ĐCSTQ đang ‘điên cuồng’ khai thác tài nguyên ở Nam Mỹ

An Liên

Một dự án đầu tư của Trung Quốc tại Bolivia (ảnh: Từ video của New China TV)

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua các dự án đầu tư ở Nam Mỹ, cũng là lúc người dân Bolivia, Peru và Ecuador công khai phản đối các công ty Trung Quốc vì cách họ cư xử với người dân bản địa và gây ra ô nhiễm môi trường.

Ngay từ năm 2019, một doanh nghiệp do Trung Quốc tài trợ và một doanh nghiệp nhà nước của Bolivia đã hợp tác trong dự án khai thác lithium với tổng vốn đầu tư là 2,3 tỷ đô-la Mỹ và phía Trung Quốc nắm giữ 49% cổ phần.

Từ năm 2010 đến 2019, ĐCSTQ đã đầu tư 79,2 triệu đô-la Mỹ vào Ecuador để có được quyền khai thác khoáng sản. Trung Quốc cũng đã giành được một dự án trị giá 80 triệu đô-la Mỹ để có được quyền khai thác dầu ở lưu vực sông Amazon.

Tại Peru, nơi sản xuất đồng lớn thứ hai trên thế giới, ĐCSTQ đã đầu tư 15 tỷ đô-la Mỹ.

Thúc đẩy ‘chế độ toàn trị’ ở nước ngoài

Ở sâu trong vùng đầm lầy Pantanal ở Bolivia, ĐCSTQ cũng đã tham gia vào một dự án đầu tư quan trọng khác: El Mutun, mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới.

Cựu Tổng thống cánh tả Bolivia, Evo Morales, đã trao dự án trị giá 546 triệu đô-la Mỹ cho Công ty Cổ phần Trung Quốc Sinosteel.

Tại Puerto Suarez gần đó, một lô máy móc hạng nặng được xếp trên hàng chục chiếc xe tải, đang chờ vận chuyển trên con đường đất dẫn đến El Mutun.

Đối với một số người dân địa phương, những chiếc xe tải này khiến họ hài lòng và họ coi đây là cơ hội để làm việc với Sinosteel với hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Desiderio Montano nói với The Epoch Times rằng: “Các công ty khác đã thử (khai thác) trước đây, nhưng đều bị loại hoặc không đào được quặng sắt”.

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên thử khai thác quặng sắt ở Bolivia.

Công ty Jindal của Ấn Độ đã từ bỏ hợp đồng mà họ đã ký với chính phủ Morales vào năm 2007, và Tập đoàn EBX của Brazil cũng bị chính phủ Morales trục xuất vào năm 2006 vì cố gắng khai thác trái phép trữ lượng khoáng sản.

Montano nói rằng sự xuất hiện của Sinosteel là một điều may mắn vì nó sẽ mang lại công ăn việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng cho Puerto Suárez và Puerto Quijarro gần đó.

Tuy nhiên, ông Menéndez đã chỉ ra mô hình đầu tư riêng biệt của ĐCSTQ ở Nam Mỹ: Họ giới hạn nghiêm ngặt phạm vi dự án của mình và không đầu tư vào các cộng đồng địa phương ngoài phạm vi sinh lời.

Ông nói với The Epoch Times: “Đó là lý do tại sao những con đường trải nhựa được làm ở những nơi xa xôi, ít dân cư. Họ đầu tư ít, nhưng thu về nhiều”.

Khi nói đến hợp tác, người Bolivia có mối quan hệ yêu-ghét với Trung Quốc.

Trên vùng đất mặn rộng lớn của đất nước, công ty Tân Cương TBEA Group của Trung Quốc tuyển dụng lao động địa phương cho những công việc khó khăn nhất. Những công việc này yêu cầu làm việc nhiều giờ ở độ cao rất lớn nhưng mức lương rất thấp.

Ở độ cao 12.000 feet bên ngoài thị trấn Uyuni, Miguel Flores- một người dân địa phương nói với The Epoch Times rằng anh có một công việc tốt tại công ty lithium Trung Quốc. Anh nói: “Tôi là một tài xế. Tôi làm việc trong bảy ngày liên tục và sau đó nghỉ ngơi trong bảy ngày”.

Anh Flores cho biết, làm tài xế tốt hơn là làm việc trong các bộ phận khác của dự án khai thác, nhưng anh vẫn phải làm việc 12 tiếng một ngày. “Những người làm việc trong hầm mỏ làm việc nhiều giờ hơn, và những người làm công việc thể chất nặng nhọc được trả lương ít hơn”.

Mặc dù, anh Flores thừa nhận rằng làm việc cho Trung Quốc không phải là lý tưởng, nhưng có rất ít cơ hội việc làm ổn định ở các thị trấn hẻo lánh bên rìa cánh đồng muối của Bolivia. Anh ấy cũng không phải là người đầu tiên mô tả các điều khoản và thù lao không công bằng.

Năm 2019, một video về tranh chấp giữa các công nhân làm đường ở Bolivia và một quản đốc người Trung Quốc nổi lên.

Sau khi người quản đốc cố gắng dùng một chiếc xe ủi đất để đè bẹp những công nhân Bolivia không chịu làm việc, một cuộc ẩu đả đã nổ ra.

Một đại diện công đoàn của Tổ chức trung tâm Cochabamba cho biết các công nhân đã đình công trong ba ngày tại một công trường việc làm ở Bulo Bulo vì họ không nhận được tiền lương cho công việc của mình.

Sau đó, quản đốc người Trung Quốc đã cố gắng dùng máy ủi đè bẹp những công nhân này, điều này khiến người dân địa phương lao đến máy ủi và kéo người quản đốc ra ngoài để đánh anh ta.

Khi đội quản lý Trung Quốc cố gắng giải cứu người quản đốc, một người Bolivia đã hét lên “Hãy trở về đất nước của các ngươi”. Cũng trong đoạn video đó, một công nhân đã hét lên: “Hắn muốn giết chúng tôi!

Nhà kinh tế học người Bolivia, Eduardo Hoffmann nói với The Epoch Times: “Không nghi ngờ gì nữa, ĐCSTQ đang cố gắng thúc đẩy một chế độ toàn trị ở nước ngoài”.

Người bản địa phẫn nỗ

Tại Ecuador, một ngôi làng của người Waorani bản địa đã kiện PetroOriental, một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), vì những cáo buộc về  ô nhiễm không khí  mà cộng đồng của họ phải gánh chịu do hoạt động khai thác dầu ở khu vực 14.

Cũng giống như các nước láng giềng Bolivia và Ecuador, cộng đồng người Peru cũng chống lại các công ty Trung Quốc.

Năm 2019, trong một cuộc biểu tình lao động ở thị trấn El Alto thuộc tỉnh Talara, những người biểu tình đã phóng hỏa văn phòng của CNPC.

Khi đàm phán với công nhân Peru, ban lãnh đạo Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc của công nhân và cuộc họp của họ đã được phát sóng trực tiếp.

Các công nhân bày tỏ sự không hài lòng trước sự từ chối của Trung Quốc, điều này đã gây ra bạo lực và khiến các quan chức CNPC phải bỏ chạy khỏi hiện trường.

Đầu năm 2012, công ty khai thác mỏ Chinalco của Trung Quốc đã đuổi 5.000 người khỏi thị trấn Morococha ở tỉnh Junín, một phần của cao nguyên miền trung Peru, để xây dựng mỏ.

Mặc dù hầu hết cư dân bị buộc phải di dời, 65 gia đình đã từ chối. Cho đến tháng 12 năm 2018, Chinalco đã cố gắng phá dỡ những phần còn lại của thị trấn, bao gồm cả những ngôi nhà mà người dân vẫn đang sinh sống.

Ông Hoffmann nói rằng các khía cạnh kinh tế và chính trị trong các giao dịch của ĐCSTQ ở Mỹ Latinh không còn có thể tách rời được nữa. “Ảnh hưởng của họ [ĐCSTQ] quá lớn, giờ đây không thể ngăn cản được nữa”.

Ông Menéndez nói thêm rằng các giao dịch vội vàng và thiển cận giữa chính phủ các nước Mỹ Latinh và ĐCSTQ đã khiến người dân địa phương bị đối xử tồi tệ và ĐCSTQ coi thường môi trường sống.

Related posts