Xung đột Ukraine ngày thứ Tư: Ông Putin báo động sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, Đức tăng chi phí quốc phòng lên 2% GDP

Huyền Anh

Nước Nga của Tổng thống Putin sẽ mất nhiều hơn được trong cuộc chiến với Ukraine. (Getty)

Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine bước sang ngày thứ Tư, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin cho biết, các quốc gia NATO đã vượt qua ranh giới trong hành động của họ khi đưa ra các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào nước Nga cũng như bản thân ông. Trước động thái này, nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích Nga đồng thời tăng cường ‘đổ’ vũ khí đến Ukraine.

Diễn biến chính tình hình Ukraine ngày thứ Tư:

  • Giao tranh ác liệt tiếp tục bước sang ngày thứ tư, lực lượng quân đội Nga tiến vào Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 tại Ukraine.
  • Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo kế hoạch gặp một phái đoàn Nga tại biên giới Ukraine-Belarus sau cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko.
  • Trước đó, chính phủ Ukraine cho biết họ đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra cáo buộc chống lại Nga vì hành vi xâm lược của họ.
  • Các đồng minh châu Âu và Mỹ cáo buộc Điện Kremlin làm gia tăng căng thẳng sau khi Tổng thống Putin đặt hệ thống phòng thủ hạt nhân của Nga vào “tình trạng báo động đặc biệt”.
  • Cư dân ở thủ đô của Kyiv vẫn được đặt trong tình trạng giới nghiêm và chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo.
  • Người Nga đang chuẩn bị cho sự hỗn loạn tài chính trước khi thị trường mở cửa vào thứ Hai (28/2) sau khi các lệnh trừng phạt cứng rắn được công bố vào cuối tuần sẽ đóng băng các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
  • Đức tăng chi phí quốc phòng lên 2% GDP trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.

Tổng thống Nga Putin báo động sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân

Politico đưa tin, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng của mình và Tổng tham mưu trưởng quân đội đặt các lực lượng răn đe hạt nhân trong một “chế độ nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt”.

Phóng viên Diana Magnay của Sky News Moscow gọi động thái của ông Putin là một “động thái leo thang, cực kỳ kịch tính” và sẽ “thực sự, thực sự khiến mọi người lo lắng”.

Hành động của Putin tiếp tục leo thang khi đặt lực lượng hạt nhân của Nga vào “trạng thái gia tăng sự sẵn sàng chiến đấu”, theo CBS bình luận.

“Các nước phương Tây không chỉ có những hành động không thân thiện chống lại đất nước chúng ta trong lĩnh vực kinh tế, mà các quan chức hàng đầu của các thành viên hàng đầu của NATO đã đưa ra những tuyên bố gây hấn về đất nước chúng ta”, ông Putin nói.

Hoa Kỳ gọi ‘động thái hạt nhân’ của ông Putin là ‘hoàn toàn không thể chấp nhận được’

Hoa Kỳ đã phản ứng trước lệnh của Tổng thống Putin đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động “đặc biệt”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, gọi động thái này là “không thể chấp nhận được”.

“Tổng thống Putin đang tiếp tục leo thang cuộc chiến này theo cách hoàn toàn không thể chấp nhận được. Và chúng ta phải tiếp tục lên án hành động của ông ta theo cách mạnh mẽ nhất, mạnh mẽ nhất có thể”, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói, The Guardian cho hay.

Người dân Ukraine đi bộ chặn xe tăng Nga

Đây là một video cho thấy hình ảnh người dân Ukraine ngăn xe tăng Nga tiến lên bằng cách đi theo đoàn đông về phía chúng.

Video này được quay ở Koryukivka, thuộc vùng Chernihiv.

Đức tăng chi phí quốc phòng trong chuyển biến lớn

Thủ tướng kế nhiệm của Đức Olaf Scholz Ảnh: Bernd von Jutrczenka / AFP qua Getty Images

Đầu tuần này, Đức cũng xác nhận sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger tới Ukraine.

Ngoài ra, kho vũ khí của Bundeswehr (quân đội liên bang) được mở ra để chuyển 400 súng phóng lựu cho quân Ukraine.

Hôm Chủ Nhật (27/2), ngay trong Quốc hội, các nghị sĩ được triệu về, bỏ cả kỳ nghỉ cuối tuần cho phiên họp khẩn cấp, thông qua luật tăng chi phí quốc phòng của Đức lên hơn 2% GDP.

Ngay lập tức, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz (đảng cánh tả SPD) đã công bố lý do thay đổi chi tiêu quốc phòng của nước này là vì khủng hoảng Ukraine và vì hành động gây hấn, xâm lăng của Nga.

Trước Quốc hội Đức, ông cho biết 100 tỷ Euro sẽ được bổ sung vào ngân sách quân sự của Berlin trong năm nay, thêm vào chi tiêu dự toán 2021 là 50 tỷ.

Ông Scholz, người gặp riêng ông Putin trong tuần qua, nói “không còn ai nghi ngờ là Putin muốn lập ra một trật tự mới ở châu Âu và không e dè khi dùng bạo lực quân sự để đạt mục tiêu đó”.

“Chúng ta phải chống lại đe dọa đó ngay bây giờ hay để lại cho tương lai lo?” thủ tướng Đức đặt câu hỏi.

Trang Deutsche Welle chiều 27/02 gọi đây là thời điểm “Đức đảo chiều chính sách quân sự”.

Thủ tướng Scholz cho hay chính phủ sẽ đầu tư ngay 113 tỷ USD vào lĩnh vực vũ khí. Bắt đầu từ bây giờ, chi tiêu quân sự của Đức sẽ vượt qua mức mục tiêu 2% GDP do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra. Đây là một mục tiêu mà không người tiền nhiệm nào của ông có thể thực hiện được kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ông cho biết thêm rằng chính phủ sẽ tạo ra nguồn dự trữ khí đốt chiến lược và rót vốn xây dựng hai bến nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên bờ biển phía bắc đất nước.

Thủ tướng Scholz đồng thời thông báo về các kế hoạch mua sắm hệ thống vũ khí, cụ thể bao gồm quyết định mua máy bay không người lái hiện đại từ Israel và máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ, mà theo ông sẽ được sử dụng để tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân của NATO trước Nga.

Những biện pháp này cho thấy chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đang ảnh hưởng sâu sắc đến chính trường châu Âu sau gần 8 thập kỷ hòa bình gần như không gián đoạn trên lục địa này.

Hiện chưa rõ chính sách tăng cường quốc phòng của Đức sẽ được tiến hành, áp dụng ra sao nhưng các nhà quan sát đều nói với tiềm lực công nghệ rất cao, Đức có thể nhanh chóng sản xuất các loại tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng, phi cơ siêu hạng.

Quan trọng hơn, việc thay đổi chính sách có thể sẽ nới rộng hạn chế để Đức tăng quân số và bổ sung vào những lỗ hổng quốc phòng thời gian qua.

Huyền Anh

Related posts