Cập nhật tình hình Nga-Ukraine

Một kho nhiên liệu bốc cháy ở thành phố Belgorod, Nga, hôm 01/04/2022. (Ảnh: Pavel Kolyadin/BelPressa/Tài liệu phát tay qua Reuters)

Hội Chữ Thập Đỏ lên kế hoạch cho nỗ lực di tản mới từ Mariupol của Ukraine

Một đoàn xe của Hội Chữ Thập Đỏ sẽ lại cố gắng di tản dân thường khỏi cảng bị bao vây Mariupol vào thứ Bảy (02/04) khi quân đội Nga dường như đang tập hợp lại cho các cuộc tấn công mới ở miền đông nam Ukraine.

Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã cử một nhóm vào thứ Sáu (01/04) để dẫn một đoàn xe gồm khoảng 54 xe buýt và các phương tiện cá nhân khác của Ukraine ra khỏi thành phố, nhưng họ đã quay về và nói rằng hoàn cảnh khiến việc di tản không thể tiến hành.

“Họ sẽ cố gắng một lần nữa vào thứ Bảy để tạo điều kiện thuận lợi cho một hành lang an toàn cho dân thường,” ICRC cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu. Một nỗ lực di tản trước đó của Hội Chữ Thập Đỏ vào đầu tháng Ba đã thất bại.

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông hy vọng cuộc di tản Mariupol sẽ thành công.

Nga và Ukraine đã đồng ý xây dựng các hành lang nhân đạo trong chiến tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di tản dân thường khỏi các thành phố, nhưng thường đổ lỗi cho nhau khi các hành lang này không thành công.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết bảy hành lang như vậy đã được lên kế hoạch cho những người di tản bằng phương tiện giao thông cá nhân và bằng xe buýt cho người dân Mariupol rời khỏi thành phố Berdyansk.

Trong một video vào sáng sớm, ông Zelensky cho biết quân đội Nga đã tiến về Donbas và thành phố Kharkiv bị bắn phá nặng nề ở phía đông bắc.

“Tôi hy vọng vẫn có thể có giải pháp cho tình hình ở Mariupol,” ông Zelensky nói.

Trước rạng sáng ngày thứ Bảy, khi tiếng còi báo động vang lên khắp Ukraine, quân đội Ukraine báo cáo rằng Nga đã không kích các thành phố Sievierodonetsk và Rubizhne ở Luhansk.

Ở khu vực phía đông đó và nước láng giềng Donetsk, phe ly khai thân Nga đã tuyên bố là các nước cộng hòa độc lập. Moscow đã công nhận họ ngay trước khi xâm lược Ukraine.

Quân đội Ukraine cũng cho biết các lực lượng phòng thủ đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công ở Luhansk và Donetsk vào thứ Sáu và các đơn vị Nga ở Luhansk đã mất 800 quân chỉ trong tuần qua. Reuters đã không thể xác minh những tuyên bố đó.


Các quan chức Nga cho biết tương lai của ISS không chắc chắn

Quan chức không gian hàng đầu của Nga cho biết tương lai của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là không chắc chắn sau khi Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và các cơ quan vũ trụ của Canada bỏ lỡ thời hạn để đáp ứng các yêu cầu của Nga về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp và cương liệu của Nga.

Người đứng đầu cơ quan nhà nước Roscosmos của Nga nói với các phóng viên vào sáng thứ Bảy (02/04) rằng cơ quan này đang chuẩn bị một báo cáo về triển vọng hợp tác quốc tế tại trạm này, để trình lên các cơ quan liên bang “sau khi Roscosmos đã hoàn thành phân tích của mình.”

Trên kênh truyền hình nhà nước Nga, Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin đã ngụ ý rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây, một số trong đó có trước hành động quân sự của Nga ở Ukraine, có thể làm gián đoạn hoạt động của tàu vũ trụ Nga đang phục vụ ISS.

Ông nhấn mạnh rằng các đối tác phương Tây cần ISS và “không thể xoay sở nếu không có Nga, bởi vì không ai ngoài chúng tôi có thể cung cấp nhiên liệu cho trạm.”

Ông Rogozin nói thêm rằng “chỉ có các động cơ của tàu chở hàng của chúng tôi mới có thể điều chỉnh quỹ đạo của ISS, giữ cho nó an toàn khỏi các mảnh vỡ không gian.”

Cuối ngày thứ Bảy, ông Rogozin đã viết trên kênh Telegram của mình rằng ông đã nhận được phản hồi từ các đối tác phương Tây, họ cam kết sẽ thúc đẩy “hợp tác hơn nữa về ISS và các hoạt động của trạm.”

Ông nhắc lại quan điểm của mình rằng “việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác trong ISS và các dự án (không gian) chung khác chỉ có thể thực hiện được khi dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện” các lệnh trừng phạt mà ông gọi là bất hợp pháp.

Đáp lại các lệnh trừng phạt của phương Tây trên Telegram vào tháng trước (02/2022), ông Rogozin cảnh báo vào thời điểm đó rằng nếu không có sự trợ giúp của Nga, ISS có thể “rơi xuống biển hoặc trên đất liền” và tuyên bố rằng địa điểm rơi không có khả năng nằm ở Nga.

Không gian là một trong những lĩnh vực hợp tác cuối cùng còn sót lại giữa Moscow và các quốc gia phương Tây. Các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga về việc nối lại các chuyến bay chung tới ISS đang được tiến hành khi Nga khai triển chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng trước, dẫn đến các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với các tổ chức có liên hệ với chính phủ Nga.


Cố vấn Tổng thống: Ukraine mong đợi tin tốt vào cuối tuần liên quan đến việc di tản Mariupol

Ukraine mong đợi ​​sẽ có tin tốt vào cuối tuần liên quan đến việc di tản người dân khỏi thành phố bị bao vây Mariupol ở phía đông nam, một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Bảy (02/04).

“Phái đoàn của chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận tại Istanbul (trong cuộc đàm phán hòa bình Ukraine-Nga) để cung cấp các chuyến di tản,” ông Oleksiy Arestovych nói với truyền hình Ukraine.

“Tôi nghĩ rằng hôm nay hoặc có thể là ngày mai chúng ta sẽ nghe được tin tốt về việc di tản cư dân của Mariupol.”

Hôm thứ Sáu (01/04), Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã cử một nhóm đến để dẫn một đoàn xe gồm khoảng 54 xe buýt và các phương tiện cá nhân khác của Ukraine ra khỏi thành phố, nhưng họ đã quay về và nói rằng hoàn cảnh đã khiến việc này không thể tiến hành. Họ sẽ thử lại vào thứ Bảy.

Bị bao vây kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược đã kéo dài năm tuần của Nga, Mariupol là mục tiêu chính của Moscow ở khu vực Donbas ở phía đông nam. Hàng chục ngàn người đã bị mắc kẹt trong thành phố này với lượng thực phẩm và nước uống ít ỏi.


Anh: Ukraine tiếp tục lấn át các lực lượng Nga gần Kyiv

Quân đội Ukraine đang tiếp tục đạt được những bước tiến trước đạo quân đang rút lui của Nga trong khu vực lân cận Kyiv, tình báo quân đội Anh tuyên bố hôm thứ Bảy (02/04).

Quân đội Nga cũng được cho là đã rút khỏi phi trường Hostomel gần thủ đô, nơi đã chứng kiến giao tranh kể từ ngày đầu tiên của cuộc xung đột, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố trong một bản tin thường kỳ.

Bộ cho biết thêm: “Ở phía đông Ukraine, quân đội Ukraine đã giành được một tuyến đường quan trọng ở miền đông Kharkiv sau giao tranh dữ dội.”


Bộ trưởng cho biết kinh tế Ukraine có thể suy giảm 40% trong năm 2022

Trích dẫn các ước tính sơ bộ, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (02/04) rằng nền kinh tế Ukraine đã suy giảm 16% so với cùng thời kỳ năm ngoái và có thể giảm 40% trong năm 2022 do cuộc xâm lược của Nga.

Bộ cho hay: “Những ngành nghề không thể làm việc từ xa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”


Hoa Kỳ hủy bỏ thử ICBM do căng thẳng hạt nhân với Nga

Không quân nói với Reuters hôm thứ Sáu (01/04), Quân đội Hoa Kỳ đã hủy một vụ thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III mà ban đầu chỉ có mục đích trì hoãn để giảm căng thẳng hạt nhân với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ban đầu Ngũ Giác Đài thông báo hoãn vụ thử hỏa tiễn hôm 02/03 sau khi Nga cho biết họ đang đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Vào thời điểm đó, Hoa Thịnh Đốn cho biết điều quan trọng là cả Hoa Kỳ và Nga “phải lưu ý đến rủi ro tính toán sai lầm và thực hiện các bước để giảm thiểu những rủi ro đó.”

Nhưng Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố ý định của mình chỉ để trì hoãn vụ thử nghiệm “một chút” chứ không phải là hủy bỏ nó.

Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ann Stefanek cho biết quyết định hủy bỏ vụ thử hỏa tiễn LGM-30G Minuteman III là vì những lý do tương tự như lần đầu tiên nó bị trì hoãn. Cuộc thử nghiệm Minuteman III tiếp theo dự kiến ​​diễn ra vào cuối năm nay.

Việc thay đổi lịch trình thử nghiệm lực lượng ICBM của Hoa Kỳ có thể gây tranh cãi. Thượng nghị sĩ Jim Inhofe (Cộng Hòa-Oklahoma), thành viên Đảng Cộng Hòa đứng đầu trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã bày tỏ sự thất vọng hồi tháng Ba trước sự chậm trễ của một cuộc thử nghiệm mà ông cho là rất quan trọng để bảo đảm rằng khả năng răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ vẫn hiệu quả.

Ông Jeffrey Lewis, một nhà nghiên cứu hỏa tiễn tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) James Martin, đã hạ thấp tác động của việc hủy bỏ này.

Ông Lewis cho biết: “Có một giá trị khi thực hiện các cuộc thử nghiệm nhưng tôi không nghĩ rằng việc bỏ lỡ một cuộc thử nghiệm là một vấn đề thực sự lớn trong kế hoạch tổng thể.”

Hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Minuteman III là một phần quan trọng trong kho vũ khí chiến lược của quân đội Hoa Kỳ và có tầm bắn hơn 6,000 dặm (9,660 km/giờ) và có thể di chuyển với tốc độ khoảng 15,000 dặm một giờ (24,000 km/giờ).

Cho đến nay, Nga và Hoa Kỳ là các quốc gia có kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất sau khi Chiến Tranh Lạnh chia cắt thế giới trong phần lớn thế kỷ 20, khiến phương Tây đối đầu với Liên Xô và các đồng minh của nước này.


Liên minh Âu Châu dự định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mà không ảnh hưởng đến ngành năng lượng

Hôm thứ Bảy (02/04), Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết tại Cernobbio rằng Liên minh Âu Châu đang nghiên cứu thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng bất kỳ biện pháp bổ sung nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng.

Khối 27 quốc gia này sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng do chiến tranh ở Ukraine nhưng sẽ không phải đối mặt với một cuộc suy thoái, ông cho biết khi nói thêm rằng dự báo tăng trưởng 4% là quá lạc quan và EU sẽ không đạt được.


Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án dầu khí với Nga

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết hôm thứ Năm (31/03), Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 ở Nga mặc dù các công ty khác đã rút lui khỏi Nga do nước này xâm lược Ukraine.

Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin: “Đây là một dự án hết sức quan trọng về mặt an ninh năng lượng vì dự án này đã góp phần vào việc cung cấp lâu dài, ổn định khí đốt tự nhiên hóa lỏng giá rẻ.”

Ông Kishida nói thêm rằng Nhật Bản sẽ tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga khi phối hợp với kế hoạch của Nhóm Bảy nước tiên tiến (G7).

Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ năm của Nhật Bản, chiếm khoảng 8% lượng tiêu thụ của cả nước. Dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga là một trong những nguồn cung cấp LNG chính của Nhật Bản, với công suất hàng năm là 9.6 triệu tấn.


Nga-Ukraine cáo buộc lẫn nhau về các quả mìn trôi dạt trên Biển Đen

Hôm thứ Năm (31/03), Nga cáo buộc Ukraine đặt hàng trăm quả mìn gần bờ biển của nước này và cho biết một số quả đã trôi dạt vào vùng nước mở của Biển Đen và gây nguy hiểm cho các tàu buôn, một ngày sau khi Kyiv nói rằng Moscow chịu trách nhiệm cho việc đặt mìn.

Biển Đen là một tuyến đường vận chuyển chính đối với ngũ cốc, dầu mỏ, và các sản phẩm từ dầu mỏ. Bulgaria, Romania, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Ukraine và Nga, chia sẻ vùng biển này, vốn đã chứng kiến chiến tranh kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin xâm lược nước láng giềng phía nam của ông vào ngày 24/02.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Tư (30/03) tuyên bố rằng Nga đang đặt mìn hải quân ở Biển Đen với tư cách là “đạn dược trôi dạt không kiểm soát”, biến những quả đạn này “thành vũ khí tấn công bừa bãi trên thực tế.”

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm thứ Năm (31/03) rằng từ ngày 24/02 đến ngày 04/03, tàn tích của lực lượng rà phá bom mìn của hải quân Ukraine đã đặt khoảng 420 quả mìn neo trên biển — gồm 370 quả ở Biển Đen và 50 quả ở Biển Azov.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Do hậu quả của các cơn bão ở Biển Đen và do tình trạng kỹ thuật không đạt yêu cầu, nên khoảng 10 quả mìn của Ukraine đã bị đứt khỏi các dây cáp có neo dưới đáy biển.”

“Kể từ đó, dưới tác động của gió và dòng hải lưu, các quả mìn của Ukraine đã trôi tự do từ phần phía tây của Biển Đen theo hướng đông nam. … Không ai có thể biết những quả mìn còn lại của Ukraine hiện nay đang trôi dạt đến đâu.”

Đầu tháng này, cơ quan tình báo chính của Nga đã cáo buộc Ukraine đặt các quả mìn để bảo vệ các cảng và cho biết hàng trăm kíp nổ đã bị đứt khỏi dây cáp và trôi đi. Kyiv đã bác bỏ cáo buộc đó và gọi đó là thông tin sai lệch.

Trong những ngày gần đây, các đội lặn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Romania đã tham gia rà phá bom mìn xung quanh các vùng biển của họ.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ vẫn chưa xác định được nguồn và số lượng mìn trôi dạt và đã liên hệ với các đối tác Ukraine và Nga về vấn đề này.

Các quan chức hàng hải cho biết năm tàu thương mại đã bị trúng đạn – với một trong số các tàu này đã bị chìm – ngoài khơi bờ biển Ukraine, và hai thuyền viên thiệt mạng.


Ukraine phủ nhận việc tấn công vào kho nhiên liệu của Nga

Một kho nhiên liệu bốc cháy ở thành phố Belgorod, Nga, hôm 01/04/2022. (Ảnh: Pavel Kolyadin/BelPressa/Tài liệu phát tay qua Reuters)

Thư ký hội đồng an ninh quốc gia Ukraine đã phủ nhận việc nước này phải chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công được cho là nhằm vào một kho nhiên liệu của Nga.

Moscow trước đó đã đổ lỗi cho Ukraine. Không có xác nhận độc lập cho các chi tiết trong vụ việc này.

“Vì một số lý do mà họ nói rằng chúng tôi đã làm điều đó, nhưng trên thực tế điều này không phải là sự thật,” ông Oleksiy Danilov nói trên truyền hình Ukraine hôm thứ Sáu (01/04).

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov trước đó cho biết hai trực thăng pháo kích của Ukraine đã bay ở độ cao thấp và tấn công cơ sở ở thành phố Belgorod, phía bắc biên giới.

Ông cho biết hai công nhân tại kho nhiên liệu đã bị thương. Tuy nhiên, truyền thông Nga trích dẫn một tuyên bố của công ty dầu khí nhà nước Rosneft phủ nhận việc có người bị thương.

Trong khi đó, văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 86 quân nhân Ukraine đã được trả tự do tại khu vực Zaporizhzhia như một phần của chương trình hoán đổi tù nhân với Nga. Số lượng người Nga được thả không được tiết lộ.


Ukraine cho biết họ đã chặn cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào khu vực Odessa

Hôm thứ Sáu (01/04), Quân đội Ukraine cho biết rằng hệ thống phòng không của họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở cảng Odessa, một cảng chính ở Biển Đen.

Thống đốc Maksym Marchenko trước đó cho biết ba hỏa tiễn đã bắn trúng một khu dân cư, tiết lộ thêm rằng có nhiều thương vong.

“Kẻ thù đã cố gắng một cách ngấm ngầm để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, việc phá hủy những cơ sở này có thể gây nguy hiểm cho dân thường,” chỉ huy phía nam của quân đội Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Facebook.

Bài đăng cho biết, “Nhờ sự phản ứng kịp thời và hiệu quả của lực lượng phòng không, các hỏa tiễn này đã không bắn trúng mục tiêu mà kẻ thù nhắm tới.”

The Epoch Times không thể xác minh ngay lập tức tuyên bố của Ukraine.

Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc chiến của họ ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24/02 trong cái mà Moscow gọi là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa nước láng giềng phía tây nam của mình. Các nước phương Tây gọi đó là một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.


Thị trưởng Kyiv: Các thị trấn lân cận vẫn bị bao vây

Thị trưởng Kyiv cho biết cuộc bắn phá các thị trấn vệ tinh gần thủ đô Ukraine vẫn đang diễn ra bất chấp lời hứa của Nga về việc rút bớt quân khỏi khu vực này.

Ông Vitali Klitschko nói với đài truyền hình Sky News của Anh hôm thứ Sáu (01/04) rằng ông có thể nghe thấy các tiếng nổ “không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm.”

Ông Klitschko tuyên bố rằng các thành phố phía tây bắc Kyiv như Irpin, Borodyanka, và Hostomel đang trở thành mục tiêu sau khi các binh lính Ukraine đẩy lùi quân Nga, và rằng giao tranh vẫn tiếp diễn ở Brovary, phía đông Kyiv.

Đối với những người có thể muốn quay trở lại Kyiv trong trường hợp Nga rút quân, ông kêu gọi mọi người đợi thêm “vài tuần” để xem tình hình tiến triển ra sao.


Ủy ban Chữ Thập Đỏ: Không thể đến được Mariupol

Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế cho biết một nhóm dự định giúp mọi người rời khỏi thành phố Mariupol bị bao vây đã không thể đến thành phố cảng này vào thứ Sáu (01/04).

Hội Chữ Thập Đỏ cho biết trong một tuyên bố rằng nhóm hy vọng sẽ thử lại vào thứ Bảy.

Họ nói, “các thỏa thuận và điều kiện” đã khiến cho đoàn xe gồm ba phương tiện “không thể thực hiện” [chuyến đi] đến Mariupol một cách an toàn và họ đã quay trở lại Zaporizhzhia.

“Để hoạt động thành công, điều quan trọng là các bên phải tôn trọng các thỏa thuận và cung cấp các điều kiện cần thiết và bảo đảm an ninh,” tổ chức này cho biết.


Tổng thống Putin cảnh báo phương Tây về cuộc khủng hoảng di cư mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Âu Châu về một dòng người di cư mới mà theo quan điểm của ông, “chắc chắn” sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng lương thực.

Thảo luận hôm thứ Sáu (01/04) về các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Moscow để đáp trả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, ông Putin đã chỉ trích hành vi của một số chính trị gia phương Tây, những người được cho là đã sẵn sàng hy sinh lợi ích của công dân để “được hưởng những ân sủng tốt đẹp của chủ nhân và lãnh chúa của họ ở hải ngoại [ám chỉ Hoa Kỳ].”

“Mọi người được khuyến khích ăn ít hơn, mặc nhiều quần áo hơn, và sử dụng ít hệ thống sưởi hơn, từ bỏ việc đi lại — có lẽ vì lợi ích của những người đang yêu cầu loại thiếu thốn tự nguyện này như một dấu hiệu của tình đoàn kết trừu tượng ở Bắc Đại Tây Dương,” ông Putin nói tại một cuộc họp về vận tải hàng không và chế tạo phi cơ hôm thứ Sáu.


EU kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chiến sự ở Ukraine của Nga

Lãnh đạo Liên minh Âu Châu (EU) và Trung Quốc đã gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 01/04, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc ngầm ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

“Chúng tôi đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine”, Chủ tịch EU Charles Michel nói trong cuộc họp báo sau hội nghị. “Trung Quốc không thể làm ngơ trước sự vi phạm luật pháp quốc tế của Nga.”

EU đã nhân cơ hội này để cảnh báo ĐCSTQ một cách công khai hơn rằng họ không nên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga.

Ông Michel nói thêm: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm lách các lệnh trừng phạt hoặc viện trợ cho Nga sẽ làm cho chiến sự này dài thêm. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại nhiều hơn về nhân mạng và tác động mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế.”


Ukraine: Quân đội Nga bị đẩy lui khỏi Kyiv nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn

Hôm thứ Sáu (01/04), các quan chức ở Ukraine cho biết lực lượng của Kyiv đã đẩy lùi quân đội Nga gần thủ đô Kyiv, mặc dù giao tranh được cho là vẫn dữ dội trong khu vực này.

Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn chính trị của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói với hãng thông tấn Reuters: “Quân đội của chúng tôi đang truy đuổi họ ở cả phía tây bắc và đông bắc (của Kyiv), đánh đuổi kẻ thù ra khỏi Kyiv.”

Ông Arestovych cho biết Nga đang thực hiện việc luân chuyển quân từng phần và điều một số lực lượng của mình tham chiến ở miền đông Ukraine. Thống đốc khu vực Kyiv, ông Oleksandr Pavlyuk, đã viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram trước đó vào thứ Sáu rằng một số binh lính Nga đã quay trở lại và đang tiến về biên giới với Belarus, một đồng minh của Nga.

Ông Pavlyuk cũng cho biết quân đội Nga đã rời khỏi làng Hostomel, bên cạnh một phi trường quan trọng, nhưng họ đang tiến sâu vào thị trấn Bucha.


Ngoại trưởng Lavrov: Kyiv đang thể hiện ‘sự hiểu biết nhiều hơn’ về các vấn đề của Crimea và Donbass

Hôm thứ Sáu (01/04), Ngoại trưởng Nga Lavrov Sergey Lavrov cho biết Ukraine đã tiến gần hơn đến các điều khoản liên quan đến Crimea và các nước cộng hòa Donbass. Ông đưa ra bình luận này vài ngày sau khi vòng đàm phán hòa bình với Kyiv kết thúc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Lavrov nói với các phóng viên trong chuyến công du tới New Delhi, Ấn Độ: “Có nhiều tiến triển, trước hết là về việc thừa nhận rằng Ukraine không thể trở thành thành viên của một khối, và việc Ukraine không thể gia nhập NATO.”

“Chúng tôi cũng nhận thấy sự hiểu biết nhiều hơn về thực tế. Tôi đang đề cập đến tình hình của Crimea và Donbass.”


Tổng thống Macron cho biết hỗ trợ Mariupol vẫn là ưu tiên hàng đầu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa sẽ tiếp tục làm việc để thiết lập một hành lang nhân đạo bền vững trong và ngoài Mariupol trong cuộc hội đàm hôm thứ Sáu (01/04) với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

TT Zelensky kêu gọi TT Macron tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để Nga đồng ý với các điều kiện di tản và viện trợ, theo văn phòng của ông Macron. Điều đó bao gồm một lệnh ngừng bắn lâu dài được thông báo trước đủ lâu để có thể tổ chức viện trợ.

Trong một tuần, nhà lãnh đạo Pháp đã cố gắng để thu xếp viện trợ cho Mariupol, cho đến nay vẫn chưa thành công.

Văn phòng của ông Macron cho biết Pháp đang làm việc để bảo đảm rằng những người chạy trốn khỏi Mariupol có thể đi “theo hướng họ lựa chọn” và Pháp sẵn sàng giúp đỡ những thường dân phải di tản do chiến tranh đến định cư ở những nơi khác ở Ukraine.

Ông Zelensky nói trên Twitter sau cuộc điện đàm: “Đã được báo cáo về việc chống lại cuộc xâm lược của Nga. Đã thảo luận về quá trình đàm phán – lộ trình và triển vọng, tầm quan trọng của các bảo đảm an ninh. Sáng kiến ​​của (Pháp) về hành lang nhân đạo từ Mariupol phải được thực hiện!”


Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Tổng thống Putin gặp Tổng thống Zelensky

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một lần nữa ông đã kêu gọi một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (01/04) với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Một tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết ông và ông Putin cũng đã thảo luận về các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga được tổ chức tại Istanbul hồi đầu tuần.

Văn phòng của ông Erdogan cho biết nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói với ông Putin rằng các cuộc đàm phán ở Istanbul đã “lóe lên tia hy vọng về hòa bình”. Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ muốn hoàn tất những nỗ lực đó bằng cách đưa TT Putin và TT Ukraine Volodymyr Zelensky lại gần nhau, theo tuyên bố.

Tuyên bố cho biết ông Erdogan nói với ông Putin rằng điều quan trọng là các bên “phải hành động với lợi ích chung và duy trì đối thoại.”

Trong cuộc điện đàm, ông Putin cảm ơn ông Erdogan đã chủ trì cuộc gặp giữa các phái đoàn, theo văn phòng của ông Erdogan.

Trước đó, hôm thứ Sáu, ông Erdogan cho biết ông Zelensky sẵn sàng tham gia cuộc họp của các nhà lãnh đạo do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức.


Nga cảnh báo nguồn cung cấp nông nghiệp có thể chỉ giới hạn cho ‘bằng hữu’

Ông Dmitry Medvedev, người từng giữ chức tổng thống từ năm 2008 đến năm 2012 và hiện là phó thư ký hội đồng an ninh Nga, đã cảnh báo hôm thứ Sáu (01/04) rằng Nga, nhà xuất cảng lúa mì lớn trên toàn cầu, có thể hạn chế nguồn cung sản phẩm nông nghiệp chỉ dành cho các quốc gia “thân thiện”, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông cho biết ông muốn đưa ra “một số điểm đơn giản nhưng quan trọng về an ninh lương thực ở Nga,” vì các lệnh trừng phạt được áp đặt.

Hầu hết những điểm này đều nằm trong chính sách nông nghiệp của đất nước trong nhiều năm.

“Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm cho bằng hữu của chúng tôi,” ông Medvedev nói trên mạng xã hội. “May mắn thay, chúng tôi có rất nhiều bằng hữu, và họ không ở Âu Châu hay Bắc Mỹ.”

Nga đã cung cấp lúa mì chủ yếu cho Phi Châu và Trung Đông. Liên minh Âu Châu và Ukraine là những đối thủ cạnh tranh chính của nước này trong thương mại lúa mì.

Ông Medvedev cho biết ưu tiên trong hoạt động cung cấp lương thực là thị trường nội địa của Nga và kiểm soát giá cả trong đó. Nga đã sử dụng hạn ngạch và thuế xuất cảng ngũ cốc từ năm 2021 để cố gắng ổn định lạm phát lương thực cao trong nước.

Nguồn cung cấp nông nghiệp cho “bằng hữu” sẽ [được thanh toán] bằng đồng rúp và tiền tệ quốc gia của họ theo tỷ lệ đã thỏa thuận, ông Medvedev nói.

Tiền tệ thanh toán có thể khác nhau trong từng hợp đồng xuất cảng ngũ cốc tùy theo nhu cầu của người mua và người bán. Tuy nhiên, nhận xét của ông Medvedev được đưa ra sau khi  gần đây Nga đã yêu cầu người mua ngoại quốc thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Related posts