“NGƯỜI TÌNH CỦA PHU NHÂN CHATTERLEY”: Cuộc phiêu lưu tình ái bất tận

Lệ Thu

Bộ phim “Người tình của phu nhân Chatterley” (L’Amant de lady Chatterley) đã thắng 6 giải César năm 2007 của Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật và Kỹ Thuật Điện Ảnh Pháp. academie-cinema.org

Khởi nguồn từ cuốn thiểu thuyết đình đám của nhà văn người Anh, D.H.Lawrence, bộ phim của nữ đạo diễn, kiêm đồng biên kịch Pascale Ferran đã biến một câu chuyện được coi là có “tính khiêu dâm” kinh thiên động địa vào những năm 1920 của thế kỉ trước trở thành một bản tình ca diệu vợi, lãng mạn và lại vô cùng toàn vẹn.

Tiểu thuyết có tới ba bản khác nhau, trong đó, bản mà nữ đạo diễn người Pháp lựa chọn để chuyển thể là bản dịu dàng nhất, có tên là “John Thomas và Lady Jane” hay còn có tựa khác là “Tenderness”. Bộ phim “Người tình của phu nhân Chatterley” (L’Amant de lady Chatterley) với độ dài 2 tiếng 48 phút đã chiến thắng một cách thuyết phục 6 giải Cesar năm 2007 của Viện hàn lâm nghệ thuật và kỹ thuật điện ảnh Pháp và nhiều giải thưởng khác bởi sự “nhạy cảm cao cộng với sự biểu cảm trong sáng và một thủ pháp điện ảnh tài ba”, như một nhà phê bình phim đã nói.

Tác phẩm tuyệt vời này giống như một bức tranh tuyệt mỹ, vừa miêu tả thiên nhiên đất trời ở vùng Lincolnshire, vừa là âm hưởng một cuộc tình đơn giản tự nhiên như hơi thở. Không có những ghen tuông, cút bắt, giật gân hay những bí mật lớn lao, chuyện tình tay ba chỉ dừng lại ở những xúc cảm mãnh liệt, khao khát sẻ chia trong nỗi cô đơn. Đó là Connie, phu nhân của Ngài Chatterley, vô tư , trong sáng; là Ngài Clifford Chatterley bị liệt nửa thân dưới sau chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng luôn yêu thương vợ mình, luôn tìm mọi cách làm cho cô được hạnh phúc và là Parkin – gã gác vườn cục mịch đơn giản si mê. Họ đi qua đời nhau chỉ thế thôi, song cũng đủ để lại trong nhau những dấu ấn thật sâu đậm khó phai, không bao giờ có thể kết thúc.

Khát khao từ nỗi cô đơn

Người ta dễ dàng nhận ra ở những cảnh đầu phim là một Connie lạc lõng giữa những người khách của chồng. Để khỏa lấp nỗi buồn, lâu đài rộng lớn này thường xuyên đón khách và Clifford sẽ nói chuyện với họ cho tới khi mệt lả, thậm chí vài ngày sau đó, anh sẽ không thể gượng dậy nổi. Mọi sự chăm sóc đều đến từ bàn tay của Connie, tới mức, có lúc cô đã bị suy nhược. Cơ thể cô hoàn toàn khỏe mạnh nhưng tinh thần kiệt quệ bởi sự cô độc và đơn điệu lặp đi lặp lại hàng ngày. Người đàn bà còn trẻ, đẹp, gương mặt vuông mạnh mẽ với đôi mắt mở to thậm chí đã cảm thấy sợ sệt khi vô tình bắt gặp người gác vườn đang tắm ở ngôi lều của anh ta phía bên kia khu rừng. Cô đã bỏ chạy… liệu có phải vì cô sợ? Hay đơn giản, chỉ là đã lâu, Connie chưa được thấy một người đàn ông “thật”?  

Còn Parkin, anh chàng gác vườn một mình lầm lũi trong rừng kia hóa ra cũng có một số phận trớ trêu. Sự cô độc tách biệt anh với gia đình, với mẹ và với cả người đang là vợ hợp pháp trên giấy tờ của anh. Từ thuở bé, mẹ Parkin đã luôn chê trách con trai “không có điều gì giống với đàn ông”, tỏ ra khinh thường và không hề gần gũi cảm thông với con. Đám cưới của Parkin cũng là một sự kết hợp thiếu vắng tình yêu, để rồi, không lâu sau đó, người vợ đã bỏ anh để đến ở với một người thợ mỏ. Tình thế ấy đẩy Connie và Parkin đến với nhau như là “một việc không thể tránh khỏi”, ban đầu chỉ là thể xác và sau đó là cả tâm hồn.

Khi thấy vợ đã quá rệu rã, dưới sự gợi ý của cô em gái vợ, Clifford chấp nhận thuê người về chăm sóc mình, lúc này, Connie mới có thời gian của riêng cô. Và cũng kể từ giây phút đó, bốn mùa ùa về với lâu đài, với Connie. Cô hòa vào với thiên nhiên, với khu rừng, dành thời gian tìm hiểu nó. Hầu như ngày nào Connie cũng đến chiếc lều của Parkin, chăm sóc cây cối, ngắm đàn chim di cư về cánh rừng. Người ta thấy được cái khao khát một gia đình và một cuộc sống đơn giản của Connie khi cô tự tay làm vườn và cùng Parkin chăm chút cho lũ chim nhỏ. Rồi từ ánh mắt cô nhìn ngắm Parkin, người ta đoán, Connie đang yêu cái cách một người đàn ông vận động, một người đàn ông “thật”.

Và việc “không thể tránh khỏi” đã xảy đến, như là cách nói của Parkin sau cái lần đầu tiên họ tới với nhau. Một người không ân hận, còn một người thì hạnh phúc.  

Mùa yêu đương

Sự thành công của bộ phim phải kể đến là những khuôn hình tuyệt mỹ, trong một chất dịu dàng lãng đãng tiêu biểu phong cách Pháp, màu sắc dệt nên cảm xúc cho người xem thật quá sức tưởng tượng. Người ta hình dung như đang lật từng trang tiểu thuyết bằng hình, ngắm những khung cảnh đang tác động vào tâm hồn nhân vật vô cùng từ tốn nhưng mạnh mẽ không tưởng.

Mùa Đông đến, khi băng còn phủ kín mặt hồ, trên những rặng cây, màu trắng lạnh lẽo khiến Connie phát bệnh. Nhưng đó cũng là lý do giúp cô được giải thoát khỏi cuộc sống nhạt nhẽo vô vị để tiến dần tới mùa Xuân mới.

Xuân sang, khi những gốc hoa thủy tiên vàng nở rực rỡ cả cánh rừng, ngập tràn xung quanh lều của Parkin, là lúc họ gặp nhau. Lần đầu tiên, có những ngỡ ngàng, bẽn lẽn của người đàn bà đã lâu không còn được cảm giác yêu đương ân ái trong Connie và cũng là những khao khát nóng bỏng mơn mởn bị lãng quên. Họ gần nhau như lửa gần rơm. Có lúc Connie đã muốn dừng lại, một vài sự giằng xé len lỏi trong cô, giữa một bên là người chồng tội nghiệp, một bên là Parkin. Nhưng rồi, cái hừng hực tuổi trẻ, cái mùa xuân tươi mới gợi trong Connie một mong ước khác, lớn lao hơn, ấy là khát vọng được làm mẹ. Cô lại tìm tới Parkin và một cách trong sáng thuần khiết nhất, cô hỏi “có cần phải cảm ơn anh vì đã làm chuyện đó với tôi không”. Dường như, lúc này, giữa họ vẫn chỉ là những sự đụng chạm thể xác đặt bên ngoài cảm xúc.  

Rồi Hạ tới, nóng bỏng, ngọt ngào, thiêu rụi tất cả những rào cản giữa một phu nhân với một gã làm vườn. Mọi thứ biến thành tình yêu, rất nhanh. Connie rõ ràng không thể tách linh hồn ra khỏi thể xác, không thể ái ân mà không Yêu. Thế nhưng, với Connie, đó vẫn là thứ tình cảm trong sáng không tì vết, không một vẩn đục hay nhơ nhớp. Khi Clifford thắc mắc rằng đang có những lời đồn thổi về việc cô muốn có con thì Connie đã khẳng định đúng là cô đang tìm kiếm một đứa bé, đứa con của riêng mình. “Đứa con của em”.

Câu trả lời nghe có vẻ rất vô lí ấy đã được Connie thốt lên một cách vô tư nhất. Không những thế, lúc Clifford ý tứ cho rằng cần có sự hòa hợp giữa đàn ông và đàn bà thì mới có con được, Connie đã khẳng định “một thân thể này cũng tốt như một thân thể khác”. Trong tâm tưởng của người phụ nữ luôn hướng tới sự bình đẳng, không thích làm chủ người khác, thân thiện với tất cả người giúp việc này thì rõ ràng điều quan trọng nhất là đạt được hạnh phúc của mình.  

Trường đoạn thể hiện rõ nét tư tưởng của phim có lẽ là đoạn Connie và Parkin hoàn toàn ở trần chạy đuổi nhau dưới mưa rồi đưa nhau vào lều ân ái và tặng cho nhau những bông hoa dại trên khắp cơ thể. Lần đầu tiên, họ sẵn sàng ngắm nhìn nhau không một chút ngại ngùng e dè, trái ngược hẳn với những lần họ đến với nhau trước đó. Cơ thể con người là quà tặng của tạo hóa và tình dục là một phần không thể thiếu, cũng giống như tình yêu. Nó là điều vô cùng tự nhiên, như thiên nhiên, như bốn mùa mưa nắng, như trời và đất, là sự giao hòa bất luận đúng sai.

Cuộc phiêu lưu bất tận
Có lẽ vì tư tưởng ấy nên những người đàn ông trong phim cũng hiện lên dịu dàng hơn, cảm thông hơn. Là một chủ mỏ than, một người giàu có và có quyền lực, Clifford thừa hiểu những chuyện đang xảy ra với vợ mình. Nhưng, ẩn sâu bên trọng, bản thân anh vốn đã mất hoàn toàn sự tự tin nên tình yêu anh dành cho Connie có lẽ là bù đắp cho hạnh phúc mà anh không thể mang lại cho cô.

Chi tiết này thể hiện mạnh và rõ nhất ở đoạn Clifford cho lắp động cơ vào ghế đẩy để tạo ra một chiếc xe tự động, có thể đưa anh đi dạo chơi cùng vợ. Khi hai người lên tới ngang đồi để trở về nhà, cái máy đã dừng lại. Việc anh cố làm cho cái máy hoạt động trở lại, hay bảo thủ không chịu gọi giúp đỡ, không cho ai đẩy xe cho mình chỉ là thể hiện nỗi chán chường tuyệt vọng vào hoàn cảnh của mình và sợ bị thương hại mà thôi. Hay ở cuối phim, sau khi Connie trở về từ chuyến nghỉ hè cùng gia đình cô, Clifford cũng cố gắng tự đi bằng nạng để cho vợ thấy mình vẫn là người đàn ông “thật”, có thể làm cho cô hạnh phúc. Thậm chí, anh sẵn sàng chấp nhận việc vợ có một đứa con ở bên ngoài và chuẩn bị tâm thế làm người cha hợp pháp của đứa trẻ.

Với Parkin cũng vậy. Sau cùng, anh lựa chọn ra đi dù biết Connie đang mang trong mình đứa con của anh và sẽ vẫn sẵn sàng trở về nếu một lúc nào đó cô còn cần tới anh. Connie tình nguyện dâng hiến cả tiền bạc để giúp Parkin có cuộc sống tốt hơn nhưng anh từ chối. Chuyến phiêu lưu của họ chưa có điểm dừng, chỉ là vào giây phút này, họ cần phải xa nhau.

Nếu để nói một câu về “Người tình của phu nhân Chatterley”, xin được trích lời từ cuốn tiểu thuyết “John Thomas và Lady Jane” của D.H.Lawrence… “Đôi chân chạm đất, các ngón tay sờ soạnh thân cây, bàn tay chạm vào một người… Đó là đời sống. Chừng nào chúng ta còn tồn tại thì bằng sự tiếp xúc, chúng ta cùng nhau sống”.

Related posts