Bình Minh
Một nghiên cứu mới ở Nam Phi cho thấy hai liều vaccine Pfizer chỉ đạt 22,5% hiệu quả chống lại biến chủng Omicron. Trong khi đó, WHO tiếp tục cảnh báo về biến chủng mới này.
WHO: Omicron lây lan nhanh và giảm hiệu quả vaccine
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/12 cho biết biến chủng Omicron có thể làm suy yếu vaccine và lây lan nhanh hơn Delta.
“Bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine trong chống lây nhiễm. Với dữ liệu hiện tại, có thể thấy Omicron sẽ vượt qua biến chủng Delta tại những nơi nó lưu hành”, WHO nêu trong báo cáo.
Người nhiễm Omicron nhiều khả năng có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện, nhưng WHO cho biết chưa đủ dữ liệu để xác định độ nghiêm trọng lâm sàng của biến chủng.
Trước đó, WHO ngày 26/11 xếp biến chủng này vào nhóm đáng lo ngại. Nhiều quốc gia áp lệnh hạn chế đi lại với người từ Nam Phi và đưa ra nhiều quy định trong nước nhằm kiểm soát sự lây lan. WHO cho biết Omicron đã lây lan đến 63 quốc gia tính đến ngày 9/12.
Giáo sư Bruce Mellado của Nam Phi, hôm 2/12 nhận định lây nhiễm cộng đồng đang tăng mạnh “mức chưa từng thấy ở Nam Phi” và là dấu hiệu Omicron sẽ trở thành biến chủng phổ biến nhất.
Vaccine Pfizer có thể chỉ đạt hiệu quả hơn 22%
Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Durban (Nam Phi) mới đây cung cấp dữ liệu bổ sung từ một nghiên cứu về biến chủng Omicron, theo Bloomberg đưa tin hôm 11/12.
Nghiên cứu cho thấy hai liều vaccine Pfizer chỉ đạt 22,5% hiệu quả chống lại biến chủng Omicron.
Sau khi xem xét các mẫu huyết tương từ 12 người tham gia, họ nhận thấy so với chủng virus được phát hiện ở Trung Quốc hai năm trước, biến chủng Omicron làm giảm 41 lần kháng thể trung hòa tạo ra ở những người đã tiêm hai liều vaccine Pfizer/BioNTech.
Về cơ bản, kết quả cho thấy biến chủng Omicron “làm suy giảm khả năng bảo vệ của vaccine đối với các triệu chứng lây nhiễm Covid-19”, chuyên gia Alex Sigal, người chủ trì nhóm nghiên cứu, cho biết.
Đây là lầu đầu tiên giới khoa học ghi nhận bằng chứng về việc biến chủng Omicron có khả năng tránh được các kháng thể do vaccine Pfizer tạo ra.
Omicron là gì?
Omicron là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi hồi tháng trước. Kết quả giải trình tự gen cho thấy nó chứa tới hơn 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến gắn trên protein gai – cấu trúc có thể tác động đến khả năng lây lan, né miễn dịch của virus. WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”.
Omicron có phiên bản mới?
Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện một phiên bản “tàng hình” của biến chủng Omicron trong các mẫu xét nghiệm tại Nam Phi, Australia và Canada. Phiên bản này có thể đã lây lan rộng hơn mà chưa được phát hiện, theo hãng tin Reuters.
Phiên bản “tàng hình” có nhiều đột biến giống của Omicron, nhưng không có sự thay đổi gen cụ thể cho phép phát hiện virus bằng xét nghiệm PCR, mặc dù vẫn có thể phát hiện bằng giải trình tự gen.
Các nhà khoa học cho rằng, còn quá sớm để khẳng định phiên bản mới của Omicron có cơ chế lây lan giống như Omicron, nhưng nó có sự khác biệt về mặt cấu trúc gen và do đó có thể có cơ chế hoạt động khác.