Thôi đừng nhân danh nữa!

Nguyễn Hoàng Văn

Ngày 11 tháng Chín năm 2001 mấy tên khủng bố Ả Rập mặt mày non choẹt ra tay trên hai chiếc máy bay, biểu tượng quân sự Pentagon sụm xuống một phần còn World Tower Center, như là biểu tượng tài chính của nước Mỹ, hóa thành một đống gạch vụn.

Chúng ra tay, nhân danh Thượng Đế, miệng gào lên, Allahu Akbar, Thượng Đế vĩ đại!

Và chúng hành động theo sự xúi giục của trên khủng bố Osama bin Laden.

Cón tám tháng nữa là gần tròn 20 năm, ngày 6 tháng Một năm 2021 Quốc Hội Mỹ, như là biểu tượng của nền dân chủ , bị chính những công dân Mỹ tấn công.

Chúng hành động nhân danh sự vĩ đại của nước Mỹ. Và chúng hành động theo sự xúi giục của Donald Trump, gào thét cái khẩu hiệu tiếp thị phiếu ‘Make America Great Again” cũng của Trump.

Chúng nhân danh một nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại nhưng lại đẩy biểu tượng cho sự vĩ đại của nước Mỹ vào cảnh hỗn loạn và bát nháo, không khác cái cảnh gấu ó giành giật của những bộ lạc thời tiền sử theo luật rừng.

Những món ăn như tiết canh rất cần đến rau thơm để át đi mùi tanh của máu. Những kẻ hành động theo bản năng của tội ác hay động cơ mưu lợi thì che đậy sự xấu xa ấy bằng cách to mồm nhân danh.

Con người đã hành hạ nhau, gây đau khổ cho nhau ngay từ khi phát minh ra cái ý niệm “nhân danh”. Vì nếu có một cái gì đó để nhân danh thì luật rừng, luật của loài thú, cũng sẽ biến thành luật của loài người.

Giáo quyền thời Trung Cổ nhân danh Đấng Tối Cao để thiêu sống kẻ tà đạo. Nhà nước độc tài nhân danh mấy thứ chủ nghĩa cuồng dại của mình để diệt trừ những thành phần bất đồng chính kiến. Trump thì nhân danh sự vĩ đại nước Mỹ chỉ để gây quỹ và để làm tổng thống, không hơn, không kém!

Trong rừng cờ, khẩu hiệu “nhân danh” mà bọn côn đồ chính trị kia vung vẫy, thấp thoáng bóng dáng cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Những tên ủng hộ Trump gốc Việt tự cho mình cái quyền nhân danh thể chế VNCH hay ít ra nhân danh Cộng đồng Việt Nam tại Mỹ ư?

Image may contain: one or more people, crowd, tree and outdoorNhư là lựa chọn riêng, một cách tự do, bất cứ cá nhân nào cũng có thể ủng hộ Trump, có thể tham gia vụ tấn công Quốc hội, đúng sai sẽ có pháp luật phân giải. Nhưng họ hoàn toàn không có quyền nhân danh cộng đồng hay nhân dân một thể chế chính trị như VNCH, dù thể chế đó không còn nữa.

Trong Notre Dame, Victor Hugo tả cảnh xử án khôi hài một ông quan tòa bị điếc nhưng cố chứng tỏ mình không điếc bằng cách cố nói thật nhỏ, sau đó kết luận, đại loại: “Những anh điếc luôn cố nói thầm, những anh gù luôn cố ưởn ngực ra, những anh lùn luôn cố ngửng cao đầu, những anh ngọng luôn cố ăn to nói lớn, những ăn cà lăm luôn cố chứng tỏ mình nói nhanh”.

Chỉ những kẻ yếu bóng vía, hèn nhát, tự ti với sự nhỏ bé với bản thân mình thì mới bám víu vào những giá trị to tát trong những chọn lựa mang tính chất cá nhân.

Họ phải tin rằng lá cờ ấy là thiêng liêng mới bám víu vào màu cờ ấy nhưng điều trớ trêu là họ không nhận ra là mình đang trây, đang bôi nhọ chính màu cờ này.

Và họ đã thực sự xúc phạm, thực sự nhục mạ hương hồn của những người đã ngả xuống vì màu cờ ấy!

VÀ THÔI ĐỪNG “KHÔNG CẦN BIẾT!”

Xuyên suốt trong những cuộc tranh luận chính trị trong người Việt suốt bốn năm qua là những tuyên ngôn chắc nịch “Không cần biết” nghe đi nghe lại suốt bốn năm qua.

Anh kia là nhà thơ, tự hào khoe rằng đã làm rất nhiều thơ tặng Tổng thống Donald Trump, tuyên bố đầy tự tin: “Tôi không cần biết Tổng thống làm gì, chỉ cần biết Tổng thống giúp nước tôi đánh Tàu là tôi ủng hộ.” Ông kia nổi danh là nhà bất đồng chính kiến, cô kia từng nổi danh là nhà đấu tranh dân chủ v.v ai cũng “không cần biết” với luận điển tương tự để biện minh cho thái độ “phò chính thống” đã chọn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Nhưng nếu chịu khó học thêm từ chính những trang sử đau thương nhất của dân tộc có lẽ họ sẽ không “không cần biết” như thế. Như chuyện Trần Trung Lập bị bán đứng 80 năm trước, cái biến cố khiến một nhà văn như Khái Hưng lâm cảnh bẽ mặt, phải cười gượng vì chủ trương phó thác hết niềm tin vào Đế quốc Nhật. Nhưng đó là cả một câu chuyện dài, bàn sau, trước hết tôi phải thú thật là tôi từng rất thù, từng rất khinh bĩ hạng người dễ dàng mở miệng với phát ngôn “không cần biết” này.

Đó là những trải nghiệm của tuổi mới lớn theo những chuyến xe đò, hoặc dọc ngang các tỉnh lộ hay ngược xuôi quốc lộ trong những năm 1980, trên những cung đường bị chia cắt lam nham với những trạm gác có cây tre cất lên hạ xuống chắn ngang, có những cán bộ thuế vụ và quản lý thị trường lăng xăng “nách thước tay cân”, mắt rình rập, soi mói. Một chị ở lên tỉnh thăm nuôi chồng trong bệnh viện phân trần, năn nỉ, mấy trái mít và hơn chục trái thơm mang theo chỉ là chút quà quê cho các bác sĩ y tá đã cứu mạng chồng em nhưng vô ích, chỉ thấy một bức tường đá với những khuôn mặt lạnh tanh, vô cảm: “Không cần biết, hàng hóa lưu thông thì phải đánh thuế.” Một giáo viên vùng sâu về thăm nhà với túi sắn, túi khoai hay con gà phụ huynh nghèo biếu như một chút quà quê cũng vậy, cũng không thoát khỏi số phận: “Không cần biết, có hàng là có thuế!”. Có lần, khi xe đò bị ách tại một trạm thuế, bị buộc phải xuống xe để tiện lục soát hàng hóa, tôi chứng kiến một ông già khòm lưng, vừa gánh hai thúng nhang bán dạo mà phải vừa chống gậy, bị ách ngang bên đường, bị “không cần biết” một cách tàn nhẫn trước lời phân trần nhang nhà làm để bán mua gạo cho con “chớ có buôn bán chi mô”. Chứng kiến cảnh ông già run run mở cây kim băng trên túi áo bà ba, lấy ra một bao nylong nhàu bét, cẩn thận vuốt thẳng những đồng tiền nhàu bét để biến thành tiến thuế cho nhà nước, rồi chứng kiến cảnh ông lộp côp cây gậy tre gồng gánh đôi thúng tre trong dáng đi xiêu vẹo để kiếm gạo nuôi con, tôi không khỏi không bật lên tiếng chửi thề, nghĩ đến bài “Á Tế Á Ca” của thời thực dân và tự hỏi mình rằng đám kia có phải thực sự là con người hay chỉ là một bầy chó.

Nếu tôi phẫn nộ, khinh bĩ những đám cán bộ thuế vụ – thị trường về cái thái độ “không cần biết” ấy bao nhiêu thì tôi lại đau lòng và bi quan trước thái độ tương tự của những nhân vật mà tôi từng tôn trọng như những trí thức đầy dũng khí bấy nhiêu. Những tên cán bộ kia “không cần biết” vì chúng là một lũ vô học. Nhưng họ, là người có học, có tâm huyết với đất nước, để đóng góp cái gì đó cho đất nước trong những thời khắc khủng hoảng như thế này, họ càng cần phải “biết” nhiều hơn.

Mà kể ra thì, ở đây, cũng chẳng cần biết thêm nhiều. Là những “trí thức”, hay ít ra là đã trải qua bậc giáo dục đại học thì, tối thiểu, họ phải biết phân tích vấn đề trên hai khía cạnh “concept” và “technique”, phải nhìn những đòn thế chính trị – ngoại giao trên góc độ chiến lược hay chiến thuật. Như thương chiến của ông Tổng thống với Tàu, chẳng hạn. Việc ông Tổng thống gây sức ép thương mại với Tàu chỉ là một vấn đề “technique” trong khi cái “concept” làm nền tảng cho chính sách của ông ta lại là “America First”, là “Nước Mỹ trên hết”. Nếu ông Tổng thống đã đặt nước Mỹ lên trên hết thì những “kỹ thuật” hay “chiến thuật” gây sức ép liên tiếp tung ra chỉ nhắm đến cái đích là một “better deal” hay là “best deal”. Mà nhìn trên trên bàn cờ quốc tế, tay chơi nào và thị trường nào có thể giúp ông ta vươn tới cái “better” hay “best deal” ấy?

Hãy nhớ rằng trong quá khứ Việt Nam đã từng bị một ông Tổng thống của Đảng Cộng Hòa bán đứng, sau khi đạt đến một “better deal” với nước Tàu, trong cuộc chiến tranh không có tiếng súng với khối Cộng sản do Liên Sô lãnh đạo.

Hãy nhớ lại rằng tháng Hai năm 1972 ông Richard Nixon đến Trung Quốc thì sau đó, tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa.

Và hãy nhớ rằng, ngày 29 tháng Ba năm 1973 là ngày mà người lính tác chiến Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, thì già hai năm sau, ngày 30 tháng Tư năm 1975 xe tăng Bắc Việt bắn sập cổng Dinh Độc Lập. Cái khoảng cách sau cùng này chính là cái “decent interval”, cái “khoảng cách giữ thể diện” mà ông Herry Kissinger thiết kế để trút bỏ gánh nặng Việt Nam bởi vì “nước Mỹ trên hết”. Nhưng còn cái khoảng cách non hai năm liên quan đến Hoàng Sa? Đó có phải là một “decent interval” mà hai phía Mỹ – Trung đã cam kết bằng miệng, càng nghĩ, lại càng hồ nghi!

Và hãy nhớ lại cái chết tức tưởi của Trần Trung Lập vào năm 1940. Những thế hệ cha anh chúng ta thời ấy căm thù người Pháp cũng y như bây giờ chúng ta đang căm hận cộng sản Tàu. Và cũng như khá đông trong chúng ta hôm nay tin tưởng rằng ông Tổng thống sẽ giúp dân tộc Việt chống lại nước Tàu, một số đông người Việt thời ấy cũng tin tưởng rằng Đế quốc Nhật sẽ ủng hộ dân tộc ta đánh Pháp. Trong những nhân vật như thế có hai bậc trí thức tầm cỡ là Nhất Linh, Khái Hưng. Và có người lính thực thụ như Trần Trung Lập.

Tin vào Nhật, năm 1938 Nhất Linh và Khái Hưng thành lập Đại Việt Dân chính Đảng với chủ trương nương vào Đế quốc Nhật để đánh đuổi Thực dân Pháp. Cũng tin vào người Nhật, ngày 23.9.1940 Trần Trung Lập đưa đoàn quân cách mạng Việt Nam Kiến Quốc Quân đang lưu vong ở Tàu tiến đánh Lạng Sơn với sự yểm trợ của Nhật và chiến thắng ban đầu này khiến những người tin vào Nhật reo hò, hoan hỉ. Nhưng rồi niềm vui này cũng chẳng kéo dài bao lâu. Dù đưa ra thuyết “Đại Đông Á”, Nhật lại hành động theo phương châm “Japan First”, Nước Nhật trên hết. Nhật không hề giúp Việt Nam đuổi Pháp. Nhật chỉ muốn kiểm soát Hải Phòng, Hà Nội và Lạng Sơn để nắm chắc tuyến xe lửa này trong tay, không cho Mỹ sử dụng để tiếp viện cho quân của Tưởng Giới Thạch. Đạt đến một “better deal” với Pháp, Nhật lập tức bỏ rơi Việt Nam, mất nguồn tiếp viện, đoàn quân cách mạng của Trần Trung Lập bị quân Pháp đánh tan tác, nhà cách mạng trao lầm niềm tin này bị bắt sống và chỉ hai ngày sau thì bị hành quyết, ngày 28.12.1940.

Trần Trung Lập bị bắn còn Khái Hưng và Nhất Linh thì cứng họng, tẻn tò. Trong “Tuấn, chàng trai nước Việt”, chương 60, Nguyễn Vỹ tả lại cảnh đối đáp với Khái Hưng, cho biết nhà văn này đã “cười gượng” khi bị chất vấn về diễn biến Lạng Sơn: “Làm sao chúng ta biết được bí mật quân sư của họ. Biết đâu là một chiến lược cao, có lợi cho chính sách khôn khéo của Nhật hoàng”. Tuy nhiên cái niềm tin bấu víu “biết đâu” này cũng chẳng thọ được bao lâu nên sau đó thì cái đảng thân Nhật kia bị giải tán.

Đó là năm 1940 và bây giờ là năm 2020. Những người cuồng nhiệt ủng hộ ông Tổng thống – mọi hạng, mọi cấp – cũng lý luận như thế trước những bằng chứng cho thấy ông Tổng thống ủng hộ độc tài, thậm chí từng vẫy cờ độc tài, và hoàn toàn không phải là một người tôn vinh những giá trị dân chủ. Cái lý luận đại loại: “Làm sao chúng ta biết được chiến lược bí mật của Tổng thống. Biết đâu là một chiến lược cao, có lợi cho chính sách khôn khéo của Tổng thống”.

T.Vấn & Bạn Hữu

Chọn lựa ai, ủng hộ ai đó là quyết định cá nhân, chúng ta không nên phê phán những chọn lựa cá nhân. Cái đáng phê phán là cái não trạng đã dẫn đến kiểu lý sự y như tám mươi năm về trước. Thời đại của thông tin mà, cả trong những vấn đề hệ trọng nhất, cũng có thể mở mồm “không cần biết” và “biết đâu”, kể cả những người mệnh danh là “trí thức”, tương lai đất nước chúng ta quả là đáng bi quan quá!

Related posts