Dựa vào nguồn cung đất hiếm của Myanmar, Bắc Kinh rơi vào tình thế ‘chao đảo’

Tâm Thanh

Ảnh chụp màn hình Youtube/ Al Jazeera English

Với nhu cầu lớn về tài nguyên khoáng sản thiếc và đất hiếm, cộng thêm tình hình hỗn loạn hiện nay ở Myanmar, Trung Quốc – với sản lượng lớn nhập khẩu từ Myanmar – liệu có chịu tác động?

Là nhà sản xuất thiếc lớn thứ 3 thế giới, nhà sản xuất đồng lớn thứ 18 và nhà xuất khẩu đất hiếm quan trọng, Myanmar đã làm dấy lên lo ngại của thị trường thế giới khi quân đội nước này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 1 năm vào đầu tháng. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào tài nguyên khoáng sản của Myanmar, khiến các nhà đầu tư lo lắng về tác động của sự việc này đối với các lĩnh vực liên quan, theo Vision Times.

Đất hiếm là một nhóm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Chúng bao gồm các chất như gadolinium, lanthanum, cerium và promethium, có vai trò thiết yếu trong sản xuất thuốc điều trị ung thư, điện thoại thông minh và các công nghệ năng lượng tái tạo. Các loại vật chất này đã được Hiệp hội Thăm dò địa chất Mỹ xếp hạng “cực kỳ quan trọng” cho các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành sản xuất vũ khí, theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Thống kê cho thấy, Myanmar là một trong những khu vực sản xuất đất hiếm trên thế giới và cũng là nguồn cung cấp đất hiếm lớn nhất cho Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc nhập khẩu trung bình duy trì ở mức khoảng 20.000 tấn đất hiếm từ hải ngoại.

Theo thống kê sơ bộ của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), năm 2019, sản lượng mỏ đất hiếm toàn cầu là 210.000 tấn, sản lượng đất hiếm của Trung Quốc là 132.000 tấn, chiếm 63%; Hoa Kỳ và Myanmar chiếm tỷ lệ lần lượt là 12 % và 10,5%. Những năm gần đây, nguồn cung đất hiếm ở Myanmar thường xuyên bất ổn do tình hình dịch bệnh cùng một số nguyên nhân khác.

Công ty chứng khoán Trung Quốc – Soochow Securities cho rằng, nếu Myanmar bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, sản lượng tại các mỏ khai thác bị giảm xuống, hoạt động sản xuất hoặc kiểm soát xuất khẩu bị đình trệ thì sẽ tác động lớn hơn đến nguồn cung cấp đất hiếm của Trung Quốc. 

Với sự gia tăng liên tục các nguồn năng lượng mới, năng lượng gió và máy điều hòa không khí biến tần ở hạ nguồn đất hiếm, có thể thấy nhu cầu về đất hiếm sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.

Reuters báo cáo rằng, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thiếc nước ngoài chiếm khoảng 30% đến 35%. Năm 2020, khoảng 95% lượng thiếc cô đặc nhập khẩu là từ Myanmar. Nói cách khác, các mỏ thiếc ở Myanmar chiếm khoảng 28,5% đến 33,25% nhu cầu sử dụng thiếc của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hiệp hội Thiếc Quốc tế (ITA) chỉ ra rằng, khu vực khai thác thiếc chính của Myanmar nằm gần biên giới Trung Quốc – Myanmar và gần Bang Wa trực thuộc Bang Shan, Myanmar. Vì nó hoạt động tách biệt với chính quyền trung ương, nên có thể dự đoán ​​rằng, nguồn cung sẽ vẫn ổn định. Các mỏ ở miền nam Myanmar chiếm khoảng 20% ​​tổng số mỏ thiếc của Myanmar, có thể bị tạm ngừng sản xuất do bất ổn chính trị.

Toàn bộ sản lượng đồng của Myanmar đến từ hai dự án do công ty khai thác Vạn Bảo của Trung Quốc đứng đầu. Vài ngày trước, có thông tin cho rằng, các công nhân mỏ đồng đã đình công để phản đối các hành động của quân đội.

Hiện nay, đất hiếm được quan tâm nhất, nó là một thuật ngữ chung cho 17 nguyên tố hóa học kim loại. Theo sự khác biệt của trọng lượng nguyên tử, các nguyên tố đất hiếm được chia thành đất hiếm nhẹ (8 nguyên tố) và đất hiếm nặng (9 nguyên tố).

Ryan Castilloux – giám đốc điều hành của Adamas Intelligence – một công ty tư vấn khai thác và kim loại cho biết hầu hết các khu vực khai thác đất hiếm ở Myanmar đều nằm dưới sự kiểm soát của các chính phủ dân tộc thiểu số tự trị. Điều duy nhất phải lo lắng là các tổ chức này nhìn nhận mối quan hệ giữa chính quyền Bắc Kinh và quân đội Myanmar như thế nào, bởi vì nguồn cung cấp đất hiếm ổn định là rất quan trọng đối với Trung Quốc. Ông nói: “Khi Trung Quốc quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán, nguồn cung cấp đất hiếm ổn định và đủ từ Myanmar là quan trọng hơn bao giờ hết”.

Ngày 15/2, một bài báo trên tờ Mingpao của Hong Kong nhận định rằng, Liên Hợp Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề Myanmar và thậm chí xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này. Đến lúc đó, nếu Trung Quốc phản đối, họ sẽ đi ngược lại với chủ trương giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc. Nếu như một bên kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại Myanmar, Trung Quốc cũng không thể không tán thành. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc ủng hộ việc thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chính quyền Myanmar thì không biết việc nhập khẩu các mỏ đất hiếm hạng nặng mà Trung Quốc nhập khẩu từ Myanmar có chịu ảnh hưởng hay không. Vì vậy, tình hình hiện nay quả thực khiến Trung Quốc vô cùng “bối rối”.

Ngoài ra, đất hiếm cũng là một điểm mấu chốt trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung và được chính quyền Bắc Kinh coi là “vũ khí bí mật”.

Ngày 30/9/2020, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh hành chính nhằm thúc đẩy thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng ở Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, ông Trump chỉ ra rằng, việc Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào các đối thủ nước ngoài trong lĩnh vực khoáng sản đã cấu thành nên tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các cơ quan chính phủ khác đánh giá tình hình này. Đồng thời, chính quyền của ông cũng thông qua việc đơn giản hóa, đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt các hầm mỏ mới và sử dụng các biện pháp như Luật sản xuất quốc phòng để thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản chủ chốt trong nước.

Sắc lệnh hành chính cho thấy sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đối với nhiều nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng là đặc biệt quan ngại, bao gồm việc nhập khẩu trực tiếp 80% đất hiếm từ Trung Quốc. Trong những năm 1980, sản lượng một số nguyên tố đất hiếm ở Hoa Kỳ đã vượt quá bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, nhưng Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp kinh tế mang tính “cướp đoạt”, đem các sản phẩm giá rẻ tràn ngập ra thị trường để thay thế các đối thủ cạnh tranh. Sau khi giành được lợi thế về thị trường, Trung Quốc đã buộc những ngành công nghiệp dựa vào nguồn cung cấp đất hiếm này phải chuyển nhà máy, tài sản trí tuệ và công nghệ sang Trung Quốc, giống như cách mà họ đã cắt nguồn cung cấp đối với Nhật Bản vào năm 2010.

Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã đã đăng tải một bài báo vào tháng 4/2019, tuyên bố: “Nếu không có vật liệu đất hiếm mới từ Trung Quốc, hơn 80% thiết bị quân sự của Mỹ sẽ không thể hoạt động và sẽ trở thành đồ trưng bày”.

Việc sử dụng đất hiếm ở Hoa Kỳ có thể nói là đã đạt đến cực điểm. Riêng trong ngành quân sự, nguyên tố đất hiếm được sử dụng rộng rãi trên các máy bay chiến đấu quân sự Mỹ F-22 và F-35, cũng như các tàu ngầm hạt nhân chiến lược dưới nước, bao gồm cả các loại tàu chiến mặt nước.

Related posts