Tin thế giới sáng thứ Bảy

Vương Kỳ Sơn nói sẽ mở cửa với thế giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đáp trả: Trước tiên hãy giữ lời hứa của mình

Phụng Minh | DKN 19/11/21, 14:15 241 lượt xem

Ông Vương Kỳ Sơn (ảnh chụp màn hình YouTube / 華爾街電視).

Diễn đàn Kinh tế Mới của Bloomberg đã khai mạc tại Singapore vào hôm thứ Tư (17 tháng 11). Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch nước của Trung Quốc, người tham dự trực tuyến, hứa rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa cho đầu tư nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ. Sau đó, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo tham dự cuộc họp đã tuyên bố rằng, trước tiên, Trung Quốc phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và “giữ lời hứa của mình.”

Theo NTD, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã tham dự cuộc họp trực tuyến hôm thứ Tư, một lần nữa ám chỉ về việc Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các hoạt động kinh tế thế giới.

Ông Vương nói: “Trung Quốc không thể làm được nếu không có thế giới, và thế giới không thể làm được nếu không có Trung Quốc”.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Raymondo cũng đã tham dự cuộc họp trực tuyến hôm thứ Tư. Bà tuyên bố rằng Hoa Kỳ hy vọng sẽ có một “sân chơi bình đẳng” với Trung Quốc.

“Trung Quốc cần tuân thủ các quy tắc, cần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi, và họ cần phải giữ lời hứa của mình. Họ đã hứa sẽ mua một lượng máy bay và nông sản nhất định. Họ đã không thực hiện điều này, họ đã không giữ lời hứa của mình”.

Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người được mệnh danh là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”, cho biết trong một cuộc họp trực tuyến hôm thứ Tư rằng, quan hệ Trung-Mỹ đã đi từ “chân núi của chiến tranh lạnh mới” cách đây 2 năm, từ 1 đến 2 năm gần đây thì chuyển lên tới “sườn núi”, và sau đó đã “leo lên vách đá cheo leo”, bước tiếp theo là xem nên chọn hướng nào.

Ông cũng nói rằng, hội nghị thượng đỉnh video do các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ tổ chức trong tuần này đã đánh dấu một “khởi đầu tốt” cho hai nền kinh tế lớn trên thế giới, để tránh xung đột.

Người Mỹ bị cưỡng chế cấm rời Trung Quốc đã được trở về trước cuộc họp Biden-Tập

Hải Lam

(Ảnh chụp màn hình Youtube/ WION)

Washington nói với Reuters rằng Daniel Hsu – một người Mỹ gốc Hoa đã bị chính quyền Bắc Kinh không cho phép rời khỏi Trung Quốc trong nhiều năm đã trở về Mỹ. Quyết định trả tự do cho ông được đưa ra chỉ vài giờ trước khi TT Biden họp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập trong tuần này.

Cùng với việc Trung Quốc cho phép Daniel Hsu trở về Mỹ, Washington đã trục xuất 7 công dân Trung Quốc, bao gồm các cá nhân bị kết tội gian lận và chụp ảnh một cơ sở quốc phòng, và hai phụ nữ đã cố gắng tiếp cận với khu nghĩ dưỡng của cựu TT Trump hồi tháng 3.

Vị quan chức Mỹ được ủy quyền nói chuyện với Reuters xác nhận rằng Hsu – người chưa bao giờ bị kết án tội phạm ở Trung Quốc nhưng đã bị cấm xuất cảnh hơn 4 năm. Ông Hsu đã được chính quyền Trung Quốc cho phép xuất cảnh vào cuối tuần trước.

Ông trở về nhà vào tối thứ Hai, ngay khi Tổng thống Joe Biden tổ chức một cuộc họp video kéo dài 3 tiếng rưỡi với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hsu, một người Mỹ gốc Hoa, là một trong số công dân Hoa Kỳ mà Washington nói rằng Trung Quốc đang giam giữ bất hợp pháp theo “lệnh cấm xuất cảnh cưỡng chế”.

Lệnh cấm xuất cảnh là một trong nhiều tranh chấp khiến quan hệ Mỹ-Trung lao dốc trong nhiều năm. Chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh báo công dân xem xét lại việc đến Trung Quốc do lệnh cấm xuất cảnh, mà Washington cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng để “đạt được đòn bẩy thương lượng đối với các chính phủ nước ngoài.”

Vị quan chức Mỹ nói:
“Chúng tôi hoan nghênh việc Daniel Hsu trở lại Hoa Kỳ… Vẫn còn bhững người Mỹ bị cấm xuất cảnh và bị giam giữ tùy tiện tại CHND Trung Hoa, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để bảo đảm việc trả tự do cho họ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc ép CHND Trung Hoa chấp nhận các chuyến bay hồi hương bổ sung”.

Hsu nói với hãng tin AP vào năm ngoái rằng ông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt làm con tin kể từ năm 2017 trong nỗ lực dụ cha mình trở về Trung Quốc để đối mặt với cáo buộc tham ô hàng chục năm qua.

Mỹ thúc đẩy quy tắc về thương mại kỹ thuật số, AI ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Phụng Minh

Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh: Youtube/CNBC Television).

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo hôm thứ Tư cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden muốn tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, để thiết lập các quy tắc minh bạch quản lý thương mại kỹ thuật số và công nghệ. Động thái này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh, Trung Quốc đang nỗ lực gia nhập nhiều khối kinh tế khu vực hơn.

Trang Nikkei đưa tin, bà Raimondo nói trong một diễn đàn Bloomberg ở Singapore: “Ai sẽ viết các quy tắc cho công nghệ mới nổi? Chúng tôi muốn viết các quy tắc với các đồng minh cùng chí hướng của chúng tôi trong khu vực này.”

Bộ trưởng Raimondo đã đến Singapore vào thứ Ba trong lượt về của chuyến công du châu Á. Bà cũng đã gặp Thủ tướng Lý Hiển Long và Bộ trưởng Thông tin Josephine Teo vào ngày hôm đó.

Chuyến thăm của bà diễn ra sau khi Trung Quốc nộp đơn gia nhập Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 9.

Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ cho biết bà đã thảo luận về việc xây dựng quy tắc về trí tuệ nhân tạo với bà Teo.

Bà Raimondo phát biểu: “Chúng ta nên đặt ra các tiêu chuẩn công nghệ và mô hình quản trị, để sử dụng AI một cách thích hợp và an toàn”. Bà nói thêm, các quy tắc nên “theo từng trường hợp cụ thể” và linh hoạt cho các ngành khác nhau để phát huy hết tiềm năng của AI.

Bộ trưởng Raimondo cũng đã tổ chức các cuộc họp riêng vào thứ Tư với Dan Tehan và Damien O’Connor, những người đồng cấp của bà từ Úc và New Zealand. Theo Raimondo, mối quan hệ chung giữa ba quốc gia là sự đồng thuận của họ, trong việc xây dựng quy tắc trong không gian kỹ thuật số.

Bà Raimondo dự kiến có chuyến thăm Malaysia vào thứ Năm. Bà sẽ gặp Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob, để thảo luận về việc hợp tác trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các chủ đề khác.

Việc TT Biden theo đuổi mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với các quốc gia thân thiện ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, phản ánh mong muốn chống lại Trung Quốc. Cường quốc châu Á này là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, có hiệu lực vào tháng Giêng. Bắc Kinh đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9 và sau đó gia nhập DEPA vào ngày 1 tháng 11.

Các quan chức Mỹ lo ngại rằng, nếu không có phản ứng, Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong việc định hình trật tự thương mại quốc tế. Nhưng các liên đoàn lao động, nơi mà Đảng Dân chủ của TT Biden thu hút được sự ủng hộ, rất nghi ngờ về các hiệp định thương mại tự do như CPTPP.

Nhà thầu nhận tội bán trang phụ chất lượng thấp của Trung Quốc cho quân đội Mỹ

Phụng Minh

(Ảnh chụp màn hình Youtube/AiirSource Military)

Sở Tư pháp Mỹ công bố vào thứ Ba (ngày 16/11) rằng, một nhà thầu quốc phòng Texas đã thừa nhận bán mũ bảo hiểm và áo giáp quân đội kém chất lượng cho các cơ quan liên bang trong hơn ba năm, đồng thời nhận đã nói dối rằng những sản phẩm quân sự này do chính họ sản xuất, theo NTD.

Theo tài liệu của tòa án, Tanner Jackson, 32 tuổi vào tháng 12 năm 2020, điều hành hai công ty thiết bị quốc phòng ở các vùng nông thôn ở Texas vào tháng 6 năm 2017, được đặt tên là Công ty TNHH Áo giáp hàng đầu của Mỹ và Công ty Áo giáp chống đạn.

Trong giai đoạn này, Jackson đã nhận được hợp đồng mua mũ bảo hiểm và áo giáp từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cung cấp cho các vệ sĩ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad, Iraq và các đối tác thực thi pháp luật nước ngoài ở Mỹ Latinh. Các thiết bị bảo hộ này đã bị cơ quan chức năng thu hồi do không bảo đảm chất lượng.

Bộ Tư pháp tuyên bố rằng, Jackson đã giả mạo các báo cáo thử nghiệm bắn đạn thật được trình lên chính phủ, sau khi có được hợp đồng quốc phòng. Một lần, sau khi sản phẩm thất bại trong cuộc kiểm tra của một phòng thí nghiệm hợp pháp, anh ta đã tự mình tạo ra một phòng thí nghiệm giả về bắn đạn thật có tên “Texas Ballistics” để làm sai lệch báo cáo và cho sản phẩm của mình đủ tiêu chuẩn.

Để che giấu sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc và sự chậm trễ liên quan đến việc giao sản phẩm cho chính phủ, Jackson còn tạo và kiểm soát nhiều tài khoản e-mail, dưới danh nghĩa nhân viên của công ty vận tải, để che giấu.

Jackson đã viết một báo cáo về các cuộc trao đổi email giữa anh ta và nhân viên giả mạo, và chuyển nó đến các quan chức hợp đồng chính phủ, sử dụng tai nạn xe tải và bùng phát đại dịch COVID-19 và các lý do khác để che đậy sự chậm trễ trong các chuyến hàng từ Trung Quốc.

Ngoài Bộ Ngoại giao, Jackson cũng giành được hợp đồng với Không quân Hoa Kỳ và Lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Jackson đã nhận tội vào ngày 16, và anh ta có thể phải đối mặt với án tù 20 năm. Thẩm phán sẽ tuyên án vào ngày 22/02/2022.

Jessica D. Aber, Luật sư Liên bang cho Quận phía Đông Virginia, cùng Wayne Jacobs, Đặc vụ phụ trách Phòng Hình sự của Văn phòng FBI Washington Field, và Quyền Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Diana Shaw đã công bố tin tức trên sau khi Jackson nhận tội.

Thêm một lãnh đạo Trung Quốc ‘rơi từ trên cao xuống’ thiệt mạng

Phụng Minh | DKN 19/11/21, 14:15

(Ảnh chụp màn hình Youtube/ CGTN)

Ngày 17/11, văn phòng thông tấn của chính quyền huyện Du Xuyên, Tín Dương, tỉnh Hà nam phát đi thông báo cho biết vào lúc 19h10 ngày 13, một người đã rơi từ tòa nhà ở Viện Phương Đông Mỹ Hảo thuộc huyện Du Xuyên. Khi nhân viên y tế đến nơi đã xác nhận rằng người này không có dấu hiệu sinh tồn.

Epoch Times đưa tin, báo cáo nói rằng người chết là chủ tịch của Hội nghị hiệp thương chính trị huyện Du Xuyên, Tín Dương Quách Chấn Bình. Cảnh sát loại trừ các trường hợp hình sự, và cho biết cái chết là do ngã từ trên cao xuống.

Báo cáo cũng cho biết Quách Chấn Bình đã nghỉ phép nhiều lần để điều trị y tế trong năm nay và được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Vì lý do y tế, bà Quách đã đăng ký nghỉ thêm một tháng kể từ ngày 1 tháng 11. Thi thể của bà sẽ được hỏa táng vào sáng ngày 15 tháng 11.

Các báo cáo công khai cho thấy vào ngày 20 tháng 10, Quách Chấn Bình cũng đã chủ trì một cuộc họp với tư cách là chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị huyện Du Xuyên.

Theo thông tin công khai, bà Quách Chấn Bình, sinh tháng 8/1963, là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Du Xuyên, Bộ trưởng Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, đồng thời là nhà nghiên cứu cấp ba.

Sau khi sự việc được đưa ra ánh sáng, cư dân mạng đại lục nói, “Trong những năm gần đây, nhiều quan chức tự sát vì trầm cảm, từ trên xuống dưới là trầm cảm, đây là một loại bệnh nguy hiểm đây”; “Công việc của Hội nghị hiệp thương chính trị nặng nhọc vậy sao? Còn một thời gian ngắn là được về hưu rồi”.

Trong những năm gần đây, hiện tượng “những cái chết bất thường” của các quan chức Trung Quốc thường xuyên bị phanh phui. Mặc dù hầu hết các thông báo chính thức đều quy cái chết của họ là do “trầm cảm”, nhưng chúng hầu như không thuyết phục được công chúng.

Nhật tăng ngân sách quốc phòng nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc

Phan Minh

Từ trái qua: Các cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Taro Aso và Yoshihide Suga tham dự phiên họp Quốc Hội tại trụ sở ở Tokyo, ngày 10/11/2021. © REUTERS/Issei Kato

Trong khuôn khổ kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng kinh tế được công bố hôm nay, 19/11/2021, chính phủ Nhật dự tính bổ sung ngân sách quốc phòng hơn 6 tỷ đô la nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Theo Reuters, gói kích thích tăng trưởng lần này lên tới mức cao kỷ lục là 490 tỉ đô la, trong đó, phần ngân sách quốc phòng sẽ được bổ sung ít nhất 6,74 tỷ USD.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết chi tiết về kế hoạch kích thích kinh tế lần này:

“Trọng tâm của kế hoạch phục hồi kinh tế là việc hỗ trợ 770 euro cho tất cả thanh niên dưới 18 tuổi, trừ những người mà gia đình có thu nhập trên 80.000 euro mỗi năm. Đa số người Nhật chỉ trích biện pháp này và cho rằng đảng bảo thủ cầm quyền thì muốn làm vừa lòng cử tri của mình. Vào năm 2020, việc các gia đình được nhận tấm ngân phiếu hỗ trợ đã không ngăn cản việc mức độ tiêu dùng suy giảm, bởi vì người Nhật muốn tiết kiệm hơn. Chính phủ muốn tăng lương cho những nhân viên y tá vốn được trả lương rất thấp và muốn phục hồi các trợ cấp cho ngành du lịch.

Giới phân tích tại Tokyo đặt câu hỏi tại sao chính phủ lại đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế vào lúc này. Nhật Bản đã kiểm soát được đại dịch, ít ra là vào lúc này, 76% dân số đã được tiêm chủng và kinh tế sẽ lại tăng trưởng trong những tháng tới, vậy tại sao lại gánh thêm nợ khi nợ công sẽ lên tới mức tương đương 260% tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay.

Cũng trong ngày hôm nay, cựu thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng với liên minh Aukus bao gồm 3 nước là Hoa Kỳ, Anh và Úc. Liên minh Aukus được coi là một lời đáp trả đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực”.

Nga tiết lộ tài liệu ngoại giao mật, rũ bỏ trách nhiệm trong xung đột tại Ukraina

Chi Phương

Từ trái sang phải : TT Ukraina Volodymyr Zelenskiy, thủ tướng Đức Angela Merkel, TT Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, trong một phiên họp theo công thức Normandie bàn về xung đột tại Đông Ukraina. Paris, ngày 09/12/2019. AP – Ludovic Marin

Trong bầu không khí vốn đã căng thẳng giữa hai nước sau khi Nga tăng cường lực lượng tại biên giới với Ukraina, Matxcơva hôm qua, 18/11/2021, đã tiết lộ một số tài liệu trao đổi ngoại giao giữa Nga với Pháp và Đức liên quan tới các đàm phán về Ukraina.

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan giải thích thêm:

Hôm thứ Tư, bộ Ngoại Giao Nga đã công bố một số thư trao đổi với các đồng nhiệm Pháp và Đức để chứng minh rằng lập trường của Nga trong các đàm phán liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraina đã bị bỏ qua hoặc diễn giải sai.

Trong các thư trao đổi này, Matxcơva nhấn mạnh rằng đó là phe ly khai ở Ukraina chứ không phải Nga, là một bên của xung đột và phe này phải là bên đối thoại của Kiev. Điện Kremlin cũng nhắc đến các nhượng bộ về chính trị và lập pháp mà Ukraina phải thực hiện, đó là thành lập liên bang và sửa đổi các luật về ngôn ngữ. Trong bối cảnh căng thẳng của cuộc đàm phán Minsk II, có thể nói rằng việc tiết lộ tài liệu ngoại giao này sẽ không giúp thúc đẩy hồ sơ đàm phán này

Ngoại trưởng Ukraina, ông Dmytro Kuleba, nhận định rằng qua cách thức tiết lộ tài liệu này, Nga đang giết chết cái gọi là công thức Normandie, bao gồm 4 bên, Nga, Ukraina, Pháp và Đức thảo luận giải quyết cuộc xung đột bằng cách phá hủy niềm tin giữa các bên. Cách nay vài ngày, có tin đồn về chuyến thăm chính thức của tổng thống Pháp ở Kiev, nhưng theo nguồn thông tin ngoại giao, chuyến thăm này khó có thể thực hiện được vì Macron sẽ phải thực hiện song song với chuyến thăm Matxcơva. Thế nhưng, chuyến thăm  Matxcơva lại không khả thi vì điện Kremlin không hồ hởi thúc đẩy các tiến triển quan trọng về hồ sơ Donbass đầy gai góc.

Kết quả là, tổng thống Pháp sẽ không đến Kiev trong nhiệm kì này của ông, điều này làm Ukraina rất thất vọng. Nhưng trên hết, người ta có thể thấy rằng Nga đang gây khó khăn cho cơ chế ngoại giao duy nhất để giảm căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraina. Điều này gây ra những đám mây đen bao trùm lên tình hình an ninh nếu như chiến sự gia tăng ở Donbass.”

Trong những ngày gần đây, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Washington, Paris và Berlin đều lên án việc tăng cường quân đội Nga ở biên giới phía đông Ukraina, khi Matxcơva huy động thêm hơn 100 000 binh lính đến khu vực biên giới giữa hai nước. Về phía Matxcơva, hôm qua, ngày 18/11/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ các các buộc và đổ lỗi cho phương Tây là đã châm ngòi cho những căng thẳng gia tăng ở phía đông Ukraine và trên Biển Đen.

Chiến tranh ở Ukraina nổ ra từ năm 2014, chống lại những kẻ theo phong trào ky khai, thân Nga, diễn ra ở phía đông của đất nước. Theo phương Tây, những kẻ nổi dậy được cho là nhận được sự ủng hộ từ phía Matxcơva. Cuộc xung đột đã khiến 13.000 người thiệt mạng

Theo AFP, các hiệp ước hòa bình Minsk, ký vào năm 2015 dưới sự bảo trợ của Paris và Berlin, được thực hiện một cách chậm chạp. Các bên tham gia đều tự nhận trách nhiệm về thất bại này.

Belarus sơ tán di dân ở biên giới chung với Ba Lan

Phan Minh

Những người di cư tập trung tại một khu trại gần trạm kiểm soát Bruzgi-Kuznica ở vùng Grodno, Belarus, gần biên giới với Ba Lan, ngày 18/11/2021. © REUTERS/Kacper Pempel

Khoảng 2.000 người di cư sống trong một trại tạm thời gần biên giới Ba Lan đã được Belarus chuyển đến một trung tâm hậu cần gần đó.

Theo AFP, lực lượng biên phòng Belarus cho biết, tính đến ngày 18/11/2021 tất cả những người tị nạn tập trung trong trại tạm thời ở biên giới Belarus-Ba Lan gần trạm biên phòng Brouzgui đã tự nguyện đến một trung tâm hậu cần. Những hình ảnh trại tạm thời bị bỏ hoang đã được công bố.  

Trong tuần qua, những người di cư đã sống trong điều kiện rất khắc nghiệt, nhiều hôm nhiệt độ xuống còn 0°, đồng thời họ còn phải đối mặt với vòi rồng và hơi cay từ các lực lượng biên phòng Ba Lan.  

Theo một nguồn tin của chính phủ Belarus, ngoài những người di cư ở biên giới, ước tính có khoảng 5.000 di dân khác đang ở Belarus. Sau một tuần căng thẳng gia tăng, hơn 400 người Iraq đã tự nguyện rời Belarus hồi hương vào hôm 18/11/2021. 

Biển Đông: Việt Nam lên tiếng lo ngại về những luật lệ và hành động trái với UNCLOS

Trọng Nghĩa

Ảnh do Hải Cảnh Philippines cung cấp ngày 07/03/2021 : Một số con tàu trong tổng số 220 tàu Trung Quốc được nhìn thấy neo đậu tại rạn san hô Whitsun Reef (Philippines đặt tên là Julian Felipe – Việt Nam gọi là Đá Ba Đầu) ở quần đảo Trường Sa (Biển Đông). © Philippine Coast Guard/National Task Force-West Philippine Sea via AP

Hôm 18/11/2021, phát biểu khai mạc hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội, kéo dài trong 2 ngày, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu đã nêu bật thái độ quan ngại của Việt Nam trước tình hình căng thẳng dai dẳng trong khu vực và những hành vi trái với Luật Biển Liên Hiệp Quốc.

Theo báo chí Việt Nam, cuộc hội thảo quốc tế lần thứ 13 năm nay – do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam cùng các đối tác phối hợp tổ chức – tập hợp hơn 180 đại biểu tham gia trực tiếp, cùng hơn 400 đại biểu khác đăng ký tham dự trực tuyến. Trong số này, có khoảng 60 diễn giả là các chuyên gia đến từ 30 quốc gia.

Trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu đã cho rằng các diễn biến ở Biển Đông trong một năm qua đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại về nguy cơ “chạy đua vũ trang” tăng tốc và xẩy ra những “sự cố va chạm ngoài ý muốn”.  

Theo đại diện chính quyền Việt Nam, trong thời gian qua, “vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS (Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển)”, trong lúc “quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển chưa được tôn trọng đầy đủ”.

Dù thứ trưởng Việt Nam không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng theo giới quan sát, tác giả của các “bộ luật hoặc hoạt động không nhất quán hoặc trái với UNCLOS” chính là Trung Quốc. Trong năm qua, Bắc Kinh đã không ngừng cho tàu vào sách nhiễu các láng giềng từ Việt Nam cho đến Malaysia, Philippines ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này, vùng được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển quy đinh.  

Về mặt luật lệ, ví dụ rõ nhất là việc Bắc Kinh ban hành một bộ luật hải cảnh mới, áp đặt quyền hạn của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp việc các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, từ năm 2016, đã bị một tòa trọng tài trong khuôn khổ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển phán quyết là không có cơ sở pháp lý.

Các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là dùng lực lượng dân quân biển để khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh một lần nữa lại bị vạch trần trong một công trình nghiên cứu được công bố hôm qua.

Trong bản nghiên cứu mang tựa đề “Vén Bức Màn Che Phủ Lực Lượng Dân Quân Biển Trung Quốc” (Pulling Back the Curtain on China’s Maritime Militia), Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), trụ sở tại Washington (Hoa Kỳ) đã nêu bật sự kiện có lúc có tới 300 tàu thuộc lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc tuần tra tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông để áp đặt yêu sách chủ quyền gây tranh cãi Bắc Kinh.

Báo cáo nêu rõ việc Nhà Nước Trung Quốc đã tài trợ cho lực lượng này, cũng thuộc diện lưỡng dụng, tức là có thể vừa đánh cá, vừa chiến đấu, cho phép Bắc Kinh phủ nhận ý đồ hiếu chiến khi bị tố cáo. 

Related posts