Nông dân Trung Quốc điêu đứng trước làn sóng công nghệ ‘nhận diện khuôn mặt lợn’

Triệu Hằng

Ảnh chụp màn hình Slate dẫn từ Getty Images

Những chủ trang trại lợn ở Trung Quốc đang áp dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt dành cho lợn để tăng hiệu suất chăn nuôi, và nó đã trở thành một trào lưu ở đại lục, nhưng đi kèm theo đó là mặt trái cho nhiều hộ nông dân, theo The Guardian.

Trung Quốc là nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ tăng sản lượng lên 9% trong năm tới. Khi các trang trại thịt lợn của quốc gia phát triển quy mô, ngày càng nhiều nông dân chuyển sang sử dụng các hệ thống AI như công nghệ nhận diện khuôn mặt, được gọi là FRT (facial recognition technology) – để liên tục theo dõi, xác định và thậm chí cho đàn lợn của họ ăn.

Việc chăn nuôi tự động có tiềm năng an toàn hơn và rẻ hơn, đồng thời cải thiện kết quả đầu ra (ảnh chụp màn The Guardian dẫn từ Reuters).

Phương thức chăn nuôi tự động này có tiềm năng an toàn hơn, rẻ hơn và nhìn chung hiệu quả hơn” đối với các hộ chăn nuôi Trung Quốc. Vào năm 2018, những người chăn nuôi lợn ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã thử nghiệm FRT và nhận thấy rằng áp dụng phương thức này đã giúp họ giảm chi phí, cắt giảm thời gian chăn nuôi.

Nhưng công nghệ này cũng có thể khiến những người nông dân độc lập và quy mô nhỏ, những người không đủ khả năng đưa loại công nghệ này vào hoạt động của họ, bị bỏ lại phía sau.

Thay vì sử dụng biện pháp gắn thẻ truyền thống để đánh dấu, việc giám sát bằng công nghệ AI giúp cải thiện năng suất chăn nuôi (ảnh chụp màn The Guardian dẫn từ Bloomberg).

FRT có thể phân biệt giữa các con lợn bằng cách phân tích mõm, tai và mắt của chúng. Hệ thống này được sử dụng trong các trang trại ở Quảng Tây để liên tục theo dõi nhịp đập và tốc độ đổ mồ hôi của đàn lợn, đồng thời phần mềm nhận diện âm thanh theo dõi tiếng kêu của từng con lợn.

Bằng cách này, hệ thống có thể phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trước khi con lợn bị ốm hoặc bị đói. Là một loại động vật “có tính biểu cảm cao”, các camera thậm chí có khả năng nhận ra “sự đau khổ” trên khuôn mặt của những con lợn.

Yingzi là một trong số ít các công ty khởi nghiệp đang cách mạng hóa ngành công nghiệp thịt lợn trị giá 70 tỷ đô-la của đất nước. Cuộc cách mạng này xảy ra sau hai năm đầy biến động khi ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc bị tàn phá bởi sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến cái chết của 40% đàn lợn trên cả nước.

Kể từ đó, chính quyền đã tập trung khắc phục và đề phòng thảm họa tương tự bằng cách phát triển một ngành công nghiệp thịt lợn công nghệ cao, với một thị trường ít doanh nghiệp hơn nhưng mỗi doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Một trang trại lợn ở tỉnh An Huy.

Bằng cách theo dõi các cá thể lợn từ khi sinh ra cho đến khi giết mổ, các công ty như Yingzi có thể xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tốc độ tăng trưởng của từng cá thể. Theo thời gian, dữ liệu thu thập từ hàng nghìn con lợn đã cho phép Yingzi và các đối thủ cạnh tranh liên tục tinh chỉnh thuật toán này.

Nhưng lợi ích của FRT không chia sẻ đều cho tất cả mọi người. Chen Haokai, một trong những người đồng sáng lập các công ty khởi nghiệp nông nghiệp thông minh, ước tính rằng chi phí nhân công để theo dõi khuôn mặt lợn dao động trong khoảng 7 đô-la cho mỗi con – trong khi chi phí gắn thẻ theo dõi truyền thống chỉ ở mức 0,30 đô-la mỗi cá thể. Ngoài ra, chi phí thiết lập cơ sở dữ liệu trung tâm và cơ sở hạ tầng đám mây có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn đô-la.

Nếu loại hình nông nghiệp công nghiệp cao mới nổi này trở nên quá đắt đỏ đối với các hộ nông dân quy mô nhỏ, càng nhiều vốn nông nghiệp hơn sẽ rơi vào tay một nhóm nhỏ doanh nghiệp. Trong những năm 1980 và 90, khoảng 80% thịt lợn trên bàn ăn của người Trung Quốc đến từ các trang trại nhỏ sân sau – vào năm 2018, tình trạng này đã đảo lộn, khi có đến 80% nguồn cung thịt lớn đến từ các trang trại có từ 500 con trở lên.

Thậm chí, FRT đã thu hút sự quan tâm của một số tập đoàn lớn nhất đất nước. Các ông lớn công nghệ như Alibaba, Tencent, JD.com, và Netease đều đã mở công ty con để khai thác thị trường nông nghiệp công nghệ cao mới nổi này. Các trang trại quy mô lớn, với hỗ trợ từ các tập đoàn đầu tư quan tâm đến việc mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp, có thể sẽ tiếp tục gặt hái được thành quả từ những công nghệ mới nổi này, khiến những hộ nông dân quy mô nhỏ càng ngày càng khó khăn hơn trong cạnh tranh.

Trong suốt đại dịch Covid-19, các công ty FRT đã tập trung vào việc cải thiện công nghệ canh tác thông minh của họ, thay vì chọn cách làm cho nó dễ tiếp cận hơn. Vào tháng 5, Yingzi đã cập nhật một nền tảng điều khiển từ xa, ứng dụng mà theo Giám đốc điều hành Jackson He, khiến việc quản lý các trang trại lợn giống như “chơi trò chơi”.

Related posts