Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có thật sự tăng trưởng bền vững?

Vũ Dương

Chính quyền Bắc Kinh luôn lợi dụng kinh tế như mồi nhử để trói buộc thế giới. Nhưng liệu nền kinh tế Trung Quốc có thực sự vững mạnh, tốt đẹp và hấp dẫn? Trung Quốc có thực sự là cường quốc kinh tế của thế giới? Sự bùng phát kinh tế của Trung Quốc rốt cuộc là cơ hội hay mối đe dọa đối với cả thế giới. Về vấn đề này, nhà bình luận Vương Hách đã đưa ra bình luận về tính bền vững của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong quý đầu của năm nay, GDP nước này là gần 25,000 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng này dường như sáng sủa, nhưng con số này là dựa trên sự sụt giảm GDP 6,8% trong cùng kỳ năm 2020. Hơn nữa, tăng trưởng theo quý chỉ là 0,6%, không đạt được mục tiêu tăng trưởng. Độ mở của nền kinh tế trong quý đầu tiên không như ý muốn. Tuy nhiên, ĐCSTQ thường chỉ “kể một nửa câu chuyện”, cố tình khiến người ta hiểu sai.

Tại sao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc chỉ ở mức “6% trở lên”?

Trên thực tế, các nhà chức trách ĐCSTQ nhận thức rõ những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, vì vậy, báo cáo của chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trên 6% thay vì cao hơn. Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 4, IMF dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng lần lượt 6% và 4,4% trong các năm 2021 và 2022. Do đó, mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc là “trên 6 %” không được tính là quá nổi bật, cũng không đồng điệu với cái gọi là “Trung Quốc là nước đầu tiên thoát khỏi dịch bệnh” và “Nền kinh tế Trung Quốc dẫn đầu sự phục hồi trong đại dịch toàn cầu”.  

Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất trước kế hoạch?

Hãy nói về năm 2020. Dưới tác động của dịch bệnh, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ 2,3% hàng năm, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất có mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên mức tăng này vẫn không cao bằng mức gần 3% của Đài Loan. Đây cũng là lần đầu tiên Đài Loan vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong 30 năm. 

Vào năm 2020, GDP của Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ Nhân dân tệ, chiếm hơn 17% của thế giới. Nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, chẳng hạn như Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh, tin rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2028 và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.  

Tuy nhiên, dự đoán này đã bỏ qua hoặc đánh giá thấp hai yếu tố chính. Thứ nhất, dữ liệu chính thức của ĐCSTQ không đáng tin cậy và tình hình thực sự về dịch bệnh ở Trung Quốc không rõ ràng. Khả năng bùng phát dịch bệnh lần thứ hai ở Trung Quốc và mức độ nghiêm trọng của nó là những biến số lớn nhất khiến tương lai của Trung Quốc, bao gồm cả nền kinh tế trong đó rất không ổn định. 

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng nhanh trong dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên không bền vững và đã đi càng ngày càng tệ. Trong “Kỷ nguyên mới” của ông Tập Cận Bình, từ năm 2013 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ mức 7,8% giảm xuống 6,1%. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, các yếu tố bên ngoài và các yếu tố chu kỳ không phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân chính là các vấn đề hệ thống, cải cách thất bại, ĐCSTQ không thể làm gì được.

Các số liệu thống kê trên đều là số liệu chính thức, và giới quan sát tin rằng tình hình thực tế ở Trung Quốc còn tồi tệ hơn nhiều. Ví dụ, ông Hướng Tùng Tộ, một nhà kinh tế Trung Quốc, đã tiết lộ trong một bài phát biểu vào cuối năm 2018 rằng: Theo một báo cáo nội bộ của một tổ chức giấu tên, năm 2018 dữ liệu tăng trưởng của GDP Trung Quốc là 1,67%. 

Một ví dụ khác là vào tháng 10 năm 2019, tại cuộc họp nội các của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump, ông không đồng ý với các số liệu do ĐCSTQ công bố (khi đó tăng trưởng GDP trong quý 3 năm 2019 là 6% so với cùng kỳ năm ngoái). Ông Trump bình luận: “[Mức tăng trưởng GDP] có khả năng là âm.”

Kết luận

Ông Vương Hách cho rằng, kể từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20, nền kinh tế Trung Quốc có thể nói là đã “tiến lên cùng bệnh tật”. Xét trên thực tế, “căn bệnh” này không thể chữa khỏi, nó là “hội chứng tử vong”. Tuy nhiên, bởi các loại tình huống đan xen với nhau, nên rất khó để phán đoán khi nào nền kinh tế Trung Quốc sẽ “phát bệnh” và nó còn có thể sống được bao lâu? 

Nói một cách khái quát, nền kinh tế Trung Quốc là một “gã khổng lồ trên đôi chân đất sét”. Kích thước lớn của nó chưa lớn đến mức sẽ bị ngã đổ, nhưng một khi bị ngã rồi thì không ai có thể cứu được nữa. Vì vậy, nếu nền kinh tế Trung Quốc chẳng may sụp đổ sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế thế giới.

Trong hoàn cảnh đó, cho dù đó là đối với người dân Trung Quốc, hay đối với thế giới thì đều cần phải duy trì cách tiếp cận thận trọng, và cân nhắc đối với nền kinh tế Trung Quốc, và có những thu xếp trước một cách phù hợp.

Related posts