Hoàng Nga
(Chân dung nhà văn Hoàng Nga)
Cuối cùng, khi quan hệ tình cảm giữa tôi với Triết dành cho nhau chỉ còn lại một mớ hổ lốn, và sau bao nhiêu năm gầm gừ, rình ngó nhau kiểu cọp săn mồi, mỗi đứa đã yên ổn tọa vị một phương ở đất khách quê người, tưởng sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội nhìn thấy mặt nhau lần nữa, bỗng thình lình lại đụng mặt trong một bữa tiệc cưới ở Sài Gòn. Tôi hoàn toàn không biết Triết về. Cũng như Triết chẳng hề nghĩ tôi đang có mặt tại thành phố ấy. Nhưng điều ly kỳ, tình tiết gay cấn hơn, là tôi và Triết đều không biết chủ nhân bữa tiệc cưới, vốn thân giao với hai đứa khi còn ở quê nhà, lại có quan hệ bà con vừa với bên vợ của Triết, vừa với bên chồng của tôi. Hai đứa sững sốt ngó nhau một lúc. Bằng một kiểu cách hết sức dị hợm. Và dĩ nhiên, hết sức ngỡ ngàng. Sau, Triết bật cười:- Đất trời mang mang, ai người tri kỷ…Tôi so vai, nở nụ nửa miệng. Triết khen:- Lúc này trông em trẻ đẹp hẳn ra.Tôi lúc đó, mới bắt đầu bừng tỉnh, bước ra khỏi cơn dị mộng bàng hoàng với cái bĩu môi:- Thời mười bảy mười tám không đẹp thì thôi, thời này đẹp chỉ tổ làm gai mắt thiên hạ chứ hay ho gì mà anh khen.Lần này thì Triết ngó tôi lại lần nữa, nhưng bằng cặp mắt khác hẳn. Giọng Triết đầy vẻ ngao ngán:- Chém chết em cũng cái kiểu ác nhơn thất đức, chanh chua hồi đó.Tôi phì cười:- Em muôn đời vẫn là em. Đáng lý ra anh phải thấy cuộc sống mỗi ngày mỗi oái oăm, mỗi kỳ quái, em nếu có chanh chua hơn, ác đức hơn cũng là chuyện thường chứ.Triết làm thinh không đáp. Tôi trêu:- Không chừng tối nay về nhà gác tay lên trán, anh sẽ hớn hở mừng vì đã bỏ được em.Triết lườm tôi:- Hồi đó em cũng có ý định bỏ anh vậy.Huề! Một đều. Năm bảy đều. Tôi với Triết hồi đó đang yêu nhau đằm thắm, bỗng đùng đùng bỏ nhau một cách hết sức đột ngột, thình lình. Đến nỗi người quen ai cũng sững sốt, cũng tưởng hai đứa chúng tôi đùa. Hai đứa bỏ nhau, như xi nê, như tiểu thuyết. Chia lìa mà chẳng hề có lý do! Chẳng gây gổ, chẳng giận hờn kịch liệt. Cũng chẳng chiến tranh lạnh, nóng, hay đánh đấm đổ máu, gây thương tích gì cả. Chỉ bỏ, vậy thôi. Triết từ biệt hẳn, không qua lại nhà tôi, và tôi tránh, trốn, tất cả những con đường từng đi với Triết. Bạn bè hỏi, tôi đùa “coi như chết rồi”.Coi như chết rồi, nhưng thật tình mà nói, tôi giống hệt như bị thất tình. Một cách vô cùng lãng nhách, dấu hết mọi người, tôi khóc hàng tháng trời. Khóc một mình. Khóc âm thầm. Rũ rượi héo hon như ngọn cỏ dưới đồng khô nắng hạn. Mãi sau cùng mới lóp ngóp gượng dậy, bằng cách quyết định hỏa tang tình tôi kiểu của các em sến nương. Tôi đã đốt hết tất cả những gì liên quan đến Triết trong một buổi chiều bị trông nhà một mình (nhưng về sau lại tiếc đến đứt ruột mấy tấm hình đẹp như tài tử xi nê của Triết. Cả những bức thư Triết mùi mẫn viết cho tôi thời mới quen nhau!). Khi thấy Triết có bạn gái mới, lòng tôi như xát ớt. Có hôm gặp Triết giữa đường, tôi lạng quạng tay lái đến suýt đâm sầm vào xe người khác. Tết nhất, hội hè, lễ lộc, tôi nghiến răng son phấn ra đường vì sợ bạn bè cười, và tối về nhà thấy mình trơ trọi, lẻ loi quá, lại chỉ muốn tự tử quách cho xong đời.Chẳng biết là bởi nỗi đau tình phụ, hay vì cái thứ tự ái kỳ quặc nào đó, mà tôi quằn quại như thế rất lâu. Tôi tự hành hạ mình rất nhiều. Tuy nhiên, cuối cùng rồi tôi cũng có bạn trai. Có chồng. Bỏ được tôi, có lẽ Triết mừng. Khi thấy tôi đi bên cạnh cuộc đời người không hào hoa tuấn tú, không phong nhã, không tài giỏi hơn mình, chẳng hiểu Triết có hân hoan, khoái trá gì không, nhưng phía tôi, tôi ấm ức, khổ sở đòi đoạn mãi về chuyện vợ con của Triết sau này. Nỗi đớn đau, tị hiềm bám mãi theo tôi không thôi. Nhiều người thỉ thọt với tôi, Triết đẹp, vợ Triết đẹp, trời ơi, hai đứa con, giống hệt như thiên thần. Đám bạn tôi nhìn thấy vợ chồng con cái Triết ở đâu đó là ngẩn ngơ bởi cái sự thật hiển nhiên không thể chối cãi ấy. Và dẫu đã cố ý né tránh đến cách mấy đi nữa để không khơi động lòng tự ái của tôi, cuối cùng vẫn có đứa bật ra vài câu khen. Chỉ thỉnh thoảng, đôi đứa ngồi lê đôi mách muốn có câu chuyện làm quà với tôi, mới kể lể chuyện con trai Triết lười học, con gái Triết ăn nói kỳ cục, cụt ngủn, vô duyên để “an ủi”, khích lệ tôi…Thường khi nghe như vậy, tôi cũng… vui. Tuy nhiên những “niềm vui” tiểu nhân ấy không ở với tôi lâu. Tự đâu đó trong thâm tâm tôi, tôi vẫn coi như Triết là kẻ đại thù của mình. Vẫn đau khổ khi thấy đời sống tình cảm Triết có vẻ hanh thông, ngon lành hơn mình. Và dĩ nhiên vẫn ấm ức về chuyện lẽ ra tôi phải là người chấm dứt quan hệ trước, phải được tiếng bỏ Triết (!) trước mới… đúng. Tôi nói với mấy con bạn cũng thuộc loại cà chớn giống tôi, thế nào Triết cũng bị “quả báo nhãn tiền”!*Triết hỏi tôi về với ai. Tôi đáp một mình. Triết bảo “anh cũng vậy”. Và nói thêm, mất mười mấy năm trời, Triết mới rời chân được khỏi nơi định cư, mới đi được một đoạn đường xa đến thế này. Tôi mường tượng ra ngay cảnh sống sáng sáng Triết đi làm, chiều chiều chở “nợ” đi học đàn, học bơi, cuối tuần đưa “oan gia” đi chợ, đi shop… Chắc thế nào Triết cũng đã tậu được một cái “nghiệp báo”, và sẽ còn còng lưng ở một công, tư sở nào đó, ít nhất cho đến lục tuần, hoặc thậm chí mấp mé cổ lai hy. Tôi ngó Triết. Ngó người đàn ông lẽ ra có thể chia với mình cái đời sống ổn định, đàng hoàng ấy bằng nỗi xốn xang. Tôi tự hỏi không biết Triết đã buồn hay vui trong bấy nhiêu năm trời đi bên cạnh người không phải là tôi, lòng thấp thỏm chờ trông một thứ quả báo sẽ hiện lên đâu đó trong cái giọng nói đều đều, chừng mực của Triết.Bất giác tôi rảo mắt xuống vai áo người đàn ông, cố tìm một nét xương gầy đau khổ. Tuy nhiên, bộ đồ lớn màu xanh sẫm may vừa vặn khít khao đang mặc trên người, chừng như chỉ làm Triết đẹp thêm lên. Gentlement thêm lên. Cái “hy vọng” tiểu nhân xì hơi, tôi hỏi cho có hỏi:- Mấy đứa nhỏ nhà anh ngoan chứ hả?Triết lơ đãng:- À, lớn, cũng đỡ ra.Triết làm tôi lại “hy vọng”. Lại lơ mơ nghĩ đến một thứ “mắt đền mắt răng đền răng” Triết phải nhận chịu. “Đỡ ra”, có nghĩa là dỏm, là dở, trước đó. Nghĩa là, tôi nên hí hố chúc mừng! Tuy nhiên lát sau, khi nghe Triết hỏi về chuyện chồng con gia đạo của mình, bỗng dưng lại buồn đến muốn ứa cả nước mắt. Tôi không hiểu nổi bởi cuộc đời của tôi vốn không suôn sẻ, hay bởi lòng dạ tôi ưa thù vặt, nên tai bay vạ gió cứ nhắm trúng tôi mà thẳng tiến. Tôi chán ngán nhớ đến cảnh sống chẳng thích ứng được với xã hội ở bên kia, nhớ đến những thất bại não nề của người vẫn chung đường với mình mỗi ngày, mà muốn thở dài não ruột trước mặt Triết. Nhưng tự ái, tôi rùn vai:- Thì cũng vậy vậy…*Cũng vậy vậy, về Sài Gòn, lạ cảnh, lạ người, tự dưng cái kiểu “lạc quẻ”, lơ láo như khách qua đường khiến tôi với Triết bỗng gần lại với nhau hơn ở một vài phương diện, vài nghĩ suy nào đó. Buổi sáng sau ngày cưới, Triết gọi điện thoại đến chỗ tôi đang ở, rủ xuống phố uống cà phê. Tôi tròn mắt:- Anh dám ra đường một mình ở đây sao?Triết chậc lưỡi:- Thì đi đại. Đón taxi, đón xích lô…Cái đề nghị nghe cũng hấp dẫn. Một liều ba bảy cũng liều, tôi ừ. Triết hẹn tôi ở đầu đường Huyền Trân Công Chúa. Tôi nhờ người nhà chở ra. Gặp nhau, hai đứa bỗng lăn đùng ra cười. Bởi gần như tôi chẳng còn nhớ tình tiết nào về con đường, và Triết cũng vậy. Triết bảo tôi, ngày xưa Triết hay muốn hẹn tôi ở góc này, vì khúc đường khá vắng vẻ, một cái cầm tay, một nụ hôn phớt lên tóc, lên má tôi, chắc chắn sẽ khó bị ai… phát giác. Tôi ôm cái xách tay lên ngực, cười. Bây giờ con đường nhan nhản hàng quán bán quần áo, dụng cụ thể thao. Trông hao hao giống đường Lê Thánh Tôn, hay Nguyễn Huệ ngoài Bến Thành. Chỉ không nhộn nhịp đông người qua lại bằng. Tuy nhiên nếu không có ai nói, hoặc không được nhìn thấy tên đường ở đâu đó trên những bảng hiệu, chắc chắn tôi sẽ không tin. Triết cà chớn nói Huyền Trân Công Chúa đến giai đoạn này có lẽ đã bị đưa sang Chiêm, cây quế trên rừng có lẽ đã bị dày vò tan nát.Tôi hỏi Triết đi đâu bây giờ. Triết lớ ngớ một hồi rồi bật cười, rủ tôi đi dọc từ đó xuống cuối đường. Tôi bước theo Triết. Hai đứa giống hệt Mán về thành. Láo ngáo. Ngơ ngác. Triết vừa đi vừa hát, theo em xuống phố trưa nay… Mới chín giờ sáng Sài Gòn đã nắng hực, rát cả da mặt, tôi nói Triết chắc còn chất ngất cơn say của bữa tiệc cưới tối qua. Triết cười, hỏi tôi ngủ được không. Tôi gật:- Một giấc ngủ hoàn toàn không mộng mị, chiêm bao, nhưng cuối cùng em lại bị một cặp vợ chồng hàng xóm chửi lộn đánh thức vào lúc bốn giờ rưỡi. Đành phải nằm trăn trở từ đó cho đến sáng.Triết bật cười ha hả:- Trời ơi, vậy nếu có trăn trở đến anh, chắc em cũng chỉ tơ tưởng tới những điều không đẹp đẽ chút nào.Tôi ngó Triết. Nhăn mặt. Hai đứa đi vèo mấy phút hết con đường. Chẳng ngắm nghía gì ở trước mặt, ở hai bên (mà hình như con đường chỉ có một dãy bán hàng thì phải). Chuyện trò toàn những thứ bá láp. Tôi than nóng. Triết rủ tôi vào một gian hàng, mua đại một trái banh tennis, để kiếm cớ gọi nhờ một chiếc tắc xi. Lúc ra đứng đợi dưới mái hiên cụt treo lủng lẳng nhiều thứ đồ, tôi hỏi nhỏ Triết học ở đâu ra cái lối mánh khóe vặt như vậy. Triết cười:- “Dân tộc tính” đó. Ở đây vài tuần, anh nhận ra hình như người mình chưa chấp nhận được kiểu sòng phẳng của người tây. Gọi nhờ điện thoại, trả tiền đàng hoàng, chắc chắn sẽ làm người ta khó chịu hơn cái cách anh vừa áp dụng.Tôi cười theo Triết. Hai đứa leo lên chiếc tắc xi phì phò máy lạnh. Triết bảo chở ra tiệm kem. Tôi hỏi không đi uống cà phê sao. Triết lắc đầu. Tôi trêu:- Anh sợ khung cảnh hữu tình hả?Triết cười mỉm, không đáp. Nhưng đến lúc kéo chiếc ghế cho tôi ngồi nhìn ra ngoài đường lố nhố người và xe qua lại, Triết bảo:- Ngồi ở đây ồn ào, nhỡ có nghe em chì chiết, đỡ thấy nặng lòng hơn ở chỗ thanh tịnh.Tôi đanh mắt lườm người đàn ông không biết nên tính là bạn hay thù của mình. Nụ cười dễ ghét của Triết lại nở ra trên môi. Lát sau Triết nói:- Đùa vậy chứ ngồi đây để em nhìn cho rõ Sài Gòn.Nhìn cho rõ Sài Gòn, Triết hay nói vậy với tôi. Bởi đối với Triết, mặc dầu tôi có ở lâu và có gắn bó với Sài Gòn đến đâu đi nữa, thì tôi cũng chỉ là khách. Ngày xưa Triết hay trêu tôi chỉ cư trú tại một thành phố đã mất tên, nên chẳng hề biết gì về Sài Gòn. Và thỉnh thoảng Triết lại trêu tôi nhà quê khi nhắc đến chuyện tôi đã được đi nghỉ mát ở nơi này như thế nào. Tôi đã kể cho Triết nghe ở miền trung dạo đó, được đi xa ra tới Huế đã là cái gì ghê gớm lắm rồi, huống gì là đi Sài Gòn, và còn được đi máy bay, nên tôi nhớ hai anh em tôi cứ như được đi… ngoại quốc khi theo bà chị ra phi trường, leo lên chiếc DC quatre èo ọp, tim chừng như muốn rụng xuống mấy tần mây vì… hãnh diện. Năm ấy chị tôi vừa chuẩn bị thi tú tài, ông anh ngập ngừng ngưỡng cửa trung học đệ nhị cấp và tôi thì chỉ mới sắp hết tiểu học.Tôi hoàn toàn chẳng còn nhớ Sài Gòn đã đón chúng tôi như thế nào, mà chỉ nhớ chiếc xe bus Air Việt Nam đưa mình từ phi trường vòng vèo qua nhiều ngã phố, rồi hai chị em tôi lên taxi về Hòa Hưng với má lớn, còn ông anh thì bị đẩy qua Khánh Hội với người anh họ. Sau này lớn, nhiều năm qua đi, mọi hình ảnh cũng qua đi, nhưng không hiểu sao trong ký ức tôi vẫn còn sờ sờ những cơn mưa nặng hạt của buổi chiều từ Hòa Hưng qua Khánh Hội, rồi từ Khánh Hội về Gia Định. Vẫn còn lại cái cảm giác của những buổi sáng đứng trên gác nhìn sững ra ngoài ngõ, chờ… danh hề Tùng Lâm đi làm. Văn nhân tài tử của đô thành hồi đó, tôi chỉ hân hạnh được thấy mặt (qua nhiều lần đứng rình như thế), là chàng nghệ sĩ vừa lùn vừa xấu này. Con cháu tôi bảo vợ Tùng Lâm hách lắm. Chao ơi, hách lắm, nên tôi đã phải nhọc công kiếm đủ mọi cách thẩn thơ ngoài ngõ đến cả mấy tuần lễ nghỉ hè để diện kiến dung nhan người đẹp, nhưng chẳng hề đạt được cái hân hạnh ấy một lần!Đi nghỉ mát ở Sài Gòn, nhưng kỳ thật là để anh chị tôi học thêm, nhất là ông anh dân trường tây của tôi. Tôi chẳng biết anh tôi làm gì bên Khánh Hội, còn chị tôi thì đi vắng cả ngày. Khi thì ở trường Anh ngữ Dziên Hồng của Lê Bá Kông, khi ở các lớp luyện thi nào đó. Cuối cùng ba đứa, sót lại tôi, những ngày hè, những ngày “nghỉ mát ở Sài Gòn”, có nghĩa là đi tới đi lui giữ hai đứa cháu cho má lớn tôi đi đậu chến đánh tứ sắc. Lâu lâu, chắc sợ bà chị, người con duy nhất còn lại giữa ba tôi và bà, cằn nhằn, nên bà dẫn cả lũ đi theo. Lê la với hai đứa cháu ở các bậc thềm chỗ má tôi đánh bạc, tôi biết thêm danh lam thắng cảnh Cống Bà Xếp. Sài Gòn chật cứng trong mắt tôi những khu nhà cho thuê nhỏ xíu, chen chúc nhau trong các ngõ hẻm gập ghềnh chỗ tráng xi măng, chỗ trải đá. Kinh hãi trong trí tôi những bậc thang gỗ thẳng đứng lên căn gác má tôi ở. Lạ lẫm bên tai tôi những tên gọi phố xá, giọng nói khi ngọt như mía lùi khi âm vang dữ dằn, anh chị, từ danh xưng mày tao, đến những chữ dùng “gì dậy” khác hẳn quê nhà tôi.Sau này, khi đã vào ở hẳn Sài Gòn, và nhất là lúc đã thành người yêu của Triết, rảnh, tôi hay rủ Triết chạy vòng vèo từ Gia Định qua Khánh Hội, rồi xuống tận Hòa Hưng, để tìm lại chút “dư hương”. Triết hay cười tôi khi tôi ngẩn ngơ đứng nhìn những cơn mưa qua phố xá rộn ràng, trên các dinh thự qua đến những mái nhà tôn ọp ẹp…Tôi rảo mắt ngó ra đường, hoa cả đôi con ngươi với đủ loại xe cộ và người chen chúc nhau trên từng phân vuông phố trước mặt. Có cái gì vừa lạ lẫm vừa quen thuộc giữa những hạt bụi mù bay trong không trung, giữa những vòng khói xe xám trắng, giữa những luồn lách hiếm thấy nơi tôi định cư, khiến tôi nao nao dạ. Tôi quay sang bảo với Triết tôi sẽ sắp xếp đi lại một vòng Sài Gòn cho nhớ. Triết nhìn lại tôi:- Lại Gia Định, Khánh Hội, Hòa Hưng hả?Tôi bật cười. Triết chậc lưỡi:- Gia Định của em đã là Bình Thạnh, Khánh Hội đã là quận tư, rồi Hòa Hưng cũng là Tân Bình, không còn nguyên vẹn những cái tên ngay từ ngày em sinh sống ở nơi này, giờ có đi lại một vòng, chắc càng chẳng thấy gì…Tôi làm thinh. Sài Gòn, khi tôi về đã bớt tiêu điều như thời thập niên tám mươi, vài đôi chỗ cũng đã sáng lán hơn cái khung cảnh chiều mưa buồn buồn trong ký ức tôi thời thơ ấu, điều Triết nói, hẳn nhiên tôi cũng đã nhìn thấy ngay từ khi bước chân xuống đến phi trường, vòng vèo vài con phố về đến nơi trọ. Tất cả những đổi thay đầy tính cách tạm bợ đều lạ lẫm trong mắt tôi. Hoàn toàn không mang chút hơi hướm nào tôi đã cưu mang nhiều năm trời. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ muốn lục lọi, tìm kiếm một cái gì đó. Tôi cười buồn với Triết:- Em là kẻ đi tìm thời gian đã mất.Triết cười theo một nụ ngậm ngùi:- Ở một thành phố không còn tên hả?Tôi lại ngó ra đường:- Nghe khá giống cải lương, nhưng hình như là vậy.*Hình như tất cả mọi thứ trật tự đều bị đảo lộn trong tôi, như tôi đã sống với ảo giác, với những giấc chiêm bao mộng mị sau một ngày long rong với Triết quanh thành phố bằng taxi, bằng cyclo, lẫn cả đi bộ. Người tôi mệt nhão, rũ rượi. Và tâm trí cũng nẫu ra, nát nhừ. Dĩ nhiên, tôi vẫn chẳng tìm thấy những điều tôi đã lạng quạng sục sạo những năm xưa. Càng không nhìn ra được cái không khí mình và Triết đã thở ngày hai đứa yêu nhau gì cả.Nhưng mãi cho đến lúc buông người, rũ ra trên mặt nệm, chập chờn giữa giấc đồng thiếp, tôi mới nhận ra mình khá buồn cười khi đã phí hơi nhiều thì giờ cho mớ tình cảm hỗn độn, bòng bong của mình. It doesn’t work out. Với Triết, và với cả thành phố đã mất tên ấy, tôi chập choạng nghĩ…
HOÀNG NGA