Trung Quốc có thể là nước đầu tiên tận dụng nguồn năng lượng và nguyên liệu thô không thể chạm đến của Nga sau khi Hoa Kỳ quyết định cấm nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga vào thứ Ba (8/3).
Bloomberg News đưa tin, chính phủ Trung Quốc đang thảo luận với các công ty quốc doanh của mình về khả năng mua sạch năng lượng và hàng hóa bị định giá thấp của Nga, cũng như tăng cổ phần của họ trong các công ty Nga như gã khổng lồ khí đốt Gazprom và nhà sản xuất nhôm Rusal. Gazprom là công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới được niêm yết công khai, còn Rusal là nhà kinh doanh nhôm lớn thứ hai thế giới tính theo sản lượng.
Các quan chức ở Bắc Kinh được cho là đã nói chuyện với đại diện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc, Tập đoàn Nhôm Trung Quốc và Tập đoàn Minmetals Trung Quốc về các cơ hội đầu tư vào các công ty Nga. Tuy nhiên vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra công khai.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định xâm lược nước láng giềng Ukraine đã khiến phương Tây áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow. Đồng rúp đã rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại và chứng khoán Nga trên thị trường nước ngoài đã giảm xuống gần bằng không. Trong khi đó, Sàn Giao dịch chứng khoán Moscow vẫn đóng cửa, sau khi mất đi 1/3 giá trị kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu vào ngày 24/2.
Nhiều người đã rất ngạc nhiên trước quyết định rút khỏi thị trường Nga của các tập đoàn tư nhân lớn trên thế giới, chẳng hạn như các gã khổng lồ năng lượng BP, Shell, và ExxonMobil. Các tập đoàn này đã công bố kế hoạch rút vốn khỏi các doanh nghiệp Nga trị giá hàng tỷ đô la. Cho đến nay, hơn 200 công ty của Mỹ và châu Âu, trong đó có nhiều công ty tên tuổi, đã rút khỏi Nga.
BP dự kiến sẽ phải chịu một khoản phí lên đến 25 tỷ đô la do quyết định bán gần 20% cổ phần của mình trong công ty dầu khí Nga Rosneft. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, BP có thể khó tìm được người mua số cổ phần này.
Ngay từ đầu, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phản đối và không tham gia vào các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với Nga. Bắc Kinh vẫn cam kết sẽ tiếp tục giao thương bình thường với Moscow, viện dẫn đây là lợi ích của hai bên. Giới lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể gây tổn hại cho các nước thứ ba vốn bị mắc kẹt trong các chuỗi cung ứng phức tạp của thế giới
Tuy nhiên, theo bài báo của Bloomberg, Trung Quốc sẽ không hỗ trợ nền kinh tế Nga chống lại các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, thay vào đó quốc gia cộng sản này có thể nắm bắt cơ hội để làm tăng thêm sự phụ thuộc kinh tế của Moscow vào Bắc Kinh, mặc dù Nga đã phụ thuộc kinh tế rất nhiều vào Trung Quốc. Trung Quốc đã là đối tác mua bán hàng hóa lớn nhất của Nga.
Trích dẫn một nguồn tin giấu tên, Bloomberg nhận xét: “Bất kỳ thỏa thuận nào [giữa Trung Quốc với Nga] cũng sẽ nhằm đẩy mạnh việc nhập khẩu của Trung Quốc bởi vì họ [Trung Quốc] đang tăng cường tập trung vào an ninh năng lượng và lương thực, chứ không phải để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.”
Bài báo của Bloomberg lưu ý, các cuộc đàm phán giữa các công ty Trung Quốc và Nga đã bắt đầu, nhưng chưa có thỏa thuận nào được ký kết. Trong bối cảnh chi phí năng lượng và nguyên liệu thô ngày càng tăng, động thái này của Trung Quốc, một trong những quốc gia sản xuất đói nguyên nhiên liệu nhất thế giới, sẽ có vẻ thực tế.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga đã được thực hiện đơn phương, do các đối tác châu Âu của Hoa Kỳ vẫn chưa tham gia vào gói trừng phạt toàn diện đối với Nga bởi vì các quốc gia này vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng do Moscow cung cấp. Tuy nhiên cả Anh và EU đã công bố kế hoạch giảm nhập khẩu năng lượng của Nga.
Đầu tuần này, Điện Kremlin đã cảnh báo, việc phương Tây cấm nhập năng lượng của Nga có thể khiến giá dầu tăng lên hơn 300 đô la một thùng. Tuần này, giá dầu vẫn đang dao động trong khoảng 120 đến 130 đô la một thùng.
Tổng thống Biden đã nói với công chúng Mỹ rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga nhằm trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine sẽ đòi hỏi sự hy sinh.
Hôm 8/3, phát biểu với tờ The New York Times, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cảnh báo, các công ty Trung Quốc bị phát hiện xuất khẩu sang Nga vi phạm các biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ có thể bị trừng phạt.
Gia Huy (Theo Newsweek)