10 sự kiện năm 2021 chế độ Trung Quốc muốn dẫn hướng dư luận nhưng lại ‘trật bánh’

Đông Phương

Từ trái qua phải: Vận động viên quần vợt Bành Soái trong một trận thi đấu năm 2016 (Dai Bing / The Epoch Times); Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc); CFO Huawei Mạnh Vãn Chu, hình chụp ngày 24/9/2021. (DON MACKINNON / AFP via Getty Images)

2021 lại là một năm đầy rẫy những sự kiện bất thường ở Trung Quốc. Định hướng dư luận, duy trì ổn định vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của chế độ này. Một trang mạng tiếng Trung đã chọn ra 10 sự kiện nổi bật trong năm 2021 mà chính quyền Trung Quốc muốn dẫn hướng dư luận nhưng kết cục lại “trật bánh”.

Sau đây là 10 pha trật bánh nổi bật do China Digital Times chọn lọc:

1. Bành Soái đang ở đâu? (#WhereIsPengShuai?)

Vào đêm ngày 2/11, vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai) đã đăng một bài viết trên Weibo cáo buộc ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), cựu Phó thủ tướng Trung Quốc, đã tấn công tình dục cô và duy trì mối quan hệ tình nhân với cô trước sự cho phép của người vợ. Bài viết này nhanh chóng bị xóa, mọi thảo luận liên quan ở Trung Quốc đều bị cấm, bản thân Bành Soái cũng biến mất một thời gian.

Chủ đề “Bành Soái đang ở đâu” trở thành tâm điểm trên mạng xã hội toàn cầu. Các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn định trợ giúp chế độ dẫn hướng dư luận quốc tế, nhưng cuối cùng lại trở về tay trắng.

Vào ngày 18/11, CGTN (kênh quốc tế của CCTV) công bố ảnh chụp màn hình email của Bành Soái; sau đó, các phóng viên của CGTN Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đã đăng một loạt ảnh của Bành Soái trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Bắt đầu từ ngày 21/11, ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, đã có hai cuộc gọi điện video với Bành Soái, nhưng không cung cấp bản ghi video hoặc bản ghi cuộc trò chuyện.

Hôm 19/12, Bành Soái xuất hiện tại Giải trượt tuyết băng đồng quốc tế tại Thượng Hải. Cô có cuộc đối thoại với vận động viên bóng rổ Diêu Minh (Yao Ming) và nhận lời phỏng vấn video ngắn với Lianhe Zaobao – tờ báo tiếng Trung lớn nhất của Singapore.

Chuỗi hành động phối hợp này vẫn chưa xua tan được những lo ngại của ngoại giới về sự an toàn cá nhân của cô Bành. Nhà Trắng, Hiệp hội Quần vợt Nữ Quốc tế (WTA), Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác đã kêu gọi Bắc Kinh chứng minh tung tích và sự an toàn của cô Bành. Đồng thời, kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn minh bạch về các cáo buộc tấn công tình dục do cô đưa ra.

2. “Thanh niên yêu nước” Trịnh Quốc Thành

Trịnh Quốc Thành (Zheng Guocheng) là một “thanh niên yêu nước” nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc. Người này đã thiết lập các kênh cá nhân ở cả trong và ngoài nước Trung Quốc. Trịnh lên tiếng ủng hộ ĐCSTQ trong nhiều sự kiện tin tức và đấu tranh quyết liệt với những tiếng nói “chống Trung Quốc, chống ĐCSTQ” trên YouTube.  “Thanh niên yêu nước” Trịnh Quốc Thành. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, vào ngày 11/3, Trịnh Quốc Thành bị nghi “rượu vào lời ra”. Anh ta phát trực tiếp trên mạng xã hội và mắng chửi các đồng nghiệp “tiểu phấn hồng” của mình. Cuối cùng nói ra rất nhiều điều, như thể biến buổi phát sóng trực tiếp thành một buổi vạch trần chế độ. Trịnh nói:

“Tôi đã kiếm được hơn 7.000 USD (khoảng 45.000 nhân dân tệ – RMB) vào tháng trước. Tôi có thu nhập ít nhất 30.000 (RMB) một tháng”.

“Tội tham ô của quan chức còn nghiêm trọng hơn hành vi ăn cắp của dân thường, nếu tham ô 100 RMB thì nên bị kết án tử hình, nếu vượt quá 100 triệu RMB thì phải ‘tru di thập tộc’. Tôi thấy ở Mỹ có rất nhiều con cái của quan chức, tất cả đều là kẻ thù của nhân dân”.

“Ngày nào cũng hô hào Trung Quốc rất cừ, Trung Quốc lợi hại thì có tác dụng gì (đối với nhân dân)?”.

“Ngày nào cũng chê bai phương Tây nhưng bản thân đã làm được vậy chưa, chưa làm được thì lấy tư cách gì mà đi phê phán người khác?”.

“Nhân dân không có quyền giám sát … Việc xóa bài đăng (trên Internet) ở Trung Quốc rất nghiêm trọng, tôi có đồng ý cho mấy người xóa không?”.

“Rừng của chúng ta ở Diên Biên (một châu tự trị thuộc tỉnh Cát Lâm) đã nhiều năm không thể giải quyết, là do tham nhũng mà ra, 10 năm rồi vẫn không làm được gì, thật là một trò đùa”.

“Bao nhiêu điều không thực hiện được còn nói gì đến Chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa cộng sản? Thay đổi hiến pháp đi!”.

Sau khi phát sóng trực tiếp, tất cả các tài khoản mạng xã hội ở nội địa Trung Quốc của Trịnh Quốc Thành đã bị xóa, chỉ có kênh YouTube còn tồn tại.

3. Chính sách ba con

Ngày 31/5, Trung Quốc thông báo sẽ thực hiện chính sách một cặp vợ chồng có thể sinh ba con. Điều này ngay lập tức làm dấy lên sự lo ngại cũng như bị chế giễu trên diện rộng. Nhưng nó nhanh chóng trở thành một chủ đề nhạy cảm và bị kiểm duyệt. Tân Hoa Xã đã mở một cuộc thăm dò ý kiến ​​trực tuyến về việc sẵn sàng sinh ba con, khoảng 90% cư dân mạng cho biết họ “hoàn toàn không cân nhắc”. Sau đó, kết quả cuộc thăm dò này đã bị xóa. Tân Hoa Xã đã phát động một cuộc thăm dò liên quan đến chính sách ba con. Kết quả là 91% người lựa chọn không sinh con thứ 3. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình Weibo của Tân Hoa Xã)

Một cư dân mạng chế giễu nói: “Ở quê tôi, lợn mà không đẻ thì người chăn nuôi lợn sẽ đi xem vấn đề ở đâu. Có phải chuồng trại không đủ rộng hay điều kiện vệ sinh kém. Nếu phát hiện ra vấn đề, giải quyết vấn đề, thì lợn sẽ tự khác lại đẻ con. Chứ không có chuyện ngày ngày ra văn bản bắt lợn xem, rồi buộc lợn phải đẻ”.

Vào ngày 18/6, một quảng cáo có tiêu đề “Tôi ủng hộ sinh 3 con – Tiếng nói chân thành của tám người cha” đã gây tranh cãi trên Internet Trung Quốc. Tám người đàn ông đã trả lời về những lý do chính khiến mọi người không muốn sinh 3 con. Bao gồm vấn đề về guồng quay giáo dục, cha mẹ đơn thân nuôi dạy con cái, sức khỏe không cho phép, v.v. Nhưng cuối cùng đều bị cư dân mạng chỉ ra sơ hở và không thể định hướng dư luận.

4. “Anh hùng dân tộc” Mạnh Vãn Chu

Vào ngày 24/9, bà Mạnh Vãn Chu, hay Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) – Giám đốc tài chính của Huawei, con gái của ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi – đã được trả tự do tại Canada và trở về Trung Quốc trên một chuyến bay thuê nguyên chiếc. Vụ dẫn độ kéo dài hơn một nghìn ngày cuối cùng đã kết thúc. ĐCSTQ đã tổ chức một buổi lễ chào mừng hoành tráng, gọi đó là một thắng lợi. Ngày hôm sau, Trung Quốc cũng trả tự do cho hai công dân Canada đã bị giam giữ trong hai năm rưỡi. Chế độ này bị chỉ trích là áp dụng chính sách “ngoại giao con tin”.  Sau khi đáp xuống sân bay Thâm Quyến, bà Mạnh đã được đón tiếp bằng nghi thức đặc biệt và có bài phát biểu với lời thề trung thành với đất nước. (Ảnh tổng hợp)

Phần bình luận về sự kiện này trên các trang mạng xã hội cũng trở nên rôm rả. Cư dân mạng “cowcfj” nói: “Tổ quốc lớn mạnh đã giải cứu Mạnh Vãn Chu từ nước ngoài. Khi nào thì giải cứu những người bị Evergrande lừa đảo ở Trung Quốc?”.

Cư dân mạng “Kekederuikeke” cho biết: “Các tòa nhà cao tầng ở Thâm Quyến được thắp sáng đèn đỏ để chào đón Mạnh Vãn Chu trở về nhà, còn những người dân ở góc Đông Bắc đang sống trong bóng tối. Đây là một phép ẩn dụ mang đặc trưng của Trung Quốc”.

5. Ngoại giao chiến lang

Ngày 21/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng, có ít nhất 500.000 người ở Hoa Kỳ đang phải chịu chế độ nô lệ hiện đại và lao động cưỡng bức.

Trên Weibo đã xuất hiện nhóm bình luận liên quan đến tin tức này, nhưng sau đó đã bị đóng lại, gần 8.000 bình luận không đọc được. Có cư dân mạng chế giễu, “Lẽ nào trong 8.000 bình luận này, không có một cái nào thể hiện sự ủng hộ?”.

Cư dân mạng khác bình luận: “Nô lệ thời hiện đại nghĩa là sao? Thôi việc tạo từ mới được không? 996 có tính không? Sao lại tắt bình luận?”.

“996” là tên gọi của chế độ làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần; tức là 72 giờ mỗi tuần. Những người chỉ trích cho rằng, hệ giờ làm 996 là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp Trung Quốc. Nó còn được gọi là “chế độ nô lệ hiện đại”. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. (Getty Image)

6. Wilson Edwards

Bắt đầu từ cuối tháng 7, China News Service, People’s Daily (Nhân dân Nhật báo), Xinhua News Agency (Tân Hoa Xã) và các kênh truyền thông chính thống khác của Trung Quốc đã đăng nhiều bài báo cáo buộc Hoa Kỳ đẩy trách nhiệm về vấn đề truy xuất nguồn gốc virus Covid-19 cho Trung Quốc. Các bài báo hầu như đều trích dẫn các nhận xét chuyên môn của nhà sinh vật học người Thụy Sĩ Wilson Edwards.

Sau đó, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc ra thông báo khẳng định không tìm thấy người nào như vậy ở Thụy Sĩ. Sau khi điều tra, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc đưa ra một tuyên bố trên Twitter vào ngày 10/8, nêu rõ:

  1. Không có công dân nào được đăng ký tên “Wilson Edwards” ở Thụy Sĩ.
  2. Không có bài báo học thuật nào được ký bởi cái tên này trong cộng đồng sinh vật học.
  3. Tài khoản Facebook để đăng bài bình luận mới mở vào ngày 24/7/2021, đến nay mới đăng 1 bài, tài khoản chỉ có 3 bạn. Tài khoản này có thể không được mở nhằm mục đích giao lưu trên mạng xã hội.

Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc thậm chí còn mở một cuộc truy tìm trực tuyến: “Tìm kiếm Wilson Edwards … Nếu bạn tồn tại, chúng tôi muốn biết bạn!”.

Hành vi làm giả của báo giới Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại. Cư dân mạng Trung Quốc cũng lấy sự việc này để tạo ra nhiều nội dung châm biếm và chế giễu thủ đoạn tuyên truyền của chính quyền là kém cỏi.

7. Dân chủ kiểu Trung Quốc

Vào tháng 12, Hoa Kỳ đã tổ chức một “Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ” và mời 110 quốc gia trên thế giới, nhưng Trung Quốc lại không có tên trong danh sách được mời. Đáp lại, các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã khẩn trương tung ra một loạt tuyên truyền hướng tới “nền dân chủ kiểu Trung Quốc”.

Vào ngày 4/12, Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành sách trắng “Dân chủ của Trung Quốc”; tuyên bố đó là “một nền dân chủ hoàn toàn không hổ thẹn”. 

Ngày 5/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố một báo cáo về “Tình hình dân chủ ở Hoa Kỳ”, toàn văn dài khoảng 15.000 chữ. Báo cáo này nói rằng phải “chỉ ra những thiếu sót của hệ thống dân chủ Hoa Kỳ, phân tích sự hỗn loạn của thực tiễn dân chủ trong nước Mỹ và những nguy hại khi xuất khẩu nền dân chủ đó ra thế giới bên ngoài”.

Tuy nhiên, dẫn hướng này lại trật bánh. Cư dân mạng “GuntongXiyiji21” bình luận: “Không phải hai hôm trước vừa mới nói, có dân chủ hay không cũng là do quốc gia đó tự định đoạt hay sao? Hôm nay lại nói nền dân chủ của Mỹ có vấn đề nào đó. Đúng là tự vỗ đôm đốp vào miệng mình”.

Cư dân mạng “XuanzenideRuigou” nói: “Dân chủ kiểu Trung Quốc có một điểm này vượt trội hơn nhiều so với dân chủ kiểu Mỹ. Đó là mức độ hài lòng của người dân. (Ở Trung Quốc) không có biểu tình trên đường phố, không có chỉ trích phê bình trên các kênh truyền thông, nhân dân cả nước một lòng biết ơn”.

8. Vấn đề việc làm và Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Vào ngày 15/12, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu mới nhất, cho biết đã “hoàn thành vượt mục tiêu của năm trong việc tăng số lượng việc làm mới”. Thông báo này đã dẫn đến nhiều nghi vấn và chế giễu từ cư dân mạng. Phần lớn các bình luận đều phản bác lại.

Trong phần Hỏi trên Zhihu (trang web hỏi-đáp ở Trung Quốc) có người đặt vấn đề rằng: “Năm 2021 thực sự có nhiều người thất nghiệp lắm sao? Họ đã đi đâu?”. Nhiều cư dân mạng Zhihu đã chia sẻ trải nghiệm thất nghiệp của bản thân hoặc của người thân bạn bè trong năm 2021; qua đó phản bác tuyên bố “Tình hình việc làm nhìn chung là ổn định” của Cục Thống kê Quốc gia.

9. “Không phải chứ?”

Trong chương trình đối thoại có tên “Đối Bạch” dành cho giới trẻ Trung Quốc hồi tháng 5, người dẫn chương trình Bạch Nham Tùng (Bai Yansong) đã nêu quan điểm cá nhân về trào lưu “nằm thẳng” (tangping). Thay vì trả lời về các vấn đề trong xã hội hiện đại như giá nhà đất cao, chế độ làm việc 996, cuộc sống của người trẻ tuổi áp lực lớn, v.v. thì ông này lại nói, “Lẽ nào bây giờ tất cả những gì chúng ta mong đợi là giá nhà đất rất thấp, rồi có thể dễ dàng tìm được công việc ở khắp nơi, và không có áp lực gì cả? Và rồi chỉ cần theo đuổi cô gái bạn thích? Không phải chứ?”.

Sau khi chương trình được phát trực tiếp, người dẫn chương trình này đã phải hứng chịu rất nhiều lời chế giễu, mỉa mai trên nhiều nền tảng như Weibo. Cũng từ đó, “Không phải chứ” trở thành một cụm từ “hot trend” 2021 trên mạng xã hội Trung Quốc.

10. Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn cầu

Ông Hồ Tích Tiên (Hu Xijin), còn được cư dân mạng gọi là “Hồ Điêu Bàn” (Hu Diaopan) (điêu bàn là từ chỉ người a dua nịnh hót, ton hót), v.v. Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (The Epoch Times)

Tháng 1: Khi nói về một số quốc gia cung cấp trợ cấp cho người dân vì dịch bệnh Covid-19, ông Hồ Tích Tiến nói: “Một số quốc gia đưa tiền cho mọi người dân, nhưng đó là để dỗ dành mọi người. Đều phát tiền, về cơ bản cũng đồng nghĩa với việc đều không phát tiền”.

Cư dân mạng ngay lập tức bắt trend, dùng “Phép biện chứng của Hồ Tích Tiến” để tạo ra những câu tương tự, chẳng hạn như: “Tất cả rau, củ, quả, gà, cá, trứng đều tăng giá, về cơ bản cũng đồng nghĩa với việc không tăng giá”.

Cư dân mạng khác bình luận: “Lão Hồ, nếu đã nói ‘Đều phát tiền, về cơ bản cũng đồng nghĩa với việc đều không phát tiền’, vậy có thể giải thích xem ‘thịnh vượng chung’ về cơ bản cũng đồng nghĩa với cái gì không?”.

Tháng 8: Taliban tuyên bố rằng họ coi Trung Quốc là bạn. Ông Hồ Tích Tiến nói rằng vụ việc này khiến mọi người “biết được sự vững vàng và lợi hại của nền ngoại giao Trung Quốc”. Các cư dân mạng đặt câu hỏi: “Là bạn của bọn khủng bố?”; “Ai đồng ý nhận chúng làm bạn?”.

Cư dân mạng “Davy0000000000” nói: “Lão Hồ không nói nhảm. Họ đúng là bạn của ĐCSTQ. Nhưng họ có phải là bạn của người dân Trung Quốc hay không thì khó nói chắc”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Related posts