Dùng nhiệt độ cao để bất hoạt coronavirus – Giải pháp hứa hẹn giúp ngăn chặn đại dịch

Hoàng Tuấn

Một hệ thống thử nghiệm mới cho thấy sự tiếp xúc của coronavirus với nhiệt độ rất cao, ngay cả khi được áp dụng chưa đầy một giây, có thể đủ để vô hiệu hóa hoàn toàn virus, khiến nó không còn khả năng lây nhiễm sang vật chủ khác là người. (Getty)

Một hệ thống thử nghiệm mới cho thấy sự tiếp xúc của coronavirus với nhiệt độ rất cao, ngay cả khi được áp dụng chưa đầy một giây, có thể đủ để vô hiệu hóa hoàn toàn virus, khiến nó không còn khả năng lây nhiễm sang vật chủ khác là người.

Mặc dù phương pháp sử dụng nhiệt để trung hòa COVID-19 đã được chứng minh trước đây; nhưng trong các nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã áp dụng nhiệt độ với khoảng thời gian kéo dài từ 1 – 20 phút.

Khoảng thời gian này không phải là một giải pháp thực tế, vì việc sử dụng nhiệt độ cao trong một thời gian dài sẽ vừa khó khăn vừa tốn kém.

Arum Han, giáo sư tại khoa kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Texas A&M, và nhóm của ông hiện đã chứng minh rằng, xử lý nhiệt trong chưa đầy một giây sẽ làm bất hoạt hoàn toàn coronavirus.

Kết quả nghiên cứu này cung cấp một giải pháp khả thi để giảm thiểu sự lây lan liên tục của COVID-19, đặc biệt thông qua đường truyền trong không khí.

Tập đoàn Medistar đã tiếp cận ban lãnh đạo và các nhà nghiên cứu trong ngành Kỹ thuật (thuộc Đại học Texas A&M) vào mùa xuân năm 2020, nhằm hợp tác và đánh giá khả năng áp dụng biện pháp nhiệt độ để tiêu diệt COVID-19 trong khoảng thời gian ngắn.

Ngay sau đó, giáo sư Han và nhóm của ông đã xây dựng một hệ thống để kiểm tra tính khả thi của biện pháp này.

Quy trình hoạt động bằng cách đốt nóng một phần của ống thép không gỉ, sau đó họ cho một dung dịch chứa coronavirus chạy qua ống thép ở nhiệt độ cao rồi làm lạnh phần này ngay lập tức.

Thiết lập thử nghiệm này cho phép coronavirus chạy qua ống chỉ được làm nóng trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Thông qua quá trình nhiệt hóa nhanh chóng này, nhóm nghiên cứu nhận thấy virus đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn đáng kể so với những gì trước đây họ có thể nghĩ.

Trong vòng hai tháng thực hiện các thí nghiệm kiểm tra tính khả thi, các nhà nghiên cứu đã thu được kết quả ban đầu.

Giáo sư Han cho biết, nếu dung dịch được đun nóng đến gần 72 độ C (161 độ F) trong khoảng nửa giây, nó có thể làm giảm số lượng virus trong dung dịch xuống 100.000 lần, đủ để vô hiệu hóa virus và ngăn chặn sự lây truyền.

Ông nói: “Tác động tiềm tàng là rất lớn. Tôi rất tò mò về mức nhiệt mà chúng ta có thể áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn là bao nhiêu, và để xem liệu chúng ta có thể thực sự dùng nhiệt để bất hoạt coronavirus chỉ trong một thời gian rất ngắn như thế hay không”.

“Bên cạnh đó, tôi cũng muốn xem liệu chiến lược trung hòa coronavirus dựa trên nhiệt độ như vậy có hiệu quả hay không từ quan điểm thực tế. Động lực lớn nhất là, ‘Chúng ta có thể làm điều gì đó để giảm thiểu tình hình lây nhiễm hiện tại với coronavirus không?'”

Phương pháp xử lý nhiệt dưới một giây này không chỉ là giải pháp hiệu quả và thiết thực hơn để ngăn chặn sự phát tán COVID-19 qua không khí, mà còn cho phép áp dụng nó trong các hệ thống hiện có; chẳng hạn như hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí…

Nó cũng có thể dẫn đến các ứng dụng tiềm năng đối với các loại virus khác; chẳng hạn như virus cúm, cũng lây lan qua không khí. 

Giáo sư Han và các cộng sự của ông kỳ vọng rằng, phương pháp khử hoạt tính bằng nhiệt này có thể được áp dụng rộng rãi và có tác động thực sự trên toàn cầu.

Ông nói: “Bệnh cúm ít nguy hiểm hơn nhưng vẫn gây tử vong hàng năm. Vì vậy nếu điều này có thể dẫn đến sự phát triển của hệ thống lọc không khí, thì đó sẽ là một việc có ý nghĩa to lớn, không chỉ với coronavirus mà còn đối với các loại virus khác trong không khí nói chung”.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu sẽ chế tạo một con chip kiểm tra quy mô vi lỏng, cho phép họ xử lý nhiệt với virus trong thời gian ngắn hơn nhiều, chẳng hạn như hàng chục mili giây; với hy vọng xác định được mức nhiệt cho phép virus không hoạt động ngay cả với thời gian tiếp xúc ngắn như vậy.

Yuqian Jiang và Han Zhang, cả hai nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về kỹ thuật điện, là tác giả chính của nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Biotechnology and Bioengineering.

Tổng công ty Medistar và Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm của Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ) đã tài trợ cho nghiên cứu này.

Bài báo này ban đầu được xuất bản bởi Đại học Texas A&M. Được xuất bản lại qua Futurity.org theo Giấy phép Creative Commons 4.0.

Hoàng Tuấn
Theo The Epoch Times

Related posts