Miến Điện : Giáo viên, học sinh tẩy chay ngày tựu trường để phản đối quân đội
Thu Hằng
Tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo tiếp tục ngừng mọi chiến dịch quân sự cho đến cuối tháng Sáu để đàm phán hòa bình với 10 lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số và để học sinh trở lại trường từ ngày 01/06/2021, sau một thời gian các trường phải đóng cửa do phải chống dịch và do đảo chính.
Tuy nhiên, vài trăm nghìn học sinh và giáo viên Miến Điện đã tẩy chay ngày tựu trường để phản đối cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự và chiến dịch đàn áp đẫm máu từ bốn tháng qua.
Theo Reuters, những người ủng hộ dân chủ Miến Điện tiếp tục xuống đường ngày 01/06 ở nhiều khu vực, trong khi quân đội và các lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số vẫn giao tranh ở nhiều vùng biên giới. Người biểu tình ở những khu vực thành thị hoạt động linh hoạt hơn để tránh đối đầu với cảnh sát, như tụ tập biểu tình chớp nhoáng (flashmob), hoặc bất ngờ tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ rồi nhanh chóng giải tán.
Dù trường học mở cửa trở lại nhưng vắng cả thầy và trò. Thứ nhất, theo AFP, có khoảng 150.000 giáo viên (chiếm khoảng 2/3 tổng số giáo viên) tham gia phong trào phản kháng đã bị tập đoàn quân sự đình chỉ công tác. Nhiều người trong số họ đã bị bắt giam theo một đạo luật cấm cổ vũ binh biến và thiếu trách nhiệm đối với quân đội. Nhiều giáo viên không lên lớp vì không muốn « dạy tuyên truyền cho học sinh ».
Thứ hai, học sinh và phụ huynh cũng tẩy chay chương trình giáo dục của tập đoàn quân sự. Trang Myanmar Now cho biết hai ngày trước khi kết thúc đăng ký, 90% học sinh vẫn không ghi danh lại. Rất nhiều phụ huynh lo con họ bị tuyên truyền.
Một số ít các trường đại học đã mở cửa trở lại từ đầu tháng Năm, nhưng cũng vắng sinh viên, vì rất nhiều người ở trên tuyến đầu phong trào phản kháng.
Trong một thông cáo chung vào cuối tháng Năm của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF, UNESCO và tổ chức phi chính phủ Save The Children, « có hơn 12 triệu trẻ em và thanh niên Miến Điện không được theo học chương trình có tổ chức từ hơn một năm nay ».
Đình chỉ bảo hộ sáng chế vac-xin ngừa Covid-19: Liên Âu và Anh Quốc dè dặt
Minh Anh
Một đại diện ban lãnh đạo Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) hôm, 31/05/2021, cho biết Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc và Nhật Bản đã bác bỏ khả năng mở đàm phán về việc tạm đình chỉ quyền bảo hộ sáng chế đối với vac-xin ngừa Covid-19.
Theo WTO, các đề xuất dựa trên những văn bản cụ thể liên quan đến việc đàm phán tạm đình chỉ quyền bảo hộ sáng chế đối với vac-xin ngừa Covid-19 đã được tập hợp đầy đủ trong phiên họp không chính thức của tổ chức này hôm qua.
Tuy nhiên, nhiều nước thành viên vẫn bày tỏ mối quan ngại « về cơ may khởi động đàm phán và đòi có thêm thời gian » để phân tích các đề xuất theo chiều hướng này. Những nước vẫn còn bi quan gồm Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Úc, Nhật Bản, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, và Đài Loan.
Để có được những thỏa thuận, WTO phải có được sự đồng thuận của tất cả 164 nước thành viên.
Theo AFP, Ấn Độ và Nam Phi đang tiến hành một chiến dịch vận động đề nghị từ bỏ quyền bảo hộ sáng chế đối với vac-xin để mỗi nước có thể tự sản xuất. Đề xuất của hai nước này đã được 63 quốc gia ủng hộ. Ngoài vấn đề bảo hộ sáng chế vac-xin, đề xuất của hai nước còn mở rộng sang cả thuốc điều trị, chẩn đoán, thiết bị y khoa và trang thiết bị bảo hộ, cũng như các thiết bị và thành tố cần thiết để bào chế vac-xin.
Nam Phi và Ấn Độ còn đề nghị thời hạn miễn trừ bảo hộ sáng chế phải kéo dài ít nhất là ba năm, trước khi Đại Hội Đồng WTO quyết định có triển hạn thêm hay không.
Làm sao biết được là « bảo hộ sáng chế đang gây cản trở và đến mức độ nào cho cuộc chiến có hiệu quả chống dịch bệnh » ? Đây chính là câu hỏi đang gây nhiều tranh cãi tại WTO.
Viện Công Tố Châu Âu bắt đầu hoạt động từ 01/06
Thụy My
Sau những thủ tục nhiêu khê kéo dài, Viện Công Tố Châu Âu rốt cuộc cũng đi vào hoạt động kể từ hôm nay 01/06/2021. Viện sẽ xử lý các vụ vi phạm về tài chính châu Âu, chẳng hạn như gian lận ngân sách chung của Liên hiệp.
Trụ sở Viện Công Tố Châu Âu đặt tại Luxembourg, công tố viên trưởng là Laura Codruta Kövesi, cựu viện trưởng Viện Kiểm sát chống tham nhũng Rumani.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet cho biết:
« Cho đến nay, Cơ quan châu Âu chống gian lận (OLAF) phụ trách việc giám sát các nguồn quỹ của châu Âu, nhưng chỉ giới hạn ở việc chuyển giao kết quả điều tra cho nhiều hệ thống tư pháp quốc gia, và đề nghị khởi tố.
Kể từ nay, Viện Công Tố Châu Âu có thể tiến hành điều tra, tự ra quyết định khởi tố trước tư pháp các nước và bảo đảm vai trò công tố trong thủ tục tố tụng. Ngoài các vụ gian lận ngân sách, sẽ được đặc biệt theo dõi trong giai đoạn các nước châu Âu đều có kế hoạch phục hồi kinh tế, Viện cũng thụ lý các vụ rửa tiền và gian lận thuế trị giá gia tăng xuyên biên giới.
Viện Công Tố Châu Âu đi vào hoạt động sau nhiều tháng chậm trễ, vì 20 công tố viên của Viện đã được bổ nhiệm từ bảy tháng trước. Và bản thân công tố viên trưởng, bà Laura Codruta Kövesi, còn là nạn nhân của một âm mưu ngay tại quê hương Rumani của bà, vì hiệu quả của đấu tranh chống tham nhũng chừng như đã tạo ra nhiều kẻ thù.
Nhưng lâu nhất là việc bổ nhiệm các công tố viên của nhiều nước châu Âu : Phần Lan vẫn chưa chọn xong, cũng như Slovania, nơi mà việc này thậm chí còn khiến cho bộ trưởng Tư Pháp từ chức. »
Nhật Bản buộc cách ly đối với người Việt và Malaysia nhập cảnh
Thụy My
Chính phủ Nhật dự kiến buộc cách ly 6 ngày đối với các hành khách nhập cảnh từ Việt Nam và Malaysia. Quyết định này được đưa ra sau khi Việt Nam loan báo phát hiện một biến chủng virus mới, và dịch Covid bùng lên mạnh mẽ ở Malaysia.
Những người đến từ Việt Nam và Malaysia sẽ ở tạm các khách sạn do chính phủ Nhật dành sẵn. Trước đó, hành khách từ Ấn Độ và năm nước khác cũng đã phải ở lại khách sạn được chỉ định trong 10 ngày đầu của hai tuần lễ cách ly.
Dự kiến biện pháp cách ly ở khách sạn cũng được áp dụng cho hành khách từ Afghanistan trong 10 ngày, khách từ Thái Lan và một số vùng ở Hoa Kỳ 3 ngày. Những người cách ly sẽ được xét nghiệm virus corona thường xuyên trong thời gian ở khách sạn, và nếu có kể quả âm tính thì sau đó sẽ được tự cách ly tại nhà. Biện pháp này dự tính sẽ được áp dụng kể từ thứ Sáu tới.
Về phía Việt Nam, Reuters cho biết chính phủ hôm qua khuyến khích các chính quyền địa phương và các công ty tự nhập khẩu vắc xin ngừa Covid, thông qua Bộ Y tế hoặc 27 nhà nhập khẩu được cấp phép. Việt Nam đang phải đối phó với đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay và hiện vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng đại trà. Còn Malaysia kể từ nửa đêm hôm qua bắt đầu phong tỏa toàn bộ .Các trường học, văn phòng, cửa hàng đều đóng cửa. Chỉ có một số ít dịch vụ thiết yếu được hoạt động. Người dân không được đi xa khỏi nhà quá 10 km.
Thế vận hội Tokyo : Đoàn thể thao đầu tiên đến Nhật
Các vận động viên môn bóng mềm (softball) của Úc hôm 01/06/2021 đã là đội tuyển Olympic đầu tiên đến Nhật Bản tham dự Thế Vận Hội Tokyo.
AFP ghi nhận chiếc máy bay chở 21 nữ vận động viên và 10 thành viên của ê-kíp đã hạ cánh xuống sân bay Narita gần Tokyo vào sáng sớm. Họ tươi cười chào báo chí trước khi xét nghiệm Covid, và nếu có kết quả âm tính, đội Úc sẽ lên đường đến thành phố Ota cách Tokyo khoảng 100 km. Các quy định chống dịch rất nghiêm ngặt, đội tuyển chỉ rời khách sạn để đến sân tập. Cũng như tất cả các vận động viên tham dự Thế Vận Hội Tokyo, họ đều đã được tiêm chủng và xét nghiệm trước khi khởi hành.
Còn bảy tuần nữa là Thế Vận Hội khai mạc, nhiều vùng ở Nhật trong đó có thủ đô Tokyo vẫn còn được đặt trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chận làn sóng dịch Covid thứ tư. Chính quyền và những người tổ chức thế vận khẳng định Olympic sẽ diễn ra một cách an toàn. Theo các cuộc thăm dò, nhiều người dân vẫn muốn hủy bỏ hoặc hoãn lại một lần nữa việc tổ chức Thế Vận Hội mùa hè, nhưng khả năng này này bị ban tổ chức thẳng tay bác bỏ.
NATO hạn chế các nhà ngoại giao Belarus vào trụ sở
Thụy My
Vào hôm 31/05/2021 NATO đã hạn chế việc các nhà ngoại giao của Belarus được vào trụ sở tổ chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, nhằm trừng phạt việc Minsk buộc một máy bay dân sự châu Âu hạ cánh để bắt nhà đối lập Protassevitch.
Belarus là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối tác châu Âu-Đại Tây Dương, một diễn đàn tập hợp 29 nước NATO và 21 nước đối tác tại châu Âu
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo đã tuyên bố : « Các nước đồng minh kiên quyết lên án việc vi phạm các nguyên tắc quốc tế, tấn công vào quyền tự do ngôn luận của chính quyền Belarus ». Ông cũng hoan nghênh quyết định trừng phạt của các đồng minh NATO, kể cả việc hạn chế các công ty hàng không Belarus, đồng thời đòi trả tự do lập tức cho những người bị bắt.
AFP nhắc lại, hôm 23/05 Belarus đã buộc chiếc phi cơ Ryanair đang bay từ Athens đến Vilnius phải đổi hướng, với một chiến đấu cơ kèm sát, để hạ cánh xuống Minsk, lấy cớ có cảnh báo đặt bom. Hai hành khách là nhà báo đối lập Roman Protassevitch và cô bạn người Nga Sofia Sapega bị bắt ngay sau khi máy bay đáp xuống.
Liên Hiệp Châu Âu (EU), trong đó 22 nước cũng là thành viên NATO, đã quyết định cấm các phi cơ Belarus bay vào không phận của mình, và khuyến cáo các công ty hàng không châu Âu tránh không phận Belarus. Họ cũng yêu cầu chuẩn bị trừng phạt kinh tế chế độ Alexander Loukachenko. Các biện pháp này sẽ được trình lên các ngoại trưởng EU trong cuộc họp tại Luxembourg ngày 21/06 tới.
Belarus đã mở phái bộ ngoại giao bên cạnh NATO từ tháng 4/1988, sáu năm sau khi gia nhập Hội đồng Đối tác Bắc Đại Tây Dương. Việc hợp tác song phương bắt đầu từ 1995, khi Belarus tham gia chương trình Đối tác vì hòa bình. Công dân Belarus có thể tham gia những chương trình đào tạo tại các nước NATO về quản lý khủng hoảng, vũ khí, phòng không, kiểm soát hàng không, viễn thông, xử lý thông tin, huấn luyện quân sự…