Úc kiện Trung Quốc lên WTO

Tuấn Anh

Hôm 28/5 chính phủ Úcđã gửi đơn kiện Trung Quốc áp thuế nhập khẩu cao với lúa mạch lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hãng thông tấn SBS dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Úc, ông Dan Tehan cho biết, nước này sẽ yêu cầu WTO thành lập một hội đồng giải quyết tranh chấp để xem xét vụ kiện. Đây là bước tiếp theo của Canberra trong một nỗ lực nhằm khiến việc áp thuế của Bắc Kinh bị tuyên bố là bất hợp pháp.

Australia kiện Trung Quốc lên WTO
Doanh thu của Úc từ xuất khẩu lúa mạch sang Trung Quốc lên tới 1 tỷ USD/năm. Ảnh: SBS

Theo ông Tehan, việc Trung Quốc áp mức thuế lên tới 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc đã ngăn chặn hoạt động buôn bán giữa hai nước. Xuất khẩu lúa mạch của Úc sang đại lục từng đạt doanh thu tới khoảng 1 tỷ USD/năm.

Lúa mạch được sử dụng nhiều nhất trong sản xuất bia. Bắc Kinh cáo buộc Chính phủ Úc đang trợ cấp cho các nông dân sản xuất loại ngũ cốc này và bán chúng với giá rẻ, gây tổn hại cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Lãnh đạo Bộ Thương mại Úc khẳng định, Canberra vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề. Song, Trung Quốc đã hủy bỏ một sự kiện đối thoại kinh tế song phương cũng như đình chỉ vô thời hạn các cuộc gặp cấp cao với Úc.

Giới quan sát cho hay, vụ việc trên chỉ là một trong những tranh chấp thương mại nhuốm màu chính trị giữa hai nước. Bắc Kinh đã triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một loạt sản phẩm của Úc, khi quan hệ ngoại giao với Canberra sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1989.
Nhiều quan chức ở Canberra tin, các biện pháp trừng phạt trên nhằm trả đũa việc Úc đẩy lùi các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh ở xứ sở chuột túi, việc Canberra từ chối cho Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm và công khai kêu gọi quốc tế mở cuộc điều tra về nguồn gốc virus corona chủng mới.

Ít nhất 13 mặt hàng và lĩnh vực thế mạnh của Australia, bao gồm cả thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, rượu, lúa mì, len, du lịch và các trường đại học, đang bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu hoặc một hình thức hạn chế giao dịch nào đó. Song, cho đến nay, danh sách này vẫn chưa mở rộng tới xuất khẩu quặng sắt, lĩnh vực thiết yếu đối với nền kinh tế Úc.

Related posts