Trí Đạt
Tay vợt nổi tiếng Trung Quốc Bành Soái công khai cáo buộc cựu Thường ủy Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Trương Cao Lệ xâm hại tình dục, thông tin này đã gây bùng nổ dư luận. Do gần đến thời điểm Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19, nên chính quyền đã cố hết sức ngăn chặn thông tin. Một trang web không nổi tiếng tại Đại Lục sau khi đưa tin về vụ việc này, hiện đã không thể truy cập được nữa.
Khoảng 9:00 tối ngày 3/11, trang tin tài chính FX186 đăng một bài viết có tiêu đề “Bom tấn! Tài khoản Weibo của quán quân quần vợt Trung Quốc Bành Soái công khai tiết lộ ‘từng bị cựu Thủ tướng Quốc vụ viện Trương Cao Lệ xâm phạm tình dục’ đã bị chặn”. Mở đầu bài viết nhắc đến nữ vận động viên quần vợt nổi tiếng Trung Quốc Bành Soái công khai tiết lộ cô từng bị cựu Thường ủy Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trương Cao Lệ xâm hại tình dục.
Bài viết ngoài việc giới thiệu lý lịch của Bành Soái và Trương Cao lệ ra, còn đăng lại toàn văn bài viết tố cáo của Bành Soái.
Thông tin nói trên là một bài viết được gửi từ tòa soạn tại Hồng Kông thuộc Tập đoàn tài chính Fx168, và được đăng trên trang web Tài chính FX168. Trang web này và 2 trang web khác là fx168.com và fx186.cn đều được phép mở tại Trung Quốc Đại Lục.
Hiện cả 3 trang web nói trên đều không thể truy cập được.
Thông tin công khai cho thấy, căn cứ hoạt động của Tập đoàn Tài chính F168 là Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Ma Cao, Hồng Kông. Dịch vụ của tập đoàn hướng tới 200 triệu nhà đầu tư Trung Quốc.
Tối ngày 2/11, nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Soái đã công khai tiết lộ trên tài khoản Weibo được chứng nhận của cô rằng, cô từng bị cựu cựu Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trương Cao Lệ xâm hại tình dục, thông tin này đã khiến dư luận trên mạng chú ý.
Thông tin này nhanh chóng bị chính quyền chặn hoàn toàn trên mạng, đồng thời cấm cư dân mạng bình luận. Thông tin liên quan đã được cư dân mạng chụp màn hình và lan truyền rộng rãi cả trong và ngoài Trung Quốc.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, trên trang web tìm kiếm ở Trung Quốc Đại Lục khi tìm kiếm từ khóa như “Bành Soái”, “Trương Cao Lệ” bằng tiếng Trung, đã không thể tìm được bất cứ thông tin về mối quan hệ không đúng đắn liên quan đến hai người này. Tuy nhiên cơ quan quản lý mạng càng xóa thông tin, người hiếu kỳ lại càng nhiều, nhiều cư dân mạng đổi cách dùng các các ký tự như quần vợt, PS (Peng Shuai, Bành Soái), ZGL (Zhang Gaoli, Trương Cao Lệ) để hỏi “đã xảy ra chuyện gì?”. Cơ quan quản lý mạng cũng theo sát để tiếp tục xóa.
Còn có cư dân mạng dùng các cách cách ẩn chữ, không nói trực tiếp để biểu đạt sự tán thành trước dũng khí của Bành Soái, đồng thời nhắc người Trung Quốc không nắm được tình hình hãy “vượt tường lửa” ra ngoài để có thông tin.
Hiện tại, các siêu chủ đề liên quan đến Bành Soái đã bị cấm thảo luận. Douban, Zhihu, hoàn toàn không tìm được bất cứ thông tin nào liên quan nữa.
Hôm thứ Tư (ngày 3/11), tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Uông Văn Bân khi được phóng viên nước ngoài hỏi về việc này đã trả lời lúng túng rằng: “Tôi chưa nghe nói đến, đây không phải là vấn đề ngoại giao.”
Mặc dù trước đây ngoại giới phơi bày nhiều bê bối như cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân có các người tình gồm Tống Tổ Anh, Lý Thụy Anh, Trần Chí Lập…; người được mệnh danh “sa hoàng hệ thống chính trị pháp luật” Chu Vĩnh Khang coi CCTV là hậu cung, nhưng việc Bành Soái với vai trò là “người trong cuộc” đích thân phơi bày mối quan hệ với cựu lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ trên Weibo lại là trường hợp đầu tiên.
Ngoại giới chú ý đến việc truyền thông chủ lưu tại Hồng Kông không hề nhắc đến chuyện giữa Bành Soái và Trương Cao Lệ. Trong khi đó, nghệ sĩ Piano nổi tiếng Trung Quốc Lý Vân Địch gần đây bị cảnh sát bắt giữ vì tội “mua dâm”, Đài truyền hình Trung ương (CCTV) và các kênh truyền thông chính thức khác đã lập tức đưa tin dồn dập, việc này đã nhanh chóng lọt vào danh sách tìm kiếm nóng tại Đại Lục.
Nhà bình luận thời sự Lý Chính Hiến có bài viết cho rằng, điều thể hiện ra qua sự kiện này chính là cách làm “việc xấu trong nhà không được lan truyền gia ngoài” của ĐCSTQ. Nhưng cũng chính là cái gọi là “giấy không gói được lửa”, người dân đã sớm thấy quen thuộc đối với việc tham ô hủ bại và dâm loạn trong giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ, điều hồi hộp theo dõi chỉ là Trương Cao Lệ liệu có trở thành Bạc Hy Lai hoặc Chu Vĩnh Khang tiếp theo hay không.
Cựu Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ, cựu Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ sinh năm 1946, người Phúc Kiến. Từng giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở Quảng Đông, Sơn Đông, Thiên Tân, v.v như: Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư thành phố Thâm Quyến, tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông.
Năm 2006, khi ông Giang Trạch Dân lên núi Thái Sơn, đương nhiệm Bí thư tỉnh ủy Sơn Đông khi đó là Trương Cao Lệ đã ra lệnh phong tỏa núi và đích thân tháp tùng, việc này được ông Giang Trạch Dân khen ngợi.
Ngày 25/3/2007, ông Trương Cao Lệ chuyển sang nhậm chức Bí thư thị ủy Thiên Tân, trong cùng năm được thăng chức làm ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, trở thành người trong tầng lãnh đạo đảng và quốc gia. Năm 2012, ông Trương Cao Lệ thăng chức làm Thường ủy bộ Chính trị (xếp hàng thứ 7 trong số 7 Thường ủy), trở thành lãnh đạo cấp chính quốc. Năm 2018 ông nghỉ hưu.
Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông Đặng Luật Văn, cựu phó biên tập tờ “Thời báo Học tập” của Trường đảng Trung ương cho biết: ông Trương Cao Lệ “là một dạng quan liêu tiêu chuẩn trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ. Tôi cho rằng hình tượng công chúng của ông ấy là kém nhất trong số các thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ, kiểu nghiêm túc, đứng đắn, dáng vẻ xụ mặt, hoàn toàn trái ngược với hình tượng trong đời sống riêng tư, mang lại cho người khác cảm giác ngụy quân tử.”
Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 của ĐCSTQ sẽ khai mạc vào ngày 8 – 11/11, có thể sẽ xác lập địa vị lịch sử của ông Tập Cận Bình, thời điểm Bành Soái phơi bày sự việc này cũng khiến dư luận có nhiều lên tưởng. Về vấn đề này ông Đặng Luật Văn cho biết, nội dụng hội nghị lần này đã được xác định xong, ông Tập Cận Bình không đến nỗi cố gắng chỉnh đốn phe Giang Trạch Dân mà hy sinh đại cuộc:
“Ông Tập Cận Bình hiển nhiên không muốn hình tượng của ĐCSTQ bị tổn hại, nếu không thì phong toả trên toàn bộ mạng làm gì? Ví dụ như đằng sau có bàn tay đen, thì họ muốn đạt được mục đích gì đây? Muốn gây rối ông Tập Cận Bình chăng? Muốn Hội nghị trung ương 6 không thành? Không ra được nghị quyết lịch sử? Không thể nào. Tại hội nghị Bộ Chính trị hồi tháng 8, 9 năm ngoái đã đã cho thấy rõ, việc này đã được làm ổn thỏa, nghị quyết lịch sử đã sớm được xác định. Hội nghị toàn thể chẳng qua chỉ là đóng một con dấu. Trong thời gian ngắn này, phe Giang có thể gây ra được sóng gió sao?”