Đại sứ Nhật Bản: Hành vi của ĐCSTQ đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp

Andrew Thornebrooke

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng trên một chiếc xe hơi sau khi thị sát quân đội trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Theo một vị đại sứ Nhật Bản, căng thẳng đang diễn ra giữa Trung Quốc và trật tự quốc tế lớn hơn [với những nước theo chủ nghĩa tự do], đòi hỏi các giải pháp phải khác với những gì đã được sử dụng trong Chiến tranh Lạnh. Điều đó có nghĩa là việc tách rời, một quá trình được đề nghị để tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc về mặt kinh tế, là khó xảy ra.

“Trung Quốc là một quốc gia khác với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh,” ông Koji Tomita, đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ, nêu rõ.

“Là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, và là một quốc gia lớn, Trung Quốc có trách nhiệm rất quan trọng trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.”

Ông Tomita đã đưa ra các bình luận trên trong một cuộc thảo luận hôm 18/01, do Viện Brookings tổ chức, bao gồm các chủ đề rộng lớn như kinh tế, COVID-19 và an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong cuộc đàm luận, ông Tomita đã tập trung vào tầm nhìn chung của Nhật Bản và Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như vai trò của Trung Quốc có thể chưa thể hiện trong đó.

“Chúng tôi rất muốn Trung Quốc trở thành một phần của tầm nhìn này. Nhưng, thật không may, một số khía cạnh trong hành vi của Trung Quốc dường như đi ngược lại với tầm nhìn này,” ông Tomita nói.

Các đồng minh theo đuổi sự an toàn và minh bạch, chứ không phải sự tách rời

Các bình luận này được đưa ra trong bối cảnh một số trong giới chính trị Mỹ ngày càng bàn tán nhiều về việc tách rời [khỏi Trung Quốc về mặt kinh tế], và nêu ra các vấn đề quan trọng liên quan đến mức độ thực tế của những ý tưởng đó.

Tương tự, một quan chức ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ tại Nhật Bản nói rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden không tìm cách tách khỏi Trung Quốc, nhưng xác nhận rằng họ đang tìm cách ngăn chặn các công nghệ quan trọng quan trọng đối với an ninh của nước này không bị chuyển giao cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà không có sự cho phép.

“Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ hay Nhật Bản đang tìm cách tách khỏi Trung Quốc,” ông Raymond Greene, đại biện lâm thời cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo, nói trong cuộc đàm luận này.

“Cả những nỗ lực của Nhật Bản trong an ninh kinh tế và những nỗ lực của chúng tôi trong các lĩnh vực như phục hồi chuỗi cung ứng, đều có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm rằng hoạt động thương mại và đầu tư cũng như mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc, là công bằng và minh bạch.”

Từ lâu các chuyên gia an ninh đã kêu gọi một lệnh cấm cái gọi là chuyển giao công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ trọng yếu khác cho Trung Quốc, cho dù những chuyển giao đó là thông qua gián điệp hay các thỏa thuận thương mại hợp pháp. Ngày càng có nhiều lo ngại trong cộng đồng hoạch định chính sách của Mỹ rằng các công nghệ của Hoa Kỳ có thể được quân đội Trung Quốc áp dụng và sử dụng để chống lại Hoa Kỳ.

Ví dụ, hồi tháng 10/2021, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tận dụng công nghệ bị đánh cắp của Hoa Kỳ, để tạo ra các vũ khí mới, bao gồm cả hỏa tiễn siêu thanh.

Tương tự như vậy, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia gần đây đã bắt đầu một chiến dịch tư vấn cho doanh nghiệp Mỹ về những rủi ro của các hoạt động phản gián, nói rằng ĐCSTQ đã nhiều lần đánh cắp các công nghệ của Hoa Kỳ.

Cựu sĩ quan về nhu liệu của Lực lượng Không gian cũng cảnh báo thêm rằng mối đe dọa từ nội gián là thách thức lớn nhất mà các công ty công nghệ và trường đại học Mỹ phải đối mặt, và rằng ĐCSTQ đã có một nỗ lực phối hợp sắp đặt để đánh cắp các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Greene nói rằng chính phủ TT Biden đang tìm kiếm sự thay đổi thực sự trong việc bảo vệ các công nghệ quan trọng, nhưng thay đổi đó không đòi hỏi phải có sự đổ vỡ hoàn toàn về kinh tế và ngoại giao do sự tách rời với Trung Quốc gây ra.

Ông Greene tuyên bố: “Chúng tôi muốn có một hàng rào nhỏ. Một hàng rào nhỏ nhưng rất cao, để bảo vệ các công nghệ cạnh tranh cốt lõi của mình trong các lĩnh vực có thế mạnh kinh tế, đồng thời cho phép hoạt động thương mại và đầu tư bình thường trong các lĩnh vực không nhạy cảm đó.”

Ông Greene cho rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là rất quan trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu, và rằng hành động gây hấn của ĐCSTQ chống lại Hoa Kỳ và Nhật Bản, là phi pháp và vô ích.

Nói về Hoa Kỳ và Nhật Bản, ông Greene nhận xét: “Tôi không nghĩ rằng có hai quốc gia nào trên thế giới đã làm được nhiều hơn thế, để giúp Trung Quốc phát triển kinh tế, và cũng hội nhập vào hệ thống quốc tế.”

“Cả hai đất nước chúng ta đều cảm thấy thất vọng vì CHND Trung Hoa đã sử dụng vị thế của mình, cả về sức mạnh kinh tế và quân sự, cũng như vai trò của họ trong hệ thống quốc tế, theo những cách làm xói mòn trật tự quốc tế, vốn đã giúp nước này rất nhiều trong bốn thập niên qua,” ông Greene khẳng định.

Chống lại chủ nghĩa độc tài, chứ không phải Trung Quốc

Ông Tomita và ông Greene đồng ý rằng cần đạt được sự cân bằng giữa việc củng cố khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vô số quốc gia hiện diện ở đó chống lại sự ép buộc của ĐCSTQ, và việc đồng thời cũng thực hiện những nỗ lực tái hòa nhập CHND Trung Hoa tham gia có ý nghĩa vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Theo ông Tomita, “Nhật Bản là nước ủng hộ cho một [bán đảo] Đông Dương tự do và cởi mở trong nhiều năm. Đây là tầm nhìn cho hoạt động kinh doanh trong khu vực này dựa trên trật tự tự do, cởi mở và dựa trên luật lệ.”

Ông Tomita tuyên bố: “Chúng ta cần một ý thức nhất định về các nguyên tắc ngoại giao. Những khuôn khổ và nguyên tắc này đã phục vụ tốt cho chúng ta trong nửa thế kỷ qua.”

Để đạt được mục tiêu đó, ông Tomita cho rằng không cần thiết phải thay thế chính những nguyên tắc mà tình trạng hiện tại dựa vào, nhưng cần có một số điều chỉnh đối với chính sách cần thiết để khắc phục sự mất cân bằng trong an ninh, điều mà Nhật Bản sẽ tìm cách hợp tác cùng với Hoa Kỳ.

“Tất nhiên, điều đầu tiên là nâng cấp khả năng phản ứng và răn đe trong bối cảnh hợp tác liên minh của chúng ta,” ông Tomita nhận xét.

Ông Tomita cũng nói thêm rằng các nỗ lực chung của Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tìm cách xây dựng sức mạnh tổng hợp giữa hai quốc gia để tạo ra khả năng phục hồi tốt hơn. Theo ông, những nỗ lực như vậy sẽ bao gồm đầu tư vào khoa học và công nghệ, cũng như nỗ lực bảo đảm chuỗi cung ứng và thúc đẩy các giá trị dân chủ thông qua các diễn đàn như Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD).

Ông Greene nêu rõ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “trung tâm” trong nền tảng của chính phủ TT Biden và chiến lược toàn cầu quan trọng nhất. Ông cho rằng Nhật Bản là quốc gia “vô cùng quan trọng” đối với sự hưng thịnh liên tục của các nền dân chủ tự do trong khu vực.

Hai người đồng ý rằng kẻ thù, nếu có một ai đó, thì không phải là Trung Quốc, mà là các biện pháp phản dân chủ và “toàn trị dựa trên công nghệ” (techno-authoritarian) hiện đang được ĐCSTQ theo đuổi, bao gồm cả việc đàn áp các dân tộc ở Tân Cương, Hồng Kông, và Tây Tạng.

Ông Greene nói rằng việc “thắt chặt ngoại giao” là cần thiết để bảo đảm rằng không có những tính toán sai lầm về ngoại giao hoặc quân sự có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho tất cả các quốc gia liên quan. Ông nhấn mạnh các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí, có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

“Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong các nỗ lực kiểm soát vũ khí đa phương, giống như chúng tôi đã làm với Nga,” ông Greene cho hay.

Trọng tâm của Chính sách Quốc tế Hoa Kỳ

Cuộc đàm luận của ông Tomita và ông Greene diễn ra khi Nhật Bản và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ kinh tế, ngoại giao, và quân sự để ngăn chặn các hành động ngày càng thù địch của ĐCSTQ, mặc dù mỗi quốc gia đều có lý do lo ngại riêng.

Hoa Kỳ đang tìm cách duy trì một trật tự quốc tế và quyền tự do đi lại trong khu vực vốn quan trọng đối với nền kinh tế và cấu trúc liên minh của nước này. Trong khi đó, Nhật Bản ngày càng lo ngại về một Đài Loan có thể tiếp tục duy trì nền tự trị. Nếu Trung Quốc xâm lược hòn đảo này, thì Đài Loan có thể được sử dụng để tiến hành một cuộc tấn công vào Nhật Bản, cũng như các tác động an ninh của các cuộc tập trận quân sự Trung-Nga ngày càng gia tăng.

Chỉ riêng trong tháng 01/2022, hai quốc gia đã đồng ý về một thỏa thuận nâng cấp các chiến đấu cơ của Nhật Bản và tiến hành các cuộc họp “Hai cộng hai” giữa các nhà lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Những nỗ lực đó đạt đến đỉnh cao hơn nữa vào thứ Sáu, hôm 21/01, với cuộc gặp gỡ trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Một tuyên bố có liên quan của Tòa Bạch Ốc, thông báo về cuộc họp này, đã gọi liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ là “nền tảng của hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.”

Tuy nhiên, những lời lẽ hùng hồn trong tâm trí như vậy, ông Tomita cảnh báo rằng các thông điệp và thỏa thuận bằng những ngôn từ mạnh mẽ, là hoàn toàn chấp nhận được, nhưng hòa bình với Trung Quốc sẽ chỉ được duy trì nếu những ngôn từ đó được hỗ trợ bằng hành động cụ thể.

“Tất nhiên, chúng ta có thể cứng rắn trong thông điệp công khai của mình. Nhưng cứng rắn trong thông điệp là một chuyện. Chuẩn bị sẵn sàng là một vấn đề hoàn toàn khác.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Yến Nhi biên dịch.

Related posts