Nga ‘cầu cứu’ Brazil để được ‘giữ chân’ tại IMF và WB

Russian President Vladimir Putin and his Brazilian counterpart Jair Bolsonaro attend a news conference following their talks in Moscow, Russia February 16, 2022. Sputnik/Mikhail Klimentyev/Kremlin via REUTERS/File Photo

Theo một bức thư được tờ Reuters tiết lộ, Nga đã yêu cầu Brazil hỗ trợ các vấn đề tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhóm các nền kinh tế hàng đầu G20 nhằm giúp nước này chống lại các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt kể từ cuộc xâm lược Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã viết thư cho Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes, mong muốn nước này “hỗ trợ ngăn chặn các cáo buộc chính trị và nỗ lực phân biệt đối xử trong các tổ chức tài chính quốc tế và diễn đàn đa phương.”

Ông Siluanov viết: “IMF và Ngân hàng Thế giới đang bị thao túng phía sau hậu trường nhằm hạn chế hoặc thậm chí gạt bỏ Nga khỏi quá trình ra quyết định.” Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết về những trở ngại đối với sự tham gia của Nga vào các tổ chức trên là gì, và các cáo buộc của ông không thể được xác minh một cách độc lập.

Bức thư được đề ngày 30/3 và được Đại sứ Nga tại Brazil chuyển tới Bộ trưởng Kinh tế nước này hôm 13/4. Nội dung bức thư không nhắc đến cuộc chiến ở Ukraine.

Bộ trưởng Nga giãi bày: “Như quý vị đã biết, Nga đang phải trải qua một giai đoạn hỗn loạn về kinh tế và tài chính đầy thách thức do các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt.”

Khi được hỏi về bức thư, ông Erivaldo Gomes, Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế thuộc Bộ Kinh tế Brazil, cho biết Brazil mong muốn Nga tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận tại các tổ chức đa phương.

Ông Gomes phát biểu: “Theo quan điểm của Brazil … việc giữ cho các cuộc đối thoại cởi mở là điều cần thiết. Cầu nối của chúng ta là cơ quan quốc tế và quan điểm của chúng tôi là những giá trị kết nối này phải được giữ gìn.”

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen tuần trước cho biết Hoa Kỳ sẽ không tham gia bất kỳ cuộc họp G20 nào nếu Nga có mặt, vì lý do cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine.

Theo Bộ trưởng Nga Siluanov, gần một nửa các khoản dự trữ quốc tế của Nga đã bị đóng băng và các giao dịch ngoại thương đang bị phong tỏa, bao gồm cả những giao dịch với các đối tác kinh tế thị trường mới nổi.

Ông cho biết thêm: “Hoa Kỳ và các vệ tinh của họ đang theo đuổi chính sách cô lập Nga khỏi cộng đồng quốc tế.”

Ông Siluanov khẳng định các biện pháp trừng phạt vi phạm nguyên tắc của thỏa thuận Bretton Woods được đặt ra khi thành lập IMF và WB.

Trong bức thư, ông Siluanov viết: “Chúng tôi cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại do các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có mà các nước G7 thúc đẩy có thể gây ra hậu quả lâu dài trừ khi chúng ta có hành động chung để giải quyết.”

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đến thăm Moscow chỉ vài ngày trước cuộc xâm lược, đã đặt Brazil vào thế trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine và không lên án cuộc chiến. Điều này đã thu hút sự chỉ trích của Chính quyền Biden.

Ông Bolsonaro đã bày tỏ “tình đoàn kết” khi đến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào ngày 16/2, khoảng một tuần trước khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Carlos Franca tuyên bố Brazil phản đối việc trục xuất Nga khỏi G20 theo đề xuất của Mỹ.

“Điều quan trọng nhất vào lúc này là tất cả các diễn đàn quốc tế, G20, WTO, FAO, cần hoạt động đầy đủ, và tất cả các quốc gia cần phải có mặt, kể cả Nga”, ông Franca phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 25/3.

Vy An (Theo Reuters)

Related posts