Mộc Trà
Đối mặt với các cuộc đàn áp mạnh mẽ về quy định, một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã có một động thái có vẻ mang tính đột phá: Họ thành lập công đoàn cho chính công nhân của mình, hoặc ít nhất là xem xét thành lập các tổ chức quyền lao động nội bộ. Nhưng theo các nhà quan sát, các tổ chức do công ty kiểm soát này sẽ thúc đẩy lợi ích của Đảng chứ không phải của người lao động.
Nhật báo Người lao động, tờ báo chính thức được xuất bản bởi Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc, tuần trước đưa tin rằng công ty thương mại điện tử khổng lồ có trụ sở tại Bắc Kinh JD.com Inc. đã thành lập tổ chức công đoàn của tập đoàn vào ngày 30/8. Đại diện công đoàn địa phương ở Bắc Kinh đã đề nghị JD. com gói “hỗ trợ đặc biệt” cho 10.000 công nhân. Vào ngày 2/9, Nhật báo Người lao động đưa tin rằng 12 “công ty nền tảng” hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ gọi xe, thực phẩm và vận chuyển hàng hóa đã phát hành một bức thư chung kêu gọi các công ty Internet “đóng một vai trò tích cực” trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.
Người khổng lồ cho thuê xe hơi DiDi Chuxing cũng đã thông báo thành lập công đoàn vào cuối tháng 8 trên diễn đàn nội bộ. Theo Bloomberg, công ty đang bị giám sát chặt chẽ về cơ sở hạ tầng dữ liệu kể từ khi IPO tại Mỹ này cho biết các tài xế bán thời gian của hãng có khả năng sẽ tham gia vào liên minh. Công ty giao đồ ăn khổng lồ Meituan – đang bị điều tra chống độc quyền – cũng đang xem xét thành lập công đoàn.
Những động thái này được đưa ra khi Bắc Kinh tích cực viết luật và thực thi các quy định mới nhằm kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ hùng mạnh. Các công ty đã phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng tăng từ cả chính phủ và công chúng về việc phân phối lại của cải và quyền lực, đồng thời còn phải bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Ông Eli Friedman, nhà xã hội học tại Đại học Cornell, người nghiên cứu về lao động, chính trị và xã hội ở Trung Quốc cho biết: “Động cơ thành lập công đoàn của các công ty công nghệ rất đơn giản. Đó là để tuân theo ý chỉ của nhà nước và thể hiện sẵn lòng thực hiện chương trình ‘thịnh vượng chung’. Theo nghĩa đó, hành động này tương đồng với các khoản quyên góp từ thiện mà nhiều công ty đã thực hiện gần đây”.
Vào ngày 17/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa thúc đẩy “thịnh vượng chung” tại cuộc họp kinh tế và tài chính, hướng tới giảm bất bình đẳng kinh tế và khẳng định lại các giá trị xã hội chủ nghĩa của Đảng – điều mà ông đã nhiều lần nhấn mạnh vào năm 2021. Cuộc họp kêu gọi “điều chỉnh thu nhập quá mức” và khuyến khích các cá nhân và công ty có thu nhập cao “trả lại nhiều hơn cho xã hội”. Ngay sau cuộc họp, những gã khổng lồ công nghệ đang chịu sự giám sát chặt chẽ của pháp luật, bao gồm Alibaba, Tencent và Pinduoduo, đã cam kết rót một lượng tiền đáng kể vào các sáng kiến nhằm thúc đẩy bình đẳng xã hội.
Các tổ chức công đoàn mang màu sắc Trung Quốc
Nhưng các công đoàn ở Trung Quốc về cơ bản khác với các tổ chức được lập ra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở các quốc gia khác. Họ chính thức trực thuộc ACFTU, một tổ chức trụ cột của Đảng Cộng sản Trung Quốc và bảo vệ quyền lực nhà nước. Theo ông Friedman, tuy bề ngoài nó tỏ ra là để bảo vệ lợi ích của người lao động, nhưng nó trước hết thúc đẩy lợi ích của Đảng, và các công đoàn thực tế nằm dưới sự kiểm soát của ban giám đốc công ty. Các công đoàn Trung Quốc không được tài trợ bởi hội phí thành viên mà là bằng thuế tiền lương 2% mà mỗi công ty trả, và các thành viên công đoàn gần như không được quản lý công đoàn. Thiếu khả năng thương lượng, các công đoàn Trung Quốc trên thực tế là các tổ chức nội bộ phát quà và là người tổ chức các sự kiện. Họ tập trung vào việc giảm bớt các vấn đề khi chúng phát sinh, chứ không truyền đạt những bất bình của nhân viên và giải quyết chúng một cách thực chất. Các nghiệp đoàn Trung Quốc không được tài trợ bởi hội phí thành viên, mà bằng thuế lương 2% mà mỗi công ty phải trả.
Ông Friedman nói: “Các công đoàn này hiếm khi tham gia vào thương lượng tập thể có ý nghĩa, cũng như không thể bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích của các thành viên.
“Nếu ACFTU thành lập một công đoàn trong một công ty, về mặt lý thuyết, nó có thể không phù hợp với lợi ích của công ty”, một Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về ngành dịch vụ kỹ thuật số của Trung Quốc, bà Mengyang Zhao của Đại học Pennsylvania cho biết. “Công đoàn có thể đơn giản chỉ là một công cụ để chính phủ đàn áp các công ty công nghệ. Chúng ta sẽ phải xem rốt cuộc người lao động nhận được chính xác những gì”, bà nói.
Trên thực tế, nhiều nhân viên giao hàng và tài xế bán thời gian không được các ông lớn công nghệ tuyển dụng chính thức, thay vào đó họ làm việc cho các nhà thầu bên thứ ba. Các công ty công nghệ vừa thành lập công đoàn đang hưởng ứng các chính sách mới nhằm bảo vệ quyền của người lao động hợp đồng. 7 cơ quan chính quyền trung ương một lần nữa kêu gọi các công đoàn tuyển dụng lao động hợp đồng và kêu gọi các công ty công nghệ và chính quyền địa phương đảm bảo quyền lao động cho những người không phải là nhân viên, bao gồm cả việc cho phép họ tiếp cận các phúc lợi an sinh xã hội.
Nhưng các nhà nghiên cứu lao động không lường trước được một hậu quả thảm khốc: Chi trả an sinh xã hội và phúc lợi cho người lao động hợp đồng là vô cùng tốn kém. JD Logistics, chi nhánh chuỗi cung ứng và hậu cần của JD.com Inc., là một trong số ít các công ty công nghệ Trung Quốc chính thức sử dụng nhân viên giao hàng. Nhưng với chi phí lao động chiếm hơn 40% chi phí doanh thu hàng năm, công ty đã không có lãi kể từ khi thành lập vào năm 2007.
Nếu không có thông tin chi tiết về cách các công đoàn đang lên kế hoạch thu hút người lao động hợp đồng, thì vẫn chưa rõ các công đoàn mới mà các công ty công nghệ đang thành lập sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với người lao động. Việc chính thức hóa việc làm ồ ạt có thể chảy máu nghiêm trọng lợi nhuận của những công ty được coi là nền tảng của nền kinh tế này. Ông Aidan Chau, một nhà nghiên cứu tại China Labour Bulletin cho biết: “Đó có thể là một điều tốt cho những người lao động hợp đồng, nhưng nó còn phải phụ thuộc vào việc liệu công đoàn có trở thành người đại diện cho họ hay không và bản chất quan hệ lao động của họ với công ty – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông hỗ trợ các phong trào công nhân ở Trung Quốc là như thế nào”.
Nghịch lý của bảo vệ người lao động
Trên thực tế, các công nhân cũng đã cố gắng tự lập ra tổ chức công đoàn của riêng mình, nhưng Bắc Kinh lại không chấp nhận các hoạt động tập thể cấp cơ sở.
Vào năm 2019, một nhân viên giao đồ ăn và nhà hoạt động tên là Chen Guojiang, hay còn được gọi là “Mengzhu”, bắt đầu tổ chức nhân viên giao hàng qua WeChat. Anh đã tiếp cận 14.000 công nhân thông qua 16 nhóm WeChat, nơi những người lao động giúp đỡ nhau về hậu cần giao hàng, chia sẻ các mẹo an toàn và thậm chí đưa ra lời khuyên pháp lý. Năm đó, Mengzhu đã bị bắt giữ sau khi kêu gọi các công nhân đình công để phản đối việc giảm tỷ lệ giao hàng. Tháng 2 vừa qua, Mengzhu lại bị giam giữ; anh bị buộc tội “gây gổ và gây rối” và “biến mất” kể từ đó.
Các nhóm tương trợ mà Mengzhu thành lập không phải là các công đoàn truyền thống, nhưng chúng dường như hoàn toàn phù hợp với chương trình nghị sự “thịnh vượng chung” của ông Tập. Tuy nhiên, nhà nước vẫn coi những người như anh là một mối đe dọa tiềm tàng.
Ông Friedman nói: “Điều này cho thấy một nghịch lý thực sự bởi vì Bắc Kinh đã nói về việc cải thiện điều kiện sống cho người lao động và giảm bất bình đẳng trong khoảng 20 năm tới mà lại không có gì để chứng minh”. “Câu hỏi đặt ra là, liệu một cách tiếp cận từ trên xuống có thể hiệu quả trong khi loại trừ những hành động tự bảo hộ của người lao động hay không? Xem ra, điều này là không có triển vọng”.
Mộc Trà
Theo Protocol