Tin

Du Uyên

Niềm tin là một món quà quý giá và xinh đẹp mà ai cũng nên có.

Có những thứ, cả thế giới hết tin, nhưng một nhóm người vẫn tin tưởng vô điều kiện – Từ Facebook

Vì tin vào nhân quả/tâm linh, mà nhiều người đã sống tốt hơn, bớt gây “nghiệp” hơn. Vì tin vào thần linh, Chúa Trời… mà nhiều người bớt thấy mình lạc lõng, cảm thấy có “người dẫn lối” khi họ cảm thấy quá cô độc. Vì tin vào luật pháp, mà nhiều người sẽ chọn không làm điều xấu, thậm chí là bảo vệ bản thân mình để không bị trừng phạt bởi luật pháp (quên luôn bản thân là hàng đầu). Người ta nói, cái gì quý chưa chắc là hiếm, cái gì hiếm chưa chắc là quý. Vậy niềm tin có đáng quý khi nó ngày càng trở nên hiếm hoi trong xã hội này?

Có lẽ là tùy vào nơi mà con người đặt niềm tin vào.

Facebooker Tran Vinh kể trên trang cá nhân: “Hai vợ chồng ông hàng xóm mới mua được cái xe hơi mới, cứ ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) hàng tháng là họ rửa xe sạch sẽ, cho đậu ở trước nhà đặt bàn bày hoa quả, xôi chè, hương đèn rồi nổ máy cúng xe.

Mình đi tập thể dục qua thấy họ đang cúng xe, mình bảo: “Sao ông bà không đưa giày dép, xe đạp, xe máy ra cúng luôn một thể, chúng nó cũng chở ông bà đi trên đường cả đó! Chứ cúng mỗi xe hơi là không công bằng”.

Nghe nói vậy ông bà hàng xóm chỉ cười không nói gì. Ðược mấy hôm sau bà hàng xóm đi bộ trước nhà bị té gãy chân, mình sang thăm và nói đùa là: “Do ông bà cúng xe hơi mà không cúng giày dép, bên trọng bên khinh nên giày dép nó hất bà té gãy chân đó”. Thế rồi vài hôm sau, ngày cúng xe hơi thấy hai ông bà bỏ giày dép lên bàn quỳ lạy khấn vái hương khói nghi ngút.” – Hết trích.

Nội dung bài viết ở trên thì tôi không biết đúng hết không, nhất là phần sau. Nhưng tôi thấy cái ý trong bài rất có lý. Vì sao cúng “thần” xe hơi mà hông cúng “thần” xe đạp, xe hai bánh? Dầu chúng đều đưa chủ đi đi về về các quãng đường xa, giữ an toàn tính mạng cho gia chủ. Chẳng lẽ “thần” của xe hơi “linh” hơn?
Thiệt ra tôi ăn theo nói leo vậy thôi chứ không dám đem mấy câu hỏi trên hỏi người lớn trong nhà, ăn cây là cái chắc. Niềm tin vào tâm linh của nhiều người còn lớn hơn tình thương dành cho con cháu mình. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, nhà có người mất. Tôi và những người trong nhà bị buộc quỳ lạy những người tới hát múa trong đám tang – coi họ là người mất mà thành tâm quỳ lạy. Tôi không chịu, vì rõ ràng những người này đang diễn, hát hò, không phải người thân đã mất của tôi. Rứa là tôi bị ăn đòn. Không biết vì tôi thù dai hay vì tôi đã bị chấn thương tâm lý?

Cúng xe hơi – Từ Facebook

Từ dạo ấy, mà đâm ra ghét mấy người làm nghề ông đồng bà cốt hay những người làm nghề “thầy”/”bà” dữ lắm, dầu xung quanh tôi hết 80% người tin vào những người làm nghề “mua ma bán Phật” này. Tuy tôi rất sợ ma (dầu chưa gặp ma thiệt lần nào). Nhưng tôi không tin vào các ông/bà “thầy” hay chùa chiền nào có thể “giải hạn”, giải vong cho nhân loài. Nếu như vậy thì cứ làm ác rồi đi “giải hạn” hoặc cứ làm lỗi/hại người rồi đi thỉnh vong “giải oan gia trái chủ” sao? Ðôi khi, tôi cảm thấy việc “giải hạn” này giống như là một cách để con người “đối phó” với chính lương tâm của mình. Tựa như việc người ta mua nón bảo hiểm, khẩu trang dỏm đeo để đối phó với cảnh sát giao thông và cán bộ tại các chốt dịch, chứ không phải vì sức khỏe của mình. Tôi đã vô số lần nghe mấy câu như:

«Thôi đội nón cho yên thân với cảnh sát giao thông, chứ xe đụng thì mười cái nón cũng chết!” Hay “Ðội nón vô, công an ở trên kia kìa…”

“Thôi, đeo khẩu trang cho khỏi bị phạt, chứ khẩu trang nào ngăn được con virus nhỏ xíu?” Hay “Mang khẩu trang vô, không là không có được vô siêu thị đâu.”

Tương tự: “Thôi cúng cho con… ma nó vừa lòng, chứ “nghiệp” tới thì thầy/bà nào cản nổi!”

Vì những niềm tin không đúng chỗ mà các ngôi chùa lớn như chùa Ba Vàng vẫn “ăn nên làm ra” – mỗi năm bỏ túi hàng trăm tỷ nhờ những người tới thỉnh oan linh oan gia trái chủ”, “giải vong”, “giải nghiệp”… Dầu hồi 2019, báo chí trong nước, công an Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định chùa Ba Vàng đã lừa dân, khi:

+ Tổ chức lễ thỉnh vong “giải oan gia trái chủ”.

+ “Chữa bệnh” cho người dân và phật tử bằng cách… gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp…

+ Quy định việc người ghi danh “thỉnh oan gia trái chủ” buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền bao nhiêu? (Nói là do vong yêu cầu) – thông qua hình thức góp tiền công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa Ba Vàng.

Thích Trúc Thái Minh – Trụ trì chùa Ba Vàng và “cánh tay phải” là bà Phạm Thị Yến – Từ nguoiduatin.vn

Hàng ngàn ngôi chùa khác vẫn “làm ăn khấm khá” theo công thức tương tự chùa Ba Vàng. Hàng triệu người dân đã “đốt” tiền để mua sự yên tâm, mua niềm tin vào một tương lai bớt u ám cho mình. Trong đó có người thân, người quen của tôi. Và tôi không cản họ được.

Có lẽ là họ tin rằng cái gì không thể mua bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền, “vong” (kẻ không thể xài tiền) cũng vậy, mà “món quà quý giá và xinh đẹp” mang tên niềm tin cũng vậy. Ngoài mua chuộc thánh thần và những người chết, người ta còn mua chuộc người sống để tăng thêm “niềm tin” cho mình, phòng khi “nghiệp” nặng quá – “vong” không giải được. Kẻ thì mua giao tình của vài ông quan lớn, vài mối quan hệ vững chắc. Kẻ thì thủ sẵn tấm giấy bệnh án tâm thần/ung thư… lận lưng. Kẻ thì sắm cho mình thêm cái quốc tịch tư bản. Có kẻ thì mua cho mình một vẻ bề ngoài thánh nhân, đạo mạo…

Khi những kẻ trên sắm được càng nhiều “niềm tin” thì niềm tin trong xã hội càng ít đi. Thế là:

Người ta tin vào tâm linh, nhưng không tin có nhân ắt có quả nữa. Vì toàn những kẻ “con ông cháu cha” ăn ốc rồi bắt người thấp cổ bé họng đổ vỏ không thôi. Bởi vậy, mỗi khi có các vụ án lớn về tham nhũng, thiên hạ liền bàn tán xem những kẻ đứng đằng sau các bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa là ai? Lớn cỡ nào? Không ai tin người bị tuyên án là “trùm cuối” mà chỉ là các cánh tay nối dài của “quỷ dữ”.

Người ta tin Phật… Nhưng không còn tin vào những người được cho là “sứ giả dẫn đường” cho Ðức Phật nữa. Vì nạn “buôn thần bán thánh” có khắp nơi. Sư tứ đại giai không nhưng lại vào… Quốc Hội, đi tiêm lỗ tai bự ra cho “giống” Phật… Trong bài báo “Ba Vàng “oan gia trái chủ” chuyện trên trang nguoiduatin.vn, có hai câu hỏi tôi thấy hay:

“Lý gì mà bà Phạm Thị Yến từ thợ may bình thường ở đất Hạ Long bỗng chốc trở thành nhà truyền giáo, đăng đàn lý giải từ chuyện nhân sinh vũ trụ đến vận mệnh kiếp người, xúc phạm người quá cố…”

Không “bán danh ba đồng”, nhưng ba ngàn tỷ đồng thì bán – Từ tapchidoanhnhan.org

“Lý gì mà vị Ðại đức Thích Trúc Thái Minh – Trụ trì chùa Ba Vàng, người đáng ra đã phải thoát được tham – sân – si mà đạt đến cảnh giới vô vi, khiêm cung, không màng danh lợi, thì lại nhắn tin cho phật tử cung cấp số tài khoản để nhận tiền trục vong “theo yêu cầu của vong”…?”

Lý gì đây?

Người ta tin vào luật pháp, nhưng không ai còn tin vào những kẻ đang thực thi pháp luật nữa. Vì vậy mới có những cảnh dân “đối phó” công an bằng nón bảo hiểm/khẩu trang dỏm (thay vì mua đồ xịn bảo vệ mình trước, tuân thủ pháp luật sau). Hay gần đây, khi một cô bé bị nhân tình của cha đánh chết, công an chưa điều tra thì cả cõi mạng Việt Nam đã “lo” là hai kẻ giết người sẽ thoát tội vì “gia đình có gốc gác”

Khi không còn niềm tin, mọi thứ đều sẽ trở nên mơ hồ. Người ta không nhìn thẳng vào sự thật nữa, mà mọi chuyện xảy ra đều bị suy luận nặng nề, vòng vo theo thuyết âm mưu. Nên có nhiều lúc, tôi cảm thấy những con người quanh tôi luôn chọn cách tin tưởng ngược lại với những gì họ nhìn thấy, nghe thấy. Cuộc sống rất mệt mỏi. Ví dụ như câu chuyện về các doanh nhân lớn tại Việt Nam. Cứ ai giàu lên thiệt nhanh tại đất nước này là người ta sẽ không còn tin vào sự minh bạch tài chính của họ nữa. Và không biết nên vui hay buồn, sự không tin đó đều có cơ sở, hiếm khi nào “oan”. Ai không đọc tin tức Việt Nam thường xuyên, có thể sẽ nghĩ dân Việt ghét người giàu. Nhưng thật đáng buồn, người giàu tại Việt Nam lại không hề đáng yêu. Xin trích từ ​Facebooker Thái Hạo những nhận định mà tôi đồng tình:

“Với một đất nước, nếu không có tầng lớp tư sản thì không thể phát triển. Nhưng bọn tư sản đó ra sao thì chủ yếu phụ thuộc vào bộ máy, vào cơ chế, luật pháp – tóm lại là nhà nước.

Người ta tin vào pháp luật, nhưng không còn tin kẻ làm luật – Từ Facebook

Bọn tư sản lưu manh ở VN, chúng chủ yếu là sản phẩm của quản lý. Cũng bọn đó, nếu trong một môi trường khác có thể chúng không những làm giàu cho bản thân mà còn làm giàu cho đất nước, cho nhân dân.

Vì thế, dù bất bình, dù phẫn nộ căm ghét với những thói gian manh trọc phú của chúng, nhưng cá nhân tôi không thể hả hê khi nếu phải chứng kiến sự sụp đổ của tầng lớp ấy. Một ví dụ, nếu không có Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways mà chỉ có mỗi Vietnam Airlines thì có lẽ chúng ta còn khổ gấp trăm lần. Không có tư nhân và tư hữu thì chỉ còn một đường về nô lệ mà thôi, vết thương sâu hoắm thời bao cấp chắc chưa ai quên được.

Thay vì cầu cho chúng chết, tôi chỉ mong chúng sống – sống trên nền một xã hội pháp trị tiến bộ minh bạch. Khốn nỗi, cái “nền” ấy lại không thể chỉ ngồi “mong” mà có được…” – Hết trích.

Ðúng là cái “nền” rất quan trọng. Nhà sẽ sập nếu nền không chắc. Lớp makeup sẽ xấu, mau trôi nếu nền da không đẹp. Xã hội sẽ nát bét nếu con người không còn lòng tin cho nhau, không còn sự gắn kết, lớp “nền” bị phân rã… Ðể thay đổi lớp nền đúng là “không thể chỉ ngồi mong mà có được”. Ðối với nền của một căn nhà, người ta phải đập căn nhà đó, làm lại từ đầu. Nền makeup xấu cũng phải tẩy trang và đánh lại tỉ mỉ. Nền của một xã hội bị tan rã, chia rẽ vì những con người mất niềm tin/đặt niềm tin sai lối, thì không thể nào cứ tô trét bánh vẽ lên mà nó đẹp được. Mà…

Du Uyên

Related posts