Nga xâm lược Ukraine và bệnh bại não của người Việt Nam

Nguyễn Hoàng Văn

Đại tá Lê Thế Mẫu, cựu trưởng phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng, được báo đảng dẫn lời ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin “làm thất bại chiến dịch chiến tranh thông tin của Mỹ và phương Tây”.

Tại sao vẫn có những người Việt lấy làm hể hả, thậm chí còn vận dụng đủ lý lẽ để biện minh hay ca ngợi hành động hoàn toàn vô pháp và vô đạo của chính quyền Putin?

Phải chăng đây là những kẻ mắc bệnh bại não, hệt như những người Trung Quốc ngu đần từng khiến Lỗ Tấn phẫn nộ, bỏ ngang nghề bác sĩ đang theo đuổi để chuyển sang cầm bút?

Khi còn là một sinh viên y khoa tại Nhật, đau đớn trước cảnh phim quay người Trung Quốc nhe răng ra cười giữa lúc lính Nhật hành hình một người Trung Quốc, vị bác sĩ tương lai này đã phẫn nộ bỏ con dao mổ để cầm lấy cây bút bởi, theo ông, nghề thuốc chỉ có thể chữa bệnh cho thể xác của con người trong khi cái mà dân tộc Trung Hoa cần là chữa những chứng bệnh đã di căn sâu trong tinh thần họ. [1]

Còn những con bệnh Việt Nam? Tôi chú ý đến bọn này từ năm 2014, khi chúng cười cợt thân phận tiểu quốc của Ukraine khi nước này bị Nga cướp trắng bán đảo Crimea rồi, sau đó, vào cuối năm 2018 khi nước này bị Nga tịch thu ba tàu chiến tại eo biển Kerch. [2]

Nếu những tiếng cười nhảm nhí chỉ đơn thuần thể hiện một nhận thức văn hóa và thẩm mỹ thấp kém thì phong thái khinh khỉnh trước sự khốn cùng của một nước yếu như Ukraine lại là triệu chứng của sự vong thân. Đây không đơn thuần là thứ tiếng cười schadenfreude, cái nụ cười mãn nguyện hay khoan khoái khi sự không may, mất mát chỉ xảy ra với người, không đến với mình. Cười khi một thân phận nhỏ yếu bị một thế lực mạnh hơn ức hiếp là cười ác. Nhưng sự ác độc ấy lại là một sự ngu đần khi thân phận bị ức hiếp ấy, thực chất, cũng chính là thân phận của chính mình, như là nạn nhân của sự sắp đặt địa lý – chính trị bởi Thượng Đế thì xa quá mà… Trung Quốc thì gần quá. [3]

Cái cung cách thú dữ mà Nga xử sự với Ukraine cũng chẳng khác gì cung cách mà Trung Quốc đã và đang xử sự với Việt Nam. Khoan nói đến chuyện công pháp quốc tế, là người Việt, chúng ta phải thấy được hình ảnh yếu thế của chính mình trong thân phận của Ukraine nên, do đó, lẽ ra phải đứng về phía của quốc gia nạn nhân này.

Thế nhưng họ lại a tòng với Nga, như đã từng cười cợt trên sự đau đớn và phẫn uất của Ukraine, từ tám năm qua.

Đâu 15 năm trước, trước khi chuyển nhà đến nơi cư trú hiện tại, tôi thường xuyên đến phòng tắm hơi tại một câu lạc bộ thể dục ở vùng Bankstown của Sydney và, tại đây, quen với một họa sĩ người Algeria. Anh này từng du học tại Liên Xô vào đầu thập niên 1980, sau thời thế quê hương thay đổi, anh ta vượt biển đến Úc xin tỵ nạn và rồi, qua những chặng đường gian nan, trở thành một giáo viên dạy hội họa tại trường TAFE, kiểu trường của Úc tương tự đại học cộng đồng của Mỹ. Một ngày kia, trong phòng tắm hơi, tôi chứng kiến cảnh anh ta gặp một người Afghanistan, và qua một hồi trò chuyện, phát hiện là cùng từng du học tại Leningrad (nay là Saint Peterburg) vào cùng thời điểm. Cả hai sôi nổi trao đổi những kỷ niệm cũ và rồi, anh chàng người Afghanistan chùng mặt xuống, nhìn anh chàng Algeria, giọng đầy hoài niệm: “It’s a beautiful time!”

Thời ấy, thập niên 1980, Afghanistan cũng như Algeria đều là những nước đói nghèo, và khi được chọn như là một sự đầu tư của Liên Xô cho nguồn nhân lực tương lai nhằm phục vụ những ý đồ địa lý chính trị, họ đã được đãi ngộ với những tiêu chí phúc lợi hoàn toàn tương xứng. Có thể, những thiếu niên từ những làng quê khốn khổ mới cảm thấy đổi đời trên “thiên đường cộng sản” để rồi đọng lại như một dấu ấn không bao giờ quên, suốt cả cuộc đời. Bây giờ tôi tự hỏi là anh chàng Afghanistan kia đang đứng về phía nào khi cái quốc gia từng ban cho anh ta một “beautiful time” giẫm lên công lý tự nhiên của nhân loại để cất quân xâm lược một nước khác? Và tôi tự hỏi là trong số những người Việt Nam đang bênh vực hành động vô pháp và vô đạo của Nga, có bao nhiêu người vẫn thầm mang ơn xứ sở này về cái “beautiful time” của tuổi thanh xuân?

Gì thì gì, mang ơn hay không mang ơn, tôi vẫn nghĩ về bọn này như là những con bệnh tinh thần của Lỗ Tấn.

Vạn nhất, nếu họ lành lặn, nếu trí não họ hoàn toàn tỉnh táo, thì đó là những kẻ vong thân. Họ không còn là người Việt Nam nữa, họ là người Nga hay, không chừng, họ sắp thành người Trung Quốc. Dù là mang họ Nguyễn của Nguyễn Trãi, họ Trần của Trần Hưng Đạo hay họ Lê của Lê Lợi, v.v mà không thấy được hiểm họa từ Trung Quốc, không thấy hiểm họa từ một cuộc xâm lăng có thể tạo ra một tiền lệ để Trung Quốc nuốt chửng mình, thì đó không còn là người Việt Nam nữa.

Nếu họ khăng khăng là họ vẫn, thì đó lại là một bọn ngu đần, ngu cực kỳ, ngu thượng hạng.

Chú thích:

Những ý trong bài này là một phần nhỏ trong tiểu luận “Tiếng cười vong thân”, đã đăng trên trang này.

Tiếng cười vong thân | Văn Việt (vanviet.info)

1 Lỗ Tấn đã theo học tại Học viện Y khoa Tiên Đài (Sendai Medical Academy) tại Nhật. Nhập học từ năm 1904, đến năm 1906 thì bỏ học để lao vào hoạt động văn học. Chuyện được kể lại trong lời nói đầu của tuyển tập tập truyện ngắn Gào Thét (Call to Arm), đề ngày 3/12/1922.

2 Hãy đọc các dòng tít trên báo mạng Sohanews:

“Tàu Nga đâm húc, nã đạn vào tàu Ukraine: Kiev đang ‘nhìn rau, nhưng muốn gắp thịt’?”

http://soha.vn/tau-nga-dam-huc-na-dan-vao-tau-ukraine-kiev-dang-nhin-rau-nhung-muon-gap-thit-20181126180347933.htm

hay: “Tuyên bố “hùng hồn, đanh thép” nhưng Hải quân Ukraine có còn gì đâu mà ra oai!”

http://soha.vn/tuyen-bo-hung-hon-danh-thep-nhung-hai-quan-ukraine-co-con-gi-dau-ma-ra-oai-20181126114953086.htm

3 Dẫn theo câu “Poor Mexico, so far from God, so close to The United States” của José de la Cruz Porfirio Díaz Mori (1830-1915), Tổng thống Mexico từ 1876 đến 1880 và 1884 đến 1911. Mori chết trong cảnh lưu vong tại Pháp.

Related posts