Cựu bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lou Jiwei thừa nhận rằng số liệu kinh tế của Trung Quốc có vấn đề, vì chúng chỉ vẽ ra một bức tranh màu hồng thay vì phản ánh những khó khăn và áp lực thực tế mà nước này đang phải đối mặt, South China Morning Post đưa tin vào ngày 13/12.
Các bình luận của ông Lou được đưa ra tại một diễn đàn do Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh hôm thứ Bảy, chỉ một ngày sau cuộc họp ba ngày của các nhà lãnh đạo cấp tỉnh và trung ương của Trung Quốc để đặt ra các ưu tiên kinh tế cho năm tới.
Ông Lou đã chỉ ra sự trái ngược giữa một bên là thái độ thận trọng trong tuyên bố chính thức sau cuộc họp lãnh đạo đó và một bên các chỉ số tích cực được thể hiện trong dữ liệu kinh tế.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cảnh báo rằng nước này đang gặp phải “áp lực gấp ba lần” – đến từ nhu cầu giảm, các cú sốc về nguồn cung và kỳ vọng thị trường suy yếu hơn.
Giọng điệu nghiêm túc đó vốn không phổ biến trong giới lãnh đạo Trung Quốc, và rõ ràng là không liên quan gì đến các số liệu tốt đẹp về hoạt động thương mại và sản xuất của tháng trước, sau khi cả chỉ số sản xuất và tiêu thụ đều vượt mức kỳ vọng của thị trường vào tháng 10, SCMP cho biết thêm.
“Tại sao chúng ta lại có nhận định về áp lực gấp ba lần? Dữ liệu minh chứng cho điều đó ở đâu? Các con số đều khá đẹp,” ông nói.
“Không có đủ dữ liệu cho thấy mặt tiêu cực.”
“Hãy so sánh nó với Hoa Kỳ, nơi họ có cả dữ liệu tích cực và tiêu cực.”
Ông Lou, hiện là giám đốc ủy ban đối ngoại của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của nước này, cho biết có những vấn đề về đo lường dữ liệu, bao gồm nhưng không giới hạn ở tổng số công ty, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và chỉ số bất bình đẳng.
Ví dụ, dữ liệu được công bố chỉ cho biết có bao nhiêu công ty đã được thành lập ở Trung Quốc nhưng không tiết lộ số công ty đã biến mất.
Theo thống kê của Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường, tính đến ngày 1 tháng 11 năm nay, Trung Quốc có 150 triệu thực thể thị trường (bao gồm doanh nghiệp, hoạt động tự doanh và hợp tác xã nông thôn), tăng khoảng 100 triệu so với một thập kỷ trước đó.
“[Nhưng] trong số 150 triệu doanh nghiệp, ít nhất 40 triệu doanh nghiệp không hoạt động,” ông Lou nói, giải thích rằng một số công ty không hề có hoạt động kinh doanh kể từ khi đăng ký và một bộ phận công ty khác thì đang vật lộn để duy trì hoạt động.
Tổng số công ty cũng có thể bị phóng đại vì rất khó để hủy đăng ký nhưng khá dễ đăng ký doanh nghiệp ở Trung Quốc, ông cho biết thêm.
Hơn nữa, ông Lou nói tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Trung Quốc có xu hướng giảm, nhưng có rất ít dữ liệu về điều này.
Một nơi nữa xảy ra vấn đề về đo lường dữ liệu là ở hệ số Gini, đo lường phân phối thu nhập trên toàn bộ dân số Trung Quốc.
Dữ liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy sự sụt giảm trong hệ số Gini của Trung Quốc, từ mức cao nhất là 0,491 vào năm 2008, xuống còn 0,468 vào năm 2020, ám chỉ thu nhập ngày càng phân phối bình đẳng hơn.
Tuy nhiên, ông Lou cho biết chỉ số này thấp là do nó không tính đến các tiêu dùng của một số chủ doanh nghiệp trong công ty của họ.
Ông cũng chỉ ra rằng cái cách mà Trung Quốc và Mỹ tiến hành chính sách kích thích tài chính đã làm tăng thêm sự khác biệt về độ chính xác thống kê giữa hai nước.
Trong khi người Mỹ nhận được séc kích cầu với số tiền được ghi chính xác, người nghèo Trung Quốc được cho là trực tiếp nhận hàng nghìn tỷ nhân dân tệ từ các nhà chức trách, mà số liệu thống kê vẫn không rõ ràng.
“[Nhưng] chúng ta đã cho bao nhiêu? Ít nhất những gì tôi nghe được là rất khó nói, chúng ta không nhận được nhiều tiền cứu trợ,” ông Lou nói.
Bất chấp tất cả các vấn đề về dữ liệu nêu trên, cựu bộ trưởng Lou nói rằng đó không phải là trách nhiệm của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, và có những “cách giải thích” cho việc lựa chọn chỉ số nào là có thể tính được và chỉ số nào là không thể tính được. Nhưng những “cách giải thích” này là gì, ông lại không giải thích thêm.