Dưới bề mặt tưởng như vững vàng ổn định, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu lung lay, rạn nứt, vụ Evergrande [xem bài Đọc thêm ở dưới] hay chuyện Trung Quốc đang bị thiếu điện làm sụt giảm sản lượng ở các trung tâm kinh tế lớn, chuyện nhà cung cấp chủ chốt của Apple, Tesla dừng sản xuất ở Trung Quốc vì chính sách năng lượng của Trung Quốc v.v…chỉ là những vết nứt mở đầu và sẽ ngày càng lan rộng hơn..
Hơn một nửa các tỉnh của Trung Quốc đã phải siết chặt quy định về sử dụng điện, song những bất cập trong thực thi đang làm dấy lên làn sóng giận dữ trong cộng đồng.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 27/9 cho hay, những ngày gần đây cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang diễn biến theo hướng nghiêm trọng, đe dọa toàn bộ lưới điện và tác động đến dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm.
16 tỉnh Trung Quốc siết chặt tiêu thụ điện
Trong tháng vừa qua, có 16 trong 31 tỉnh của Trung Quốc – từ những vùng công nghiệp giàu có ở miền nam như Quảng Đông hay các tỉnh thuộc “vành đai rỉ sét” vùng đông bắc – đã ban hành các biện pháp điều tiết điện năng, thổi bùng lên báo động trên diện rộng trong cộng đồng và đẩy lĩnh vực công nghiệp của đất nước vào hỗn loạn.
“Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn sau cuối tuần qua,” nhà kinh tế trưởng của Nomura Lu Ting ngày 27/9 đánh giá, bổ sung rằng tình trạng thiếu điện không chỉ xảy ra với các nhà máy.
Dù Trung Quốc thường xuyên thực thi biện pháp cắt điện hàng năm ở nhiều địa phương, tần suất cắt điện đã tăng lên đáng kể từ nửa cuối năm ngoái.
Các nhà phân tích chỉ ra, tình trạng thiếu nguồn cung than cùng với mục tiêu giảm phát thải của Bắc Kinh là những nguyên nhân cho tình hình trên, và cảnh báo sự gián đoạn hơn nữa sẽ kéo theo rủi ro làm trầm trọng lạm phát cũng như ảnh hưởng đến sản xuất.
“Với việc sự tập trung của thị trường đang đổ dồn vào [cuộc khủng hoảng nợ] của tập đoàn Evergrande và những hạn chế chưa từng thấy mà Bắc Kinh áp đặt với lĩnh vực bất động sản, một cú sốc nữa từ ‘bên cung’ có thể đã bị đánh giá thấp hay thậm chí là bị bỏ qua,” Lu Ting nêu – đề cập khủng hoảng điện năng.
Trước tình hình năng lượng tồi tệ kể trên, Lu cùng đội ngũ của ông đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 8.2% xuống 7.7%, và đây vẫn còn là dự báo lạc quan.
“Chúng tôi nhận thấy có rủi ro sụt giảm hơn nữa trong các dự báo của mình,” ông Lu nói.
Những khó khăn mới nhất xảy đến sau khi một số nhà phân tích “gióng chuông” cảnh báo về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong những tuần gần đây, giữa bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-Cov-2 tiếp tục hoành hành ở nền kinh tế số 2 thế giới, buộc các nhà hàng và trung tâm giải trí công cộng ở nhiều địa phương đóng cửa, cũng như nhiều sự kiện thương mại quy mô lớn phải tạm hoãn.
Hàng loạt địa phương xáo trộn vì thiếu điện
Các tỉnh đông bắc Trung Quốc gồm Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đang chứng kiến tình trạng thiếu điện lan rộng ở khu vực hộ gia đình. Nhiều cư dân giận dữ và bối rối đã bày tỏ bất bình trên mạng xã hội khi điện bị cắt cả trong giờ cao điểm mà không được thông báo đầy đủ.
Vào hôm 23/9, một số đèn giao thông ở thủ phủ Thẩm Dương của tỉnh Liêu Ninh đã bất ngờ dừng hoạt động, gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Giới chức địa phương thông tin trong cuộc họp ngày 26/9 rằng họ phải điều tiết cung cấp điện “nhằm tránh làm sụp đổ toàn bộ điện lưới” – báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đưa tin.
“Từ ngày 23 đến 25/9, do sự sụt giảm đột ngột của nguồn điện gió và do các nguyên nhân khác, tình trạng thiếu điện [ở tỉnh Liêu Ninh] đã lên đến mức nghiêm trọng,” các quan chức địa phương cho hay.
Ở tỉnh láng giềng Cát Lâm, một nhà máy thủy điện địa phương thông báo trên tài khoản WeChat hôm 26/9 rằng “việc cắt điện bất thường, không theo kế hoạch và không báo trước hoặc hạn chế [tiêu thụ điện] sẽ kéo dài đến tháng 3/2022, [và] việc mất điện và nước sẽ trở thành bình thường” để đáp ứng các yêu cầu của lưới điện quốc gia và các nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, thông cáo trên đã được gỡ xuống và thay thế bằng một phiên bản “nhẹ nhàng” hơn vào ngày 27/9, theo đó bản thông báo cũ “diễn đạt không phù hợp và không chính xác, gây ra hiểu lầm với những người sử dụng điện và cho công chúng”.
Ở tỉnh Quảng Đông – địa phương chiếm tỉ trọng số 1 trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, các quan chức cũng ban hành thông báo về các sáng kiến tiết kiệm năng lượng áp dụng trong toàn tỉnh, đồng thời kêu gọi các tổ chức chính quyền của tỉnh tiên phong làm gương trong việc hạn chế sử dụng thang máy ở ba tầng đầu tiên trong các tòa nhà văn phòng.
Trước đó, nhiều đô thị ở Quảng Đông cũng áp đặt quy định giới hạn tiêu thụ điện ngoài giờ cao điểm và kiểm soát sản xuất với một số lĩnh vực, cũng như cảnh báo cắt điện với những đơn vị và cá nhân vi phạm.
Ví dụ, chính quyền thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông, hôm 22/9 đã buộc các công ty ở địa phương này ngưng dùng điện trong khoảng thời gian 8-23h mà không cho biết lệnh hạn chế sẽ kéo dài bao lâu.
Nhiều công ty, gồm các nhà máy nhỏ, đã phải chuyển giờ sản xuất sang ca đêm và giảm đầu ra sản phẩm, thậm chí tạm dừng toàn bộ vận hành.
Channey Zhan, quản lý một nhà máy thủy tinh opal ở Triều Châu, nhận được thông báo từ chính quyền bản địa vào hơn 1 tháng trước, yêu cầu bà giảm tiêu thụ điện.
“Nếu các quy định trở nên nghiêm ngặt hơn, chúng tôi có thể phải giữ lò nóng nhưng không sản xuất gì,” Zhan nói. “Tình hình rất nghiêm trọng và nhiều khả năng trở nên trầm trọng hơn nữa.”
Kịch bản tương tự cũng được ghi nhận ở tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, hai trong số những nền kinh tế đầu tàu của Trung Quốc.
Tại Giang Tô, khu kinh tế của thành phố Thái Hưng đã yêu cầu các công ty địa phương tạm ngưng hoặc giảm sản xuất. Jinji Industrial – một công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán – cho biết đã giảm sản lượng hóa chất từ hôm 22/9.
Tỉnh Chiết Giang – “căn cứ xuất khẩu” của Trung Quốc – cũng ráo riết thực thi cắt giảm tiêu thụ năng lượng và yêu cầu các công ty sử dụng nhiều điện tạm dừng sản xuất.
Trong hai tuần qua, tỉnh Vân Nam ở biên giới tây nam Trung Quốc thực thi hàng loạt biện pháp để quản lý cả tiêu thụ năng lượng lẫn Cường độ năng lượng (năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP), bao gồm cắt giảm giờ hoạt động các nhà máy nhiệt điện và giảm sản lượng phốt pho vàng (một nguyên liệu thô để chế tạo phân bón) trong giai đoạn tháng 9-12/2021 đến 90% so với tháng 8.
Trung Quốc phải hy sinh tăng trưởng?
Không chỉ gặp khó khăn về nguồn điện trong nước, Trung Quốc cũng đứng trước sức ép quốc tế về việc ngưng rót tiền cho các dự án nhiệt điện ở nước ngoài, nhằm bảo đảm thực thi các cam kết của Bắc Kinh trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, liên quan đến giảm lượng phát thải carbon.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 21/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết nước này sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.
Những cam kết của ông Tập về giảm phát thải cả trong và ngoài nước được cho là tín hiệu báo trước cho những khó khăn gia tăng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho Trung Quốc, mà trước đó nhiệt điện than vốn là một thành tố quan trọng.
Ngoài Nomura, Morgan Stanley cũng ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong Quý 4/2021 giảm thêm 1 điểm phần trăm nếu như các điều kiện hiện nay tiếp diễn.
Peng Wensheng, kinh tế gia trưởng tại ngân hàng đầu tư nổi tiếng China International Capital Corporation, dự đoán hôm 26/9 rằng sự sụt giảm sản xuất sẽ kéo tăng trưởng kinh tế cả nước giảm khoảng 0.1 đến 0.15 điểm phần trăm cả trong quý này và quý tiếp theo.
Peng cũng dự báo tác động sâu rộng của việc cắt giảm đột biến lượng tiêu thụ năng lượng đến cuối năm nay.
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp kiểm soát năng lượng của Trung Quốc có thể giúp làm giảm nhu cầu đối với nhiều mặt hàng nguyên liệu thô đầu nguồn – vốn cũng đang trong tình trạng khan hiếm tại nước này.
Hai nhà kinh tế Deng Haiqing và Wang Shuqin viết trên WeChat rằng điều tiết điện năng chắc chắn là một quyết định khó khăn với các nhà quản lý, nhưng đây có thể là “phương án ít tồi tệ nhất trong thời điểm hiện tại”.
“Các vấn đề liên quan đến ‘tăng trưởng bất thường’ của xuất khẩu và [Chỉ số giá sản xuất] cao phải được giải quyết bằng các biện pháp điều tiết năng lượng, [nhưng điều này] sẽ phải hy sinh tăng trưởng kinh tế ở một mức độ nhất định.”