Nguyễn Sơn
Việt Nam lên tiếng sau khi báo Trung Quốc nói Việt Nam đang âm thầm xây dựng lực lượng dân quân biển, nguy cơ dẫn tới chạm trán ở Biển Đông.
Tờ báo của chính quyền Trung Quốc China Daily gần đây viết rằng Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển và vũ trang cho tàu cá, từ đó có thể dẫn đến xung đột trên Biển Đông.
Trong cuộc họp báo chiều 20/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, những thông tin trên là không đúng sự thật, và Việt Nam hoàn toàn bác bỏ.
Bài báo trên tờ China Daily tỏ ý nghi ngờ các thuyền đánh cá VIệt Nam được trang bị vũ khí. Bài báo nói rằng Trung Quốc quan ngại Việt Nam đang âm thầm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển, gây căng thẳng cho những tranh chấp ở Biển Đông.
Thông tin “thuyền cá Việt Nam được trang bị vũ khí” và Việt Nam đang “âm thầm xây dựng lượng lượng dân quân tự vệ trên biển” là không đúng sự thật và “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ”, theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng.
Người phát ngôn khẳng định, hoạt động của lực lượng chức năng Việt Nam tuân theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cho biết: “Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân theo Luật Dân quân tự vệ năm 2019. Dân quân tự vệ biển là một phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển đảo”.
Trung Quốc ngụy trang tàu cá bằng lực lượng dân quân biển?
Trong khi đó, giới quan sát quốc tế từng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc ngụy trang các tàu cá bằng lực lượng dân quân biển để đưa ra Biển Đông.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Trung Quốc thành lập dân quân biển để bảo vệ khu vực ven bờ từ những năm 1950.
Từ thập niên 1970, với các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc, lực lượng này phát triển về quy mô và trở thành một công cụ để Bắc Kinh củng cố yêu sách chủ quyền phi lý.
“Trong suốt những năm 2000, dân quân biển Trung Quốc chuyển trọng tâm sang do thám và quấy rối hoạt động quân sự của các nước khác”. Các hành động của lực lượng này bao gồm đâm va, rải vật thể trên đường đi, xịt vòi rồng và tham gia các hoạt động di chuyển nguy hiểm khác, CSIS cho biết.
Đặc biệt theo CSIS, Trung Quốc có thể triển khai 300 tàu dân quân hoạt động ở Biển Đông để né luật quốc tế và đòi yêu sách chủ quyền phi lý.