Nam Hàn: Số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt bất chấp tỷ lệ chích ngừa gần 90%
Theo dữ liệu do chính phủ công bố, chưa đầy một tháng sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế đại dịch, các nhà chức trách Nam Hàn hiện đang phải chống chọi với sự gia tăng số ca nhiễm virus Trung Cộng với mức tăng kỷ lục 3,292 ca nhiễm mới và 506 ca bệnh nặng, tính đến ngày 18/11.
Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nam Hàn (KDCA) cho thấy, mức tăng kỷ lục trên xảy ra bất chấp hơn 78.5% dân số nước này đã chích ngừa đầy đủ, trong đó số người từ 18 tuổi trở lên chiếm 90.7%.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết sự gia tăng số ca nhiễm virus Trung Cộng là nằm trong dự liệu, sau khi có ngày càng nhiều biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ vào ngày 01/11 sau thành công của quốc gia này trong việc chích ngừa cho gần 80% người trong tổng số 52 triệu dân của mình.
Hôm 17/11, phát ngôn viên của Bộ Y tế và Phúc lợi, ông Son Young-Rae, cho biết trong một cuộc họp báo ở Seoul rằng Nam Hàn chưa cần phải quay lại với các quy định nghiêm ngặt hơn, vì sự gia tăng số ca nhiễm này vẫn nằm “trong phạm vi những gì chúng tôi dự liệu”.
Ông Son cho hay, các ca nhiễm đột phá và ca bệnh nặng xuất hiện tập trung ở những người cao tuổi, là những người đầu tiên trong cả nước được chích ngừa, do đó cần phải đẩy nhanh các liều bổ sung.
Ông nói: “Hiệu ứng suy giảm [tính hiệu quả của vaccine] đến nhanh hơn chúng tôi dự đoán.”
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng mặc dù những người đã chích ngừa đầy đủ phục hồi nhanh hơn so với những người chưa chích ngừa, nhưng tải lượng virus của họ vào đỉnh điểm tương đương với con số này ở những người chưa chích ngừa, khiến họ dễ dàng lây truyền virus cho người khác.
Một nghiên cứu do Đại học Hoàng gia London và Cơ quan An ninh Y tế Anh Quốc thực hiện được công bố trên Tạp chí The Lancet vào ngày 29/10 cho thấy các nhóm dân số đã chích ngừa vẫn nhạy cảm với biến thể Delta và có thể dễ dàng lây truyền virus COVID-19 trong gia đình.
Tiến sĩ Anika Singanayagam, một đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố rằng những phát hiện nêu trên đã cung cấp những hiểu biết quan trọng về “lý do tại sao biến thể Delta tiếp tục gây ra số ca nhiễm COVID-19 cao” ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ chích ngừa cao.
Tiến sĩ Singanayagam nói: “Các biện pháp y tế cộng đồng cũng như các biện pháp xã hội duy trì để hạn chế sự lây truyền vẫn quan trọng, ngay cả ở những người đã chích ngừa.”
Trong khi đó, KDCA cho biết họ đã quyết định rút ngắn thời gian chờ giữa các liều đối với mũi bổ sung từ sáu tháng xuống còn bốn tháng cho những người từ 60 tuổi trở lên, cũng như những người sống hoặc làm việc tại các viện dưỡng lão và các cơ sở có nguy cơ cao khác.
Những người đang trong độ tuổi 50 và người lao động như cảnh sát, lính cứu hỏa, và quân đội có thể được chích một mũi bổ sung khác năm tháng sau liều cuối cùng của họ.
Các quan chức cũng bày tỏ lo ngại về công suất bệnh viện của đất nước trong bối cảnh các ca COVID-19 nặng đang gia tăng, khi chỉ có khoảng 30% phòng săn sóc đặc biệt (ICU) còn trống giường tính đến ngày 17/11.
Sau đó, KDCA tuyên bố rằng họ sẽ cân nhắc tạm dừng nới lỏng các hạn chế giãn cách khi tỷ lệ giường bệnh ICU sử dụng trên toàn quốc đạt hơn 75%, hoặc khi có các yếu tố khác gây nguy cơ cao.
Hồng Ân biên dịch
Hơn 100,000 người Mỹ tử vong do sốc ma tuý, lỗi tại ai?
Ước tính có trên 100,000 người Mỹ tử vong do sử dụng ma tuý quá liều trong năm 2021. Tổng thống Biden cho biết, đây là “một cột mốc bi thảm”.
Theo hồ sơ dữ liệu chứng tử mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính có khoảng 100,300 người Hoa Kỳ đã tử vong vì sử dụng ma tuý quá liều từ tháng 5/2020 đến tháng 4/2021. Theo ông Robert Anderson, Giám đốc bộ phận thống kê tỷ lệ tử vong của CDC, cho biết con số thống kê năm 2021 có khả năng vượt qua con số 100,000.
Sốc ma túy hiện đã vượt qua các nguyên nhân gây tử vong như tai nạn giao thông, bị nã súng, thậm chí cả bệnh cúm và viêm phổi. Chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ thúc giục Quốc hội đầu tư hàng trăm triệu USD để giải quyết vấn nạn trên.
Theo hãng AP đưa tin, bà Katherine Keyes, chuyên gia tại Đại học Columbia về các vấn đề lạm dụng ma tuý, nhận định đây là con số “khủng khiếp”.
“Số ca tử vong do dùng thuốc quá liều này là con số chúng tôi chưa từng thấy ở nước ta”, bà nói.
Các chuyên gia tin rằng sự gia tăng số ca tử vong bắt nguồn từ 2 yếu tố. Thứ nhất là việc bán thuốc bất hợp pháp đang trở nên phổ biến, đặc biệt là thuốc Fentanyl.
Yếu tố thứ hai là do những tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19. Trong thời gian diễn ra đại dịch, nhiều người đã sử dụng ma tuý tại nhà, bị cô lập với xã hội, không được điều trị hoặc nhận được các hỗ trợ khác.
Dữ liệu mới cho thấy đã có nhiều trường hợp tử vong liên quan đến Fentanyl sản xuất bất hợp pháp. Fentanyl là thuốc giảm đau nhóm Opioid, có tính chất như thuốc phiện và có thể có tác dụng mạnh hơn 100 lần so với morphine. Năm năm trước, nó đã vượt heroin trở thành loại thuốc gây ra nhiều ca tử vong do sử dụng quá liều nhất. Thậm chí, các đại lý còn tẩm Fentanyl với các loại ma tuý khác, khiến số ca tử vong do methamphetamine và cocaine cũng tăng lên.
Ông Anne Milgram, Giám đốc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nói rằng các tổ chức buôn ma túy Mexico đang sử dụng hóa chất từ Trung Quốc để sản xuất và phân phối fentanyl và methamphetamine trên quy mô lớn ở Hoa Kỳ. Ông nói rằng FDA đã thu giữ 12,000 pound fentanyl trong năm nay. Đây là mức cao kỷ lục mới.
Theo tổ chế tác của New York Survey, dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng người dân Hoa Kỳ lại tiêu thụ đến 80% tổng lượng thuốc giảm đau gây nghiện Opioid toàn cầu. Để truy tìm nguồn gốc của Fentanyl, các học giả Hoa Kỳ đã thực hiện một báo cáo nghiên cứu. Nhiều học giả chỉ ra rằng: “Vào thế kỷ 21, trong cuộc chiến nha phiến giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, Fentanyl đang đóng vai trò là một loại vũ khí.”
Bà Vanda Felbab-Brown, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, đã biên soạn một báo cáo mang tên “Fentanyl và địa chính trị: Kiểm soát ma túy từ Trung Quốc”. Báo cáo đã liệt kê các số liệu cụ thể như: Ở Trung Quốc có tổng cộng 160,000 đến 400,000 nhà sản xuất và phân phối hóa chất. Nhiều trong số đó là các nhà máy dưới lòng đất không được phê duyệt. Một số còn thành lập công ty ma và trên danh nghĩa để sản xuất Fentanyl. Đặc biệt, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc còn được mệnh danh là “Thủ đô Fentanyl”.
Những đại lý buôn bán bất hợp pháp sẽ vận chuyển Fentanyl đến Hoa Kỳ bằng đường biển, đường hàng không và chuyển phát bưu chính bằng cách sử dụng nhãn giả. Trong năm 2017, đã có 5 tỷ bưu kiện đã được gửi đến Hoa Kỳ qua chuyển phát bưu chính. Theo số liệu của FDA, từ năm 2016 đến năm 2017, 97% lượng fentanyl bị thu giữ từ chuyển phát bưu chính quốc tế bắt nguồn từ Trung Quốc.
Vào tháng 8/2020, tại Tòa án Liên bang New Jersey, Giám đốc điều hành của một công ty hóa chất và dược phẩm Trung Quốc đã thừa nhận là buôn lậu 500 kg fentanyl vào Hoa Kỳ. Ông ta bị bắt khi đang nhập cảnh tại phi trường quốc tế Los Angeles vào tháng 5/2019.
Theo dữ liệu mới được công bố hôm 17/11, số ca tử vong do sử dụng ma tuý quá liều đã tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các bang có mức tăng cao nhất là Vermont (70%), Tây Virginia (62.2%) và Kentucky (55.5%).
Lí Hân, Thịnh Nguyên
Minh Phương biên dịch
Đức tranh luận về bắt buộc chích ngừa cho tất cả mọi người sau công bố của Áo
Jack Phillips
Các quan chức được bầu ở Đức đang cân nhắc việc áp dụng lệnh bắt buộc chích ngừa COVID-19 cho tất cả mọi người, chỉ vài ngày sau khi chính phủ Áo công bố một hành động tương tự.
Tuần trước, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg đã thông báo rằng vaccine COVID-19 sẽ là bắt buộc kể từ ngày 01/02/2022, vì chính phủ đã “thất bại trong việc thuyết phục đủ số lượng người dân đi chích ngừa.”
Hành động này dường như khiến thủ hiến tiểu bang Bayern Markus Söder phải lập tức nói rằng các quan chức Đức nên đưa ra yêu cầu chích ngừa tương tự.
Ông Söder cho biết: “Giống như ở Áo, chúng ta phải thảo luận về lệnh bắt buộc chích ngừa cho tất cả mọi người từ nửa cuối năm sau.”
Thế nhưng, hôm thứ Sáu (19/11), ông Heiko Maas, ngoại trưởng Đức và là thành viên hàng đầu của Đảng Dân Chủ Xã Hội, cho biết các lệnh bắt buộc chích ngừa kiểu Áo “sẽ không xảy ra.”
“Chúng tôi thấy chúng không cần thiết và chúng tôi nghĩ rằng chúng sẽ có vấn đề liên quan đến hiến pháp của chúng ta,” ông nói với tờ Bild.
Cuộc tranh luận về lệnh bắt buộc chích ngừa diễn ra khi Đức đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 trong những ngày gần đây. Hôm thứ Năm (18/11), quốc gia này đã chứng kiến sự gia tăng hàng ngày lên đến 65,371 ca nhiễm mới, theo dữ liệu từ cơ quan y tế Robert Koch Institute.
Với tỷ lệ 67.5%, Đức có tỷ lệ chích ngừa cao hơn cả Hoa Kỳ, hiện đang ở mức khoảng 59.1%, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng các biện pháp hạn chế hơn nữa sẽ được đưa ra ở những tiểu bang nào của Đức có tỷ lệ nhập viện vượt quá ngưỡng 9 trên 100,000 người.
“Tình hình đại dịch hiện nay ở Đức rất khốc liệt, tôi không thể nói khác đi,” bà nói với các thủ hiến tiểu bang hôm thứ Tư (17/11), theo tin từ các báo cáo. “Sẽ là một thảm họa nếu chỉ hành động khi các phòng săn sóc đặc biệt đã đầy, vì khi đó sẽ là quá muộn.”
Trong khi đó, chính phủ Áo vào tuần trước đã xác nhận rằng một lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng trên toàn quốc trong thời gian tối đa 20 ngày, bắt đầu từ ngày 22/11.
Tuần trước, các quan chức đã đặt hàng triệu người không chích ngừa đầy đủ vào tình trạng phong tỏa, một biện pháp hiện đã tăng lên [để áp dụng cho] toàn dân bất kể tình trạng chích ngừa như thế nào. Thủ tướng Schallenberg cho biết lệnh phong tỏa và yêu cầu bắt buộc chích ngừa này là cần thiết để tránh “làn sóng thứ năm”, đồng thời đề cập đến sự gia tăng các ca bệnh trong tuần qua.
Hiện đã có hơn 10,000 ca nhiễm mới được báo cáo trên khắp nước này mỗi ngày, đây là một kỷ lục mới.
Do các lệnh bắt buộc chích ngừa này mà các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Áo—với hơn 35,000 người xuống đường ở Vienna vào hai ngày thứ Bảy (20/11) và Chủ nhật (21/11).
Hôm thứ Bảy (20/11), nhiều người đã vẫy quốc kỳ Áo trong khi mang theo những tấm biển có các dòng chữ như “nói không với chích ngừa”, “quá đủ rồi” hoặc “hạ bệ chế độ độc tài phát xít”. Các nhà chức trách cho biết tại Vienna, đám đông đã tăng vọt lên khoảng 35,000 người.
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
Quân đội Sudan phục chức cho thủ tướng, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục
Thanh Tâm biên dịch
KHARTOUM — Quân đội Sudan đã phục chức cho Thủ tướng Abdalla Hamdok vào hôm Chủ nhật (21/11) và hứa sẽ trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì lý do chính trị sau nhiều tuần bất ổn có thương vong do một cuộc đảo chính gây ra, mặc dù các đám đông lớn đã xuống đường để từ chối bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến quân đội.
Theo một thỏa thuận ký với lãnh đạo quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, ông Hamdok – người được bổ nhiệm đầu tiên sau khi nhà cai trị độc tài Omar al-Bashir bị lật đổ trong cuộc nổi dậy năm 2019 – sẽ lãnh đạo một chính phủ dân sự gồm các nhà kỹ trị trong giai đoạn chuyển tiếp.
Thỏa thuận trên vấp phải sự phản đối từ các nhóm ủng hộ dân chủ yêu cầu có một chính phủ dân sự hoàn toàn kể từ khi ông Bashir bị lật đổ. Sự tử thương của hàng chục người biểu tình kể từ cuộc đảo chính ngày 25/10 càng làm dấy lên sự phẫn nộ của các nhóm này.
Từng là một anh hùng đại diện cho phong trào phản đối, ông Hamdok đã nhanh chóng trở thành nhân vật phản diện đối với một số người.
“Ông Hamdok đã bán đứng cách mạng,” những người biểu tình hô vang sau khi thỏa thuận được công bố. Hiệp hội Chuyên gia Sudan (SPA), một nhóm phản đối hàng đầu, gọi đây là sự “phản bội”.
Hàng chục ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình được lên kế hoạch từ trước ở thủ đô Khartoum và các thành phố song song tương ứng của nó là Omdurman và Bahri. Các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng và xịt hơi cay để giải tán họ. Ủy ban Bác sĩ Sudan Trung ương cho biết, một người biểu tình 16 tuổi ở Omdurman đã tử vong vì trúng đạn.
“Ông Hamdok đã làm chúng tôi thất vọng. Lựa chọn duy nhất của chúng tôi là xuống đường,” anh Omar Ibrahim, một người biểu tình 26 tuổi ở Khartoum cho biết.
Hoa Kỳ, Anh Quốc, Na Uy, Liên minh Âu Châu, Canada, và Thụy Sĩ đã hoan nghênh việc phục chức cho ông Hamdok và kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ vì lý do chính trị khác trong một tuyên bố chung. Liên Hiệp Quốc cũng đã hoan nghênh việc [đạt được] thỏa thuận hôm Chủ nhật.
Các cường quốc phương Tây đã lên án cuộc đảo chính diễn ra vào tháng trước và đình chỉ viện trợ kinh tế cho Sudan, vốn đang cố gắng vực dậy sau một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.
Cuộc đảo chính này đã kích hoạt hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối quân đội, và các lực lượng y tế liên kết với phong trào biểu tình này cho biết lực lượng an ninh đã sát hại 41 thường dân trong các cuộc trấn áp ngày càng trở nên bạo lực.
Ông Hamdok cho biết ông đã đồng ý với thỏa thuận này để tránh thêm thương vong.
“Máu của người Sudan rất quý giá. Chúng ta hãy cùng ngăn chặn đổ máu và hướng sức trẻ vào việc xây dựng và phát triển,” ông nói tại lễ ký kết được phát sóng trên truyền hình nhà nước.
Ông Burhan cho biết thỏa thuận này sẽ bao trọn hết thảy. “Chúng tôi không muốn loại trừ bất cứ ai ngoại trừ Đảng Quốc Đại, như chúng tôi đã cùng đồng ý,” ông nói, nhắc đến đảng cầm quyền cũ của ông Bashir.
Nhưng thỏa thuận trên không đề cập chút gì đến Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC), liên minh dân sự từng chia sẻ quyền lực với quân đội trước cuộc đảo chính. Thêm vào đó, một số người tại buổi lễ ký kết có liên hệ chính trị với ông Bashir.
Không có tính hợp pháp
Lực lượng Tự do và Thay đổi cho biết họ không công nhận bất kỳ thỏa thuận nào với quân đội. Đảng Quốc Hội Sudan (SCP), một thành viên hàng đầu của lực lượng này, và một số lãnh đạo bị giam giữ đã mô tả việc ông Hamdok tham gia thỏa thuận này là “bất hợp pháp và vi hiến” và cung cấp vỏ bọc chính trị cho cuộc đảo chính.
Một số ủy ban kháng chiến tổ chức các cuộc biểu tình cũng đã đưa ra các tuyên bố bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào với quân đội.
Ông Hamdok đã bị quản thúc tại gia khi quân đội giành được chính quyền, khiến cho quá trình chuyển đổi sang bầu cử vào năm 2023 bị trệch hướng.
Quân đội đã giải tán Nội các của ông Hamdok và giam giữ một số thường dân nắm giữ các vị trí cao nhất theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực sau khi ông Bashir bị lật đổ.
Các chính trị gia Omer Eldigair, Yasir Arman, Ali Alrayah Alsanhouri, và Siddig al-Mahdi sẽ được trả tự do vào đêm Chủ nhật, một nguồn tin chính phủ cho biết. Chỉ có ông Arman là nằm trong số các cựu quan chức từng nắm quyền. Nhiều người trong số các quan chức đó đã từng tham gia vào một cuộc luận chiến với các lãnh đạo quân sự trước cuộc đảo chính.
Theo thỏa thuận hôm Chủ nhật, một tuyên bố Hiến pháp được ký kết giữa quân đội và thường dân vào năm 2019 sẽ vẫn là nền tảng trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
“Chính phủ tiếp theo sẽ tập trung vào một lượng vấn đề hạn chế, chủ yếu là quá trình chuyển đổi dân chủ,” Al Jazeera dẫn lời ông Hamdok trong một cuộc phỏng vấn. Ông Hamdok cho biết các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trước tháng 07/2023, kênh này cho biết thêm.
Khalid Abdelaziz
Minh Ngọc biên dịch
Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong thăm Hoa Kỳ vì Dự án Nhà máy vi mạch
Jessica Mao
Chuyến đi gần đây của Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đến Bắc Mỹ có khả năng nhằm hoàn thiện việc lựa chọn địa điểm cho nhà máy đúc vi mạch mới trị giá 17 tỷ USD của Samsung. Chuyên gia tài chính Hồng Kông Liao Shiming tin rằng Hoa Kỳ đang hợp tác với Samsung để tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao của họ.
Ông Lee xuất hiện tại một sân bay thương mại ở Seoul vào sáng sớm hôm 14/11. Ông nói chuyện ngắn với báo chí trước khi lên chuyến bay thuê bao đến Canada.
Khi được hỏi liệu ông có hoàn tất kế hoạch đầu tư xưởng đúc vi mạch ở Hoa Kỳ hay không, ông Lee trả lời: “Tôi sẽ gặp nhiều đối tác [bán dẫn].”
Đây là chuyến đi ngoại quốc đầu tiên của ông Lee kể từ khi được tạm tha vào tháng Tám. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Hoa Kỳ sau hơn 5 năm. Ông Lee đã bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì nghi ngờ hối lộ vào tháng Giêng năm nay. Trừ đi thời gian ông bị giam giữ trước đó, ban đầu án của ông dự kiến kết thúc vào năm sau.
Trong chuyến đi của mình, ông Lee dự kiến sẽ đến thăm phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của Samsung ở Toronto, Canada, sau đó sẽ đến Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc tham vấn cuối cùng về việc lựa chọn địa điểm cho nhà máy đúc đầu tiên của Samsung tại Hoa Kỳ. Ông cũng sẽ đến Boston để gặp gỡ với công ty dược phẩm Moderna của Hoa Kỳ, nhằm giúp lấy vaccine COVID-19 cho những người đồng hương của mình.
Chuyên gia tài chính: Hàn Quốc điều chỉnh lại mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ
Ông Liao Shiming, một tác giả chuyên mục tài chính và kinh tế Hồng Kông, nói với The Epoch Times hôm 16/11 rằng chuyến đi Hoa Kỳ của ông Lee rõ ràng là để thực hiện các ý định của riêng ông.
Ông Liao nó, trong hai năm qua, sự phân tách kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở thành một cuộc thảo luận sôi nổi, sau đó đã phát triển thành “phân tách chính xác”, tập trung vào tách rời về công nghệ.
Ông cũng chỉ ra rằng xu hướng sẽ không thay đổi với sự chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Donald Trump sang Tổng thống Joe Biden, vì xu hướng này đã trở thành sự đồng thuận của lưỡng đảng.
Ông Liao tin rằng Hoa Kỳ muốn tách khỏi Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, vũ trụ, hóa sinh và các lĩnh vực khác. Khi làm như vậy, Hoa Kỳ có kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng của mình — chuỗi cung ứng toàn cầu của họ sẽ được chia thành hai phân nhóm, sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm thông thường.
Vào đầu năm nay, khi Hoa Kỳ đưa ra các chính sách mới liên quan đến chuỗi cung ứng, Nam Hàn đã sửng sốt nhận ra rằng họ đã bị loại khỏi tất cả các chuỗi cung ứng công nghệ cao của Hoa Kỳ. Ông Liao nói, điều này có nghĩa là, nếu Hoa Kỳ phát triển bất kỳ công nghệ hiện đại nào, Nam Hàn sẽ bị hạn chế nhận chuyển giao công nghệ hoặc đầu ra thiết bị.
Ông Liao giải thích: “Điều này khiến Nam Hàn rất lo lắng. Vậy tại sao Hoa Kỳ lại loại Nam Hàn khỏi chuỗi cung ứng công nghệ cao của mình? Tất nhiên là do Nam Hàn ở quá gần Trung Quốc.”
Bây giờ chính phủ đã trả tự do cho ông Lee khỏi nhà tù để ông có thể gặp gỡ các đối tác của mình tại Hoa Kỳ. Ông Liao tin rằng đó là một dấu hiệu cho thấy người Hàn Quốc muốn khôi phục mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ, bởi vì chính người trong ngành công nghiệp Hàn Quốc có mối quan hệ tốt nhất với người Mỹ là ông Lee Jae-yong.
Ngay sau khi ông Lee được trả tự do, Samsung và Hoa Kỳ đã đàm phán một thỏa thuận để chuyển hoạt động sản xuất vi mạch sang Hoa Kỳ.
Ông Liao giải thích rằng từ quan điểm của Hoa Kỳ, họ tham gia thỏa thuận vì lo ngại về an ninh.Ông nói, “Nếu Bắc Hàn bắn tên lửa vào Hàn Quốc, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu vi mạch. Do đó, việc sản xuất vi mạch bán dẫn có trụ sở tại Mỹ có tầm quan trọng sống còn.”
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thăm Hàn Quốc
Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Chi Tai đã đến Seoul hôm 18/11, lần đầu tiên sau 10 năm trưởng đoàn đàm phán thương mại Hoa Kỳ thăm Nam Hàn kể từ cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do song phương năm 2011.
Chuyến đi Á Châu của bà Tai bao gồm Nhật Bản hôm 15/11, Nam Hàn hôm 18/11 và Ấn Độ hôm 22/11.
Theo Korean Herald, bà dự kiến sẽ thảo luận một số vấn đề kinh tế và thương mại với các quan chức Nam Hàn, bao gồm chuỗi cung ứng chất bán dẫn, thỏa thuận thương mại kỹ thuật số, các công ty Nam Hàn đầu tư vào Hoa Kỳ và hợp tác biến đổi khí hậu.
Cơ quan này cũng tiết lộ rằng trước chuyến thăm của bà Tai, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu các nhà sản xuất vi mạch của Nam Hàn như Samsung và SK hynix trả lời một danh sách các câu hỏi. Bảng câu hỏi liên quan đến thông tin kinh doanh nhạy cảm như các loại nút công nghệ, vật liệu bán dẫn, và các thiết bị khác. Các công ty này cũng được yêu cầu tiết lộ các đơn đặt hàng tồn đọng và các khách hàng lớn, cũng như một số chi tiết nhất định về tình trạng hàng tồn kho của họ.
Ông Liao phân tích rằng đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ đang lôi kéo Hàn Quốc để chống lại Trung Cộng.
Ông nói: “Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tuân thủ đường lối của mình trong các vấn đề chuỗi cung ứng và Chiến tranh Thương mại Trung-Mỹ, vì đây là sự đồng thuận của lưỡng đảng. Chuyến thăm của bà Tai tới ba nước Á Châu nhằm nắm quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ cao, là một phần của nỗ lực tái cơ cấu.”
Bà Jessica Mao viết bài cho The Epoch Times với chủ đề tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2009.
Lưu Đức biên dịch