Sinh nhật Bố giữa mùa dịch

Lê Hữu

Bố tôi thích đọc truyện trinh thám, xem phim gangster. Tình cờ, trong một lúc nghĩ đến Bố tôi bỗng nhớ câu chuyện phim Bố có lần kể tôi nghe về tình bạn của hai tay anh chị giang hồ. Một trong hai tay này bị băng đảng gài bẫy đẩy vào một nhà tù kiên cố, khắc nghiệt, đã vào đấy thì chỉ có bỏ xác trong tù. Tay bạn kia tìm cách cứu bồ, cố tình gây án để được giam nhốt chung trong cùng nhà tù với bạn mình. Cả hai sau đó tìm cách vượt ngục… Câu chuyện gay cấn, ly kỳ, tôi chỉ nhớ đại khái nhưng cũng đủ làm tôi nảy ra sáng kiến hay ho giúp cho Bố và tôi không phải xa cách nhau trong mùa đại dịch này.

Câu chuyện hai bố con tôi có khác một chút, tôi không phải đóng vai mạo hiểm để giải cứu Bố và bố tôi cũng không phải là tay anh chị dữ dằn đang xộ khám. Ông chỉ là một ông già hiền lành, ít nói, nằm bẹp trong một viện dưỡng lão. Trước ngày con virus quái ác ấy xuất hiện thì mọi chuyện tương đối ổn. Đến lúc mùa dịch bùng phát thì việc thăm viếng bị hạn chế tối đa và người nhà không được phép vào bên trong. Hai bố con bị ngăn cách bởi bức tường lạnh lẽo, tôi đứng bên ngoài nhìn Bố ngồi trên chiếc xe lăn qua lớp kính khung cửa sổ, chỉ nói chuyện được với nhau qua điện thoại. Bố lại bị lãng tai nên nhiều lúc tôi phải hét lớn Bố mới nghe được. Khi hỏi Bố có khỏe không, chỉ thấy Bố cười cười tôi biết là Bố chả nghe được gì. Đến lúc vẫy tay chào Bố ra về, nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên má Bố tôi cũng muốn khóc theo.
Qua mùa lạnh thì thăm viếng kiểu này còn tệ hơn. Seattle đã rét mướt lại thêm mưa dầm dề. Có lần từ trong nhìn ra thấy tôi đứng sát bờ tường, một tay cầm chiếc dù che mưa một tay cầm điện thoại, Bố nói “Ôi sao mà khổ thế, vừa ướt vừa lạnh… Thôi về đi con!” Bố xua tay ra dấu bảo tôi đi về. Thấy tôi còn chần chừ, Bố lùi chiếc xe lăn rồi lăn bánh quay vào trong, tôi đành phải ra về. Đến lúc thành phố có lệnh “stay home” thì tôi chịu thua, hai bố con ngỡ như “hai phương trời cách biệt”. Cứ nghĩ đến Bố phải trải qua mùa đông dài buồn bã trong viện dưỡng lão, rồi thỉnh thoảng nghe tin vài người lớn tuổi qua đời vì dịch bệnh Covid-19 lòng tôi càng thêm xốn xang. Thật vô phương!

Vai diễn của tay anh chị trong cuốn phim Bố kể tôi nghe khiến trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý tưởng. Sao không thử diễn một vai gần gần như vậy? Sao không thử xin một công việc nào đó trong viện dưỡng lão ấy, bất cứ việc gì, miễn họ chịu nhận để lọt vào được nơi ấy và được nhìn thấy Bố? Nghĩ là làm, tôi bèn gọi thẳng vào số điện thoại văn phòng.

“Greenfield Senior Living. Cô cần gì?” tiếng người hỏi.
“Tôi gọi đến để hỏi xem ở đây có cần người làm việc bán thời gian hoặc cuối tuần không?”
“Ô…, cô đợi một chút nhé.”
Lát sau, tôi nghe giọng bà Carol, quản lý viện dưỡng lão.
“Cô có bằng y tá hay từng làm việc trong viện dưỡng lão nào trước đây?”
“Umm…,” tôi lúng túng, “thưa không, nhưng ngày trước tôi có học qua lớp huấn nghiệp về chăm sóc người cao niên. Tôi cũng từng chăm sóc bố tôi trong nhiều năm.”
“Vậy sao? Tốt lắm.” Ngừng một chút, bà ấy hỏi, “Bố cô vẫn khỏe chứ? Bây giờ ông ấy ở đâu?”
“Trong một viện dưỡng lão,” tôi trả lời. “Bố tôi muốn vậy, ông nói không muốn thấy tôi vất vả vừa đi làm vừa chăm sóc con nhỏ lại vừa lo cho ông.”
“Ông ấy nói thế là thương cô lắm đấy. Bố cô nằm ở viện dưỡng lão nào vậy?”
“Greenfield Senior Living, nơi tôi đang xin việc đây. Tôi chọn nơi này cho bố tôi, vừa là nơi tốt nhất lại vừa gần chỗ tôi làm việc.”
“Oh… hóa ra là vậy!” bà Carol bật cười. “Haha…, tôi hiểu rồi. Tôi thích những người thông minh và có sáng kiến như cô. Thôi được rồi, ngày mai cô tới đây đi, tôi có việc cho cô.”
“Cám ơn…, cám ơn bà nhiều lắm.” Tôi vội vàng nói, chỉ sợ bà ấy vui miệng nói thế rồi lại đổi ý.
“Vậy nhé,” bà Carol nói tiếp. “Gặp cô lúc 3 giờ chiều mai… Quên hỏi, công việc hiện giờ của cô là gì?”
“Tôi làm ở một nhà in,” tôi trả lời vắn tắt. Tất nhiên tôi không nói tôi là Giám đốc dự án của nhà in ấy, và bà ta cũng không hỏi gì thêm.

* * *
Thật không ngờ là mọi việc dễ dàng hơn tôi tưởng, tôi nghĩ có lẽ nhờ mình thật thà có sao nói vậy. Dining Room Server, tôi được giao phó nhiệm vụ này, đại để những công việc linh tinh như lau dọn phòng ăn, nhà bếp, sửa soạn bữa cơm chiều cho các cụ, thu dọn bàn ăn, rửa chén bát, lau chùi sàn nhà…, gọi chung là tạp vụ.

Biết được phòng của Bố, hôm đầu tiên, khi đã xong xuôi mọi việc trước lúc ra về tôi ghé vào phòng. Bố nằm trên giường, mắt lim dim. Tôi ngồi dưới chân giường, ngắm nhìn Bố. Có lúc Bố khẽ mở mắt, nhìn tôi ít giây, rồi lại nhắm mắt. Tôi hiểu, Bố khó nhận ra tôi vì mọi người đều mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang sùm sụp, trông ai cũng giống ai.
Tôi gọi khe khẽ khi Bố vừa mở mắt. Bố không nghe được vì nặng tai. Tôi gọi lớn hơn. Bố mở to mắt, nhìn xuống.
“Con đây, Lara đây… Bố nhận ra con chứ?” Tôi lặp lại đến mấy lần.
“Lara…, con đấy à?” Ông rướn người, ngước đầu, mở to mắt, hỏi với giọng kinh ngạc. “Làm sao con vào đây được? Ai cho con vào vậy?”
“Không ai cho cả”, tôi nhăn răng cười, “con tự vào thôi. Tất cả là nhờ Bố đấy.”
Tất nhiên là Bố không hiểu chi cả cho tới khi tôi kể ông nghe đầu đuôi câu chuyện.
“Bố chịu thua con,” ông bật cười, lắc lắc đầu. “Con có trí nhớ tốt đấy, lại thông minh nữa. Phim ấy lâu lắm rồi, Bố muốn xem lại…” Ông nói tiếp, “Tội nghiệp con tôi.”
Vui thật, tôi được hai người khen là thông minh, bà Carol và Bố. Trong lúc tôi tội nghiệp Bố thì Bố lại tội nghiệp cho tôi. Lúc nào Bố cũng xem tôi như còn bé bỏng lắm.

Thường thì tôi đến sớm một chút vào đầu giờ, mang ít trái cây, ít thức ăn nhẹ cho Bố, hỏi thăm Bố ngủ được không. Khi hết giờ làm việc, tôi lại đến tìm Bố chuyện trò, hoặc giúp Bố nói chuyện qua FaceTime với anh chị tôi ở tiểu bang xa, hoặc đưa Bố dạo chơi ngoài hành lang. Bố vui lắm. Tôi cũng vui nữa thấy mình như tiếp thêm nguồn sinh lực cho Bố. Chỗ dựa của Bố bây giờ là các con, chỗ dựa của tôi bây giờ là Bố từ sau ngày Mẹ mất nhiều năm trước.
Đôi lúc tôi cũng thăm hỏi, chuyện trò cùng các cụ ông, cụ bà ở đây và thấy mình thật may mắn được gần gũi Bố, được chăm sóc Bố trong lúc con cháu các cụ đành bó tay giữa mùa cách ly. Trông ánh mắt các cụ thật buồn bã, thẫn thờ.

Một hôm tôi được cô y tá tên Jane cho biết, hơn tháng nay ở đây ra thông báo tuyển dụng nhân sự nhưng tìm mãi không ra người vì ít ai muốn làm việc tại nơi được xem là dễ rủi ro lây nhiễm trong thời kỳ dịch bệnh này. Thành thử, khi tôi gọi vào xin việc họ ngạc nhiên lắm. Thì ra là vậy, tôi dễ dàng được nhận việc vì “đôi bên đều có lợi”.
“Không ít người chết vì dịch bệnh trong những viện dưỡng lão, cô không sợ bị lây nhiễm hay sao?” Jane hỏi.
“Cũng sợ chứ,” tôi nói, “nhưng tôi sợ cho bố tôi nhiều hơn. Bây giờ thì tôi bớt sợ rồi vì quanh mình không thấy ai sợ cả. Chị cũng đâu có sợ, phải không?”
“Tôi làm việc ở đây nhiều năm và tôi yêu công việc của mình,” Jane nói. “Từ khi dịch bệnh bùng phát mọi người làm việc đến quên ăn quên ngủ và… quên sợ. Hơn thế nữa, có lắm người chịu nhiều rủi ro hơn chúng tôi như bác sĩ và nhân viên y tế ở các bệnh viện, nhưng họ cũng đâu có sợ. Không ai bỏ việc nơi những ‘tuyến đầu’ ấy cả.”

Họ, và cả Jane nữa, như những người lính “bám trụ” kiên cường, tôi nghĩ.
Tin vui đến với các viện dưỡng lão khi vắc-xin Covid-19 được chính thức phê chuẩn và phân phối đến các nhóm đối tượng ưu tiên. Bố và tôi được chủng ngừa cùng lúc, điều mà trước đó tôi chẳng bao giờ ngờ được.

Tuần sau nữa là ngày Sinh Nhật của Bố, tôi chắc Bố cũng chẳng nhớ đâu. Chiều hôm ấy tôi bước vào phòng Bố với món quà bất ngờ dành cho Bố, thế nhưng, một bất ngờ khác đến sớm hơn cho cả Bố và tôi.
“Bố có biết hôm nay là ngày gì không?” tôi hỏi.
Bố chưa kịp trả lời thì cửa phòng bỗng rộng mở. Nhiều người bỗng xuất hiện cùng lúc. Bà Carol với chiếc bánh sinh nhật trên tay, các cô y tá, trợ tá với những chiếc bong bóng đủ màu thật vui mắt. Bố ngồi trên xe lăn, mọi người vây quanh Bố. Bố tròn mắt nhìn chiếc bánh kem đặt trước mặt, thổi mãi mới tắt được hai ngọn nến thắp trên hai con số tám trong lúc mọi người vừa vỗ tay vừa hát bài “Happy Birthday!”… Bố cảm động đến ứa nước mắt.

Tôi muốn ôm Bố hết sức. Tôi thù ghét con virus ấy hơn bao giờ. Sau này Bố vẫn nhắc mãi những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi ấy.
Qua mùa xuân, trời đã bớt lạnh, các viện dưỡng lão bắt đầu mở cửa lại cho người nhà đến thăm viếng với thời lượng hạn chế.
“Mùa dịch sắp qua,” Jane nói, “việc thăm viếng sẽ trở lại bình thường. Cô sẽ rời nơi này chứ, Lara?”
“Thoạt đầu tôi cũng định như vậy nhưng bây giờ tôi đổi ý,” tôi nói. “Cũng như chị, tôi thực sự yêu thích công việc của mình. Tôi vẫn ở lại đây.”
“Thật vậy sao?” Jane hỏi. “Cô không rời chúng tôi chứ?”
“Không,” tôi lắc đầu. “Tôi yêu mọi người và yêu nơi này, là nơi đã cho bố con tôi được bên nhau mùa dịch.”

Đến đây hẳn người đọc cũng muốn biết món quà sinh nhật bất ngờ mà Bố nhận được nơi tôi là gì. Xin hãy đoán thử xem nào?

Lê Hữu (Viết phỏng theo bản tin báo People, March 4, 2021)

Related posts