Thảm sát Thiên An Môn: Vì sao phải biết?

Mạn Vũ

Thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989 (ảnh ghép tổng hợp).

Lục Tứ – Thảm sát học sinh sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, là một đoạn ghi chép về tội ác cùng cực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng biết điều đó để làm gì? 

Trong Viễn khán khoái bình (Nhìn xa bình nhanh) đăng ngày 5/6, dưới nhãn quang của mình, học giả Đường Tĩnh Viễn cho rằng lịch sử chính là tham chiếu để hậu thế phân biệt được cái nào là thiện – ác, đúng – sai, chính – tà, đen – trắng. 

Vậy thì một chính quyền không tiếc “200 nghìn nhân mạng để duy trì ổn định 20 năm”; sẵn sàng xả súng vào những hạt giống tinh anh (học sinh, sinh viên), nghiền họ dưới bánh xe tăng… thì chính quyền ấy là tốt hay xấu, là thiện hay ác?

Ngoài ra bài bình luận còn đề cập đến những vấn đề như: tại sao ĐCSTQ sẽ không bao giờ thay đổi, phương tây đã ‘ảo tưởng’ về ĐCSTQ hơn 40 năm để rồi ‘tỉnh mộng’… Tất cả sẽ có trong bài phân tích dưới đây của Đường tiên sinh.

***

Sinh mệnh chính là như thế, không ngừng tuyển chọn giữa thiện và ác, không ngừng quyết định tương lai của chính mình. Thế gian con người cũng như thế, chính là ‘thiện ác đồng tại’. Các sinh viên vì để có được tự do mà phải đổ máu, họ đã đánh thức khát vọng tìm kiếm tự do của người Trung Quốc Đại lục.

Hiểu lịch sử: tính hợp pháp của ĐCSTQ bị lung lay

Vài năm trước có một quan chức nhỏ trong chế độ ĐCSTQ, khi anh ấy và tôi nói chuyện về sự kiện Thảm sát Thiên An Môn – Lục Tứ, anh đã rất nghiêm túc đưa ra cho tôi một vấn đề: 

“Các bạn dành cả ngày để nghiên cứu lịch sử, nhưng ngay cả khi bạn hiểu lịch sử, liễu giải được chân tướng (sự thật) đó, vậy thì có tác dụng gì chứ? Những điều bạn nói, tôi không hiểu lắm, tôi cũng không có hứng chút nào. Bạn xem tôi như thế này chẳng phải sống rất tốt sao? Ít nhất tôi sống tốt hơn bạn rất nhiều đó. Bạn nói mình hiểu rõ lịch sử, vậy rốt cuộc nó có tác dụng gì? Tôi cảm thấy nó chẳng có ý nghĩa gì”.

Tôi, một người ‘tài kém học cạn’ khi đó tức thời không biết làm sao giải đáp cho anh ấy, có cảm giác như dù mình giải đáp như thế nào cũng không đủ thuyết phục. ‘Hiểu rõ lịch sử để làm gì?’. Tôi nghĩ mỗi người đều có những đáp án khác nhau. Nhưng theo nhận thức hiện tại của tôi, tôi cho rằng mình biết trả lời anh ấy như thế nào.  

Lịch sử chính là bản ghi chép tất cả những hành vi đúng và sai trong quá khứ của một quốc gia/dân tộc. Nó lưu lại tham chiếu để hậu thế phân biệt được cái nào là thiện – ác, đúng – sai, chính – tà, đen – trắng, hơn nữa là một tham chiếu vô cùng quan trọng. Tất cả những gì chúng ta biết như: tư tưởng, hành vi của con người phải có khuôn phép như thế nào, cái nào là chính hay bất chính, những luân lý đạo đức v.v. những điều đó đều đến từ ghi chép trong lịch sử. Lịch sử chính là kế thừa, học tập và lưu lại. 

ĐCSTQ vừa đấm vừa xoa

Lục Tứ là một đoạn ghi chép về tội ác cùng cực của ĐCSTQ. Một khi có người hiểu rõ nó, thế thì tính hợp pháp của ĐCSTQ sẽ không còn nữa, vậy nên ĐCSTQ mới liều mạng che đậy. Giống như ‘nạn đói lớn’ hay Đại cách mạng văn hoá trong quá khứ, ĐCSTQ cũng muốn che đậy như thế. Điều khác ở đây là ĐCSTQ chưa bao giờ nhận sai về Thảm sát Lục Tứ, không cho cơ hội để ‘bình phản’ (minh oan) về sự việc này. Nói đến ‘bình phản’ đây là một chủ đề quan trọng để kỷ niệm ngày 4/6 hàng năm. 

Chúng ta trong quá khứ thấy rằng mỗi lần có mít-tinh lớn kỷ niệm Lục Tứ ở công viên Victoria (Hồng Kông), sẽ xuất hiện một lượng lớn khẩu hiệu và biểu ngữ như ‘minh oan cho Lục Tứ’ v.v. ‘Bình phản’ cho Lục Tứ nên hay không? Đương nhiên là nên. Nhưng không nên do ĐCSTQ làm. 

Trước Lục Tứ, chúng ta thấy ‘bình phản’ luôn là ĐCSTQ dùng thủ đoạn ‘đổi tay trái phải’. Sau mỗi lần ĐCSTQ dùng tay trái trấn áp bức hại một lượng lớn người dân, thì ở đằng sau nó lại dùng tay phải để làm cái gọi là ‘bình phản’. Thế là hết thảy tội ác hầu như đều tiêu mất. Người bị hại còn cảm thấy hài lòng, thậm chí có người còn cảm kích ĐCSTQ. Sau đó ĐCSTQ còn khuấy động cảm xúc mà nói với tất cả mọi người ‘hãy xem xem, đảng của chúng ta đã trải qua con đường khó khăn gian khổ như thế nào’.

ĐCSTQ sẽ… không bao giờ thay đổi

Đây có thể nói là chỗ giảo hoạt gian trá của ĐCSTQ. Do đó nó không thích hợp để làm việc ‘bình phản’ này. Chúng ta biết rằng trước Thảm sát Lục Tứ, Đặng Tiểu Bình có nói một câu nói ‘đằng đằng sát khí’ rất nổi tiếng: “Giết 200 nghìn người để duy trì 20 năm ổn định”. 

Những hình ảnh về vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Chúng ta cùng quay lại nhìn đoạn thời gian lịch sử đó, từ câu nói này chúng ta sẽ phát hiện một vấn đề rất kỳ lạ, rất mâu thuẫn. Đó chính là: Một chính quyền đã tàn độc đến mức ấy, nó không tiếc giết đi 200 nghìn người dân nước mình để giữ gìn giang sơn ‘màu đỏ’ không tuột khỏi tay; vậy làm sao nó có thể trong quá trình cải cách khai mở, nó kiếm đủ tiền để ‘ăn no uống đủ’ sau đó sẽ tự động tiến đến dân chủ, chuyển giao một cách hoà bình?

Đây rõ ràng là một nghịch lý, một trò lừa rất lớn. Nhưng điều kỳ lạ là phương Tây vẫn tin cách nói này, tin rằng ĐCSTQ sớm muộn gì cũng sẽ ‘gột rửa tâm hồn’, sẽ chủ động đi theo con đường thiện lương. Kỳ thực, trong các lãnh đạo của ĐCSTQ bao gồm cả Đặng Tiểu Bình, họ đều công khai nói rằng ‘ĐCSTQ tuyệt đối sẽ không làm dân chủ hoá, tự do hoá’. 

Ví như cuối năm 1986, Đặng Tiểu Bình hội kiến Tổng thống Gabon là Hadj Omar Bongo, ông công khai nói rằng: “Chúng tôi là ‘bốn hiện đại hoá’ (1), mọi người đều nói tốt. Nhưng ‘bốn hiện đại hoá’ mà họ nghĩ khác với ‘bốn hiện đại hoá’ mà chúng tôi nghĩ. ‘Bốn hiện đại hoá’ trong đầu não chúng tôi là ‘hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa’, còn họ chỉ nghĩ là ‘bốn hiện đại hoá’ bình thường. Về điều này chúng tôi quyết không nhượng bộ”.

Trang 123, quyển 3 trong cuốn “Đặng Tiểu Bình văn tuyển” xuất bản năm 1993 đã viết rõ rằng: “Trung Quốc sẽ làm hiện đại hoá, nhưng tuyệt đối không thể làm tự do hoá, không thể đi theo con đường tư bản phương tây”. Trên thực tế trong thời đại Đặng – Giang – Hồ, ‘chống diễn biến hoà bình’ luôn là chiến lược xuyên suốt từ đầu đến cuối của ĐCSTQ. Điều này nghĩa là, ĐCSTQ sẽ không thay đổi, cái họ gọi là ‘cải cách mở cửa’ chỉ có một mục đích: dựa vào nguồn dinh dưỡng của chủ nghĩa tư bản để nuôi lớn cơ thể của chủ nghĩa xã hội. Cái đó gọi là ‘mượn gà đẻ trứng’, ‘mượn thuyền ra khơi’. 

… nhưng phương Tây đã tin hơn 40 năm

Phương Tây luôn tin chắc ‘cải cách kinh tế sẽ dẫn động cải cách chính trị’, ‘cải cách mở cửa sẽ thúc đẩy dân chủ’ v.v. hơn nữa đã tin hơn 40 năm rồi. 

Nhưng tôi thấy sau sự kiện Thảm sát Lục Tứ, ĐCSTQ đã phát động một chiến lược thành công nhất để lừa người. Từ năm 2015, cố vấn Bộ quốc phòng Mỹ khi đó là Pillsbury, ông đã xuất bản một cuốn sách rất nổi tiếng có tên “Cuộc đua marathon trăm năm – 2049”. Trong sách viết về một trường hợp. Khi đó Pillsbury còn làm ở CIA. Ông kể rằng năm ấy có 2 gián điệp Trung Quốc chạy đến Mỹ quốc. Một người trong đó nói với chính phủ Mỹ: “Tất cả lời hứa về cải cách khai mở đều là lừa đảo. Quan chức cấp cao của ĐCSTQ chưa bao giờ có cách nghĩ hướng đến dân chủ hoá”. 

Gián điệp khác thì nói tương phản hẳn lại: “Đặng Tiểu Bình rất thân nước Mỹ. Các nhà lãnh đạo đứng đầu là Đặng Tiểu Bình thật tâm muốn thông qua cải cách khai mở để thúc đẩy sự thay đổi chính trị, từ đó đi đến dân chủ hoá”. Nhưng tiếc thay, phía Mỹ cuối cùng tin người thứ hai và cự tuyệt việc tin người thứ nhất. 

Một quốc gia không tiếc hàng trăm nghìn nhân mạng của mình để duy trì chính quyền, họ có thể khiến người ta tin rằng họ sẽ chuyển giao trong hoà bình một cách tự nguyện chăng? Lục Tứ đã cho phương Tây bài học giáo huấn lớn nhất, hơn nữa sự lừa dối của ĐCSTQ vẫn còn tiếp tục đến ngày nay. 

Trong tập trước chúng ta đã nói về việc Tập Cận Bình muốn thay đổi cách thức tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn. Trong thiết kế cấp cao của ông ấy, ông yêu cầu việc tuyên truyền phải ‘giương cao lá cờ cộng đồng chung cho vận mệnh nhân loại’, phải đứng trên văn minh 5.000 năm để giải thích toàn diện quan điểm phát triển, quan điểm văn minh, quan điểm nhân quyền, trật tự quốc tế, quản lý toàn cầu v.v. theo góc nhìn của ĐCSTQ. 

Nhưng mọi người đều biết rằng, ĐCSTQ bây giờ so với năm 1989 thì càng không có giới hạn đạo đức, càng táng tận lương tâm hơn. Trước đây thì dùng hình thức ‘gián điệp hai mặt’ để truyền tin tức tình báo giả. Hiện tại ĐCSTQ đã có nhiều tiền hơn, nhiều thủ đoạn hơn. Họ có thể thuê đội quân 50 xu để giả tạo dư luận.

Trước đây ĐCSTQ làm cho người ta tin rằng nó sẽ đi đến dân chủ hoá. Hiện nay chúng ta thấy ĐCSTQ công khai tuyên truyền ưu thế của ‘chính quyền đỏ’. Vậy thì ‘dân chủ hoá’ đối với ĐCSTQ đã trở nên lỗi thời. Cho nên trọng điểm lừa dối của ĐCSTQ hiện nay bắt đầu chuyển hướng để ‘tô đắp’ về sự trỗi dậy của mình. ĐCSTQ gọi đó là sự trỗi dậy văn minh mới, quy tắc mới, trật tự thế giới mới. Dùng cách nói của Tập Cận Bình thì ĐCSTQ là một con sư tử ‘ôn hoà’, ‘đáng yêu’, chứ không phải là ‘sói chiến’ hung ác cùng cực.

Chú thích: 

(1) Bốn hiện đại hoá – Tứ hoá (四化): Hiện đại hoá 4 phương diện: Công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật.

Mạn Vũ

Related posts