Nga có thể phóng hỏa tiễn nguyên tử đến Âu Châu nếu NATO không chịu rút lui

Noé Chartier

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Ảnh: File Photo/Reuters/Fabrice Coffrini/Pool)Tây Dương

Trong tuần này, một quan chức Nga cho biết đất nước của ông sẽ đáp trả tương tự — ám chỉ việc phóng hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn nguyên tử đến Âu Châu, với lý do là bộ chỉ huy quân sự thời Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ đã được phục hồi ở Âu Châu và NATO có kế hoạch chống lại mối đe dọa hỏa tiễn từ Nga.

“Nếu các hệ thống như vậy xuất hiện càng gần biên giới của chúng tôi, thì nguy cơ mất ổn định càng cao, hình ảnh về một cuộc khủng hoảng mới sẽ càng rõ nét, mà trên thực tế, mức độ nguy hiểm của nó có thể sánh ngang với ‘cuộc khủng hoảng Caribe’ [cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba],” Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói với RIA Novosti, hãng thông tấn nhà nước Nga.

“Việc không có bước tiến nào hướng đến một giải pháp chính trị-ngoại giao cho vấn đề này sẽ dẫn đến phản ứng thực tế của chúng tôi sẽ là quân sự và quân sự-kỹ thuật. Đó sẽ là một cuộc đối đầu. Đó sẽ là vòng đấu tiếp theo. Phía chúng tôi sẽ đưa ra những biện pháp như vậy.”

Ông Ryabkov cho biết giải pháp thay thế cho cuộc leo thang quân sự này đó là NATO sẽ phải cam kết rút lui các vũ khí tầm xa và các hoạt động khác ở gần biên giới Nga.

Hôm 08/11, Quân đội Hoa Kỳ đã tái kích hoạt Bộ Tư lệnh Pháo binh số 56 ở Âu Châu, cơ quan này hoạt động lần cuối từ năm 1986 đến năm 1991 và chịu trách nhiệm về các hỏa tiễn đạn đạo Pershing có khả năng mang đầu đạn nguyên tử.

Bộ tư lệnh này đã ngừng hoạt động vào năm 1991 theo quy định của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), vốn tìm cách hạn chế các loại vũ khí mà Hoa Kỳ và Liên Xô (và sau đó là Nga) theo đuổi. Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp ước này vào năm 2019, với lý do Nga đã vi phạm.

Khi không còn tham gia hiệp ước đó, Hoa Kỳ đã kích hoạt lại bộ tư lệnh này, cho phép họ khai triển vũ khí tầm xa ở Âu Châu.

Thiếu tướng Stephen J. Maranian, chỉ huy lực lượng Bộ Tư lệnh Pháo binh 56, cho biết trong thông cáo báo chí hôm 03/11 rằng, “Bộ tư lệnh này sẽ tiếp tục cho phép đồng bộ các vụ phóng [hỏa tiễn] và hiệu quả phối hợp chung và đa quốc gia, đồng thời sử dụng hỏa tiễn tầm xa đất đối đất trong tương lai trên khắp khu vực mà Quân đội Hoa Kỳ phụ trách ở Âu Châu và Phi Châu.” 

Trang web tin tức quân sự Military.com đã báo cáo rằng nhiệm vụ của bộ tư lệnh này sẽ là phi hạt nhân hóa về bản chất.

“Chúng tôi không có ý định khai triển các hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn nguyên tử ở Âu Châu,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khi trình bày về Nga vào cuối tháng 11. “Nhưng tất nhiên, chúng ta cần đáp trả khi thấy Nga liên tục vi phạm các thỏa thuận kiểm soát vũ khí dẫn đến việc hủy bỏ, chẳng hạn như Hiệp ước INF cấm tất cả các hệ thống vũ khí tầm trung, khi họ thử nghiệm và khai triển các hệ thống vũ khí nguyên tử tiên tiến mới.”

“Tất nhiên, khi đó, chúng ta cần bảo đảm rằng chúng ta tiếp tục có khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy trong một môi trường an ninh đã thay đổi.”

Hoa Kỳ đã có vũ khí nguyên tử được lưu trữ ở Âu Châu, vốn là nơi không được trang bị vũ khí và sẽ cần vận chuyển vũ khí đến bằng phi cơ, theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí.

Các bình luận của ông Ryabkov công bố trên kênh RIA Novosti hôm 13/12 đã thu hút sự chú ý của các hãng thông tấn. Tuy nhiên, ông cũng trả lời phỏng vấn với tờ báo Nga Izvestia trong cùng ngày và cung cấp thêm thông tin chi tiết về quan điểm của Nga.

Khi được hỏi liệu [Nga] có thể cùng Hoa Kỳ vạch ra các lằn ranh đỏ hay không, ông Ryabkov nói rằng điều đó “vốn dĩ là không thể” do “sự cách biệt quá xa trong cách tiếp cận của chúng tôi đối với các vấn đề quốc tế và các ưu tiên ở nơi được gọi là Euro-Đại Tây Dương.”

Nhưng ông Ryabkov nói rằng bất chấp những trở ngại này, Hoa Thịnh Đốn và Moscow vẫn đồng ý về một điều quan trọng.

“Chỉ có một lằn ranh đỏ mà chúng tôi đã cùng nhau vạch ra, điều này rất tốt,” ông nói. “Tôi đang đề cập đến việc không bao giờ chấp nhận một cuộc chiến tranh nguyên tử.”

Căng thẳng giữa Nga và NATO đã gia tăng gần đây với việc ông Stoltenberg bày tỏ lo ngại rằng Nga đang huy động 100,000 quân lính gần biên giới Ukraine. Moscow có cái nhìn rất tiêu cực về liên minh giữa Kiev và các nước phương Tây và coi kết cục Ukraine sẽ gia nhập NATO là một lằn ranh đỏ.

Các quốc gia như Pháp và Vương quốc Anh cho biết họ sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Hôm 13/12, khi khai mạc một hội nghị về khả năng răn đe của NATO, ông Stoltenberg nói rằng “bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga đều sẽ phải trả giá đắt.” Ông đã dự kiến đón tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại trụ sở NATO hôm 16/12.

Ông Noé Chartier là một phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại Montreal.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts