Trung Quốc ra mắt biên tập viên thời sự AI giống hệt người thật

Shawn Lin

(Bên phải) Ảnh chụp màn hình của biên tập viên thời sự ngoài đời thực trên chương trình “Tài chính cùng N Tiểu Hắc” và (bên trái) phiên bản sao theo công nghệ AI của N Tiểu Hắc trên nền xanh. (Ảnh: Ảnh ghép do The Epoch Times thực hiện)

Trí tuệ nhân tạo (AI) là ưu tiên hàng đầu giúp nhà cầm quyền này củng cố sự cai trị độc tài của mình.

“Xin chào quý khán giả, tôi là biên tập viên thời sự bằng trí tuệ nhân tạo của Tin Kinh tế Mỗi ngày. Tôi là phiên bản thực tế ảo của biên tập viên thật. Tôi được khởi chạy — để đưa tin tức — mà không ai phát hiện ra trong suốt 70 ngày qua.” Đây chính xác là những gì mà biên tập viên thời sự AI (trí tuệ nhân tạo) có tên N Tiểu Hắc đã tiết lộ cho khán giả truyền hình tại Trung Quốc vào ngày 20/12/2021, sau 1,700 giờ đồng hồ đọc bản tin liên tục trên sóng truyền hình trực tiếp. 

Vào hồi cùng ngày, hãng thông tấn quốc doanh Tin Kinh tế Mỗi ngày (NBD) và công ty AI Tiểu Băng đã cùng nhau tuyên bố phát hành chính thức một chương trình hợp tác phát sóng tin tức lần đầu tiên được điều hành hoàn toàn bởi AI.

Chương trình truyền hình này có tên là “AI Business Daily”, sẽ đưa tin về tình hình tài chính 24/7, dẫn chương trình là hai biên tập viên AI — có tên là N Tiểu Hắc và N Tiểu Bạch — được hỗ trợ kỹ thuật bởi trợ lý ảo Tiểu Băng (Xiaoice).

N Tiểu Hắc và N Tiểu Bạch là bản sao ảo của hai biên tập viên thời sự ngoài đời thực — một là nam và một là nữ. Trợ lý ảo Tiểu Băng (Xiaoice Framework) sử dụng dữ liệu được thu thập từ hai biên tập viên thực này để dạy cho các hai mô hình AI kia. Trong khi đó, kỹ thuật Kết xuất đồ họa Mô phỏng chức năng Neuron thần kinh Tiểu Băng (Xiaoice Neural Rendering, XNR) sẽ giúp cho các biểu hiện trên khuôn mặt và chuyển động cơ thể của người ảo trông sống động và tự nhiên như thật.

Trước đây các biên tập viên ảo cũng đã xuất hiện trong các chương trình truyền hình của Trung Quốc, nhưng người xem có thể nhận ra ngay đó không phải con người. Kể từ khi ra mắt thử nghiệm trên AI Business Daily vào 11/10/2021, tài khoản Douyin của N Tiểu Hắc — phiên bản TikTok của Trung Quốc — đã có hơn 3 triệu người hâm mộ ngay cả khi biên tập viên thật không lên sóng trong 70 ngày. Theo Tân Hoa Xã, công ty Tiểu Băng, hợp tác với NBD, có khả năng phát triển các bản sao ảo gần như không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả thông qua các công nghệ kết xuất đồ họa và công nghệ máy học AI tiên tiến.

Theo bản tin này, công nghệ tự học [bắt chước và mô phỏng] mẫu nhỏ của Trợ lý ảo Xiaoice cho phép hai biên tập viên ảo hoàn thành khóa đào tạo chỉ trong một tuần. Nhà bình luận kinh tế Trung Quốc Zeng Xiangling nói rằng trước đây để đào tạo AI cần những chu trình lâu dài, nhưng hiện giờ chu trình đào tạo ngắn giúp giảm đáng kể chi phí trong việc phát triển AI.

Không chỉ vậy, trình điều khiển kỹ thuật của Trợ lý ảo Tiểu Băng làm cho AI có khả năng tự động hóa đầu cuối, cho phép chương trình AI này tự thu thập, chỉnh sửa, và phát tin tức tài chính. Từ việc đọc bản tin tài chính, tạo văn bản và đồ thị, cũng như đồng bộ hóa với biên tập viên ảo đã được đào tạo trước, chương trình AI này có thể phát sóng một video trực tiếp hoàn chỉnh trên hệ thống mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào của con người.

CEO của công ty Tiểu Băng, ông Lý Địch (Li Di) cho biết: “Kỷ nguyên của Người AI không biết mệt mỏi, an toàn, và đáng tin cậy đã đến. Nó sẽ cung cấp một đầu ra tin tức ổn định.”

Theo một bản tin của NBD, các biên tập viên thời sự AI được mô hình hóa bằng việc sử dụng công nghệ mạng nơron thần kinh học sâu, cho phép người AI này đọc bản tin bằng tiếng Quan Thoại, tiếng Anh, và nhiều ngôn ngữ khác. Công nghệ AI tiên tiến hiện đang được sử dụng để nâng cấp và chuyển hóa ngành truyền thông Trung Quốc cũng như ngành điện ảnh của nước này. Kể từ thành công của chương trình AI Business Daily, mỗi kênh tin tức của NBD sẽ hợp tác toàn bộ với công ty Tiểu Băng để tạo ra các chương trình truyền hình [dùng công nghệ] AI.

Tiểu Băng, hay “Trợ lý ảo Tiểu băng của Tập đoàn Microsoft” một hệ thống AI do Viện kỹ thuật Internet Á Châu của Microsoft phát triển vào năm 2014. Công ty này trước đây được gọi là Team AI Tiểu Băng thuộc Trung tâm Công nghệ Phần mềm Microsoft Á Châu. Đó là nhóm nghiên cứu và phát triển AI độc lập lớn nhất của Microsoft. Hồi tháng 07/2020, Microsoft tách Tiểu Băng thành một công ty riêng biệt, cho phép công ty này hoạt động như một tổ chức độc lập ở Trung Quốc và các nước Á Châu khác. Trợ lý ảo Tiểu Băng là một trong những hệ thống trí tuệ nhân tạo hoàn chỉnh trên thế giới, với các tương tác AI lớn nhất trên toàn cầu.

Ông Lý Địch của Tiểu Băng từng phát biểu vào tháng 10/2021 rằng một số lượng lớn chủ thể AI đã được tạo ra trong hai năm qua và con số này sẽ nhanh chóng tăng thêm. Ông thậm chí còn hy vọng số lượng AI sẽ vượt trên cả dân số loài người, đồng thời kết hợp sự đa dạng và khả năng tùy chỉnh cá nhân.

Vào 20/10/2021, chín ngày sau khi ra mắt thử nghiệm AI trên truyền hình của NBD, Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã phát hành một phần của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, trình bày chi tiết chiến lược phát sóng tin thời sự và mạng nghe nhìn. Kế hoạch này đề xướng đẩy mạnh ứng dụng AI trong sản xuất và phát sóng tin tức, chẳng hạn như thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các biên tập viên ảo trong các chương trình truyền hình, cũng như cải thiện hiệu quả sản xuất và phát sóng tin tức bằng cách sử dụng AI.

Những rủi ro của AI

Trí tuệ nhân tạo không cần ăn hay ngủ, không ốm đau hay cần lương làm thêm giờ, và giờ đây nó còn có thể chủ động biên tập nội dung tin tức. Tuy nhiên, nhiều người cũng rất lo ngại về sự phát triển nhanh chóng này của AI.

Ông Vương, một chuyên gia 20 năm trong ngành công nghệ thông tin tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng trí tuệ nhân tạo đã vượt xa con người về phương pháp tính toán, hiệu suất, và khả năng học hỏi. Nhưng vấn đề lớn nhất là nó không có đạo đức, luân lý, hoặc giá trị cá nhân, ông cho hay nếu nó rơi vào tay kẻ xấu, công nghệ AI có thể tàn phá nhân loại.

Công nghệ chế tạo người máy hiện nay cũng rất tân tiến. Một số robot thậm chí có thể vượt xa con người hoặc động vật trong nhiều hoạt động thể chất. Ông Vương nói thêm: một khi AI được trao cho khả năng hành động vật lý, con người có thể không đủ sức mạnh để chống lại, cho phép những ai thao túng AI có khả năng làm bất cứ điều gì họ muốn.

Chuyên gia truyền thông cao cấp Thạch Sơn (Shi Shan) nói với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc lật lọng xảo trá không có điểm giới hạn.

“Công nghệ AI [của Đảng Cộng Sản Trung Quốc] hiện có thể tạo ra một biên tập viên thời sự ảo gần như hoàn hảo, nhưng tiếp theo sẽ là gì? Một chính trị gia giả? Một người lãnh đạo đất nước? Có khi nó đã được làm xong rồi cũng nên,” ông Thạch nói. “ĐCSTQ rất giỏi ngụy tạo. Các cộng đồng quốc tế hiện phải chú ý sát sao đến tính xác thực của các chương trình nghe nhìn và nội dung truyền thông khác của Trung Quốc.”

Dữ liệu lớn

Dữ liệu lớn là chìa khóa để nghiên cứu và phát triển AI: dữ liệu càng liên quan bao nhiêu, thì AI càng được đào tạo tốt bấy nhiêu. ĐCSTQ một mặt thì nhanh chóng phát triển trí tuệ nhân tạo của riêng mình, mặt khác lại cố tình hạn chế luồng dữ liệu của Trung Quốc ra hải ngoại.

Trung Quốc sử dụng dân số khổng lồ của mình để thu thập và phát triển công nghệ AI tại địa phương. Ông Tang Bohua, chuyên gia thẩm định bằng sáng chế tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ coi thường nhân quyền và quyền riêng tư mở ra một bộ dữ liệu khổng lồ cho họ, trong khi Hoa Kỳ tôn trọng những quyền này, nên các tập dữ liệu mới không được đầy đủ.

Ngày 04/01, ĐCSTQ đã giới thiệu một phiên bản mới của “Các biện pháp Đánh giá An ninh mạng”. Các quy tắc mới được bổ sung này yêu cầu tất cả các công ty nền tảng mạng Trung Quốc có dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng phải trải qua một cuộc đánh giá bảo mật trước khi niêm yết ở hải ngoại.

Bà Christy Jiang, một giáo sư luật tại Đại học Công nghệ Quốc gia Đài Bắc của Đài Loan, nói với Đài Á Châu Tự do vào ngày 04/01 rằng bà cho là ngưỡng một triệu người dùng rất có thể bao gồm tất cả các công ty công nghệ Trung Quốc đang tìm cách mở niêm yết ở hải ngoại.

Ưu tiên chiến lược

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã ưu tiên phát triển AI, coi đây là “chiến lược phát triển chủ lực của quốc gia”. Họ đã áp dụng AI vào nhiều khía cạnh của cuộc sống thường ngày, không chỉ để giám sát và kiểm soát người dân, mà còn lợi dụng dân số khổng lồ của mình để thúc đẩy sự phát triển.

Để đẩy mạnh sự phát triển nhanh chóng của AI, ĐCSTQ đã ban hành một số chính sách và quy định hỗ trợ, bao gồm “Made in China 2025” và “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”.

Vào năm 2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch Phát triển Trí tuệ Nhân tạo Thế hệ mới”, nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong việc giúp chính phủ liễu giải và kiểm soát xã hội.

Theo bản kế hoạch này, ““Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể nhận thức, dự đoán chính xác, và cảnh báo sớm các xu hướng chính của xã hội. [Nó có thể] nắm bắt những thay đổi trong nhận thức và tâm lý của mọi người đồng thời chủ động quyết định các phương án ứng phó. [Công nghệ này] sẽ cải thiện đáng kể khả năng và trình độ quản trị xã hội. Nó là [một công cụ] không gì có thể thay thế được trong việc duy trì ổn định xã hội một cách hiệu quả.”

“Công nghệ này sẽ có một tác động sâu sắc đến sự quản lý của chính phủ, an ninh kinh tế, ổn định xã hội và quản trị toàn cầu.”

Chuyên gia tài chính và kinh tế Hồng Kông Alexander Liao nói rằng ĐCSTQ tin rằng cuộc cách mạng công nghệ trí tuệ nhân tạo mới nổi này có thể mang lại sức sống mới cho chế độ độc tài, vốn đang trên bờ diệt vong.

Vào năm 2013, ĐCSTQ đã đề xướng bản kế hoạch “Hiện đại hóa Hệ thống Quản trị và Năng lực Quản trị Quốc gia” và được thông qua vào năm năm sau trong phiên họp toàn thể năm 2019. Theo Tân Hoa Xã, dự án này là “một loạt các thỏa thuận thể chế nhằm làm cho hệ thống quản trị của Trung Quốc ngày càng hoàn thiện, được tiêu chuẩn hóa một cách khoa học, và hoạt động hiệu quả hơn.”

Năm 2014, ĐCSTQ ra mắt “Hệ thống Tín dụng Xã hội”, vốn liên kết hành vi xã hội của dân chúng với hệ thống giám sát quy mô lớn ở Trung Quốc đại lục. Hệ thống này đã áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và phân tích dữ liệu lớn để thực hiện kiểm soát xã hội trên quy mô lớn bằng AI.

Đến năm 2020, hệ thống này đã được tích hợp vào hầu hết các lĩnh vực dịch vụ cộng đồng, bao gồm tuyển dụng, giáo dục, dịch vụ cho vay, mua vé du lịch, v.v. Biện pháp kiểm soát này đã được phổ biến dưới dạng “mã sức khỏe” trong thời gian diễn ra đại dịch virus Trung Cộng.

Ông Liao cho biết, “Tất cả các biện pháp ‘hiện đại hóa quản trị’ là tiền đề cho việc củng cố sự cai trị độc đoán của ĐCSTQ nhằm đạt được sự kiểm soát toàn trị, và mọi thứ đều bắt nguồn từ trí tuệ nhân tạo.”

Ông Shawn Lin là một Hoa kiều sinh sống tại New Zealand, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.

Tuệ Minh biên dịch

Related posts