Bắc Kinh nói Pelosi là “đáng khinh” sau khi bà kêu gọi tẩy chay Olympic mùa đông ở TQ

Ngân Hà

Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng trước lời kêu gọi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về việc “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh, mô tả những bình luận của bà là “đầy dối trá” và là một thủ đoạn chính trị “đáng khinh bỉ”.

Tại cuộc điều trần trước Quốc hội hôm thứ Ba (18/5), bà Pelosi nói Hoa Kỳ có “nghĩa vụ lên tiếng” chống lại hồ sơ nhân quyền ngày càng tồi tệ của Trung Quốc và các chính sách áp bức của họ đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bà sau đó đã kêu gọi Hoa Kỳ và các nơi khác tránh xa Thế vận hội ở cấp chính phủ.

“Hãy tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao nếu thực tế Thế vận hội này diễn ra,” bà nói. “Chúng ta đừng tôn vinh chính phủ Trung Quốc bằng việc các nguyên thủ quốc gia đến Trung Quốc để thể hiện sự ủng hộ đối với các vận động viên của họ.”

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ nói thêm: “Đối với các nguyên thủ quốc gia đến Trung Quốc trong bối cảnh cuộc diệt chủng đang diễn ra, trong khi quý vị ngồi trên ghế của mình, hãy thực sự đặt ra câu hỏi: quý vị liệu sẽ có cơ sở đạo đức nào để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, nếu quý vị sẵn sàng bày tỏ sự kính trọng của mình đối với chính phủ Trung Quốc khi họ đang phạm tội diệt chủng?”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi được hỏi về nhận xét của bà trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư, đã cất lời chỉ trích thậm tệ, mặc dù tránh nói thẳng tên bà Pelosi.

“Một số cá nhân ở Hoa Kỳ” đang sử dụng nhân quyền như một cái cớ để “bôi nhọ Trung Quốc”, ông nói và gọi đó là “một nỗ lực gây rối, cản trở và gây tổn hại cho việc chuẩn bị và đăng cai Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.”

Ông Triệu gọi các bình luận là một “trò hề điển hình của Mỹ”, “đầy dối trá và thông tin sai lệch”.

“Một số chính trị gia Hoa Kỳ nên ngừng sử dụng Thế vận hội để chơi những thủ đoạn chính trị đáng khinh. Đừng đứng đối lập với các vận động viên của mọi quốc gia và những người yêu thích Thế vận hội”, ông nói thêm.

Các nhà hoạt động đại diện cho người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, cư dân Hồng Kông và những người khác đã kêu gọi tẩy chay toàn diện Thế vận hội mùa đông.

Trong phiên điều trần hôm thứ Ba do Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc và Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đồng tổ chức, bà Pelosi ám chỉ việc tẩy chay có thể không thành công nhưng cho rằng Hoa Kỳ không thể ngó lơ “như thể không có gì sai về Thế vận hội ở Trung Quốc.”

“Sự im lặng tương đương với cấp giấy phép [cho họ],” bà Pelosi nói. “Những ai quay lưng lại với tội ác chống lại loài người phải chịu trách nhiệm về chúng.”

Ủy ban Olympic quốc tế sẽ “đồng lõa nếu “không làm gì để giải quyết các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, kéo dài hàng thập kỷ, dai dẳng và nghiêm trọng ở các nước đăng cai Thế vận hội như Trung Quốc”, bà nói thêm.

Chủ tịch Hạ viện cũng chỉ trích các nhà tài trợ doanh nghiệp vì đã không lên tiếng. Các công ty Hoa Kỳ được liệt kê là nhà tài trợ chính thức cho Olympic “trên toàn thế giới” bao gồm Airbnb, Coca-Cola, Intel, P&G và Visa.

Trong khi chính phủ Trung Quốc tiếp tục phủ nhận rằng việc lạm dụng nhân quyền và diệt chủng đã diễn ra ở Tân Cương, quan điểm của họ rằng không nên chính trị hóa Thế vận hội dường như được đa số vận động viên đồng tình.

Trong một bức thư gửi tới Quốc hội vào ngày 13/5, người đứng đầu Ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ Sarah Hirshland đã phản đối việc tẩy chay sự kiện này.

Bà Hirshland cho biết có “những lo ngại xác đáng” về việc Trung Quốc “đàn áp người Duy Ngô Nhĩ”, nhưng nói rằng một cuộc tẩy chay vận động viên “không phải là giải pháp cho các vấn đề địa chính trị.”

Chính quyền Biden chưa thể hiện rõ quan điểm công khai của mình về Thế vận hội mùa đông sắp tới. Ngoại trưởng Antony Blinken tuần trước cho biết Mỹ sẽ thảo luận vấn đề này với các đồng minh và đối tác.

Lần cuối cùng Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội là vào mùa hè năm 1980 để đáp trả cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan một năm trước đó.

Ngân Hà (theo Newsweek)

Related posts