‘Biết trả lời sao’ – Tamar Lê

“Học trường nào tốt?” – Từ trường làng cho đến đại học? 

Một vài người bạn thường hỏi tôi và QH câu này, và thú thật tôi không biết ‘phải trả lời sao’ và câu trả lời lại mơ hồ nhưng thực tế: tuỳ thuộc nhiều thứ lắm.

Đề tài đàm luận thường đọc trên mạng xã hội là nên cho con mình học trường công hay trường tư. Có người mua nhà ở vùng nào có trường học tốt để con em mình sau này có nhiều hy vọng cho hướng đi đời mình; có người lại suy nghĩ khác: “Trường nào cũng được nếu con mình happy là may rồi.” Tôi hỏi câu này với một đứa cháu học xong tiến sĩ về tim (cardiology) và đang làm ở một bệnh viện lớn ở Sydney. Cháu mỉm cười: “Có những bạn học rất giỏi, học đâu cũng vậy, ở bầu thì tròn và ở ống thì dài.” Đúng vậy, một trong những cựu sinh viên của tui (CM) ở thành phố nhỏ Launceston, Tasmania nay là Vice-Chancellor của một đại học ở Scotland, UK.

Chọn đại học cho con em mình cũng vậy, không phải được vào học  đại học có uy tín (high-ranking) là thoát khỏi nghiệp chướng đâu… Cũng còn tùy nhiều yếu tố lắm: tùy ngành, tùy giáo sư vì có giáo sư nghiên cứu giỏi nhưng dạy không giỏi, làm sinh viên ngáp đều đều trong lớp, và cũng tùy năm học cử nhân (undergraduate) hay hậu ̣đaị học ̣(postgraduate).

Câu hỏi về học tiến sĩ (PhD) ở đâu cũng phức tạp như trên, và có nhiều hiểu lầm, một phần vì mặc cảm hay ‘ngây thơ’ (vô số tội). Thường luận án tiến sĩ không được đại học của mình chấm, và hai hay ba giáo sư chấm từ bên ngoài phải được chọn lựa kỹ càng bởi đại học nổi tiếng trên thế giới, và nhất là phải có thành tích nghiên cứu. Học tiến sĩ ở Úc, Mỹ, Anh, Tân Tây Lan qua tiếng Anh, luận án và bài nghiên cứu cũng phải viết bằng tiếng Anh, không viết bằng tiếng Việt. Câu trả lời không chỉ ngừng ở đây.

Học xong tiến sĩ chỉ là bước đầu, như cây măng non trổi dậy. Một nghiên cứu sinh cần phải có nhiều bài xuất bản (research papers) đăng trên những sách báo có uy tín trên thế giới mới có hy vọng tiến xa được, dù có học tại đại học Havard, Monash, Singapore, Kuala Lumpur hay Tasmania, nhưng không có thành tích nghiên cứu và bài sách (viết bằng tiếng Anh) được xuất bản, thì bị theo luật đào thải của ngành mình và thế giới (publish or perish). Có bài phải mất một hai năm, duyệt đi duyệt lại (peer review) nhiều lần mới được đăng, hoặc bị chối từ. QH có một sinh viên (DT) thật xuất sắc, lúc trình luận án tiến sĩ thì đã có hơn 10 journal articles, nên vừa học xong thì được đại học Melbourne cho làm giảng viên (lecturer) liền.

Cuộc đời đầy muôn vạn thử thách – Học hành cũng vậy.

Related posts