Trung Quốc – Yếu tố cản trở việc nâng quan hệ Mỹ – Việt lên “đối tác chiến lược”

Thanh Hà (RFI)

Giới quan sát đã nhiều lần đề cập đến hình ảnh Việt Nam bắt tay với Mỹ nhưng mắt vẫn nhìn về phía Bắc Kinh. Trong hai tháng liên tiếp, bộ trưởng Quốc Phòng rồi phó tổng thống Hoa Kỳ đã công du Việt Nam. Washington và có lẽ là Hà Nội đều muốn nâng cấp quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược”, nhưng yếu tố Trung Quốc vẫn cản trở việc này.
Trước giờ tiếp nhân vật số 2 trong chính quyền Mỹ, thủ tướng Việt Nam đã có một buổi làm việc với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Phải chăng đó là những dấu hiệu cho thấy một số giới hạn trong bang giao Việt – Mỹ và phản ánh thế khó xử của Hà Nội trên bàn cờ ngoại giao ?

Trả lời trang mạng nghiencuuquocte.org hôm 23/08/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) tại Singapore lưu ý bang giao Việt Mỹ “chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay” và bên cạnh những lợi ích về kinh tế, vế an ninh quốc phòng và chiến lược ngày càng thu hút chú ý của đôi bên. Vẫn theo ông Lê Hồng Hiệp, chính việc có cùng những lợi ích về chiến lược, đặc biệt là “trên Biển Đông” đang thúc đẩy “hai nước xích lại gần nhau hơn”.

Hà Nội và Washington đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc. Từ năm 2015, bộ Quốc Phòng Mỹ đã cho phép xuất khẩu một số trang thiết bị quân sự sang Việt Nam và cũng từ 2018, hàng năm, lãnh đạo Lầu Năm Góc vẫn dành thời gian đến Hà Nội.

Trong bối cảnh tình hình tại Biển Đông đã nóng lên, Việt Nam tỏ ra tâm đầu ý hợp với Mỹ về chiến lược an ninh biển. Dù vậy, về mặt chính thức, đến nay Việt Nam vẫn xem Hoa Kỳ là “một đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại” và tránh né cụm từ “đối tác chiến lược” khi nói về quan hệ với Mỹ. Thái độ thận trọng đó phần nào cho thấy Hà Nội không được thoải mái giữa một nước cựu thù là Hoa Kỳ và một nước láng giềng quá lớn là Trung Quốc.

Trong bài viết trên báo The Diplomat hôm 21/0/2021, Alexander L. Vuvinh, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye – Hawai, nhấn mạnh “quan hệ Mỹ Việt là một trong những mối bang giao tế nhị nhất và tinh tế nhất”, chẳng những do quá khứ lịch sử, mà còn chủ yếu là vì “yếu tố Trung Quốc”. Điều này đã được chứng minh qua nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ : Năm 1978, tổng thống Jimmy Carter từng muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nhưng đã không đạt đến đích, vì tránh làm phật lòng Trung Quốc. Năm 2010, lần đầu tiên ngoại trưởng Hillary Clinton đề nghị “nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên thành mối đối tác chiến lược”, nhưng rồi cũng lại yếu tố Trung Quốc khiến đôi bên phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Từ đó tới nay, tình hình ở Biển Đông đã bị khuấy động. Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng biến vùng biển này thành ao nhà, chà đạp chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước liên quan… Ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ, tổng thống Biden khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia mà Nhà Trắng muốn “tập trung nỗ lực đẩy mạnh quan hệ đối tác, thúc đẩy một số mục tiêu chung”. Vậy có còn trở ngại nào nữa hay không để hai nước cựu thù xem nhau là “đối tác chiến lược” ? Chuyên gia Alexander L.Vuving hy vọng là không, vì theo ông, mối liên minh chiến lược sẽ là hồi kết hiển nhiên, vào lúc Việt Nam và Hoa Kỳ có cùng quan điểm trên khá nhiều chủ đề, từ việc duy trì tự do hàng hải dựa trên luật quốc tế, đến việc giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc của các dây chuyền sản xuất trên thế giới.

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp cũng cho rằng Việt Nam và Mỹ mà thiết lập quan hệ chiến lược là điều “hết sức bình thường như Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc”. Đối tác chiến lược sẽ là một cơ sở cho mọi hoạt động hợp tác song phương, đồng thời “thể hiện sự coi trọng mà hai nước dành cho nhau”, đồng thời bao hàm ý nghĩa là “Việt Nam luôn bảo vệ và đề cao sự tự chủ chiến lược của mình (…) không chấp nhập sức ép, can thiệp của các nước khác”, bất luận đó là ai, khi mà điều đó “đi ngược lại lợi ích quốc gia của Việt Nam”.

Vấn đề còn lại là Trung Quốc chấp nhận để Việt Nam liên kết với một siêu cường khác tới mức độ nào. Lịch sử trong thế kỷ 20 đã nhiều lần cho thấy Bắc Kinh khó chấp nhận để Việt Nam có một điểm tựa mạnh mẽ, bất luận đó là Mỹ hay Liên Xô. Nhìn xa hơn nữa, có thể là không riêng gì với Việt Nam, Trung Quốc đã tìm cách ly gián các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á, chọc gậy bánh xe vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Khang Vũ, đại học Boston, Hoa Kỳ, trên báo The Diplomat ngày 25/08/2021.

Related posts