Người Mỹ gốc Nga và Ukraine cầu nguyện cho hòa bình trong cuộc xung đột

Người dân tập trung tại Nhà thờ Cộng đồng Trabuco Canyon để cầu nguyện cho Ukraine ở Trabuco Canyon, California, hôm 05/03/2022. (Ảnh: John Fredericks/The Epoch Times)

“Tôi đã khóc cạn nước mắt hơn một tuần nay,” cô Alyona Nickelsen nói với The Epoch Times: 

“Thật không thể chịu nổi khi nghe và chứng kiến những gì đang xảy ra ở Kyiv và Chernihiv, nơi tôi sinh ra, và ở phần còn lại của Ukraine với tất cả người thân và bạn bè của tôi ở đó. … Đó chính xác là một nỗi kinh hoàng vượt xa những cơn ác mộng tồi tệ nhất của quý vị.”

Cựu cư dân miền Nam California sinh ra ở Ukraine hiện đang sống ở Texas chia sẻ cảm xúc tương tự với nhiều người Mỹ gốc Ukraine khác, những người đang cố gắng đối diện với cuộc xâm lược quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào quê hương của họ.

Cố hương của cô Nickelsen nằm cách thủ đô Kyiv 88 dặm (khoảng 142 km) về phía đông bắc, nơi nhiều cư dân đang chờ đợi trong sự bất ổn khi bom của Nga dội từ bầu trời xuống vùng đất Ukraine.

“Chúng ta cần đóng cửa không phận Ukraine và tuyên bố vùng cấm bay! Nếu chúng ta không thể làm điều đó, ít nhất chúng ta hãy cung cấp cho họ một hệ thống phòng thủ (hỏa tiễn) Patriot để tự vệ khỏi các cuộc tấn công!”

Hôm 23/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo rằng quân đội Nga sẽ bắt đầu cái mà ông gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt,” tuyên bố rằng Nga sẽ đáp ứng lời kêu gọi của các khu vực ly khai Donbas ở miền đông Ukraine. Ông tuyên bố rằng Nga không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.

Ông Putin đã kêu gọi các lực lượng vũ trang Ukraine hạ vũ khí với lời đe dọa đáp trả quân sự của Nga, và ngày hôm sau, các vụ nổ đã được nghe thấy ở các thành phố lớn bao gồm cả Karkiv và thủ đô Kyiv.

Các lực lượng quân sự Nga kể từ đó đã tiến hành các cuộc tấn công trên khắp đất nước, trong khi quân đội đã tiến vào Ukraine từ các biên giới phía bắc, phía đông và phía nam của quốc gia này. Liên Hiệp Quốc đã báo cáo rằng hàng trăm dân thường đã thiệt mạng.

Phía bên kia địa cầu, tại một nhà thờ nhỏ trên đồi Trabuco Canyon, California, những người Mỹ gốc Ukraine đã tập trung cùng với cư dân Quận Cam để cầu nguyện cho đất nước của họ – giờ đã bước sang tuần thứ hai kể từ cuộc xâm lược quân sự toàn diện của Nga. Tại buổi cầu nguyện tối thứ Sáu tại Nhà thờ Cộng đồng Trabuco Hills, vài chục thành viên và khách mời đã tập họp lại trong tình đoàn kết với Ukraine bằng cách tổ chức một buổi cầu nguyện, bắt đầu bằng việc giáo dân Paul Holgate đọc sách Isaiah.

Người dân tập trung tại Nhà thờ Cộng đồng Trabuco Canyon để cầu nguyện cho Ukraine ở Trabuco Canyon, California, hôm 05/03/2022. (Ảnh: John Fredericks/The Epoch Times)

“Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho các gia đình ở đó, những người mẹ, những đứa trẻ, và sự sáng suốt trong lãnh đạo,” ông cầu nguyện từ bục giảng kinh.

“Chúa ban cho họ sức mạnh cho ngày mai, và sức mạnh cần thiết. Xin Chúa ban bình an cho họ.”

Một vài bài hát sau đó, một mục sư người Mỹ gốc Ukraina tên là Vlad Kanashin đã nói trên bục giảng về câu chuyện của ông từ Ukraine và mối liên hệ của ông với nhà thờ nhỏ của Mỹ cách quê hương ông hàng ngàn dặm này.

“Người Mỹ rất tuyệt vời vì họ luôn muốn giúp đỡ. Họ muốn gửi tiền và đồ dùng,” ông Kanashin nói.

“Nhưng điều thực sự cần thiết lúc này ở Ukraine là cầu nguyện.”

Ông Kanashin, người thường xuyên liên lạc với gia đình trong nước, đã thuật lại những điều kỳ diệu xảy ra trên chiến trường.

Ông nói: “Chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm xe tăng dừng lại mà binh sĩ Nga không biết tại sao.”

“Các phương tiện đều hết xăng. Một màn sương mù dày đặc sẽ xuất hiện và khiến những người lính hoang mang. Mọi người sẽ bị lạc. Đây là những điều đang xảy ra.”

Sau khi hát một bài hát thể hiện sự tôn kính bằng tiếng Ukraina với các thành viên của nhà thờ, giáo dân Inga Augular, người sinh ra ở Ukraine, tiếp tục khuyến khích những người tham dự về tầm quan trọng của việc cầu nguyện với những thông tin từ gia đình tại thực địa.

“Tin tức mà tôi mong đợi mỗi ngày là liệu các anh chị em của tôi ở Ukraine vẫn còn sống,” anh Augular nói.

“Tin tức ở đó thật kinh hoàng, nhưng còn tồi tệ hơn đối với những người không có Chúa trong cuộc đời của họ. … Ukraine cần biết rằng họ không đơn độc, vì vậy hãy tiếp tục cầu nguyện! ”

Sau đó anh Augular cùng với ông Kanashin và những người Mỹ gốc Ukraine khác hát bằng cả tiếng Ukraina và tiếng Anh. Đồng thời, nhà thờ lấp đầy khán phòng nhỏ với âm nhạc thờ phượng mang lại cảm giác hy vọng giữa những thảm kịch chiến tranh đang rình rập.

Ở Nga, một người đàn ông dưới bút danh Vance và gia đình gần đây đã đưa ra quyết định rời khỏi đất nước vì sự an toàn của chính họ, trong khi nhiều người Nga lo lắng cho người dân Ukraine và không đồng ý với các quyết định của các nhà lãnh đạo của họ trong cuộc xâm lược Ukraine.

“Nhiều người có hiểu biết hoàn toàn phản đối cuộc chiến này. Họ không ủng hộ cuộc xâm lược hay chính phủ của ông Putin, nhưng có rất nhiều người chỉ nhận được tin tức và thông tin về thế giới từ các kênh truyền hình và đài phát thanh thuộc sở hữu liên bang và nhiều người dân Nga chưa bao giờ ra nước ngoài và không nhận ra rằng cuộc sống có thể khác với sự nghèo đói mà họ có ở những vùng nông thôn của Nga,” ông Vance nói với The Epoch Times.

“Họ được dạy để đổ lỗi cho Âu Châu và Hoa Kỳ trong điều kiện tồi tệ của họ.”

Một người bị bắt giữ trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, ở Yekaterinburg, Nga, hôm 06/03/2022. (Ảnh: theo Bản tin Reuters)

Trong vài ngày qua, ông Vance và gia đình đã quyết định rời khỏi Nga do lo ngại về sự an toàn, cùng với nghi ngờ về một cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới và những hạn chế khác sẽ ảnh hưởng đến tự do của họ.

“Mỗi năm, việc phản đối và tự do lên tiếng chống lại chính phủ ngày càng trở nên khó khăn hơn và nguy hiểm hơn. Họ đã biến việc đe dọa người dân của họ trở thành một chiến thuật chính,” ông Vance cho biết.

“Từ lâu tôi đã cảm thấy rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn sắp xảy ra và cảm thấy rằng chính phủ sẽ cần một cái cớ để đổ lỗi cho tất cả các vấn đề này cho một điều gì đó không ngờ tới… Tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đó sẽ là một cuộc chiến với Ukraine.”

Trở lại miền Nam California, ông Bogdan Kipko, 37 tuổi, mục sư Nhà thờ Forward ở thành phố Irvine, cảm thấy được Chúa kêu gọi dẫn dắt giáo đoàn của mình cầu nguyện và hành động vì Ukraine.

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng cả thế giới đều đồng ý rằng đây là thời gian để cầu nguyện và đây là thời gian để giúp đỡ,” Mục sư Kipko nói với The Epoch Times.

“Chúng tôi đang cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị làm những gì đúng đắn, và chúng tôi đoàn kết với người dân Ukraine, chúng tôi sát cánh với họ và bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm ở đây trên vùng đất Irvine này, chúng tôi sẽ làm điều đó.”

Mục sư Kipko, sinh năm 1985 tại Liên Xô, cùng gia đình nhập cư vào Hoa Kỳ để tị nạn vào năm 1992 do chính quyền cộng sản Liên Xô đàn áp dữ dội đức tin Cơ đốc của họ. Nhà thờ của ông có rất nhiều giáo dân từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Nga và Ukraine.

“Một trong những điều mà chúng tôi sẽ làm cùng nhau với tư cách là một nhà thờ là hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính và cũng cung cấp nhân lực bằng cách giúp chú của vợ tôi Veronica đóng gói vật tư y tế để chuyển đến đó,” ông Kipko nói.

Một nhóm người di tản chờ đợi tại điểm tập kết của họ sau khi đến nơi trú ẩn trong một cuộc không kích ở Kyiv, Ukraine. (Ảnh: Được sự cho phép của James Judge, Chiến dịch Dynamo)

“Chúng tôi động viên tinh thần những nạn nhân qua lời cầu nguyện, và chúng tôi muốn cung cấp viện trợ nhân đạo nhiều nhất có thể.”

Một cựu thành viên của đội thờ phượng tại nhà thờ của ông Kipko hiện đang ở Ukraine, nơi anh đang chở phụ nữ và trẻ em bằng xe buýt đến biên giới Ba Lan để giúp họ đi đến nơi an toàn. Anh và ông Kipko đã liên lạc với nhau, và anh đã gọi điện vào ngày 06/03 để cập nhật cho nhà thờ về tình hình hiện tại của đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này.

“Bây giờ anh ấy đang ở Ukraine, và tôi vừa hỏi anh ấy xem liệu có thể và liệu anh ấy có cơ hội để nói chuyện với những giáo dân của chúng tôi trực tiếp từ nơi anh ấy đang ở hay không, chỉ để chia sẻ với chúng tôi những gì đang diễn ra,” ông Kipko nói. “Anh ấy mới nhắn tin lại cho tôi và nói, Được chứ!”

“Kyiv sớm hơn chúng ta 10 tiếng, vì vậy sẽ là 8 giờ tối theo giờ của anh ấy.”

Khi thương vong quân sự và dân sự gia tăng, ông Kipko tìm thấy niềm khích lệ giữa hỗn loạn từ sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ mà mọi người trên toàn thế giới dành cho Ukraine.

“Chúng tôi không chỉ là những người chỉ theo dõi cuộc chiến trên Fox News hay CNN,” ông nói. “Không phải, họ là những con người thực mà cá nhân chúng tôi quen biết, họ là những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.”

Tính đến ngày 02/03, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov tuyên bố rằng quân đội Nga đã chịu 498 thương vong và 1,597 người bị thương.

Hơn 1.2 triệu công dân Ukraine được cho là đã rời khỏi đất nước.

“Chúng tôi hòa vào dàn đồng ca cầu nguyện cho tình cảnh của người dân Ukraine. Chúng tôi chia sẻ nỗi đau cùng họ và chúng tôi tiếc thương cùng họ,” ông Kipko nói.

“Và ngay lúc này đây, ở nước Mỹ, chúng tôi muốn làm mọi thứ có thể để hỗ trợ họ cả về vật chất và tinh thần.”

Anh John Fredricks là một ký giả của The Epoch Times ở California. Các bài phóng sự và báo ảnh của anh đã được xuất bản trên nhiều ấn phẩm đoạt giải thưởng trên khắp thế giới.

Nguyễn Lê biên dịch

Related posts