá dầu bắt đầu một đợt phục hồi, giá dầu WTI từ mức thấp 6,5 USD đã leo thang thẳng tiến qua các mốc 20 USD, 30 USD và 40 USD, và hiện đã tăng lên mức 46 USD, trong khi dầu thô Brent đang tiến gần tới mốc 50 USD.

Thông tin mới nhất liên quan, ngày 3/12 OPEC + đã đạt được thỏa thuận tăng nhẹ sản lượng, từ tháng 1/2021 sẽ bắt đầu điều chỉnh quy mô giảm sản lượng từ 7,7 triệu thùng/ngày xuống 7,2 triệu thùng/ngày, đồng thời tăng nhẹ sản lượng 500.000 thùng/ngày, sau đó tùy theo tình hình thị trường sẽ cho điều chỉnh sản lượng hàng tháng, mức điều chỉnh không quá 500.000 thùng/ngày.

Văn Long

Related posts