Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu: Đâu là trách nhiệm của Trung Quốc?

Thanh Tâm

Bên trong một trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc.

Trung Quốc đang phải đối mặt với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của mình do lệnh phong tỏa từ chính sách Zero-Covid. Khủng hoảng có thể trở nên tồi tệ hơn khi mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra dự luật lưỡng đảng để buộc các doanh nghiệp Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu có lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng.

Đạo luật chứng nhận doanh nghiệp không sử dụng lao động cưỡng bức

Các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Josh Hawley và Kirsten Gillibrand, vào ngày 8 tháng 2, đã ban hành đạo luật nhằm vào lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu và yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia phải có trách nhiệm với vấn đề này.

Đạo luật chứng nhận doanh nghiệp không sử dụng lao động cưỡng bức (Slave-Free Business Certification Act) thiết lập các yêu cầu mới về công bố chuỗi cung ứng của công ty, yêu cầu kiểm toán thường xuyên, yêu cầu các CEO cam kết công ty không sử dụng lao động cưỡng bức và đưa ra các hình phạt nghiêm khắc đối với những công ty không đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu về nhân quyền.

Dự luật được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với sự gia tăng giám sát từ các cáo buộc về lao động cưỡng bức và các trại tập trung ở khu vực Tân Cương.

Hai nhà lập pháp tuyên bố rằng lao động cưỡng bức vẫn đang tồn tại trong bóng tối, làm bại hoại chuỗi cung ứng toàn cầu và hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Việc tiếp tục tồn tại lao động cưỡng bức không chỉ là biểu hiện của sự vô nhân đạo, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng cho người lao động Mỹ và các nhà sản xuất nội địa bởi vì họ buộc phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ được sản xuất bằng sự bóc lột lao động, tức là một sân chơi không bình đẳng.

Trong tuyên bố của mình, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hawley nói:

“Nạn lao động cưỡng bức toàn cầu phải chấm dứt và các tập đoàn đa quốc gia đồng lõa với sự vô nhân đạo này sẽ phải chịu trách nhiệm. Đạo luật chứng nhận doanh nghiệp không sử dụng lao động cưỡng bức của lưỡng đảng thực hiện các bước quan trọng để giúp chuỗi cung ứng của Mỹ không còn tình trạng lao động khổ sai, bảo vệ người lao động Mỹ cũng như chấm dứt nạn bóc lột lao động trên toàn cầu”.

Trong một báo cáo, NBC News cũng dẫn lời Thượng nghị sĩ Dân chủ Gillibrand: “Dự luật này là một bước quan trọng nhằm chấm dứt việc sử dụng lao động cưỡng bức bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về những người lao động được sử dụng trong suốt chuỗi cung ứng của họ”.

Dưới đây là một số nội dung của Đạo luật chứng nhận doanh nghiệp không sử dụng lao động cưỡng bức:

  • Buộc các tập đoàn lớn tiết lộ các bước họ đang thực hiện để xóa bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng sản xuất của họ.
  • Chỉ đạo các công ty này phải tiến hành các cuộc kiểm toán độc lập nghiêm ngặt hàng năm để đảm bảo họ không đồng lõa với tội phạm lao động cưỡng bức và buôn bán lao động, kể cả thông qua các nhà cung cấp của họ.
  • Yêu cầu các công ty này nộp kết quả kiểm toán cho Sở Lao động và cũng công bố công khai những thông tin này. Bộ sẽ báo cáo Quốc hội những công ty bị phát hiện đồng lõa với lao động cưỡng bức.
  • Bắt buộc các CEO xác nhận rằng chuỗi cung ứng của họ không sử dụng lao động cưỡng bức hoặc họ đã báo cáo tất cả các trường hợp lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của công ty họ.
  • Định mức các hình phạt tài chính đối với những công ty trốn tránh các yêu cầu kiểm toán, trả thù người lao động hoặc không được chứng nhận rằng chuỗi cung ứng của công ty không sử dụng lao động cưỡng bức.

Theo NBC News, biện pháp mới sẽ áp dụng cho các công ty Hoa Kỳ có doanh thu hàng năm ít nhất là 500 triệu USD và kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế tạo và sản xuất các mặt hàng như quần áo và điện thoại di động.

Dự luật không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng các thượng nghị sĩ đã trích dẫn dữ liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ để nhấn mạnh rằng gần 25 triệu người đã và đang bị ép buộc lao động cưỡng bức.

Trên thực tế, Trung Quốc đã bị phát hiện sử dụng mạng lưới các trung tâm giam giữ rộng lớn như các trại lao động cưỡng bức để lạm dụng lực lượng lao động từ các tù nhân lương tâm, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công và người dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã ký “Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” để đảm bảo rằng các công ty Hoa Kỳ không rót tiền cho lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương, nơi tập trung người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc: Tâm điểm của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng

Trung Quốc đã nổi lên như một tâm chấn của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, do hậu quả của đại dịch COVID-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, một trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn.

Chính quyền Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của một đảng độc tài, vào ngày 23/01/2020 đã đóng cửa Vũ Hán, bao gồm tất cả các phương tiện vận chuyển vào/ra thành phố và khoảng 11 triệu người trong và xung quanh thành phố đã bị cưỡng bức cách ly.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu được cho là bắt đầu với sự khan hiếm đột ngột của nguồn cung cấp y tế cơ bản, đặc biệt là thiết bị bảo vệ cá nhân (gọi tắt là PPE – Personal Protective Equipment), chẳng hạn như găng tay phẫu thuật, khẩu trang, tấm che mặt, áo khoác và nước rửa tay. Tuy nhiên đó không phải là do nhu cầu toàn cầu gia tăng mà là do sự gián đoạn trong các khâu sản xuất và hậu cần.

Ấn phẩm của tạp chí American Prospect xuất bản tháng 2/2022 đã chỉ ra trong phân tích của mình rằng ngay phía tây Vũ Hán là huyện Tiên Đào, nơi đặt nhà máy của nhà sản xuất vải không dệt lớn nhất Trung Quốc được sử dụng để sản xuất PPE. Phần lớn PPE được sản xuất tại Trung Quốc mặc dù nhà cung cấp 3M là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Với việc phong tỏa của Vũ Hán, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng chặn luôn các mặt hàng xuất khẩu có nguồn gốc từ 12 thành phố khác phải đi qua Vũ Hán để đến các cảng.

Sau đó, nước này đã mở rộng các biện pháp khẩn cấp, khiến sự gián đoạn chuỗi cung ứng lan sang nền kinh tế lớn hơn. Có thể lấy ví dụ, việc hạn chế đi lại đã khiến những người lao động về quê đón Tết Nguyên đán không thể quay trở lại làm việc, trong khi lao động nhập cư ở nông thôn của Trung Quốc ước tính khoảng 288 triệu người, tương đương 1/3 lực lượng lao động của nước này. Hậu quả là các cảng của nước này đột ngột thiếu nhân công, khiến hàng hóa xuất khẩu chất đống trên các bến cảng.

Cuộc khủng hoảng thậm chí lan rộng tới quy mô toàn cầu, khi mà Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ đã yêu cầu những người Hoa ở hải ngoại mua tất cả PPE có sẵn và gửi chúng trở lại Trung Quốc. Vào giữa tháng 2, trong khi các nước khác mới bắt đầu coi trọng tác động của đại dịch COVID-19, thì các Hoa kiều đã mua và gửi về nước khoảng 2,5 tỷ sản phẩm PPE, trong đó có khoảng hai tỷ khẩu trang.

Trung Quốc đã tiếp tục triển khai chiến lược Zero-COVID – “ngăn chặn và kiểm soát tối đa”, kiểm dịch ở mức độ cực đoan hơn, ngay cả khi nhiều nước khác đã phải từ bỏ chiến lược này khi phải đối mặt mới chủng biến thể mới Omicron.

Tại một trung tâm sản xuất quan trọng ở phía nam Thượng Hải, dịch COVID-19 bùng phát khiến chính phủ hạn chế việc đi lại ở Hàng Châu, Thiệu Hưng và Ninh Ba cho đến tháng 3 năm 2022, dẫn đến việc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng. Cảng Ninh Ba, cảng bận rộn thứ ba trên thế giới, đã đóng cửa trong 2 tuần vào mùa hè năm ngoái vì một công nhân bị nhiễm bệnh.

Với việc phong tỏa trên toàn quốc trong đại dịch, các nhà máy ở Trung Quốc – quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất – đã phải trải qua ​​hoạt động kinh doanh giảm sút trong suốt năm 2021, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng lớn của Hoa Kỳ

Các vấn đề về chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đã làm tổn thương các nhà sản xuất Hoa Kỳ và kết quả là làm đình trệ sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ, như các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã chỉ ra.

ABC News đưa tin vào tháng 10 năm 2021 rằng sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và các quốc gia khác đã gây ra tình trạng thiếu hụt kỷ lục đối với nhiều sản phẩm vốn sẵn có mà người tiêu dùng Mỹ đã quen thuộc, từ hàng gia dụng, điện tử đến ô tô.

Đại dịch COVID-19 cũng buộc nhiều công nhân kho hàng và tài xế xe tải phải nghỉ việc, đây là một yếu tố khác góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng ở Mỹ. Dữ liệu từ Bộ Lao động cho thấy kỷ lục 4,3 triệu người Mỹ bỏ việc vào tháng 8 năm 2021, nhiều nhất kể từ năm 2000.

Bên cạnh tình trạng thiếu tài xế xe tải của Hoa Kỳ dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng, vào đầu tháng 10/2021, CNN đã báo cáo rằng có sự tồn đọng tại các cảng, như tại cảng Los Angeles và cảng Long Beach, nơi các tàu đang chờ ngoài khơi để cập cảng.

Theo Sky News đưa tin vào tháng 1/2022, tình trạng thiếu nhân viên cửa hàng và tài xế xe tải cũng như lượng hàng hóa hạn chế khiến các kệ hàng siêu thị trên toàn nước Mỹ trống rỗng, nhiều cửa hàng tạp hóa khác cũng đang phải duy trì hoạt động với số lượng lao động chưa đến một nửa trước đây.

Trong dịp lễ Giáng sinh 2021, các mặt hàng như đồ trang trí, đồ chơi, trò chơi điện tử, cây nhân tạo và đồ điện tử đều bị thiếu hụt do tắc nghẽn nguồn cung. Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực như giấy vệ sinh và nước đóng chai cũng đã hết hàng ở một số nơi.

“Khi nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục, ngày càng dễ thấy nó đang bị cản trở bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện đang diễn ra ở mọi góc phố”, công ty Moody’s Analytics bình luận trong một báo cáo.

Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên tồi tệ hơn

Là một nhà sản xuất lớn và cũng là một nhà tiêu thụ lớn, Trung Quốc đóng vai trò là nút thắt cổ chai ngay từ đầu khi bùng phát dịch COVID-19.

Có lẽ Trung Quốc biết rõ rằng bất kỳ sự gián đoạn nhỏ nào của nước này cũng sẽ dẫn đến “hiệu ứng gợn sóng” trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dường như Trung Quốc vẫn phớt lờ quá trình phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn chỉ mới bắt đầu sau khi vắc xin COVID-19 được cung cấp. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tạo ra những lo lắng mới bằng cách tái áp đặt chính sách Zero-Covid để chống lại chủng vi-rút Corona Omicron sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên vào tháng 1 năm 2022.

Theo báo cáo của New York Times, với chiến lược Zero-Covid, Trung Quốc đã phong tỏa hàng chục triệu người ở một số thành phố. Biện pháp này cũng góp phần vào việc đình chỉ các chuyến bay nối chuyến qua Hồng Kông từ nhiều nơi trên thế giới. Ít nhất 20 triệu người đang bị phong tỏa, chủ yếu ở Tây An và tỉnh Hà Nam.

Chính sách không khoan nhượng này đã khiến các nhà sản xuất – những người đã mất hai năm qua để đối phó với chuỗi cung ứng tê liệt – lại phải tiếp tục lo lắng về một đợt dừng hoạt động nữa tại các nhà máy và cảng của Trung Quốc.

Sự gia tăng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đẩy giá nguyên liệu thô và vận chuyển đi lên cùng với thời gian giao hàng kéo dài và tình trạng thiếu công nhân.

Cho đến nay, bốn thành phố cảng lớn nhất của Trung Quốc – gồm Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân và Thâm Quyến  – đã áp dụng các biện pháp phong tỏa phạm vi hẹp để kiểm soát sự bùng phát của Omicron.

Nếu tình trạng phong tỏa ngày càng lan rộng, tác động của chúng đối với chuỗi cung ứng có thể được nhận thấy rõ trên khắp nước Mỹ.

Trung Quốc đã hành động trái ngược với nhiều quốc gia đang chuyển sang sống chung với vi-rút và dỡ bỏ các hạn chế. Các quốc gia này đã lựa chọn sử dụng vắc-xin đã được kiểm chứng và trải qua các đợt lây nhiễm, hai cách quan trọng giúp thiết lập miễn dịch cộng đồng.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã duy trì chính sách không khoan nhượng, có khi đóng cửa toàn bộ nhà máy hoặc cảng chỉ vì một ca bệnh. Trung Quốc cũng đòi hỏi phải kiểm dịch nghiêm ngặt và hạn chế đi lại để kiểm soát sự bùng phát, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng cân nhắc chuyển doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc

Một cuộc thăm dò từ công ty nghiên cứu Gartner tiết lộ vào tháng 6 năm 2020 rằng 33% các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng toàn cầu đã chuyển các hoạt động tìm nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc lên kế hoạch hành động như vậy vào năm 2023, một phần vì đại dịch COVID-19.

Một cuộc khảo sát khác vào tháng 10 năm 2020 của Ngân hàng Đầu tư UBS cho thấy 71% các nhà xuất khẩu hàng công nghiệp có kế hoạch chuyển hoặc tiếp tục chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục, với 45% số người được hỏi cho biết COVID-19 làm tăng mong muốn thay đổi chuỗi cung ứng của họ.

Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc là điểm đến của các ngành sản xuất chi phí thấp và trở thành nguồn cung thiết yếu cho hầu hết các ngành công nghiệp chính, bao gồm bán lẻ và dược phẩm. Nhưng theo công ty Gartner, chi phí ngày càng tăng đã khiến các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng phải tìm kiếm các địa điểm thay thế như Ấn Độ, Việt Nam và Mexico.

Vào năm 2021, Ấn Độ trở thành nước thụ hưởng lợi ích từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể đánh mất vai trò cường quốc sản xuất do nước này được trang bị rất nhiều công nghệ đánh cắp từ Hoa Kỳ và nguồn nhân công giá rẻ dồi dào là các tù nhân lương tâm.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 21/01/2022, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã bày tỏ lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc. Bà nói:

“Tôi đã theo dõi Trung Quốc trong 30 năm về thương mại, sở hữu trí tuệ và những vấn đề khác, và tôi có thể nói với các bạn một cách dứt khoát, không chút do dự: Hãy thật thận trọng… trừ khi các bạn muốn kết thúc với một xã hội như Trung Quốc hoặc một nền kinh tế như Trung Quốc, một quốc gia không có chế độ tự do cho doanh nghiệp”.

Bà Pelosi đưa ra cảnh báo sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc mới chống lại Huawei, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này đã gian lận và âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Trong thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan trị giá hàng trăm tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc – cáo buộc rằng Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật lạm dụng, bao gồm buộc các công ty nước ngoài giao nộp bí mật thương mại và đánh cắp thông tin tài chính hoặc thông tin cá nhân qua máy tính, với tham vọng vượt qua sự thống trị công nghệ của Mỹ. Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa dỡ bỏ các mức thuế đó.

Để chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc, Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 6/2021 đã thông qua dự luật lưỡng đảng, “Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Hoa Kỳ”. Đạo luật có nội dung đầu tư hàng trăm tỷ USD vào công nghệ, khoa học và nghiên cứu của Mỹ nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ của nước này và giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Bất chấp các biện pháp đổi mới, các công ty Hoa Kỳ vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức lớn là chi phí lao động rẻ bất thường của Trung Quốc.

Trung Quốc có một hệ thống trại lao động được xây dựng để bóc lột sức lao động rẻ mạt từ các tù nhân, gồm cả tù nhân lương tâm. Theo báo cáo, phần lớn các tù nhân lương tâm là các học viên Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Kể từ khi cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động chiến dịch đàn áp môn tu luyện này vào tháng 7/1999, hàng triệu học viên đã bị giam giữ và buộc phải làm việc trong các trại giam và trại lao động cưỡng bức với mức thù lao bèo bọt, thậm chí là làm không công.

Về mặt kinh tế, lao động là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng trong tổng giá thành sản phẩm. Đáng tiếc là nhiều công ty sản xuất quốc doanh ở Trung Quốc đã cạnh tranh không lành mạnh với các nước khác bằng cách cưỡng bức lao động những học viên Pháp Luân Đại Pháp vô tội để có được nguồn nhân lực giá rẻ.

Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ và ngay cả những nước có giá nhân công rẻ như Ấn Độ hay Việt Nam không có cách nào cạnh tranh với các công ty do ĐCSTQ hậu thuẫn nếu vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc không được xử lý.

Biện pháp do các Thượng nghị sĩ Josh Hawley và Kirsten Gillibrand đưa ra sẽ giúp ích phần nào trong việc làm sáng tỏ vấn đề lao động cưỡng bức ở Trung Quốc trong hệ thống chuỗi cung ứng của nước này.

Tác giả: Dan Knight – The BL
Thanh Tâm biên dịch

Related posts