Cuba đã có Internet, xuất hiện video cảnh sát trấn áp người dân

Ngọc Mai

Người dân Cuba xuống đường biểu tình hôm 11/7 (ảnh: Youtube/el Nuevo Herald).

Theo tờ Washington Post, Chính phủ Cuba đã ban hành lệnh ngắt Internet sau cuộc biểu tình lịch sử vào Chủ nhật tuần trước. Điều này khiến các nhà hoạt động khó theo dõi hoặc công khai mức độ đàn áp của lực lượng an ninh. 

Hôm Chủ nhật (ngày 11/7), nhà báo Héctor Luis Valdés Cocho đang ghi lại hình ảnh những người Cuba biểu tình phản đối chính phủ thì bị một cảnh sát đẩy xuống đất và nắm lấy chân anh ta.

Nhà báo 30 tuổi cùng một nhóm biểu tình trẻ đã bị giam giữ trong khoảng 22 giờ. Anh Héctor cho biết, anh đã bị thẩm vấn, đe dọa và bị buộc tội kích động biểu tình chống lại chính phủ. Sau đó, anh bị nhốt tại nhà riêng và bị cảnh sát giám sát. 

Chính phủ đã ban hành lệnh ngắt Internet sau cuộc biểu tình lịch sử vào Chủ nhật. Điều này khiến các nhà hoạt động khó theo dõi hoặc công khai mức độ đàn áp của lực lượng an ninh. 

Khi quyền truy cập mạng trở lại vào thứ Tư, các hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các nhân viên cảnh sát đột nhập vào nhà của người Cuba và bắt giữ những người biểu tình bị tình nghi. Nhóm luật sư Cubalex ước tính rằng 200 người trở lên đã bị giam giữ hoặc mất tích.

Có con trai bị giam giữ sau khi tham gia biểu tình, bà González Cantillo chia sẻ “Chúng tôi thậm chí không có Internet để nói với thế giới những gì đang xảy ra”.

Một đoạn video đăng trên tờ Miami Herald cáo buộc cảnh sát Cuba đã đột kích một ngôi nhà và bắn chết một người đàn ông tham gia biểu tình. Theo tờ báo, vụ việc xảy ra tại nhà cô Marbely Vásquez ở thành phố Cárdenas, phía đông Havana. Trong video, cô đang bế con và cảnh sát cầm súng xông vào nhà. Đoạn video không cho thấy vụ nổ súng, nhưng có vết máu trên sàn phòng khách của ngôi nhà.

Các cuộc biểu tình ở các thành phố trên khắp Cuba vào Chủ nhật đáng chú ý không chỉ về quy mô mà còn về số lượng người tham gia: Những người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh, có nhiều người nói rằng họ chưa bao giờ tham gia một cuộc biểu tình như vậy. Tuy nhiên, các nhà hoạt động và nhà báo nổi tiếng trong cộng đồng bất đồng chính kiến ​​lo ngại họ sẽ phải gánh chịu hậu quả từ phản ứng của chính phủ độc tài.

Bà Anamely Ramos González, một thành viên của Phong trào San Isidro, cho biết: “Giờ đây, sự đàn áp không chỉ được thấy trong các cuộc biểu tình mà còn ở các gia đình. Họ [cảnh sát] đang săn lùng người dân trong nhà của họ”.  https://www.youtube.com/embed/obh2W-RLG4E

Hôm thứ Ba, Bộ Nội vụ Cuba xác nhận đã có một người chết trong cuộc biểu tình, nhưng bà González cho rằng con số thực cao hơn nhiều.  

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price đã lên án việc chính phủ Cuba cắt Internet và giam giữ các nhà hoạt động và nhà báo.

Ông nói: “Chúng tôi biết thế giới đang theo dõi việc chính quyền Cuba bắt giữ và đánh đập hàng chục công dân của họ, bao gồm cả các nhà báo và những tiếng nói độc lập. Chúng tôi biết rằng nhiều người vẫn mất tích”

Ông Price cho biết thêm “Chúng tôi tham gia cùng gia đình họ, những người bảo vệ nhân quyền Cuba và mọi người trên khắp thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ hoặc mất tích chỉ vì yêu cầu tự do đơn thuần bằng cách thực hiện quyền phổ biến là tự do hội họp và tự do ngôn luận”.

Trong khi đó, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã cáo buộc Hoa Kỳ và các nước khác kích động tình hình bất ổn. Ông gọi những cáo buộc về việc chính phủ Cuba đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa là “một lời nói dối hoàn toàn và một sự vu khống hoàn toàn”.

Related posts