Cao Dương – Thanh Đoàn
Ngày càng có nhiều chuyên gia, chính trị gia và truyền thông đồng lòng lên tiếng, tố cáo việc Bắc Kinh thao túng các tổ chức toàn cầu, đưa người của Trung Quốc vào với mục đích che đậy sự thật về các tội ác nhân quyền ở Trung Quốc, thay đổi tiêu chuẩn toàn cầu theo ý muốn của Trung Quốc, đồng thời nói dối, tô hồng cho chế độ Bắc Kinh; một chế độ mà Bắc Kinh đã và đang xuất khẩu ra toàn cầu.
Trang New York Post có một bài bình luận dài về sự thao túng của Trung Quốc với Liên Hợp quốc và các tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc, trường hợp rõ thấy nhất trong đại dịch là WHO. Trước đó, NTD Việt Nam có loạt bài bình luận chuyên sâu cho thấy chế độ Bắc Kinh không chỉ thao túng WHO, mà đã thao túng hầu hết các tổ chức chuyên môn trực thuộc Liên Hợp Quốc.
Và không chỉ Liên Hợp Quốc, các tổ chức toàn cầu khác như Tổ chức thương mại toàn cầu cũng đã hoàn toàn bị Trung Quốc lợi dụng, thao túng và vi phạm trầm trọng mọi cam kết. Có thể nói, nhờ có toàn cầu hoá và các tổ chức toàn cầu mà Trung Quốc lũng đoạn được, Trung Quốc thành công trong việc trục lợi, che đậy tội ác chống lại loài người, tô hồng cho chế độ khắc nghiệt nhất hành tinh này.
Trung Quốc đã thâu tóm Liên Hợp Quốc khi Mỹ đang ‘ngủ say’
Báo cáo tháng 4/2020 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC), cho thấy rằng ĐCSTQ đang nhanh chóng nắm quyền kiểm soát các tổ chức của thế giới.
Trong một tuyên bố với The Epoch Times, USCC cho biết: “Từ khi bắt đầu theo dõi các quan chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở các vị trí lãnh đạo trong LHQ, USCC thấy rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đã gia tăng đối với các cơ quan chịu trách nhiệm về lĩnh vực tài trợ và hoạch định chính sách trong một loạt các vấn đề quan trọng”.
Tuyên bố cũng nói: “Trái ngược với Quy tắc về Tiêu chuẩn Ứng xử của Công chức Quốc tế, họ [quan chức Trung Quốc trong các vị trí lãnh đạo của LHQ] đã và đang lợi dụng vị thế của mình để theo đuổi các mục tiêu đối ngoại của Trung Quốc”.
Theo USCC, thông qua ảnh hưởng gia tăng tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác, Bắc Kinh đang theo đuổi lợi ích riêng, bao gồm tăng cường ảnh hưởng và kiểm soát toàn cầu.
“Trung Quốc đang từng bước nắm giữ các vị trí liên quan đến lợi ích và quan điểm của họ, như quản trị internet, phát triển tiêu chuẩn kỹ thuật cho các công nghệ mới nổi cũng như vấn đề coi nhẹ nhân quyền trong phát triển kinh tế”, USCC cho biết trong tuyên bố.
Trung Quốc sau khi ‘thò chân cáo’ vào mọi bộ phận quan trọng của Liên Hợp Quốc, thể chế này nhanh chóng tái cấu trúc tổ chức toàn cầu này theo định hướng của Bắc Kinh. Đảm bảo đưa mọi chính sách của Bắc Kinh trở thành chính sách của Liên Hợp Quốc, thậm chí nhận được mọi nguồn lực (ngoại giao, tài chính, quảng bá…) từ tổ chức này.
Ví dụ, từ năm 2007, vị trí tổng thư ký của Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (DESA) đã được các nhà ngoại giao Trung Quốc nắm giữ, tạo cơ hội cho chính phủ Trung Quốc định hình lại các chương trình phát triển của LHQ theo lợi ích của họ. Theo Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), Trung Quốc đã quảng bá BRI của mình dưới vỏ bọc SDGs. Liu Zhenmin, người đứng đầu đương nhiệm của DESA, đã công khai tuyên bố rằng BRI phục vụ các mục tiêu của SDGs tại một hội nghị chuyên đề cấp cao. DESA cũng tán thành chương trình do Trung Quốc tài trợ, “Cùng nhau xây dựng vành đai và con đường hướng tới SDGs“, phê duyệt hiệu quả của BRI trong việc đạt được các Mục tiêu. Hơn nữa, Tổng thư ký LHQ António Guterres, đảm bảo rằng hệ thống của Liên Hợp Quốc sẵn sàng cùng Bắc Kinh đạt được SDGs tại Diễn đàn Vành đai và Con đường 2017.
Nhưng Mỹ đang ở đâu khi Trung Quốc thao túng thành công Liên Hợp Quốc từ lâu; sử dụng nguồn lực ở Liên Hợp Quốc (đóng góp chính bởi Mỹ và đồng minh) phục cho Trung Quốc? Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy người Mỹ, ngay trước đại dịch, vẫn coi Nga là nguy cơ an ninh hàng đầu của Mỹ. Người Mỹ mải miết tin rằng tổng thống Trump của họ đang bắt tay với Nga để chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016; và giờ hoá ra đó là một câu chuyện dối trá đáng xấu hổ nhất, tốn kém nhất trên chính trường nước Mỹ. Nước Mỹ hoàn toàn ‘ngủ say’ trước thuốc mê của Bắc Kinh.
WHO: ‘Con rối trong tay Trung Quốc’
Nhận định Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là con rối trong tay Trung Quốc được New York Post. Nhận định này cũng không mới mẻ, duy nhất hay sớm nhất trên truyền thông khắp toàn cầu hoặc trong lòng của mỗi cá nhân chứng kiến hai năm đại dịch COVID hoành hành khắp toàn cầu, cướp đi sinh mạng của 5,452,900 người (theo Worldometers, ngày 1/1/2022)
Nhưng sau khi mất đi sinh mạng của gần 5,5 triệu người khắp toàn cầu, cay đắng thay, chúng ta mới nhận ra rằng WHO đã trở thành một trong tay Trung Quốc từ rất lâu trước đó.
Bộ máy quan liêu nặng nề của WHO đã nhiều lần chấp nhận phiên bản câu chuyện của Bắc Kinh về nguồn gốc đại dịch. Vì Trung Quốc, WHO bịt miệng các chuyên gia dịch tễ học độc lập đang cố gắng đánh giá virus. Vì Trung Quốc, WHO chống lại những nỗ lực của Đài Loan trong việc chia sẻ kinh nghiệm thành công chống dịch lây lan trong giai đoạn đầu.
Đây không phải điều gì bất ngờ. New York Post dẫn chứng rằng người đứng đầu WHO hiện nay được tiến cử bởi Trung Quốc; đó là lý do WHO ‘trung thành’ với Bắc Kinh chứ không phải với sinh mạng của người dân toàn cầu.
Tổng giám đốc của WHO – nhà khoa học người Ethiopia, Tiến sĩ Tedros Adhanom – đã vượt qua một ứng cử viên khác được Mỹ hậu thuẫn, thắng cử vào vị trí này năm 2017, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của Trung Quốc.
Ông Tedros kế nhiệm bà Trần Phùng Phú Trân của Trung Quốc. Bà Trần khi còn là Tổng giám đốc WHO đã dành nhiều thời gian đưa những người Trung Quốc và người có thiện cảm với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt trong tổ chức này. Việc bà Trần thắng cử vào ghế Tổng giám đốc WHO năm 2006 (và sau đó tái đắc cử) là một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến dịch của Bắc Kinh trong tăng cường ảnh hưởng cấp cao của mình trong hệ thống rộng lớn của Liên Hợp Quốc (LHQ), đặc biệt là trong các cơ quan chuyên môn, vốn phải là phi chính trị.
Không chỉ WHO, đầu não và cơ quan quan trọng của LHQ đều đã thuộc về Bắc Kinh
Ông Khuất Đông Ngọc, trước sự phản đối của Mỹ, đã trở thành Tổng giám đốc của Tổ chức Nông lương LHQ vào 2019. Cũng giống như bà Trần, ông Khuất là công dân Trung Quốc đầu tiên đứng đầu cơ quan LHQ này. Ông Triệu Hậu Lân của Trung Quốc đã lãnh đạo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) từ 2015, còn bà Lưu Phương thì đã lãnh đạo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho đến đầu năm nay.
May mắn thay, các ứng cử viên của Bắc Kinh không phải lúc nào cũng chiếm ưu thế. Năm 2020, trong một cuộc đua tranh chức tổng giám đốc của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), một công dân Singapore được Washington hậu thuẫn đã đánh bại một ứng cử viên Trung Quốc. Nhưng may mắn này không đến tự nhiên, nó diễn ra bởi sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump. Không hiểu chính quyền kế nhiệm ở Mỹ có kế tục con đường này hay không.
WIPO có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ khỏi sự vi phạm bản quyền trên toàn cầu, mà không thể phủ nhận Trung Quốc là nước vi phạm nhiều nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nếu Bắc Kinh chiếm vị trí lãnh đạo WIPO, các tác động kinh tế và chính trị sẽ rất lớn.
Theo đuổi các vị trí điều hành cấp cao chỉ là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị hệ thống LHQ vì mục đích riêng của mình. Điều này gợi lại cho chúng ta các chiến thuật của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Mátxcơva nổi tiếng với việc đưa các điệp viên KGB vào làm “thông dịch viên” tiếng Nga trong các cơ quan thư ký khắp LHQ, với kết quả có thể đoán trước được. Ai biết được liệu Trung Quốc có đang làm như vậy không? Trang New York Post đặt câu hỏi.
Sử dụng LHQ để tấn công Hồng Kông và Đài Loan
Bắc Kinh đang theo đuổi một số ưu tiên quan trọng, một cách có hệ thống. Điều quan trọng nhất là loại trừ Đài Loan khỏi sự tham gia đáng kể vào các vấn đề của LHQ. Đây là một phần của một chiến dịch không ngừng được tiến hành kể từ khi Bắc Kinh thay thế Đài Bắc làm người nắm giữ ghế “Trung Quốc” tại LHQ vào 1971.
Bị Trung Quốc ngăn cản việc đăng ký trở lại làm thành viên LHQ cho đến tận hôm nay, Đài Loan đã tìm kiếm tư cách thành viên trong một số cơ quan chuyên môn như một bước đệm để cuối cùng trở thành thành viên LHQ. Đây là việc mà Trung Quốc ghét cay ghét đắng, nước này đã quyết tâm đánh bại bất kỳ nỗ lực nào của Đài Loan ngay khi nó xuất hiện.
Trong ba thập kỷ, Đài Loan đã nhiều lần cố gắng tăng cường sự tham gia của mình vào WHO, để thể hiện trách nhiệm và khả năng của mình với tư cách là một nhà nước đại nghị độc lập. Nghịch lý thay, những nỗ lực nhân đạo nhằm chứng minh năng lực y tế của Đài Bắc và thiện ý cụ thể của họ trong việc hỗ trợ nỗ lực quốc tế chống lại coronavirus, lại làm Bắc Kinh thấy bị đe dọa.
Trung Quốc đã có những nỗ lực lâu dài nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong WHO, nên không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình đã chuẩn bị sẵn sàng để tung ra bộ máy của mình, nhằm làm mất uy tín các nỗ lực của Đài Loan và thao túng WHO để vô hiệu hóa bất kỳ sự hiểu biết có ý nghĩa nào về vai trò của Trung Quốc đối với nguồn gốc của đại dịch. Ông Tedros thậm chí còn cáo buộc Đài Loan một cách vô căn cứ, rằng họ khởi xướng hay dung túng các cuộc công kích phân biệt chủng tộc và thậm chí là đe dọa giết chết ông này. Đài Loan đã phủ nhận dứt khoát cáo buộc đó.
HÌNH ẢNH: Tổng thống Joe Biden sẽ cho phép Trung Quốc lộng hành trên thế giới miễn là ông và con trai Hunter tiếp tục kiếm được. / Getty Images
ĐCSTQ thành công biến LHQ thành một tổ chức ‘đạo đức giả’
Trang New York Post cho rằng trọng tâm chính thứ hai của Bắc Kinh là lật đổ Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trung Quốc luôn cảnh giác ngăn chặn bất kỳ cuộc điều tra nào của LHQ về hồ sơ nhân quyền tệ hại của mình, bao gồm cuộc diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương; sự đàn áp rộng rãi tự do tôn giáo trên khắp Trung Quốc, và việc bóp chết các quyền chính trị của Hồng Kông, vi phạm các cam kết quốc tế của nước này (và cả một mô hình về số phận của Đài Loan nếu Bắc Kinh có cơ hội làm thế).
LHQ đã rất nhiệt tình đưa ra lời chỉ trích sau khi Israel hay Mỹ có động thái nào khiến đối thủ không hài lòng, nhưng hoàn toàn câm lặng trước bất kỳ tội ác nhân quyền, tội ác chống lại loài người nào ở Trung Quốc; gần đây nhất như vụ đàn áp người biểu tình ở Hồng Kông, đàn áp tự do ngôn luận, đàn áp công giáo, đàn áp đẫm máu người tu luyện Pháp Luân Công.
Sự im lặng của LHQ khiến nhiều người sau khi nghe nói đến tội ác mổ cướp tạng ở Trung Quốc đã không thể tin. Họ nói rằng nếu tồn tại một tội ác lớn đến thế thì tại LHQ lại không lên tiếng? Câu hỏi của họ rất hay, bởi nó dẫn họ đến câu trả lời cho chân tướng này: đó là LHQ đã bị ĐCSTQ thao túng từ lâu và từ lâu tổ chức này đã hành động theo mệnh lệnh của ĐCSTQ rồi.
New York Post bình luận rằng tất cả sự thật này cho thấy Trung Quốc thành công biến LHQ trở thành tổ chức đạo đức giả; giống hệt chuẩn mực đạo đức của ĐCSTQ.
Cũng như các chuyên gia chính trị, kinh tế toàn cầu, như các cơ quan nghiên cứu về sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Liên Hợp Quốc, tác giả John Bolton là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Trump từ 2018 đến 2019, và là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ 2005 đến 2006, kêu gọi trên trang New York Post rằng Mỹ cần vào cuộc; không chỉ ngăn chặn mà còn cải tổ LHQ, đưa nó trở về đúng giá trị ban đầu nên có.
Rõ ràng, không thể biến tiền của, niềm tin của toàn cầu trở thành cái ao nhà của Trung Quốc, mặc cho Trung Quốc sử dụng, thao túng như một công cụ phục vụ cho lợi ích của ĐCSTQ – vốn là một nhóm người Trung Quốc, họ còn chưa phải là nhân dân Trung Quốc.
Cao Dương – Thanh Đoàn