Các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang leo thang, và sức mạnh của Trung Quốc cũng đang tăng lên

Andrew Thornebrooke

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trong cuộc hội đàm của họ ở Bắc Kinh, hôm 04/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP/Getty Images)

Tổng thống (TT) Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi TT Vladimir Putin công nhận hai tỉnh ly khai ở Donbas là các quốc gia độc lập và điều động lực lượng Nga vào lãnh thổ này.

Theo một số chuyên gia, điều đã không được lưu ý là nhà cầm quyền Trung Quốc đang học hỏi và thu lợi như thế nào từ cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine, và những bài học mà họ học hỏi được sẽ ảnh hưởng sâu sắc ra sao đến tình hình tương lai của trật tự quốc tế.

Ông Michael McFaul, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Stanford cho biết: “Ông Putin đang âm mưu phá hoại trật tự quốc tế tự do.”

“[Nga là] cường quốc lớn thứ ba trên thế giới,” ông McFaul nói thêm. “[Ông Putin] hiểu rằng họ là nước lớn thứ ba. Nhưng ông ấy đã cố tình liên minh với Trung Quốc, quốc gia lớn thứ hai, có quyền lực nhất trên thế giới, để cân bằng với Hoa Kỳ.”

Ông McFaul đã đưa ra những bình luận này trong một hội thảo trên web hôm 23/02 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn chuyên về quốc phòng có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Tại đây một số chuyên gia đã thảo luận về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine, và sự gia tăng mối quan hệ giữa Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra chưa đầy ba tuần sau cuộc gặp giữa TT Putin và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, vốn đem lại tuyên bố về một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mới giữa Trung Quốc và Nga, trong đó có các hợp đồng khí đốt và dầu trị giá hơn 118 tỷ USD.

ĐCSTQ là yếu tố then chốt trong khả năng hành động của Nga ở Ukraine bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, vì ĐCSTQ có thể bù đắp hiệu quả nhiều nguồn thu bị mất do các lệnh trừng phạt thông qua việc tăng cường hợp tác kinh tế với Nga khi nước này vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

Liệu giới lãnh đạo cộng sản của Trung Quốc có cam kết hoàn toàn với kế hoạch hành động này hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng các chuyên gia tin rằng ông Putin sẽ không đưa quân đến Donbas nếu như không có một số bảo đảm về hỗ trợ ngoại giao từ phía ĐCSTQ.

Bà Angela Stent, giám đốc danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga, và Đông Âu tại Đại học Georgetown cho biết: “Ông Vladimir Putin sẽ không bắt tay vào thực hiện cuộc xâm lược này đối với Ukraine và lại vào thời điểm này, nếu ông ấy không biết rằng mình sẽ có sự hỗ trợ của Trung Quốc.”

“Đó không phải là lý do ông ta làm vậy, nhưng … ông ấy biết rằng nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì Trung Quốc sẽ hỗ trợ ông ấy.”

Binh sĩ Ukraine được nhìn thấy ở chiến tuyến gần thành phố Novoluhanske ở vùng Donetsk, Ukraine hôm 20/02/2022. (Ảnh: Gleb Garanich/Reuters)

Chính xác thì chuyện gì đang diễn ra ở Ukraine?

Tình hình hiện tại ở Ukraine bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Maidan năm 2014, dẫn đến việc lật đổ tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và chính phủ của ông.

Kể từ thời điểm đó, Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đã công nhận chính phủ mới và thân với EU này của Ukraine là hợp pháp. Trong khi đó, Nga vẫn khẳng định rằng đó là kết quả bất hợp pháp của một cuộc đảo chính, và cố gắng ngăn cản chính phủ mới này gia nhập NATO, điều mà họ lo ngại sẽ dẫn đến việc quân đội và vật tư của địch thủ có khả năng được đặt dọc theo biên giới của mình.

Tuần này (21-27/02), ông Putin tuyên bố Nga sẽ công nhận các khu vực chủ yếu nói tiếng Nga như Donetsk và Luhansk, gọi chung là lãnh thổ Donbas ở miền đông Ukraine, là các quốc gia có chủ quyền. Sau đó, ông ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào khu vực này, cho đó là lực lượng gìn giữ hòa bình.

Hoa Kỳ coi Donetsk và Luhansk là những vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine, đã bị Nga chiếm đóng trái phép. Ngược lại, Nga coi Hoa Kỳ đang sử dụng một chính phủ bất hợp pháp có trụ sở tại Kiev như một con rối để duy trì quyền bá chủ toàn cầu.

Thật vậy, trong khi tuyên bố rằng Donetsk và Luhansk sẽ được công nhận là độc lập, ông Putin đã mô tả chính phủ có trụ sở tại Kiev do ông Volodymyr Zelensky lãnh đạo là một “thuộc địa của Hoa Kỳ” với một “chế độ bù nhìn”.

Ông Zelensky đã đáp lại bằng cách nói rằng, “Ukraine hoàn toàn chắc chắn coi những hành động cuối cùng này của Nga là sự vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi.”

Ukraine sẽ khiến mối liên hệ Trung-Nga ngày càng sâu sắc

Bà Stent đã cẩn thận lưu ý rằng nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc đã tuân thủ vòng trừng phạt ban đầu được áp đặt đối với Nga vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine. Nga tuyên bố rằng họ đã tiếp nhận Crimea một cách hợp pháp sau cuộc trưng cầu dân ý của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó và một phần lớn là do các lệnh trừng phạt tiếp theo, Nga ngày càng phụ thuộc về kinh tế nhiều hơn vào Trung Quốc, và cả hai quốc gia này đang ngày càng quyết đoán hơn trong các hành động nhằm thách thức phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Để đạt được mục tiêu đó, bà Stent nói rằng ĐCSTQ sẽ phải cân bằng giữa sự ủng hộ đối với Nga và lợi ích kinh tế của chính mình, vì nền kinh tế của họ phụ thuộc nhiều hơn vào mối quan hệ thương mại với phương Tây hơn là với Nga.

Tuy nhiên, ông Evan Medeiros, một chuyên gia ưu tú tại khoa Nghiên cứu Hoa Kỳ–Trung Quốc của Đại học Georgetown, nói rằng quan hệ đối tác Trung-Nga dựa trên việc có chung một triết lý chính trị cũng nhiều như dựa trên lợi ích kinh tế.

Ông Medeiros nói: “Rõ ràng đang có một tập hợp các ý tưởng được chia sẻ để tổ chức nền quản trị toàn cầu.”

Ông nói thêm rằng ĐCSTQ và Nga chia sẻ một tầm nhìn chung về sự cần thiết phải hạn chế quyền lực của Hoa Kỳ trên toàn cầu và những nỗ lực của Trung Quốc đang vừa đồng thời khẳng định chủ quyền của Ukraine vừa đổ lỗi chủ nghĩa khuếch trương của NATO cho việc Nga tức giận, đây được coi là một kiểu “trung lập thân Nga.”

Nỗi sợ rằng NATO sẽ xâm phạm chủ quyền quốc gia là một dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đang tuyên truyền chống lại phương Tây. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tuyên truyền đó có thêm một lợi thế nữa, vì có bằng chứng xác đáng cho thấy NATO đang mở rộng về phía đông.

Hồi tháng 01/2022, NATO đã tuyên bố sẽ tìm cách hợp tác với các đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại sự hiếu chiến của ĐCSTQ, mặc dù họ rõ ràng là một tổ chức thuộc Đại Tây Dương. Hơn nữa, các thành viên của họ đã đe dọa có hành động quân sự vì các tuyên bố chủ quyền của Nga ở Ukraine mặc dù Ukraine không phải là một thành viên của NATO và không được hưởng quyền tự vệ chung mà các thành viên được hưởng theo Điều 5 của hiệp ước thành lập.

Thực tế đó có nguy cơ củng cố cho ý tưởng giữa ĐCSTQ và giới lãnh đạo Nga rằng trật tự tự do của phương Tây chỉ đơn giản là chính trị quyền lực dưới bất kỳ tên gọi nào khác.

Một yếu tố thúc đẩy mối quan hệ đối tác ngày càng khăng khít giữa ĐCSTQ và Nga là niềm tin chung rằng không có cơ quan chính trị nào cao hơn quốc gia, và chủ quyền của quốc gia phải được bảo vệ bằng mọi giá. Do đó, cả hai nước này đều cảnh giác với các hiệp định quốc tế và liên minh đa quốc gia, vốn có thể làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia riêng lẻ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phía trước bên trái) và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (ở giữa) đến dự tiệc chào mừng các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/04/2019. (Ảnh: Nicolas Asfouri/Pool/Getty Images)

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc này cũng là một phương tiện để thách thức Hoa Kỳ vốn hùng mạnh hơn.

Bà Andrea Kendall-Taylor, thành viên cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ mới, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết: “Rõ ràng, mối bang giao Nga-Trung đã thực sự trở nên sâu sắc đáng kể trên tất cả các khía cạnh của quan hệ đối tác.”

“Cách mà tôi đã nghĩ về điều này là sự hợp tác của họ thực sự đang làm tăng thêm mối đe dọa mà cả hai quốc gia này đặt ra cho Hoa Kỳ.”

Những bình luận trên đã lặp lại một quan điểm tương tự của bà Patty-Jane Geller, một nhà phân tích chính sách tập trung vào các vấn đề răn đe hạt nhân và phòng thủ hỏa tiễn tại viện nghiên cứu Heritage Foundation có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.

Bà Geller nói rằng quan hệ đối tác Trung-Nga là điều chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ và sẽ đặt nước này vào một tình thế cần phải chống lại hai cường quốc hạt nhân ngang hàng cùng một lúc, điều mà Hoa Kỳ chưa từng làm trước đây.

Bà Geller cho biết, “Khi Trung Quốc mở rộng kho vũ khí để trở thành một đối thủ ngang hàng về hạt nhân với Hoa Kỳ và Nga, thì Hoa Kỳ sẽ phải tìm ra cách để ngăn chặn hai quốc gia đồng cấp về hạt nhân cùng một lúc, điều mà chúng ta chưa từng làm trong lịch sử.”

Việc liên minh đang phát triển giữa ĐCSTQ và Nga có dẫn đến một thách thức vũ trang thực sự hay không vẫn còn phải xem xét, mặc dù những nỗ lực như vậy có vẻ như đang được tiến hành.

Ông Medeiros đã chỉ ra rằng Nga đang giúp ĐCSTQ phát triển một hệ thống cảnh báo sớm mới chống lại hỏa tiễn gắn đầu đạn hạt nhân, và mối liên hệ đối tác không giới hạn hôm 04/02 của họ đã khẳng định cho niềm tin vào chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm.

Nhìn chung, ông nói rằng việc ĐCSTQ sẽ đi bao xa để hỗ trợ cho Nga trong các biện pháp trừng phạt sẽ là một “phép thử quan trọng” về sức mạnh của mối quan hệ này đối với trật tự quốc tế lớn hơn.

Các phi công của lực lượng không quân Đài Loan chạy tới chiếc chiến đấu cơ F-16V do Hoa Kỳ sản xuất và được trang bị vũ trang của họ tại một căn cứ không quân ở Gia Nghĩa, miền nam Đài Loan hôm 05/01/2022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Ukraine: Một ví dụ thử nghiệm cho việc xâm lược Đài Loan?

Giới lãnh đạo ĐCSTQ có thể có các toan tính tương lai của riêng mình khi quan sát quân đội Nga điều động vào miền đông Ukraine. Cụ thể, các chuyên gia tin rằng họ đang quan sát phản ứng của phương Tây với những gì đang diễn ra ở Ukraine như một ví dụ điển hình về cách phương Tây sẽ phản ứng trước một cuộc xâm lược của ĐCSTQ vào Đài Loan.

Ông Jude Blanchette, chủ tịch nghiên cứu về Trung Quốc tại CSIS, cho biết: “Hiện có rất nhiều suy đoán về những gì Trung Quốc có thể đang học hỏi cho tham vọng về lãnh thổ của họ đối với Đài Loan nhờ theo dõi các sự kiện ở Ukraine.”

Ông Blanchette cho rằng, nếu có một cuộc chiến nổ ra giữa Nga và phương Tây ở Ukraine, thì điều đó có thể cho ĐCSTQ thấy rằng Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng làm điều tương tự ở Đài Loan, và do đó ngăn chặn một cuộc xung đột tiềm tàng ở khu vực Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ngược lại, giới lãnh đạo ĐCSTQ cũng có thể chọn tin rằng việc quân đội Mỹ bị trói chân ở Đông Âu sẽ có nghĩa là họ ít có khả năng được huy động ở khu vực Á Châu hơn.

Trong cả hai trường hợp, bất chấp sự lên án của lưỡng đảng đối với Nga tại Quốc hội, viễn cảnh tham gia vào một cuộc xung đột ở Ukraine hiện rất không được lòng người Mỹ.

Theo một cuộc thăm dò hồi tháng Một của Trafalgar Group, phần lớn người Mỹ đều phản đối việc gửi quân hoặc thiết bị quân sự đến Ukraine trong trường hợp nước này bị Nga xâm lược. Chỉ 15% trong số những người được hỏi tin rằng Hoa Kỳ nên cung cấp quân đội, trong khi 30% người tin rằng Hoa Kỳ chỉ nên cung cấp vũ khí và các vật tư khác.

Để so sánh, có đến 58% trong số những người được hỏi tin rằng các khí tài quân sự của Hoa Kỳ nên được sử dụng để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc đại lục xâm lược.

Bất cứ điều gì Hoa Kỳ chọn làm về vấn đề Ukraine, thì ĐCSTQ cũng đang học hỏi và chuẩn bị.

“Toàn bộ sự việc này cũng cho phép Trung Quốc theo dõi những gì phương Tây đang làm,” ông Manoj Kewalramani, một cộng sự cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại CSIS, cho biết.

Ông Kewalramani nói thêm rằng Ukraine là một “ví dụ thử nghiệm” đối với ĐCSTQ, vốn sẽ giúp họ đưa ra các quyết định chiến lược liên quan đến Đài Loan trong tương lai.

Vì vậy, mọi lựa chọn sẵn có cho Hoa Kỳ dường như đều được thiết lập để giúp đỡ ĐCSTQ theo cách này hay cách khác. Và không rõ liệu các biện pháp trừng phạt có thể cải thiện được tình hình này hay không.

Hoa Kỳ và EU đã cùng nhau áp đặt hơn 100 lệnh trừng phạt chống lại Nga kể từ năm 2014. Những nỗ lực như vậy hầu như không có tác dụng trong việc kiềm chế tham vọng của Nga và đã góp phần tích cực vào mối liên hệ đối tác bền chặt hơn giữa Nga và ĐCSTQ.

Thật vậy, thỏa thuận không giới hạn giữa Trung Quốc và Nga đã tuyên bố rằng Nga sẽ công nhận các tuyên bố của ĐCSTQ đối với hòn đảo tự trị Đài Loan, và sẽ phản đối các tuyên bố rằng hòn đảo này độc lập theo bất kỳ cách nào.

Do đó, các biện pháp trừng phạt mới có thể sẽ có nguy cơ gia tăng hợp tác giữa ĐCSTQ và Nga, cũng như sự thù địch của họ đối với Hoa Kỳ.

Quả đúng như thế, nếu Hoa Kỳ cố gắng phá vỡ Nga bằng cách ngăn cách hoàn toàn nước này khỏi các thị trường toàn cầu, thì điều đó có thể sẽ tạo cho Nga và Trung Quốc động lực mà họ cần để tách khỏi trật tự quốc tế tự do một cách toàn diện, từ đó mở đường cho một nỗ lực hình thành nên một trật tự Âu Á mới để thay thế trật tự tự do.

Ông Anders Corr, nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, đã lập luận trong một bài bình luận gần đây rằng ông Tập đang theo dõi chặt chẽ Ukraine, và so sánh kết quả đó với con đường riêng của ông ta khi hướng tới việc ép buộc Đài Loan thống nhất với đại lục. Ông nói, bất cứ điều gì Hoa Kỳ chọn làm, thì ĐCSTQ sẽ rút kinh nghiệm và hành động theo đó.

Như ông Corr đã nói: “Ông Tập Cận Bình là người chiến thắng, cho dù ông Vladimir Putin có ồ ạt xâm lược Ukraine sớm hay không.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts