Lê Minh
Muốn có quyền lực giống với thị trường đất hiếm toàn cầu, Trung Quốc đang nỗ lực trở thành kẻ có quyền định giá trên thị trường quặng sắt.
Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Trung Quốc (CISA) đã tiết lộ “Kế hoạch Nền tảng” của họ hôm 10/01, nhằm mục đích khai thác nhiều quặng sắt hơn trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, cũng như tăng cổ phần các mỏ khai thác và khai thác các nguồn thép phế liệu bên ngoài Trung Quốc. Kế hoạch này được coi là một phần trong nỗ lực dài hạn của Trung Quốc nhằm kiểm soát giá quặng sắt trên thị trường toàn cầu.
Hiện Trung Quốc phụ thuộc 80% vào nhập khẩu quặng thép
Theo China Metallurgical News, “Kế hoạch nền tảng” của CISA xác định mục tiêu cung cấp cho 3 nguồn tài nguyên chính là thép phế liệu, quặng sắt trong nước và quặng sắt ở ngoại quốc, lần lượt vào các năm 2025, 2030 và 2035. Kế hoạch này có sự tham gia của các công ty thép lớn hàng đầu ở Trung Quốc, đã được đệ trình lên Ủy ban Cải cách và Phát triển, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Tài nguyên và Bộ Môi trường.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 24,6% so với cùng thời kỳ năm 2021, một sự phục hồi mạnh sau 5 năm giảm liên tiếp, theo bảng khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chính do Tổng cục Hải quan công bố hôm 18/01/2022.
Trong khi đó, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu. Dữ liệu chính thức cho thấy nhập cảng quặng sắt và tinh quặng sắt giảm 3,9% so với cùng kỳ trong tháng 12/2021.
Trung Quốc hiện đang là nhà nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, quặng sắt nhập khẩu chiếm tới 80% nhu cầu trên toàn quốc, đã điều chỉnh chiến lược của mình trong những năm qua, nhằm giành quyền kiểm soát hơn nữa thị trường quặng sắt toàn cầu
Thêm nhiều công ty thép ‘siêu lớn’ được thành lập để cải thiện sức mạnh dẫn đầu
Một cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố gắng đạt được tiếng nói kiểm soát và ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm tài nguyên quốc tế là tạo ra nhiều tập đoàn “siêu khổng lồ” hơn. Vào tháng 01/2021, Securities Times dẫn lời một giám đốc điều hành của một công ty thép Trung Quốc cho biết: “Nếu 10 công ty thép hàng đầu của chúng tôi có thể đạt mức tập trung công nghiệp 60%, chúng tôi có thể nâng cao khả năng thương lượng của mình khi đàm phán với các đại gia quặng sắt ngoại quốc trong tương lai”.
Hoạt động mua bán và sáp nhập trong ngành thép Trung Quốc bắt đầu trong kế hoạch 5 năm cuối cùng (2016 – 2020). Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, bắt đầu vào năm 2021, đặt ngành công nghiệp nguyên liệu thô làm mục tiêu quan trọng, nhằm “hình thành hơn 5 cụm sản xuất tiên tiến đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực nguyên liệu thô”..
China Baowu Steel Group Limited (China Baowu) là một ví dụ, công ty này tuyên bố “là công ty dẫn đầu toàn cầu trong ngành thép và vật liệu tiên tiến” trên trang web chính thức của mình.
Ban đầu Công ty China Baowu được hình thành bởi việc sáp nhập Baosteel Group Ltd. và Wuhan Iron and Steel (Group) Corp vào tháng 12/2016. China Baowu sau đó đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc bằng một thương vụ sáp nhập nhượng quyền với Masteel Group vào tháng 09/2019, sáp nhập với Tập đoàn Taigang vào tháng 8/2020, tiếp quản Tập đoàn Thép Trung Quốc vào tháng 10 năm 2020 và bằng cách kiểm soát Chongqing Steel vào tháng 12/2020. Kết quả là trong vòng 4 năm, China Baowu đã trở thành một “siêu đại gia” trong ngành thép thế giới .
Tập đoàn xếp hạng tín dụng Chengxin của Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết trong phân tích triển vọng ngành thép Trung Quốc vào tháng 1/2022 rằng việc tái cơ cấu và hợp nhất các công ty thép trong nước có lợi cho sự tập trung của ngành và năng suất bùng nổ ở khu vực bờ biển phía đông nam sẽ thay đổi mô hình cạnh tranh, do đó hứa hẹn nhằm nâng cao hơn nữa tiếng nói trong mua sắm và khả năng kiểm soát chi phí của các công ty thép hàng đầu Trung Quốc.
Các công ty thép Trung Quốc phát triển khắp toàn cầu
Các công ty thép Trung Quốc được khuyến khích phát triển ở nước ngoài để giải quyết tình trạng dư thừa năng suất và ngăn chặn lượng khí thải trong đất nước, theo một bài báo lấy ý kiến được công bố hôm 04/02/2016 của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.
Bà Katherine Jiang, một nhà phân tích tài chính ở Hong Kong, nói với The Epoch Times: “Nhiều công ty tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã xây dựng một số lò luyện của họ ở Đông Nam Á và các nước ‘Vành đai và Con đường’ (BRI) khác để sản xuất ở ngoại quốc”. BRI là một dự án cơ sở hạ tầng do ĐCSTQ thúc đẩy như một phần của quá trình mở rộng mạnh mẽ ra bên ngoài biên giới của mình.
Bằng cách này, thay vì nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc, các công ty này có thể chế biến tại các lò luyện được xây dựng ở ngoại quốc, sau đó nhập cảng trở lại Trung Quốc. Bà Jiang nói: “Điều này sẽ giống như một mũi tên bắn chết hai con chim: vừa giảm tiêu thụ năng lượng trong nước vừa thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ [tiền tệ của Trung Quốc] nếu nó được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.”
Hôm 20/01/2021, China Baowu đã công bố mục tiêu đạt đỉnh carbon vào năm 2023, giảm 30% carbon vào năm 2035 và trung tính carbon vào năm 2050.
Baoshan Iron & Steel Company Limited là một trong 7 công ty niêm yết của China Baowu. Hôm 09/09/2021, Baosteel đã công bố một biên bản ghi nhớ với Công ty Dầu mỏ Quốc gia Ả Rập Saudi Saudi Aramco.
Cả hai bên sẽ hợp tác để xây dựng một nhà máy thép tấm dày theo quy trình, đẳng cấp thế giới: từ luyện quặng, luyện gang và thép, sau đó là đúc liên tục, cán nóng và các quy trình khác cho đến khi sản phẩm cuối cùng được tạo ra một tấm dày. Thông báo cho biết ý định hợp tác phù hợp với chương trình BRI của ĐCSTQ.
Chi phí sản xuất thép ở các nước trong BRI thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc do chi phí nguyên liệu, lao động, đất đai tương đối thấp và thuế thấp hơn. Theo trang web chính thức của China Baowu, đã có các dự án thép do công ty Trung Quốc đứng đầu chỉ tính riêng ở Đông Nam Á với công suất sản xuất hàng năm là 54 triệu tấn.
Trung Quốc gặp phải các vụ kiện chống bán phá giá trên phạm vi quốc tế
Các công ty thép Trung Quốc có hoạt động ở ngoại quốc đã bị điều tra bán phá giá. Tính đến tháng 09/2020, Trung Quốc đang phải đối mặt với 15 cuộc điều tra chống bán phá giá liên quan đến thép từ Liên minh Âu Châu và Úc, Thái Lan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ và 13 cuộc điều tra chống bán phá giá vào năm 2019, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Theo Công ty Luật Zhonglun vào năm 2021, Trung Quốc sẽ tiếp tục là nước phản ứng chính trong các cuộc điều tra về biện pháp phòng vệ thương mại toàn cầu, dựa trên các sản phẩm thuộc nhiều ngành khác nhau. Biện pháp phòng vệ thương mại là việc các nước thành viên WTO sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ nhằm duy trì thương mại công bằng và trật tự cạnh tranh bình thường, đồng thời cứu trợ các ngành sản xuất trong nước trong trường hợp bị thiệt hại do bán phá giá, trợ cấp, hoặc sự tăng trưởng quá mức của các sản phẩm nhập khẩu.
Hôm 06/01, Ủy ban Thuế quan Quốc gia Pakistan đã công bố quyết định xem xét chống bán phá giá lần đầu tiên mang tính khẳng định đối với thép cuộn, tấm cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, để tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong khoảng thời gian 5 năm.
Hôm 28/12/2021, theo S&P Global Platts, một nhà cung cấp thông tin hàng hóa và năng lượng có trụ sở tại London, bắt đầu từ hôm 25/12/2021, Malaysia áp thuế chống bán phá giá đối với sợi thép bê tông ứng suất trước, hoặc sợi PC, nhập khẩu từ Trung Quốc có tỷ lệ từ mức 21.72% trở lên trong 5 năm.
Trung Quốc giảm sản xuất phôi thép trong nước
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, ĐCSTQ tuyên bố rằng từ năm 2021 đến năm 2025, năng lực sản xuất phôi thép, xi măng và các nguyên liệu quan trọng khác sẽ giảm xuống chứ không tăng lên.
Kể từ năm 1996, năng lực sản xuất thép của Trung Quốc đã đứng đầu thế giới. Năm 2020, Trung Quốc sản xuất 1.053 tỷ tấn phôi thép, chiếm 57% sản lượng toàn cầu; nhưng vào năm 2021, quy mô sản lượng giảm xuống còn 1.033 tỷ tấn, giảm khoảng 32 triệu tấn hay 3% so với năm trước, theo số liệu chính thức của Trung Quốc.
Giảm sản lượng phôi thép là một chính sách của ĐCSTQ nhằm giảm sự phụ thuộc vào quặng sắt nhập khẩu, tờ Economic Daily cho biết trong một bài báo ngày 21/01 có tiêu đề “Kiểm soát sản xuất thép thô là điều bắt buộc”.
Theo bài báo, các doanh nghiệp Trung Quốc thiếu quyền định giá đối với các nguyên liệu đầu nguồn trên thị trường quặng sắt toàn cầu. Trong khi đó, lợi nhuận từ chu trình sản xuất thép dễ bị xói mòn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, vừa là một tổn thất vừa là một thất bại trong phát triển ngành.
Do Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào quặng sắt nhập khẩu, nên ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu thô cho các sản phẩm thép đang có nhu cầu cao trong nước. Tuy nhiên, nếu những mặt hàng nhập khẩu với giá cao này được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thép ở ngoại quốc, điều đó có nghĩa là các mỏ ngoại quốc sẽ thu lợi nhuận, trong khi lượng khí thải được để lại ở Trung Quốc, bài báo chính thức cho biết.
Ủy ban Thuế của Trung Quốc đã bãi bỏ các khoản giảm giá xuất khẩu đối với một số sản phẩm thép và tăng thuế xuất khẩu đối với crom và gang tinh khiết lên lần lượt là 40% và 20%, có hiệu lực từ hôm 01/08/2021. Ngoài ra, giảm thuế xuất khẩu đối với thép cán nguội và thép tấm tráng, thép điện và ống dẫn dầu mỏ về mức thuế suất 0%.
Một lý do khác để Trung Quốc giảm sản lượng phôi thép là lo ngại về lượng khí thải carbon. Năm 2020, ngành thép của Trung Quốc chiếm khoảng 15% tổng lượng khí thải carbon của cả nước và hơn 60% tổng lượng khí thải carbon từ thép của thế giới theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Lê Minh
(Theo The Epoch Times)