Hải Vy
Nhà báo Andrew Thornebrooke đã có bài phân tích với tiêu đề “ĐCSTQ tìm kiếm ‘động lực toàn diện’ cho vũ khí mới sau khi thử nghiệm tên lửa siêu thanh” được đăng trên tờ Epochtimes.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, tại một hội nghị gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, quân đội Trung Quốc sẽ “phá vỡ nền tảng mới” trong việc phát triển vũ khí và các thiết bị mới khác.
Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường nỗ lực để vượt qua Hoa Kỳ, tìm cách bỏ qua các chiến lược phát triển truyền thống bằng cách đưa ra những công nghệ mới.
Trong thực tế, một ví dụ đáng chú ý của chiến lược này là cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Trung Quốc được báo cáo vào tháng 7. Sự kiện này cho phép quân đội Trung Quốc tập trung phát triển hiệu quả công nghệ vũ khí thế hệ tiếp theo mà không cần đầu tư cải tiến các hệ thống tên lửa truyền thống đã cũ.
Theo một báo cáo ngày 26/10, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp đã kêu gọi một “nỗ lực toàn diện” để đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội và tăng cường khả năng tự lực trong sản xuất.
Sam Kessler, một cố vấn địa chính trị tại công ty quản lý rủi ro đa quốc gia North Star Support Group cho biết: “Ban lãnh đạo ĐCSTQ tuyên bố rằng, họ tìm cách tự lực về công nghệ và đã đến lúc đẩy nhanh việc hiện đại hóa mọi khía cạnh trong khả năng quân sự để phô diễn những gì họ coi là một quân đội đẳng cấp thế giới”.
Ông tiếp tục, “Các xu hướng gần đây cho thấy đó là hướng mà ĐCSTQ đang hướng tới, nền kinh tế và hệ thống của họ đang được tái cấu trúc để đáp ứng những nhu cầu đó”.
Hiện đại hóa Trung Quốc đòi hỏi công nghệ nước ngoài
Trung Quốc hiện đang trải qua một thời kỳ hiện đại hóa quân sự mạnh mẽ. Họ đang nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, đầu tư vào vũ khí chống vệ tinh và thử nghiệm các loại [vũ khí] siêu thanh mang năng lực hạt nhân tiên tiến hơn Mỹ.
Ông Kessler cho biết, “Trong hoàn cảnh của họ, ĐCSTQ phải thống nhất và củng cố năng lực sản xuất liên quan đến quy trình sản xuất vũ khí của họ. Phát triển cơ sở sản xuất trong nước và chuỗi cung ứng cho công nghệ như chất bán dẫn là một quá trình phức tạp để hoàn thiện”.
Ông Kessler nói, tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc không phát triển bằng Mỹ và các đồng minh. Vì lý do này, chính quyền Trung Quốc phải cố gắng lấy được các công nghệ này từ các công ty phương Tây. Họ thường sử dụng các biện pháp bán hợp pháp để che giấu mối quan hệ giữa quân đội và các công ty tư nhân của Trung Quốc nhập khẩu những công nghệ này.
Luật xuất khẩu của Hoa Kỳ có những điều luật ngăn chặn việc bán chất bán dẫn tiên tiến và công nghệ nhạy cảm khác cho các tác nhân nước ngoài có mối đe dọa đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bao gồm cả quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà lập pháp nói rằng, những điều luật này đã không phát huy tác dụng. Bởi vì phần lớn công nghệ này được bán cho các công ty dân sự nhỏ của Trung Quốc (những công ty không nằm trong quy định của luật pháp), và sau đó được chuyển hướng cho quân đội của ĐCSTQ.
Ngay cả các công ty Trung Quốc bị Washington trừng phạt vẫn có thể tiếp cận được một số công nghệ của Mỹ. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã chỉ ra rằng, khoảng 103 tỷ USD giấy phép xuất khẩu được cấp từ tháng 11 đến tháng 4 là cho các nhà cung cấp của hai công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ, là Huawei và Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế SMIC của Trung Quốc.
Trong nỗ lực ngăn chặn công nghệ nhạy cảm của Mỹ rơi vào tay Bắc Kinh, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ gần đây đã phát động một chiến dịch cảnh báo các công ty về nỗ lực toàn diện của ĐCSTQ nhằm mua lại các công nghệ của Mỹ có thể cải thiện khả năng quân sự của Trung Quốc.
Theo ông Kessler, nhận thức được sự cản trở ngày càng tăng trên toàn cầu đối với tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, ĐCSTQ “rất quan tâm” đến việc phát triển năng lực sản xuất trong nước.
Ông nói: “Trên thực tế, họ đã thực hiện tư duy chiến lược dài hạn để giải quyết vấn đề đó…”.
Sự phát triển vũ khí của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ chú ý
Sự gia tăng sản xuất các công nghệ quan trọng và tân tiến ở Trung Quốc đại lục có thể đồng nghĩa với những tiến bộ nhanh chóng hơn nữa trong các hệ thống vũ khí và thách thức khả năng của Hoa Kỳ.
Một trong những ví dụ điển hình về điều này là cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh hạt nhân cuối tháng 7 của Trung Quốc, vốn được cho là đã gây bất ngờ cho cộng đồng tình báo Mỹ.
Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện nói rằng, cuộc thử nghiệm có thể được hỗ trợ bởi các công nghệ của Mỹ mà quân đội Trung Quốc chiếm được.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, gọi cuộc thử nghiệm là một “sự kiện rất quan trọng” và ví nó như một trong những thời khắc căng thẳng hơn cả Chiến tranh Lạnh.
Ông Milley nói, “Tôi không biết liệu đó có phải là một khoảnh khắc Sputnik hay không. Nhưng tôi nghĩ nó rất gần với điều đó. Nó thu hút tất cả sự chú ý của chúng tôi”.
Việc Liên Xô phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay vào quỹ đạo trái đất, đã gây ra sự lo lắng và sợ hãi cho nhiều người rằng, Hoa Kỳ đang tụt hậu so với kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh về tiến bộ công nghệ.
Theo ông Kessler, những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm lấy được kiến thức và công nghệ cần thiết để mở rộng lợi thế chiến lược, và giờ đây là nỗ lực sản xuất những công nghệ đó ở trong Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành quyền bá chủ quân sự của Mỹ có thể tạo ra những bước tiến sâu sắc trong phát triển vũ khí toàn cầu.
Ông nói, “Đó là một vấn đề lớn được các nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đưa ra trong khoảng thời gian 2008-2009. Họ đánh giá rằng sự cạnh tranh kinh doanh, tài chính và công nghệ với quy mô lớn trên toàn cầu sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới và một thời kỳ cạnh tranh mới của các cường quốc”.
“Chúng tôi nhận thấy điều đó đã phát triển trong thập kỷ qua và nó đang tiếp tục có những tác động lớn hơn đến bối cảnh chiến lược và ngoại giao toàn cầu”.