Vì sao Trung Quốc lại huấn luyện sĩ quan quân đội trên khắp thế giới?

John Mac Ghlionn

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham dự lễ khai trương căn cứ quân sự mới của Trung Quốc ở Djibouti vào ngày 01/08/2017. (Ảnh: STR/AFP/Getty Image) Trung Quốc

Sau bốn thế kỷ bị Anh Quốc chiếm đóng, gần đây Barbados đã trở thành một nước cộng hòa, trong quá trình này, Barbados đã từ bỏ Nữ hoàng Elizabeth II. Có lẽ đã đến lúc để vui mừng. Tuy nhiên không hẳn như vậy. Khi Barbados cắt đứt quan hệ với Anh Quốc, họ lại trở nên thân thiết hơn với Bắc Kinh.

Năm 2019, ngay trước khi đại dịch bùng phát khiến toàn thế giới tê liệt, chính phủ Barbados và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận để cùng thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI).

Tác giả Robert Hardman, đã bình luận về thỏa thuận nói trên, cảnh báo người dân Barbados rằng “không có thứ gì gọi là bữa trưa miễn phí.” Nói cách khác, [họ] phải trả một cái giá rất đắt. Bằng cách ký một thỏa thuận với Bắc Kinh, về cơ bản một quốc gia đã tham gia vào một cuộc thương lượng với Faustian (thường là cuộc thương lượng trong đó một người sẽ đánh đổi những giá trị đạo đức hoặc tinh thần tối thượng của bản thân với những gì phàm tục chẳng hạn như quyền lực, sự giàu sang, hoặc tri thức. Trong khi, hầu hết thực chất các cuộc thương lượng này đều là bi kịch hoặc tự chuốc lấy thất bại cho người muốn đánh đổi, bởi vì những gì họ từ bỏ cuối cùng lại có giá trị hơn nhiều so với những gì họ muốn có được – Lời người dịch), đánh đổi cả một đất nước để đổi lấy một vài con đường và tòa nhà tráng lệ. Đáng buồn thay, Thủ tướng Mia Mottley của Barbados dường như không biết gì về sự thật này.

Quốc gia Caribbean này không chỉ là một phần của BRI, họ còn gửi các sĩ quan quân đội của mình đến Trung Quốc để tham gia huấn luyện, không chỉ là huấn luyện quân sự truyền thống mà còn đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

Trên thực tế, khi xem xét kỹ hơn, hàng loạt các quốc gia trên thế giới đang gửi các sĩ quan quân đội của mình đến Trung Quốc để được đào tạo. Câu hỏi đặt ra ở đây là “Tại sao lại như vậy?”

Nam Hàn, Singapore, Botswana, Brazil, Chile, Saudi Arabia và Yemen có điểm chung nào? Không nhiều lắm, nếu chỉ nhìn thoáng qua. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia này đều tiếp nhận sự huấn luyện quân sự từ Bắc Kinh, và tất cả các quốc gia này đều đã cử sĩ quan đến Trung Quốc để tham gia huấn luyện.

Tại Pakistan, Trung Quốc cũng cung cấp các khóa đào tạo cho quân nhân.

Hàng năm, các quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Botswana (BDF) đều đến Trung Quốc để tham gia huấn luyện.

Năm 2019, Nigeria đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Bắc Kinh, cho phép các quân nhân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) huấn luyện cho quân đội của mình.

Tại Namibia, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tài trợ cho một trường cao đẳng quân sự hiện đại.

Tại Tanzania, quý vị sẽ tìm thấy Trung tâm Huấn luyện Toàn diện (CTC), một cơ sở đào tạo do Trung Quốc xây dựng cho Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Tanzania (TPDF).

Điều thú vị là, trong Kế hoạch hành động 2018-2021 gần đây nhất của Trung Quốc – Phi Châu, Trung Quốc đã tiếp nhận tối thiểu 5,000 chuyên gia quân sự mỗi năm. Tất nhiên, nếu người ta không thể đến Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ đến với họ.

Liệu có phải Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một quân đội toàn cầu không? Không. ĐCSTQ đang có các kế hoạch khác.

Tất cả các quốc gia được đề cập ở trên đều là các thành viên của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Để hiểu được sức mạnh của BRI, người ta phải hiểu được đầy đủ sự mê hoặc của quyền lực hay còn gọi là “quyền lực mềm.”

Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq Kayani (trái) và tướng Hou Shusen (phải), Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đang theo dõi cuộc diễn tập quân sự Pakistan-Trung Quốc ở Jhelum, Pakistan, hôm 24/11/2011. (Ảnh: Aamir Qureshi/AFP/Getty Images)

Trích dẫn lời của Joseph Nye, cha đẻ của “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm,” thì việc áp dụng quyền lực mềm xảy ra khi “một quốc gia khiến các quốc gia khác mong muốn có được những gì mà quốc gia này muốn … trái ngược với quyền lực cứng hoặc quyền ra lệnh cho các quốc gia khác thực thi những gì mà quốc gia này muốn.”

Trong khi “quyền lực cứng” dựa vào sự ép buộc, sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để khiến một quốc gia phải tuân theo các yêu cầu nhất định, thì “quyền lực mềm” bao gồm việc phát động một cuộc tấn công đầy mê hoặc. Nó tập trung vào sức hấp dẫn của văn hóa, hệ tư tưởng chính trị, chính sách của một quốc gia và tầm nhìn cho tương lai.

Quý vị thấy đấy, BRI là “quyền lực mềm”. Rõ ràng là, thông qua việc ký kết thỏa thuận với Trung Quốc, một quốc gia sẽ nhận được sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, kể cả cầu đường và các bến cảng mới. Trên thực tế, bằng cách ký kết một thỏa thuận như vậy, một quốc gia cho phép Trung Cộng tiếp cận đến các nguồn tài nguyên và với người dân của đất nước mình.

Việc đào tạo các quân nhân từ khắp nơi trên thế giới phải được nhìn nhận qua một lăng kính bao quát hơn rất nhiều. Với ĐCSTQ, tất cả là vì để kiểm soát — kiểm soát tâm trí của người dân, từ truyền thông đến quân đội. Ở tất cả các quốc gia kể trên (ngoại trừ Yemen ), [quý vị] có thể tìm thấy các Viện Khổng Tử (CIs). Các viện này đều do Hanban, một tổ chức liên kết với Trung Cộng, điều hành.

Không có gì là ngạc nhiên, kể từ khi Viện Khổng Tử đầu tiên được mở ra tại thủ đô Seoul của Nam Hàn vào năm 2004, những lời chỉ trích đã nhanh chóng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhân viên tại các viện này đã bị cáo buộc tiến hành hoạt động gián điệp về công nghiệp và quân sự, cũng như đàn áp các cuộc hội đàm liên quan đến Đài Loan và Tây Tạng.

Sức ảnh hưởng của Trung Cộng có thể được cảm nhận không chỉ trong giới học thuật mà còn ở các nhánh khác nhau trong chính phủ. Một báo cáo gần đây của nhóm ủng hộ nhân quyền Safeguard Defenders đã nhấn mạnh về điều này một cách rất chi tiết. Ở các quốc gia như Campuchia, Kenya, Malaysia và Philippines – tất cả các thành viên của BRI – các công dân Đài Loan đã bị dẫn độ hoặc trục xuất. Tuy nhiên, như báo cáo trên nhấn mạnh, “các công dân này đã không được trả lại cho Đài Loan.” Thay vào đó, dưới “áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh”, chính phủ các quốc gia này bị buộc phải gửi các công dân Đài Loan này đến Trung Quốc, “nơi họ không có cội nguồn và không có gia đình.“ Những quốc gia này sẵn sàng tham gia vào cuộc đàn áp xuyên quốc gia,” cho phép Trung Cộng truy đuổi “những kẻ đào tẩu kinh tế, những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ, những người bảo vệ nhân quyền, và những người Hồng Kông trốn chạy.”

Đây chính là điều tôi muốn nói về cuộc thương lượng Faustian. Một khi bút sa gà chết, và một khi các nhà lãnh đạo của một quốc gia ký kết vào bản thỏa thuận, thì Trung Cộng trở thành một chính quyền núp bóng. Họ chuyển đến quốc gia này, xây dựng các trung tâm huấn luyện và học viện tư tưởng; họ tiến hành hun đúc tư duy và định hình các chính sách. Thường thì, việc trục xuất những người vô tội cho thấy họ đã thành công trong nỗ lực đầu độc các chính phủ và viết lại các chính sách.

Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng tin như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts