Thiện Phong
Theo Epoch Time, việc ĐCSTQ sử dụng biện pháp giám sát toàn diện ở mọi ngóc ngách trên đất nước Trung Quốc, ngày càng làm dấy lên sự phẫn nộ trong dân chúng. Một số nhà phân tích cho rằng, việc áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của ĐCSTQ đang biến người dân Trung Quốc trở thành “những người trong suốt”.
Một cuộc khảo sát đối với 1.500 người Trung Quốc do Xinjing Think Tank công bố gần đây cho thấy:
87,46% người được hỏi phản đối việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong các lĩnh vực thương mại.
68,64% người được hỏi cho rằng không nên sử dụng chúng khi ra vào Khu dân cư.
43% người được hỏi cho biết, họ không muốn sử dụng công nghệ này trong bệnh viện, trường học và văn phòng.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy 96,14% người được hỏi lo lắng thông tin cá nhân sẽ bị lộ.
51,4% người được hỏi cho rằng họ bị ép buộc phải sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Người dân chán ghét việc bị giám sát
“Đài tiếng nói Hoa Kỳ” (VOA) dẫn lời ông Lâm ở thành phố Vũ Hán cho biết: “Mỗi khi tôi đi ra ngoài hoặc đến các khu danh lam thắng cảnh, đều có các loại máy nhận dạng này nằm chờ sẵn ở đó rồi. Có cần thiết không? Nó có tác dụng rất lớn đối với tội phạm, nhưng những công dân bình thường chúng tôi phải có quyền riêng tư chứ”.
Một người họ Lý đến từ Thượng Hải cho biết: “Ngày nay, các công viên cũng đã áp dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt, vì vậy bạn không được phép vào trong một cách tùy tiện, ở các trung tâm mua sắm cũng vậy nếu bạn không cho nhận dạng khuôn mặt, nhân viên quản lý sẽ không cho phép bạn vào”.
Ông Lý đã phản đối một cách mạnh mẽ việc phổ biến nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc. “Mọi người bị quét khuôn mặt của họ ở khắp mọi nơi và phải để lại thông tin, nhưng liệu những người theo dõi và quản lý thông tin của chúng tôi, họ có phải là những người đáng tin?”, ông Lý đặt câu hỏi.
Hầu hết những người được phỏng vấn đều bày tỏ lo lắng về những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn khi bị quét nhận dạng. Trong đó, 63,64% lo lắng về “rò rỉ thông tin khuôn mặt”, 54,4% lo lắng về “nơi ở cá nhân liên tục được ghi lại” và 53,72% lo lắng về tài khoản bị đánh cắp, gây thất thoát tài sản”.
Người dân trở thành ‘trong suốt’
Hồ Giai (Hu Jia), một người luôn tìm hiểu về các hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc, nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Nếu bạn đang lo lắng về quyền riêng tư của mình, bạn sẽ thấy rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang theo dõi mà không có sự cho phép của bạn, nó sẽ truy cập vào bất kỳ quyền riêng tư nào của bạn, biến bạn thành “người trong suốt” (tức chính quyền có thể nhìn “thấu” hết thông tin về người dân). Ở đất nước này, bạn sẽ thấy rằng ĐCSTQ đang theo dõi bạn bất cứ lúc nào, và nó biết tất cả mọi thứ về bạn”.
Ông Hồ cho rằng, ĐCSTQ đã quá lạm dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, tại Thâm Quyến, Thẩm Dương và những nơi khác.
Ông Hồ còn cho biết: “Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, ĐCSTQ đã gấp rút phát triển sản phẩm mới vào năm ngoái, dù bạn đeo khẩu trang và đội mũ, họ vẫn biết bạn là ai. Chỉ cần bạn đưa mắt ra ngoài, đặc điểm của mắt trong hệ thống nhận dạng khuôn mặt có thể được xác định, tỷ lệ chính xác được cho là trên 85%, và có nhiều thứ công nghệ nhận khác như nhận dạng dáng đi, dù là bạn có bịt kín hết nó vẫn nhận ra tư thế đi của bạn.
Giờ đây, các phương pháp giám sát của ĐCSTQ đã có mặt ở khắp mọi nơi, Camera được đặt ở khắp mọi nơi.
Vào 22/7/2020, công ty bảo mật dịch vụ Internet Comparitech của Anh đã công bố một báo cáo cho thấy, số lượng camera được lắp đặt ở Trung Quốc đã chiếm một nửa tổng số toàn cầu. Ví dụ, ở Thái Nguyên, Sơn Tây, trung bình có 119,57 camera giám sát trên 1.000 người.
Theo Epoch Time, ĐCSTQ tuyên bố rằng mục đích của việc giám sát là duy trì luật pháp và trật tự. Tuy nhiên một báo cáo của Comparitech “chỉ số tội phạm” được xác định bởi cơ sở dữ liệu toàn cầu Numbeo, đã chỉ ra mối tương quan giữa số lượng thiết bị giám sát và an ninh công cộng. Kết quả cho thấy số lượng thiết bị giám sát hầu như không liên quan gì đến trật tự công cộng hay việc vi phạm luật pháp mà ĐCSTQ đã nói.