Thanh Phương
Thứ Hai, 15/11/2021, Nga đã bắn thử một tên lửa lên không gian để phá hủy một trong những vệ tinh nhân tạo của nước này trên quỹ đạo. Hoa Kỳ đã ngay lập tức lên án Matxcơva về hành động đó, bởi vì theo Washington, vệ tinh bị phá hủy đã biến thành một đám “mây” mảnh vỡ, có thể gây nguy hiểm cho Trạm Không Gian Quốc Tế ISS và cho các vệ tinh khác.
Nước Pháp, qua lời bộ trưởng Quân Lực Florence Parly, cũng đã có lời lên án tương tự, thậm chí gọi thẳng nước Nga là “những kẻ phá hoại không gian”.
Nga bắn tên lửa phá hủy vệ tinh mà không hề báo trước, lo sợ cho tính mạng của họ, 7 phi hành gia ( gồm 4 người Mỹ, 2 người Nga và 1 người Đức ) trên Trạm Không Gian Quốc Tế đã phải “tị nạn” trong các phi thuyền gắn vào trạm này để sẵn sàng được “di tản” về Trái đất nếu cần.
Sau một ngày im lặng, bộ Quốc Phòng Nga đến hôm qua mới nhìn nhận đã thực hiện “thành công” vụ bắn tên lửa nhắm vào một vệ tinh có từ thời Liên Xô, đó là vệ tinh Tselina-D, được đặt lên quỹ đạo Trái Đất từ năm 1982 và từ lâu không còn hoạt động nữa. Nhưng Matxcơva bác bỏ ngay các cáo buộc “đạo đức giả” của Mỹ về nguy cơ từ các mảnh vỡ của vệ tinh bị phá hủy. Còn bộ Ngoại Giao Nga thì khẳng định vụ bắn thử tên lửa hôm thứ Hai là “hoàn toàn đúng với luật pháp quốc tế và không nhằm chống lại bất cứ ai.”
Nhưng dù Nga có biện bạch thế nào thì rõ ràng là vụ bắn tên lửa đang gây lo ngại về nguy cơ không gian trở thành một “chiến trường” mới giữa các cường quốc, đang rất muốn dùng vũ trụ làm nơi thử nghiệm các công nghệ quân sự mới.
Theo lời tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, “hành động vô trách nhiệm” của Nga còn cho thấy là Matxcơva đang phát triển những vũ khí có thể phá hủy các hệ thống thông tin và hệ thống định vị toàn cầu, cũng như hệ thống báo động chống tên lửa.
Cho tới nay, chỉ mới có ba quốc gia đã bắn thử tên lửa để phá vệ tinh: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Nay trong danh sách này có thêm Nga, cho dù Matxcơva vẫn luôn tuyên bố chống lại mọi “mưu toan quân sự hóa không gian”. Hôm qua, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov thậm chí còn chỉ trích Hoa Kỳ là vẫn không đáp ứng đề nghị của Nga và Trung Quốc về một hiệp định quốc tế “nhằm ngăn chận cuộc chạy đua vũ trang trong không gian”. Ông còn tố Lầu Năm Góc đang chuẩn bị đặt lên quỹ đạo các hệ thống chống tên lửa.
Nhưng trả lời hãng tin AFP, chuyên gia quân sự Nga Pavel Felgenhauer, cho biết ngay chính Matxcơva đã không hề che giấu việc họ có những hệ thống vũ khí có thể từ Trái Đất bắn lên không gian, như hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 et S-550.
Theo hãng tin AFP, lĩnh vực không gian dân sự là một trong số hiếm hoi các lĩnh vực mà Nga và Mỹ còn có một sự hợp tác tương đối êm thắm. Nhưng trong những năm gần đây căng thẳng bắt đầu xuất hiện, vì Nga và Trung Quốc đã tuyên bố muốn tăng cường hợp tác song phương về không gian để đối đầu với các cường quốc phương Tây.
Theo nhận định của ông Xavier Pasco, giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp, được nhật báo La Croix trích dẫn, vụ bắn tên lửa hôm thứ hai là “một hành động nhằm khẳng định vị thế, một tín hiệu chính trị”, chứ Nga đâu cần phải gấp rút phá hủy một vệ tinh không còn hoạt động nữa.
Thật ra thì hiện nay, như nhà nghiên cứu Éric-André Martin, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, nhấn mạnh trên tờ La Croix, Hoa Kỳ cũng như Pháp, đều đã xem không gian là một lĩnh vực như những lĩnh vực khác và đã lập riêng một bộ tư lệnh cho không gian.
Nhưng các chuyên gia báo động là việc phát triển khả năng phá hủy các vệ tinh hay tiến hành một cuộc tấn công trên không gian có nguy cơ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang với những hậu quả không lường trước được.
Vụ bắn thử tên lửa mà không báo trước của Nga hôm 15/11 còn cho thấy là giữa các cường quốc vẫn chưa có một cơ chế thông tin liên lạc, về các hoạt động của mỗi nước trên không gian, tương tự như đường giây nóng “hot line” mà Matxcơva và Washington đã lập ra sau khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.