Thượng Nghị Sĩ Tammy Duckworth

Đinh Yên Thảo

Thượng Nghị Sĩ Tammy Duckworth, một người Mỹ gốc Thái Lan được xem là một trong những nhân vật gốc Á Châu có ảnh hưởng hiện nay tại Hoa Kỳ. Là một cựu trung tá thương binh trong chiến tranh Iraq, một tiến sĩ về đối ngoại rồi trở thành chính khách, TNS Duckworth là chân dung khá lý tưởng của một nghị sĩ phục vụ đắc lực cho quốc gia. Nhân tháng di sản Á Châu trong tháng Năm, chuyên mục xin giới thiệu dăm nét về nữ thượng nghị sĩ này.

Chiến trường Iraq. Một ngày tháng 11 năm 2004, đại úy phi công Duckworth quay lại căn cứ  sau một phi vụ thì  chiếc trực thăng chiến đấu Black Hawk của cô bị súng phóng lựu của nhóm phiến quân Iraq bắn trúng. Duckworth vẫn cố gắng điều khiển chiếc trực thăng hạ cánh an toàn trước khi hoàn toàn bất tỉnh.

Ở tuổi 36,  đại úy phi công trực thăng chiến đấu Duckworth thuộc lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Illinois đã ngưng chương trình tiến sĩ của mình tại đại học Illinois để sang Iraq và rồi bị thương như vậy. Bác sĩ cấp cứu bảo rằng cô bị mất ít nhất một nửa lượng máu trong người với hai chân đã bị cụt và tay phải hầu như tê liệt cùng thương tích đầy người. Những đồng đội của cô ngỡ rằng cô đã chết hay ít ra không thể nào có thể sống sót.

Duckworth được đưa đến một trung tâm cấp cứu quân đội, rồi lập tức chuyển sang Ðức để giải phẫu khẩn cấp. Cô mê man trong suốt tám ngày. Rồi như một phép lạ, cô vẫn còn sống. Sáu tháng tiếp theo là những ngày tập luyện, làm quen với đôi chân giả và cánh tay mặt bị tê liệt tại Viện y tế Quốc gia của quân đội Walter Reed Army tại Maryland. Cuộc đời một nữ phi công quân lực Hoa Kỳ bước sang một trang mới, tàn nhưng không phế. Cô tiếp tục phục vụ quân đội sau khi xuất viện và về hưu năm 2014 với cấp bậc Trung Tá.

Duckworth tại Iraq năm 2004. nguồn nytimes.com

Sinh năm 1968 tại Bangkok, Thái Lan trong một gia đình có cha là một cựu Thủy Quân Lục Chiến Mỹ từng tham dự chiến tranh Việt Nam và mẹ cô là một người Thái gốc Hoa. Cha cô làm việc cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế về tị nạn, các chương trình phát triển nên gia đình cô đã sống tại một số quốc gia Châu Á, giúp cô nói thông thạo tiếng Thái, tiếng Indonesia bên cạnh tiếng Anh khi theo học tại các trường quốc tế mà cha cô làm việc.

Quay lại Mỹ, tại Hawaii năm 16 tuổi, Duckworth tiếp tục theo học trung học và tốt nghiệp đại học Hawaii với bằng cử nhân về khoa học chính trị, bằng cao học về đối ngoại tại đại học George Washington rồi ngưng chương trình tiến sĩ để sang Iraq như nói trên, tiếp tục hoàn tất nó sau khi xuất ngũ.

Duckworth gia nhập lực lượng trừ bị năm 1990 sau khi tốt nghiệp đại học. Cô chọn và được huấn luyện lái trực thăng chiến đấu cho đến khi sang Iraq và bị thương. Là một sĩ quan cựu chiến binh và thương binh, Duckworth thu hút sự chú ý của Quốc Hội Hoa Kỳ cùng giới chính khách khi cô được các chính khách đến thăm trong bệnh viện hay ra điều trần trước quốc hội về tình trạng các cựu chiến binh chiến trường Iraq.

Duckworth nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt tại Cuộc diễn hành hàng năm lần thứ 46 của Chicago. Ảnh EPA / Tannen Maury.

Con đường chính trị của Duckworth bắt đầu từ năm 2006, sau thất bại khi ra tranh cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ, bà được thống đốc tiểu bang Illinois bổ nhiệm làm Giám Ðốc cơ quan Cựu Chiến Binh tiểu bang.  Năm 2009, bà được Tổng thống Obama bổ nhiệm làm phụ tá bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh cho đến năm 2011 thì bà từ nhiệm để tái tranh cử vào quốc hội. Tháng 12 năm 2012, Tammy Duckworth thắng cử và trở thành phụ nữ Á Châu đầu tiên của tiểu bang Illinois và một phụ nữ khuyết tật đầu tiên tham gia vào quốc hội Hoa Kỳ. Bà cũng trở thành người gốc Thái Lan đầu tiên có mặt tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Năm 2014 bà tái đắc cử Hạ Viện và mở đầu cho việc chuẩn bị bước vào Thượng Viện. Năm 2016, sau khi qua mặt các ứng viên đảng Dân Chủ ở vòng sơ bộ để tranh cử chiếc ghế của TNS Mark Kirk thuộc đảng Cộng Hòa, bà đánh bại Kirk để trở thành thượng nghị sĩ cho đến nay.

Trong cuốn hồi ký “Mỗi ngày là một quà tặng” (Every day is a gift) của bà mới vừa xuất bản và nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất “best-seller” của New York Times, độc giả có thể biết thêm về cuộc đời của một cựu quân nhân kiêm chính khách không chỉ là những sự suôn sẻ, là hàng chục huân chương quân đội và dân sự cao quý rồi thành công trên chính trường mà bà cũng đã trải qua những ngày đầy khó khăn, thử thách.

Bà Duckworth, người được bầu vào Quốc hội năm 2012, là một phụ nữ quen thuộc trong thế giới do nam giới thống trị. nguồn nytimes.com

Bà cũng từng thoát chết khi gia đình chạy nạn khỏi Phnom Penh. Bà cũng từng bán hoa hồng dạo sau giờ học tại Hawaii khi gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, dựa vào trợ cấp xã hội. Bà đã trải qua vô số cuộc giải phẫu đau đớn và kéo dài sau khi bị thương trước khi trở lại bình thường trên đôi chân giả hay chiếc xe lăn. Cũng như việc cân bằng vai trò của một người mẹ tật nguyền lại luôn bận rộn trong vai trò một nhà lập pháp quan trọng với hai con gái còn nhỏ của mình. Tất cả những điều này đã tạo nên một chân dung đại chúng của một phụ nữ gốc Á Châu vô cùng đặc biệt và một nghị lực vươn lên đáng ngưỡng mộ.

Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth bảo rằng, “Tôi biết từ kinh nghiệm cá nhân mình rằng, việc tham gia vào cộng đồng và giúp đỡ người khác để thúc đẩy ý thức hy sinh chung giữa lúc quốc gia nhắm vào sự chia rẽ hơn là đoàn kết, sẽ giúp cho sự đoàn kết quốc gia và đưa nó trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”.

Ðiều bà nói có lẽ không là một lời kêu gọi khẩu hiệu. Chính cuộc đời hy sinh và phục vụ của bà trong hơn 30 năm qua đã chứng minh cho việc góp phần vào việc xây dựng nên một nước Mỹ phú cường, của một cô bé gốc Á Châu nhỏ nhoi đến đất nước này và vươn lên trở thành một nhà lập pháp quyền lực như hiện nay.

Related posts