Chuyên gia: Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa quân đội nhanh chóng bằng mọi giá

Thanh Hải

Học giả Vương Hà, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc hiện đang sống tại Mỹ, trong một bài bình luận trên thời báo Epoch Times ông cho rằng lãnh đạo Trung Quốc đang tiến hành hiện đại hoá quân đội nhanh chóng bằng mọi giá, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không có nền tảng căn bản về mặt đạo đức, nếu họ dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo, tất cả nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy hiểm.

Cụ thể, trong một cuộc họp nội bộ vào ngày 30/07/2021, ông Tập Cận Bình đã ca ngợi mục tiêu trăm năm của quân đội Trung Quốc là xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2027.

Năm 2027 là năm đánh dấu 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ và PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc). Mục tiêu của ông Tập có thể được coi là một dấu hiệu nguy hiểm cho thấy ông ta có ý định sử dụng tất cả sức mạnh vũ trang để tự cho phép tham gia vào các cuộc chiến tranh xâm lược.

Ông Tập đã thực sự thúc đẩy phát triển quân đội trước thời hạn. Vào ngày 31/07/2020, ông Tập đã lên tiếng về kế hoạch của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh “sự phát triển của các công nghệ chiến lược, đột phá, hàng đầu” và “sự phát triển tổng hợp của một quân đội được cơ giới hóa, thông tin hóa và thông minh”. ĐCSTQ sử dụng một cách tiếp cận toàn xã hội và gọi đó là “chiến lược kết hợp quân sự-dân sự”.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã đang chạy thật nhanh trên chặng đường phát triển quân đội trong chiến lược quốc gia của mình. Mặc dù điều này có thể liên quan đến cá nhân ông Tập, nhưng nó liên quan nhiều hơn đến bản chất bạo lực và hiếu chiến của ĐCSTQ.

Báo cáo nghiên cứu: Chi tiêu quân sự của Trung Quốc “cao thứ hai trên thế giới

Vốn nổi tiếng là mập mờ trong việc tiết lộ thông tin, khoản chi tiêu quân sự trên thực tế của ĐCSTQ có thể cao hơn nhiều so với những gì đã được báo cáo.

Tuy nhiên, theo một báo cáo hồi tháng 04/2021 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), một viện nghiên cứu chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích về chi tiêu quân sự toàn cầu, cho biết chi tiêu quân sự của Trung Quốc “cao thứ hai” trên thế giới và “đã tăng lên trong 26 năm liên tiếp, chuỗi gia tăng không bị gián đoạn kéo dài nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác”.

Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (CFR), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, đã tiết lộ việc mở rộng quân sự của Trung Quốc trong một bài báo hồi tháng 02/2020, trong đó trích dẫn ước tính của các nhà phân tích về chi tiêu quân sự của Bắc Kinh lên tới 238 tỷ USD trong năm 2018 — cao hơn so với con số trong báo cáo công khai của ĐCSTQ.

Trong khi đó, Viện SIPRI ước tính chi tiêu danh nghĩa cho quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2020 ở mức 252.3 tỷ USD — cao hơn gần 1.4 lần so với con số chính thức.

Vào tháng 05/2020, Trung Quốc đã công bố một bảng ngân sách quốc phòng thường niên [có giá] 183.5 tỷ USD.

Trong năm 2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rõ ràng đã thừa nhận rằng 600 triệu người dân có thu nhập hàng tháng chỉ là 140 USD, nhưng Bắc Kinh đang chạy hỏa tốc trên con đường chủ nghĩa quân phiệt bằng mọi giá.

Bà Lindsay Maizland, tác giả bản báo cáo của CFR nói trên, lưu ý rằng các lực lượng quân chủng truyền thống của Trung Quốc bao gồm Lục quân, Hải quân và Không quân, đã được nâng cấp đáng kể cả về mặt số lượng vũ khí và ứng dụng công nghệ cao kể từ năm 2015 — khi ông Tập “thúc đẩy chuyển đổi PLA từ một lực lượng chủ yếu [tác chiến] trên bộ thành một nguồn sức mạnh hàng hải chủ lực”.

Chẳng hạn như, quân đội Trung Quốc đã tăng cường lực lượng hỏa tiễn của mình, chịu trách nhiệm duy trì các hỏa tiễn thông thường và hỏa tiễn [mang đầu đạn] nguyên tử để trở thành một lực lượng độc lập.

Một ví dụ khác là Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược, được thành lập vào năm 2015 và chịu trách nhiệm về các hoạt động trong không gian vũ trụ của quân đội, bao gồm các hoạt động với vệ tinh, “quản lý chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng và các hoạt động tâm lý của PLA, cùng các nhiệm vụ công nghệ cao khác.

Tuyên truyền trong nước: Nhấn mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng quân đội

Để tuân thủ chỉ thị của ông Tập, kênh truyền thông chính thức CCTV của Trung Quốc đã công bố một bài báo vào tháng 11/2020, nói về tầm quan trọng của công nghệ trí năng hóa. Ông Ngô Chí Trung (Wu Zhizhong), một nhà nghiên cứu tại một tổ chức cố vấn quân sự Trung Quốc, Học viện Khoa học Quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã nêu rõ trong bài báo rằng Trung Quốc “phải nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ này và áp dụng các biện pháp vượt bậc để thúc đẩy công nghệ trí năng hóa”.

Công nghệ trí năng hóa bao hàm việc sử dụng phần lớn thiết bị và công nghệ điều khiển tự động, tức là trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong bài báo này, ông Ngô nhấn mạnh niềm tin của mình rằng “Hoa Kỳ đã phát triển hoặc sử dụng một số lượng lớn bom đường kính nhỏ (SDB), hỏa tiễn thông minh, thiết bị bay không người lái và lính robot” như một biện pháp chiến lược để nhắm vào Trung Quốc và Nga.

Trên thực tế, những thành quả của Bắc Kinh trong việc hiện đại hóa vũ khí, sự tiến bộ đáng kể trong công nghệ thông tin, cũng như việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chứng tỏ rằng đây là lĩnh vực có thể mang tính chiến lược nhắm vào Hoa Kỳ.

Vào tháng 10/2020, ông Michael Brown, Giám đốc Đơn vị Đổi mới Quốc phòng của Ngũ Giác Đài, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, đã nói với [Tạp chí] National Defence rằng Trung Quốc đã dẫn trước Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực AI.

Ông Brown tiết lộ các lĩnh vực mà Trung Quốc đang dẫn đầu, chẳng hạn như “phần mềm nhận diện khuôn mặt, thiết bị bay nhỏ không người lái, truyền thông lượng tử, viễn thông, dữ liệu di truyền, mã kim, v.v.”.

Điều quan trọng cần lưu ý là nguy cơ có thể xảy ra “chiến tranh không người lái” qua việc sử dụng AI. Nếu một cuộc chiến như vậy mang lại quyền sinh sát cho một hệ thống vũ khí độc lập, nó có thể có sức tàn phá tương đương với sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. ĐCSTQ không có nền tảng căn bản về mặt đạo đức, và họ liều mình để phát triển bất kỳ loại AI nào. Nếu Trung Quốc dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo, tất cả nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy hiểm.

Related posts