Emel Akan
Gần đây, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc đã nói Đài Loan là một “kẻ lang thang” và cuối cùng sẽ “trở về nhà” với Trung Quốc. Những luận điệu như vậy của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như việc chiến đấu cơ Trung Quốc gia tăng xâm nhập gần Đài Loan trong những tháng gần đây đã làm dấy lên một làn sóng lo ngại mới và truyền thông đồn đoán rằng việc Trung Quốc xâm lược hòn đảo này có thể không còn xa.
Một số nhà bình luận trên truyền thông tin rằng căng thẳng ở Eo biển Đài Loan trở thành một trong những rủi ro địa chính trị lớn nhất thế giới vào năm 2022. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và trong hai năm qua đã tăng cường đe dọa giành quyền kiểm soát hòn đảo này.
Theo các chuyên gia, một hành động như vậy sẽ khiến nhiều quốc gia bị thiệt hại về kinh tế vì Đài Loan là một trung tâm quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Một cuộc tiếp quản của quân đội Trung Quốc sẽ gây ra những xáo động về nguồn cung nghiêm trọng ở khắp các ngành công nghiệp phụ thuộc nặng nề vào các vi mạch bán dẫn sản xuất tại Đài Loan.
Các công ty Đài Loan, cả lớn và nhỏ, chiếm khoảng 65% doanh số bán vi mạch bán dẫn gia công trên toàn cầu. Chỉ riêng Công ty Sản xuất Chế tạo Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), viên ngọc quý của hòn đảo này, tạo ra 56% doanh thu toàn cầu.
Ông Keith Krach, cựu thứ trưởng Hoa Kỳ, người đóng vai trò quan trọng trong việc hâm nóng mối quan hệ với Đài Bắc dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, cho biết; “Tình thế [hiện nay] tương tự như khi xưa thế giới phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, bất kỳ sự bất ổn nào trên hòn đảo này sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác.”
TSMC được xếp hạng là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường gần 600 tỷ USD.
Ông Krach lưu ý: “Nói một cách tổng thể, GDP của Đài Loan là khoảng 750 tỷ USD. Điều đó chắc chắn khiến căng thẳng Trung-Đài trở nên dễ bùng nổ hơn.”
Apple là khách hàng lớn nhất của TSMC. Các công ty nổi tiếng khác phụ thuộc vào TSMC bao gồm AMD, Qualcomm, NVIDIA, và Intel.
Trong khi các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn trên thế giới chạy đua để sản xuất các vi mạch bán dẫn nhỏ nhất có thể; thì chỉ TSMC và Samsung có trụ sở tại Nam Hàn mới có thể sản xuất theo tiêu chuẩn tân tiến, là 5 nanomet. Gần đây, TSMC thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất vi mạch bán dẫn 3 nanomet thế hệ tiếp theo vào nửa cuối năm nay.
Ngược lại, Trung Quốc đang đứng ở cuối chuỗi giá trị chất bán dẫn. Nước này chỉ chiếm 5% thị phần bán hàng toàn cầu và phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp ngoại quốc để có các vi mạch bán dẫn tối tân.
Theo ước tính của ngành, Trung Quốc đang đi sau ít nhất 15 năm trong lĩnh vực chất bán dẫn. Nhìn thấy lỗ hổng này, Bắc Kinh đã đang mạnh tay sử dụng những đường tắt để bắt kịp, chẳng hạn như đánh cắp các bí mật thương mại và chiêu mộ nhân tài từ ngoại quốc. Như một phần của chiến lược này, Bắc Kinh cũng gia tăng các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty chất bán dẫn của Đài Loan trong vài năm qua.
Một bài báo gần đây do Trường Cao đẳng Chiến tranh Quân sự Hoa Kỳ công bố đã đề nghị nhà chức trách Đài Loan “phá hủy các cơ sở thuộc về” TSMC khi phải đối mặt với cuộc xâm lược từ Trung Quốc, như một chiến lược ngăn chặn. Bài báo này cho rằng một biện pháp như vậy sẽ “tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn” ở Trung Quốc, quốc gia có ngành công nghệ phụ thuộc nặng nề vào TSMC.
Kể từ năm 2020, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã gia tăng hoạt động quân sự ở Eo biển Đài Loan, thường xuyên bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-Đài Loan đồng tình rằng cuộc xâm lược sẽ khiến hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn của Đài Loan hầu như ngừng lại ngay lập tức, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Hammond-Chambers cũng nói thêm rằng một nước đi như vậy sẽ là đòn tự sát chính trị đối với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đặc biệt là trước cuộc bầu cử được dự tính cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ của ông này tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Đảng Cộng sản vào mùa thu [năm nay].
Ông Hammond-Chambers nói Bắc Kinh sử dụng những lời lẽ đe dọa một cách nhất quán. “Và đối với tôi, nó không cho thấy [họ] ngày càng có ý định” tấn công quân sự thực sự.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang cố gắng “sử dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc”.
Trong một bài diễn văn gần đây, ông Vương đe dọa rằng: “Đài Loan là một kẻ lang thang mà cuối cùng sẽ trở về nhà, chứ không phải là một quân cờ để bị người khác lợi dụng. Trung Quốc phải và sẽ được thống nhất.”
Theo ông Krach, “gán mác cho Đài Loan là một ‘kẻ lang thang’ là một kiểu bắt nạt kinh điển”.
“Những kẻ bạo chúa không thể thuyết phục [được ai], vì vậy họ bắt nạt, đặc biệt là khi ván bài của họ yếu hơn những gì họ muốn người khác nghĩ,” ông nói.
Không rõ liệu Bắc Kinh có lao vào một cuộc chiến quân sự may rủi với Đài Loan trong năm nay không. Nhưng theo Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh, thì tham vọng ngày càng tăng của họ là mối đe dọa đối với 23.5 triệu dân của hòn đảo này và đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà cảnh báo trong một bức thư gần đây gửi Bộ Ngoại giao: “Nếu Đài Loan sụp đổ, hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với hòa bình khu vực và hệ thống liên minh dân chủ.”
“Điều đó có thể cho thấy trong cuộc giao tranh toàn cầu về các tiêu chuẩn của thời đại ngày nay, chủ nghĩa độc tài chiếm ưu thế hơn nền dân chủ.”
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Tuệ Minh biên dịch