Thanh Hải
Ấn Độ rót tiền xây cơ sở hạ tầng trên đảo Bắc Agalega của Mauritius, nhưng đây nhiều khả năng là căn cứ quân sự đối trọng Trung Quốc, trang Aljazeera cho hay.
Ấn Độ năm 2015 ký thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng đảo Bắc Agalega thuộc đảo quốc Mauritius ở nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, những thông tin được thu thập gần đây cho thấy Ấn Độ nhiều khả năng đang xây một căn cứ hải quân trên hòn đảo xa xôi này.
Công nhân Ấn Độ đang xây dựng hai đê chắn sóng lớn và một đường băng dài hơn 3 km trên đảo. Đường băng cũ trên đảo Bắc Agalega chỉ dài khoảng 800 m, phù hợp cho một số máy bay cỡ nhỏ của cảnh sát biển hoạt động.
Mauritius và Ấn Độ đều phủ nhận đồn đoán rằng cơ sở hạ tầng đang được xây dựng trên đảo phục vụ mục đích quân sự. Ấn Độ mô tả đường băng ở Bắc Agalega sẽ phục vụ chính sách An ninh và Phát triển Toàn khu vực (SAGAR), tăng cường hợp tác hàng hải giữa các nước, trong khi Mauritius khẳng định cảnh sát biển sẽ sử dụng cơ sở này.
Hồi tháng 5, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth còn khẳng định đảo quốc này và Ấn Độ “không có thỏa thuận xây dựng căn cứ quân sự” nào ở Bắc Agalega.
Tuy nhiên, giới chuyên gia trên tờ Al Jazeera bày tỏ hoài nghi về các tuyên bố này, bởi khoản đầu tư 250 triệu USD mà Ấn Độ rót vào hòn đảo để xây sân bay, bến cảng và trạm thông tin liên lạc khó chỉ dừng ở việc hỗ trợ hoạt động của lực lượng cảnh sát biển.
Abhishek Mishra, chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (ORF) tại New Delhi, đánh giá cơ sở hạ tầng mới được xây dựng trên hòn đảo sẽ thực hiện vai trò thu thập thông tin tình báo. Một căn cứ tại đảo Bắc Agalega sẽ giúp Ấn Độ duy trì hiện diện hải quân và không quân cũng như gia tăng giám sát khu vực tây nam Ấn Độ Dương cùng eo biển Mozambique.
Samuel Bashfield, nhà nghiên cứu an ninh tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định hòn đảo là vị trí xây dựng căn cứ quân sự hoàn hảo. “Ấn Độ cần cơ sở ở phía tây nam Ấn Độ Dương để khai triển máy bay hỗ trợ tàu thuyền. Đây cũng là khu vực có thể được Ấn Độ sử dụng làm bàn đạp cho một số hoạt động quân sự”.
Đảo Bắc Agalega mang ý nghĩa chiến lược ở tây nam Ấn Độ Dương, khu vực đang được xem là “điểm mù” đối với hải quân Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự hướng ra vùng biển này tại Djibouti vào năm 2017. Với căn cứ trên quần đảo Mauritius, Ấn Độ có thể mở rộng khả năng giám sát tình hình trên biển.
Ngoài các công trình như đê biển và đường băng cỡ lớn, một số hạ tầng có tiềm năng được sử dụng cho mục đích quân sự cũng đã được xây dựng trên đảo. Các nguồn tin riêng của Mishra tiết lộ đường băng ở Bắc Agalega sẽ được sử dụng cho máy bay tuần thám biển P-8I. Dòng máy bay do Mỹ sản xuất này có khả năng tham gia tác chiến chống ngầm, chống hạm và các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) trên biển.
Chuyên gia Mishra nhận định Ấn Độ muốn che giấu mục đích thật sự của các căn cứ này nhằm tiếp tục hoạt động phản đối quân sự hóa khu vực.
Còn theo nhà nghiên cứu Bashfield, mục tiêu chính của Ấn Độ khi đầu tư xây dựng căn cứ tại đảo Bắc Agalega là nhằm đối trọng với các hoạt động của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, vùng biển đang trở thành tâm điểm mới trong cuộc canh tranh giữa hai cường quốc. Trung Quốc đã tăng cường sức ảnh hưởng lẫn hiện diện quân sự thông qua căn cứ ở Djibouti và quyền sử dụng một số cảng nước sâu tại khu vực.
Cạnh tranh ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương đang ngày càng quyết liệt, khi Trung Quốc thúc đẩy quyền lực thông qua mạng lưới căn cứ quân sự, cảng biển nằm trên “Chuỗi Ngọc trai” ở các nước láng giềng bao quanh Ấn Độ, buộc New Delhi phải tăng cường năng lực giám sát biển.
Chuyên gia Mishra nhận định: “Mục tiêu trong thỏa thuận xây dựng đảo Bắc Agalega giữa Ấn Độ và Mauritius là biến hòn đảo thành nút thắt quan trọng trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ trên toàn khu vực. Hòn đảo sẽ là bàn đạp hữu ích cho hoạt động thu thập tình báo thông tin và trinh sát điện tử”.
Tầm quan trọng chiến lược của khu vực tây nam Ấn Độ Dương ngày càng tăng trong thời gian qua. Ngày càng nhiều tuyến vận tải biển đi qua eo biển Mozambique và vòng qua phía nam châu Phi, trong đó có cả những tuyến vận chuyển nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc. Việc New Delhi tăng cường giám sát mọi hoạt động tại vùng biển có thể gửi thêm thông điệp răn đe đến những động thái quân sự hoặc gia tăng ảnh hưởng từ phía Bắc Kinh.